Tops 05 Loại Bệnh Phổ Biến Trên Hoa Hồng Do Nấm Gây Ra

BỆNH BỔ BIẾN TRÊN HOA HỒNG DO NẤM GÂY NÊN

Bệnh trên hoa hồng thì có rất nhiều loại, từ thân, rễ, lá, chồi và hoa đều có thể bị bệnh nếu như bạn kiểm soát không đúng cách. Nguyên nhân dẫn đến bệnh trên hoa hồng thì có rấy nhiều loại nhưng chung quy lại có 02 lý do: Môi trường và côn trùng, nấm bệnh gây ra. Trong bài viết này, mình sẽ nêu ra 05 loại bệnh phổ biến trên hoa hồng do nấm bệnh gây nên để bạn hiểu hơn cho việc chăm sóc hoa hồng đúng cách.

Trước khi đi vào vấn đề chính, chúng ta cùng tìm hiểu về khái niệm nấm bệnh là gì? Những tác hại của nấm bệnh đối với hoa hồng và sau cùng là đi tìm hiểu các loại nấm bệnh trên hoa hồng để tìm cách chữa trị hợp lý nhất.

Nấm Bệnh Là Gì?

Nấm bệnh hay hiểu nôm na là bệnh do nấm gây ra. Trong môi trường có 02 loại vi nấm được chia ra là: Vi nấm có hại có lợi. Ở bài này, mình sẽ nói về vi nấm có hại. Tức là các loại vi nấm này sẽ tồn tại và kí sinh lên các bộ phân của cây trồng như: Thân, Lá, Rễ, Hoa, Chồi,.. hút dinh dưỡng từ các bộ phận này và sau đó làm cho các bộ phận này sinh trưởng kém đi.

Các loại vi nấm gây hại phổ biến hay gặp đó chính là: Furasium, Aspergillus,Colletotrichum, Phragmidium mucronatum, Peronospora sparsa và nhiều giống nấm gây hại khác. Một khi chungs xuất hiện sẽ làm lây lan nhanh, phát tán bào tử trong không khí sẽ làm tốc độ gây hại tăng lên nhanh nếu như không có biện pháp ngăn ngừa.

Những Tác Hại Của Nấm Bệnh Đối Với Hoa Hồng

Nếu như nói về tác hại của nấm đối với hoa hồng thì có rất nhiều mức độ gây hại tùy thuộc vào 02 yếu tố chính là: Mật độ của nấm gây hại và khả năng gây hại (sự tác động) của nấm bệnh ở mức độ nào. Nhìn chung thì khi hoa hồng đã bị nấm bệnh tấn công sẽ gây ra các tác hại như sau:

  • Rễ bị hư hỏng, thối rễ, rễ không sinh trưởng được: Nấm bệnh sẽ cộng sinh lên rễ của hoa hồng, chúng lấy các chất dinh dưỡng mà rễ hấp thụ được để sinh trưởng. Từ đó, làm cho hoa hồng bị thiếu chất dinh dưỡng do rễ không vận chuyển được toàn bộ dinh dưỡng lên phía trên cho thân, lá, hoa sử dụng được.

  • Lá nhăn nheo, vàng lá, lá đen và không quan hợp được: những tác động này đến hầu hết là do vi nấm xuất hiện trên lá, cụ thể là các bệnh như rỉ sắt, đốm lá, thán thư,.. khi chúng xuất hiện sẽ bao phủ hết cả 02 mặt của lá làm cho lá không hấp thụ ánh sáng để quang hợp được, lấy dinh dưỡng từ lá và làm cho cây sinh trưởng yếu đi trong thấy.

  • Hoa bị héo rũ, đen và hư hỏng sau đó: Những tác hại này thì do nấm trên hoa, cụ thể thường thấy nhất đó là do nấm gây thối hoa, thối nụ gây nên. Hoa đang nở đều và đẹp, chỉ cần nấm xuất hiện sẽ làm các cánh hoa trở nên xấu xí, đen và mất khả năng sinh trưởng được nữa.

