Top Những Quan Niệm Sai Lầm Khi Kiêng Cữ Sau Sinh - Bibomart

Sau một thời gian dài mang thai và sinh nở khó nhọc, ở cữ sẽ là giai đoạn giúp mẹ hồi sức và dần làm quen với việc làm mẹ. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng có thể phân biệt được đâu là phương pháp kiêng cữ sau sinh đúng đắn; đâu là cách kiêng cữ phản khoa học. Cùng Bibo Mart bóc tách 8 quan niệm sai lầm khi kiêng cữ sau sinh trong bài viết dưới đây mẹ nhé!

Mục lục

Toggle
  • 1. Kiêng tắm gội suốt thời gian ở cữ
  • 2. Kiêng mặc quần áo cộc
  • 3. Kiêng ăn hải sản
  • 4. Phải dùng nhiều rượu gừng nghệ
  • 5. Kiêng ra ngoài, phải ở trong phòng kín
  • 6. Phải nằm than hơ người sau sinh
  • 7. Kiêng nói chuyện
  • 8. Ăn càng nhiều chân giò thì sữa về càng nhiều

1. Kiêng tắm gội suốt thời gian ở cữ

Theo quan niệm xưa, phụ nữ sau sinh nên kiêng tắm gội từ 1 – 3 tháng để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe. Việc tắm gội quá sớm được cho là sẽ khiến người mẹ thường xuyên bị rét lạnh, nổi gân tay gân chân; hay cơ thể bị ốm yếu, đau nhức xương khớp về sau.

👉 Thực tế là:

Theo các bác sĩ, sau quá trình sinh nở, cơ thể mẹ sẽ ra nhiều mồ hôi; chưa kể việc nằm nhiều một chỗ quá lâu cũng làm cho cơ thể bí bách. Để đầu bẩn, lâu không gội sẽ gây ngứa ngáy không yên. Những tình trạng như gàu, nấm ngứa cũng xuất hiện do vi khuẩn tích tụ và sinh sôi. Cơ thể lâu ngày không tắm rửa cũng khiến mẹ có nguy cơ mắc bệnh về da liễu; vô tình lây sang cho bé khi mẹ ôm và cho con bú. Vì vậy mẹ cần tắm gội thường xuyên để có một cơ thể khỏe khoắn, sạch sẽ.

Cần lưu ý là khi gội đầu, mẹ nên dùng nước ấm. Cần sấy tóc khô ngay sau khi gội xong, hạn chế để tóc ướt lâu. Mẹ cũng nên tắm bằng nước ấm; khi tắm xong có thể thoa tinh dầu như tràm, bưởi, sả chanh,… để làm ấm cơ thể và giúp cơ săn chắc.

kiêng cữ sau sinh
Mẹ sau sinh nên tắm gội thường xuyên để hạn chế mồ hôi

2. Kiêng mặc quần áo cộc

Các bà hay nói rằng sau sinh cơ thể còn yếu, nhất định phải mặc kín quần áo dài tay, bịt tai, đi tất cả ngày. Mặc đồ dài, kín từ đầu đến chân sẽ giúp cơ thể không bị buốt, giảm tình trạng tai bị ù ở mẹ sau sinh.

👉 Thực tế là:

Vào mùa đông, việc giữ ấm cho sản phụ là cần thiết để mẹ tránh bị nhiễm lạnh. Do vậy, mẹ nên mặc quần áo dài tay, đi tất để cơ thể luôn duy trì mức nhiệt ổn định.

Nhưng nếu mẹ sinh vào thời tiết nóng nực thì nên giữ cho cơ thể thoáng mát. Trong nhà, mẹ có thể mặc áo cộc tay và không cần đi tất, nhưng cũng không nên ngồi trước quạt mạnh hay điều hòa nhiệt độ quá thấp vì thời điểm này sức đề kháng của người mẹ còn yếu.

