TỔNG TUYỂN CỬ VÀ QUỐC HỘI ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM

TỔNG TUYỂN CỬ VÀ QUỐC HỘI ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM

ThS. Trần Ngọc Sáng

Khoa Xây dựng Đảng

Cách mạng Tháng Tám 1945 vĩ đại là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã anh dũng đứng lên giành lấy chính quyền, đập tan gông xiềng của chủ nghĩa thực dân, lật nhào chế độ phong kiến, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tuy nhiên, ngay sau ngày công bố Tuyên ngôn độc lập 02/9/1945, đất nước ta lập tức phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách hiểm nghèo. Chính quyền cách mạng chưa được củng cố, lực lượng vũ trang còn non yếu, trong khi đó kẻ thù xâm lược lại ồ ạt kéo đến: miền Bắc là quân đội Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch cùng bè lũ phản cách mạng Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách mạng Đảng (Việt Cách), miền Nam thì là quân Anh - Pháp. Đó là chưa kể trên đất nước ta vẫn còn hơn 6 vạn quân Nhật. Chưa bao giờ trên lãnh thổ đất nước lại xuất hiện nhiều lực lượng vũ trang xâm lược đến thế. Trong khi ấy, ngân sách Nhà nước hầu như trống rỗng. Nền kinh tế nông nghiệp nước ta vốn đã lạc hâu, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Hậu quả của nạn đói khủng khiếp cuối năm 1944 đầu năm 1945 khiến hơn hai triệu đồng bào bị chết đói chưa khắc phục được. Tiếp đó là thiên tai, lũ lụt làm vỡ đê ở 9 tỉnh Bắc Bộ, rồi hạn hán kéo dài, khiến cho một nửa số ruộng đất không thể canh tác được. Ngân hàng Đông Dương và nhiều nhà máy, xí nghiệp vẫn còn nằm trong tay tư bản Pháp, Chính phủ ta chưa quản lý được. Hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng vọt, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, tàn dư văn hóa lạc hậu của chế độ thực dân - phong kiến để lại hết sức nặng nề, hơn 90% dân số không biết chữ...

'Giặc đói', 'giặc dốt' và giặc ngoại xâm cấu kết cùng nhau tàn phá, đất nước ta lúc này quả thực đang đứng trước tình thế 'ngàn cân treo sợi tóc'.

Hoàn cảnh ngặt nghèo, nhưng Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hết sức bình tĩnh và sáng suốt. Khó khăn tuy to lớn, nhưng Đảng và Chính phủ lâm thời khi đó lại đang có sự hậu thuẫn là sức mạnh đoàn kết của mấy chục triệu đồng bào. Đảng và Chính phủ ta, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận thức rõ, dựa vào sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân, mọi khó khăn, thử thách đều có thể vượt qua.

Những biện pháp tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, nhường cơm sẻ áo, 'Hũ gạo cứu đói', 'Ngày Đồng tâm', đắp đê chống lũ, bãi bỏ các thứ thuế vô lý... làm cho sản xuất dần dần được khôi phục, 'giặc đói' bị đẩy lùi.

Các cuộc vận động gây dựng 'Quỹ độc lập', 'Tuần lễ vàng'... đã được các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua hưởng ứng, khắc phục bước đầu tình trạng trống rỗng về ngân sách.

Phong trào 'Bình dân học vụ', đổi mới về nội dung và phương pháp giáo dục theo tinh thần cách mạng đã góp phần hiệu quả giúp xóa nạn mù chữ, tiêu diệt 'giặc dốt'. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng triệu đồng bào ta đã thoát khỏi nạn mù chữ, bước đầu biết đọc biết viết chữ quốc ngữ.

Riêng đối với vấn đề chống giặc ngoại xâm, ngoài việc tổ chức tấn công kẻ thù trên lĩnh vực quân sự, ngăn chặn quân địch mở rộng phạm vi chiếm đóng, công tác xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng cũng chính là một vấn đề quan trọng hàng đầu. Điều này một mặt tạo vị thế hợp pháp cho chính quyền cách mạng, củng cố niềm tin của nhân dân. Mặt khác cũng là để cho dư luận thế giới hiểu rõ hơn về cách mạng Việt Nam, không để cho kẻ thù lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc để chống phá.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chính phủ lâm thời đã nhanh chóng tiến hành chuẩn bị tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14 ngày 08/9/1945 và Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 về tổ chức Tổng tuyển cử. Tuy nhiên, công việc vận động tổ chức bầu cử gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Bọn Việt Quốc và Việt Cách, có sự đỡ đầu của quân Tưởng, ra sức chống phá bầu cử, tìm mọi cách để lật đổ chính quyền cách mạng. Người dân phần lớn mù chữ, vì vậy rất khó khăn để nắm bắt được các thông tin của các ứng cử viên. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên một cuộc Tổng tuyển cử được tổ chức ở nước ta, làm cho nhiều người không khỏi bỡ ngỡ, vì chưa hề có kinh nghiệm. Bên cạnh đó, ở Nam bộ và Nam Trung bộ, tình hình chiến sự với quân Pháp quay trở lại xâm lược khiến cho đời sống người dân đảo lộn, không thể tiến hành vận động bầu cử một cách bình thường.

Mặc dù vậy, với những chỉ đạo sáng suốt, sách lược khôn khéo và tài tình của Đảng và Chính phủ ta, cuộc tổng tuyển cử vẫn được diễn ra theo đúng kế hoạch vào ngày 06/01/1946. Nhân dân khắp nơi nô nức đi tới các điểm bỏ phiếu. Những lá phiếu bầu thực sự là kết quả của quá trình đấu tranh gay go, quyết liệt với kẻ thù, phải trả bằng máu của biết bao đồng bào, chiến sỹ.