  • Thân bị đen, gãy cành và cây bị suy: Điều này thấy rõ nhất với bệnh đen thân khô cành, khi nấm bệnh tấn công vô thân cành bằng vết thương hở chúng sẽ tạo ra các vết đen và tấn công thẳng vào các mạch vận chuyển sẽ làm cây không còn khả năng vận chuyển nữa, cây mất sức sống do thiếu dinh dưỡng, suy cây và chết cây sau đó.

Tổng Hợp 05 Loại Nấm Bệnh Trên Hoa Hồng Phổ Biến Nhất

#01 Bệnh Phấn Trắng Trên Hoa Hồng

Đứng đầu trong danh sách các loại bệnh phổ biến trên hoa hồng thì bệnh phấn trắng là hay gặp nhất. Bệnh phấn trắng là một loại bệnh do nấm Sphaerotheca paranosa gây nên, chúng sẽ phát triển rất mạnh trên cây hoa hồng khi độ ẩm môi trường ở vào khoảng từ 85% và nhiệt độ ở khoảng 20 độ C ( nhất là mùa mưa, mưa phùn kéo dài hoặc do tưới nước quá nhiều).

Biểu hiện: Khi hoa hồng bị bệnh phấn trắng sẽ xuất hiện 03 biểu hiện chính:

  • Thân cây co lại rất giống bị bọ trĩ, phần thân lá có lớp bột màu trắng (phấn trắng bao quanh)

  • Phần thân chồi bắt đầu khô dần và thiếu đi sức sống, suy cây dần

  • Lớp phấn trắng xuất rất nhiều ở cả 02 mặt lá, thân, cành, nụ hoa và làm khô nụ hoặc không thể nở hoa được

Cách phòng & trị: Có rất nhiều cách để phòng trừ bệnh phấn trắng trên hoa hồng, bạn tham khảo các cách sau tùy vào mức độ của bệnh trên hoa hồng:

  • Nên cắt tỉa, tạo tán để các tầng của lá hoa hồng có khả năng đón ánh sáng tốt nhất (vì nấm gây bệnh này không ưa sáng)

  • Tưới nước hợp lý, không nên để lá của hoa hồng lúc nào cũng ở tình trạng bị đẫm nước

  • Theo dõi thời tiết để có cách khắc phục hoặc che chắn cho cây hoa hồng tránh được ẩm tốt nhất

  • Sắp xếp mật độ trồng hoặc chậu trồng cho hợp lý, tránh tình trạng chậu hoa hồng nằm sát nhau

  • Nếu mức độ nặng nên dùng các loại chế phẩm sinh học hoặc thuốc trừ nấm bệnh như: Dịch tỏi ớt, tinh dầu neem hoặc nếu nặng hơn nên dùng đến các loại thuốc trừ nấm như: Antracol 70WP, Ridomil Gold 68WG,..

#02 Bệnh Sương Mai, Thán Thư Trên Hoa Hồng

Bệnh sương mai và bệnh thán thư cũng là những bệnh do nấm gây nên rất phổ biến và hay gặp trên cây hoa hồng. Bệnh sương mai do nấm Peronospora sparsa gây ra và bệnh thán thư do nấm Colletotrichum spp. gây ra. Bệnh phát triển mạnh nhất mùa lạnh hoặc nhiệt độ thấp, môi trường có độ ẩm cao hoặc các lá bị ẩm do tưới nhiều nước.

Biểu hiện: Biểu hiện của bệnh thán thư và sương mai xuất hiện cả ở lá (gân lá đầu tiên), thân, chồi và cả ở gốc cây hoa hồng. Cụ thể là:

  • Gân lá xuất hiện các vết màu tím đỏ, loang dần ra toàn bộ lá rồi sau đó đi xuống phần thân và gốc cây với vết màu tím đặc trưng. Khi bị sương mai nặng, lá sẽ bị héo rồi rụng, không thể quang hợp được và cây bị suy sau đó.

  • Khi bị thán thư thì lá xuất hiện các vết loang lỗ trên bề mắt với màu nâu đặc trưng, phần viền ngoài của vết loang này có màu nâu đậm và bên trong nhạt hơn. Chúng xuất hiện nhiều ở chóp lá, viền lá hoặc thậm chí ngay chính giữa của lá. Khi bị nặng hơn, chúng sẽ làm thủng lá, lan xuống thân và gây thêm bệnh đen thân ở hoa hồng.