Việc bịt bông tai cũng là một cách để sản phụ giảm tiếp xúc với gió lùa và tiếng động mạnh gây căng thẳng, stress. Tuy nhiên cũng không cần thiết nếu ở chỗ nghỉ ngơi của mẹ yên tĩnh và kín gió.

kiêng cữ sau sinh
Không nên mặc quần áo kín mít nếu mẹ sinh con vào mùa hè

3. Kiêng ăn hải sản

Trong hải sản có nhiều thủy ngân. Đây là chất kịch độc gây hại cho sức khỏe của mẹ và bé sơ sinh. Chưa kể có nhiều loại thủy, hải sản ăn vào sẽ khiến mẹ bị lạnh bụng, đi ngoài, tiêu chảy và mắc nhiều bệnh về đường ruột khác.

👉 Thực tế là:

Quan niệm này không hẳn là đúng. Bởi có nhiều loại thủy, hải sản vẫn được khuyến khích dùng cho bà mẹ khi mang thai lẫn sau sinh do có nhiều giá trị dinh dưỡng. Ăn hải sản có thể bổ sung nguồn protein, canxi, chất sắt,… dồi dào cho cơ thể mẹ.

Điển hình là cá hồi rất giàu DHA, omega-3; đây là chất béo rất quan trọng đối với sự phát triển hệ thần kinh của trẻ sơ sinh. Mẹ có thể bổ sung cá hồi hoặc dầu cá hồi trong bữa ăn hàng ngày để cung cấp dưỡng chất cho bé thông qua dòng sữa.

Một số loại như cá mập, cá kiếm, cá thu, cá ngừ đại dương,… có hàm lượng thủy ngân khá cao. Chính vì vậy mẹ không nên ăn vì có thể gây tổn thương não của bé. Mẹ không nên ăn quá nhiều. Và đặc biệt cần tuân thủ ăn chín uống sôi; tuyệt đối không nên ăn các món hải sản sống, tái khi ở cữ.

Không phải loại hải sản nào cũng nên kiêng sau sinh
Mẹ không nên ăn các món hải sản tái, sống như sushi hay sasimi

4. Phải dùng nhiều rượu gừng nghệ

Rượu gừng nghệ đem tới nhiều lợi ích về sức khỏe lẫn sắc đẹp cho mẹ sau sinh. Vì thế, nhiều mẹ cho rằng bôi càng nhiều rượu gừng nghệ thì càng có hiệu quả nhanh.

👉 Thực tế là:

Rượu gừng nghệ phát huy công dụng khá hiệu quả khi có thể giữ ấm cơ thể; tránh bị cảm lạnh sau khi sinh; massage giảm mỡ bụng;… Tuy nhiên nếu mẹ lạm dụng loại rượu này để thoa liên tục mỗi ngày sẽ dẫn tới phản ứng ngược.

Rượu được thoa lên da diện rộng sẽ gây khô da, làm tổn thương lớp thượng bì. Tinh chất trong nghệ và gừng khi ngâm với rượu rất dễ gây kích ứng da, nhất là ở những người có cơ địa dị ứng và làn da nhạy cảm. Da sẽ bị viêm, nổi sẩn đỏ, ngứa rát… rất khó chịu.

Ngoài ra, sẽ không an toàn cho làn da của em bé nếu lỡ tiếp xúc với dung dịch này. Chưa kể, nếu mẹ bôi rượu gừng nghệ gần bầu ngực sẽ khiến bé vô tình ngậm phải rượu khi bú mẹ, gây bỏng rát cho con.

5. Kiêng ra ngoài, phải ở trong phòng kín

Đóng kín phòng không ra ngoài để giữ ấm cho mẹ và bé, tránh các tác nhân bên ngoài có thể gây cảm sốt, sốt hậu sản,.v.v. Theo dân gian, nếu mẹ và bé đi ra ngoài sẽ còn gặp phải những vía dữ khiến bé quấy khóc không ngừng. Đây là quan niệm kiêng cữ sau sinh được truyền miệng lâu đời.

👉 Thực tế là:

Điều này có thể gây hại; bởi việc đóng kín cửa sẽ khiến căn phòng ẩm thấp, tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn phát triển, có thể gây bệnh cho hai mẹ con. Tốt nhất, thỉnh thoảng mẹ nên mở cửa sổ cho phòng thoáng mát và ánh nắng buổi sáng có thể chiếu vào.