Tại thủ đô Hà Nội, bọn Việt Quốc đem cả tiểu liên đến phố Ngũ Xã, ngăn không cho đặt hòm phiếu. Chúng cũng cấm không cho nhân dân treo cờ Tổ quốc. Ta đối phó bằng cách tổ chức tại phố Nguyễn Thái Học ở ngay gần đó.

Tại Trung bộ và Nam bộ, cuộc bầu cử diễn ra ngay dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Tuy vậy, ngay tại các vùng địch tạm chiếm như Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho vẫn có người dũng cảm đứng ra ứng cử. Một số đồng bào đã hi sinh ngay tại điểm bỏ phiếu, nhưng mặc cho địch điên cuồng khủng bố, khoảng 90% cử tri đã bất khuất, kiên cường thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân lần đầu tiên của mình.

Tổng tuyển cử đã thực sự trở thành một ngày hội của đất nước. Nhiều nơi, đồng bào còn tổ chức các cuộc rước đèn, rước đuốc, rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, diễn kịch, liên hoan... để hưởng ứng hoạt động bầu cử.

Cuộc bỏ phiếu cuối cùng đã thành công, nhân dân cả nước tín nhiệm bầu ra được 333 đại biểu vào Quốc hội của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia ứng cử tại Hà Nội và đã trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu rất cao (98,4%).

Bọn Việt Quốc và Việt Cách không dám tham gia ứng cử, bởi chúng hiểu rõ có tham gia cũng không thể trúng cử, vì không có sự tín nhiệm từ quần chúng nhân dân. Chính vì thế bọn chúng mới ra sức chống đối cuộc bầu cử quyết liệt như vậy. Tuy nhiên, Đảng ta đã có sách lược hết sức khôn khéo để đối phó, bằng cách chấp nhận mở rộng Quốc hội thêm 70 ghế cho 2 tổ chức này. Có được thỏa thuận ấy, bọn chúng mới chấp nhận hạn chế các hoạt động chống phá bầu cử. Thực tế, trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 1, có tất cả 403 đại biểu.

Quốc hội khóa 1 chính là quốc hội có nhiệm kỳ dài nhất trong lịch sử nước ta (kéo dài 14 năm từ 1946 đến 1960 với tổng cộng 12 kỳ họp):

- Kỳ họp thứ nhất diễn ra ngày 02/3/1946 với 403 đại biểu.

- Kỳ họp thứ 2 diễn ra từ ngày 28/10/1946 đến ngày 09/11/1946 với 291 đại biểu.

- Kỳ họp thứ 3 diễn ra từ ngày 01/12/1953 đến ngày 04/12/1953 với 166 đại biểu.

- Kỳ họp thứ 4 diễn ra từ ngày 20/03/1955 đến ngày 26/03/1955 với 166 đại biểu.

- Kỳ họp thứ 5 diễn ra từ ngày 15/9/1955 đến ngày 20/9/1955 với 211 đại biểu.

- Kỳ họp thứ 6 diễn ra từ ngày 29/12/1956 đến ngày 25/01/1957 với 230 đại biểu.

- Kỳ họp thứ 7 diễn ra từ ngày 10/9/1957 đến ngày 19/9/1957 với 217 đại biểu.

- Kỳ họp thứ 8 diễn ra từ ngày 16/4/1958 đến ngày 29/4/1958 với 224 đại biểu.

- Kỳ họp thứ 9 diễn ra từ ngày 09/12/1958 đến ngày 14/12/1958 với 207 đại biểu.

- Kỳ họp thứ 10 diễn ra từ ngày 20/5/1959 đến ngày 27/5/1959 với 205 đại biểu.

- Kỳ họp thứ 11 diễn ra từ ngày 18/12/1959 đến ngày 31/12/1959 với 217 đại biểu.

- Kỳ họp thứ 12 diễn ra từ ngày 11/4/1960 đến ngày 15/4/1960 với 211 đại biểu.

Trong suốt quá trình tồn tại của mình, Quốc hội khóa 1 đã thông qua 02 bản Hiến pháp năm 1946 và 1959 và tổng cộng 16 luật (trong đó có những luật rất quan trọng như Luật Cải cách ruộng đất 1953, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 1958, Luật Hôn nhân và gia đình 1960...). Ngoài ra, Quốc hội khóa 1 còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lãnh đạo, điều hành đất nước chống giặc ngoại xâm, xây dựng phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, y tế, giáo dục... thu được những kết quả vô cùng to lớn.

Có thể nói, tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã đánh dấu bước trưởng thành của Chính quyền cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ cơ sở pháp lý để đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam cả về đối nội và đối ngoại. Cuộc Tổng tuyển cử và hoạt động của Quốc hội đầu tiên là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nhà nước của dân, do dân và vì dân, được toàn thể nhân dân tín nhiệm giao phó trọng trách lãnh đạo, điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, đánh bại kẻ thù xâm lược, đưa nước ta tiến lên mạnh mẽ trên con đường xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Võ Chí Công (2001), Trên những chặng đường cách mạng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3. GS.TS Trịnh Nhu, TS Trần Trọng Thơ (2012), Cách mạng tháng Tám 1945 - Thắng lợi vĩ đại đầu tiên của cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, HN.

4. Võ Nguyên Giáp (2008), Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.

Từ khóa » Việt Quốc Và Việt Cách