6. Phải nằm than hơ người sau sinh

Theo quan niệm của các bà, việc nằm than sau sinh rất cần thiết. Trải qua ca sinh, phụ nữ thường mất rất nhiều máu nên cần nằm than, hơ lửa để giữ ấm cơ thể, giúp máu huyết lưu thông tốt hơn. Nằm than giúp mẹ nhanh phục hồi sau sinh, bé nhanh cứng cáp.

Đây vẫn còn là một quan niệm kiêng cữ sau sinh gây tranh cãi. Phương pháp này có lẽ được bắt nguồn từ ngày xưa, do các cụ sau sinh mất nhiều máu, thường cảm thấy lạnh nên cần được làm ấm cơ thể.

👉 Thực tế là:

Than khi được đốt cháy sẽ tạo ra khí CO (cacbon monoxit) và CO2 (cacbon đioxit). Nếu mẹ và bé hít phải sẽ có nguy cơ ngộ độc dẫn đến ngạt thở, thậm chí tử vong. Trường hợp nhẹ nhất vẫn có thể gây ảnh hưởng lên đường hô hấp, gây viêm phổi.

Bếp than thường đặt dưới gầm giường hoặc rất gần chỗ nằm. Điều này làm gia tăng nguy cơ gây phỏng, nguy cơ hỏa hoạn. Chưa kể, bếp than thiếu vệ sinh và nhiệt độ cung cấp không ổn định sẽ gây khô da, rôm sẩy cho cả mẹ và bé.

Bà đẻ có nên nằm than sau sinh để giữ ấm?
Mẹ nằm than hơ nóng phải chịu nhiều tác hại khôn lường

7. Kiêng nói chuyện

Theo quan niệm cũ, nếu sau khi sinh mẹ nói nhiều thì sau này dễ bị nói nhịu. Do đó, bà mẹ sau sinh không được nói chuyện hay tiếp lời mọi người đến khi hết kỳ ở cữ.

👉 Thực tế là:

Quan niệm này không hề có căn cứ khoa học. Sản phụ vẫn cứ giao tiếp bình thường. Chỉ cần hạn chế nói quá to để tránh ảnh hưởng tới dây thanh quản.

8. Ăn càng nhiều chân giò thì sữa về càng nhiều

Các bà hay dạy rằng phải tẩm bổ thật nhiều chân giò mới lợi sữa. Chân giò còn có tác dụng bổ huyết, thống nhũ, sinh cơ liền sẹo, hồi phục sức khỏe, thúc đẩy sự trao đổi chất và phục hồi sinh lý bình thường. Ăn càng nhiều, mẹ càng nhiều sữa cho con bú.

👉 Thực tế là:

Chân giò đúng là một loại thực phẩm giàu dưỡng chất. Nhiều người cho rằng phần móng giò có chứa nhiều chất keo protit. Đây được xem là chất có tác dụng kích thích tuyến sữa của bà mẹ.

Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều 1 loại thực phẩm nào đó không hề tốt. Phụ nữ mới sinh hệ tiêu hóa rất yếu; trong khi đó, chân giò nhiều chất béo càng khiến quá trình tiêu hóa khó khăn. Món ăn này còn có thể khiến người mẹ tăng cân nhanh, thậm chí béo phì.

Mẹ bỉm nên cân đối thực đơn ăn uống sau sinh. Có rất nhiều món ăn có tác dụng lợi sữa mà mẹ có thể ăn trong thời gian ở cữ.

kiêng cữ sau sinh
Ăn quá nhiều chân giò sẽ khiến mẹ nhanh tăng cân, tích mỡ

>> Xem thêm: Bà đẻ kiêng ăn gì để không bị mất sữa sau sinh?

Trên đây là tổng hợp những quan niệm kiêng cữ sau sinh sai lầm mà mẹ không nên mắc phải. Thay vì tin tưởng và làm theo những phương pháp kiêng cữ thiếu khoa học, mẹ hãy xin lời tư vấn từ các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng. Bibo Care chúc mẹ sẽ có một thời gian nghỉ ngơi sau sinh chất lượng!

Từ khóa » Những Quan Niệm Sai Lầm Sau Khi Sinh