Cách phòng & trị: Để phòng trừ hiệu quả bệnh thán thư và sương mai trên hoa hồng, chúng ta cần kiểm soát các điểm như sau:

  • Nên kiểm tra đất thường xuyên vào mùa mưa, nên thoát nước thật tốt cho đất trồng, nên cho cây tiếp xúc ánh sáng ít nhất cũng phải từ 3 tiếng/ngày.

  • Tưới nước hợp lý, không nên tưới lên lá vì rất dễ làm cho nấm bệnh xuất hiện nhanh và gây hại cho hoa hồng

  • Nếu cây bị mức độ nhẹ, nên sử dụng nấm đối kháng trichoderma pha loãng và phun lên để phòng và trừ nấm bệnh rất hiệu quả.

  • Nếu cây bị thán thư, sương mai nặng thì bạn nên dùng các loại thuốc trừ nấm chuyên dùng như Help 400SC, Amistar Top 325SC và nhiều loại thuốc trừ nấm bệnh khác dùng rất tốt trên hoa hồng.

#03 Bệnh Đốm Lá Hoa Hồng

Bệnh đốm lá trên hoa hồng do nấm bệnh mang tên Diplocarpon rosae gây ra. Bệnh đốm lá trên hoa hồng rất phổ biến và xuất hiện rất mạnh vào mùa mưa khi độ ẩm tăng cao trên 80%, nhiệt độ thay đổi đột ngột do trời nắng rồi mưa sau đó.

Biểu hiện: Biểu hiện dễ nhìn thấy nhất đối với bệnh do nấm Diplocarpon rosae gây ra là trên lá của cây hoa hồng, cụ thể là:

  • Phần mặt trên lá sẽ xuất hiện vết đen tròn, sau đó có hình bán nguyệt. Màu sắc thay đổi dần từ màu xám sang màu đen đậm, loang ra toàn bộ mặt trên của lá khi chúng phát triển.

  • Lá của hoa hồng xuất hiện vết đốm này khi lá màu xanh, sau đó làm cho lá hoa hồng ngã sang màu vàng chanh, rụng lá rất nhanh, làm suy cây sau đó.

Cách phòng & trị: Để phòng và trừ bệnh đốm lá trên hoa hồng thì tùy vào mức độ nặng hay nhẹ mà lựa chọn phương án cho thích hợp. Cụ thể là:

  • Cứ sau mỗi đợt hoa hãy cắt tỉa hết hoa và các cành lá để tạo độ thông thoáng và giúp cây quang hợp tốt hơn, không tưới nước đẫm lên thân lá của cây hoa hồng để giảm khả năng phát triển của nấm bệnh.

  • Đối với trước hợp nhẹ thì nên dùng kéo cắt tỉa lá hoặc cành nơi nấm bệnh mới xuất hiện để tránh làm lây lan ra toàn bộ cây, phun thêm các loại chế phẩm sinh học như: Olicide 9DD, Dịch tỏi hoặc nấm trichoderma để diệt mầm của nấm bệnh gây đốm lá hoa hồng.

  • Nếu cây bị nặng và nghiêm trọng, nên dùng thuốc hóa học diệt nấm bệnh như: Coc 85 (Đồng oxyclorua), Nano Bạc trị nấm bệnh hoặc các loại thuốc có gốc hóa học mạnh như: Anvil 5SC, Daconil 500SC,.. để diệt hoàn toàn nấm bệnh.

#04 Bệnh Rỉ Sắt (Gỉ Sắt) Xuất Hiện Trên Hoa Hồng

Bệnh Gỉ Sắt hay Rỉ Sắt nguyên nhân do nấm Phragmidium mucronatum gây ra khi chúng được phát tán trong không khí. Loại nấm bệnh này phát triển mạnh ở nhiệt độ 20 °C, lây lan rất nhất ở các bộ phận của lá.

Biểu hiện: Biểu hiện dễ nhìn thấy nhất đối với bệnh gỉ sắt trên cây hoa hồng là ở lá, cụ thể là:

  • Trên bề mặt lá xuất hiện vết màu vàng li ti, độ xuất hiện ngẫu nhiên và chiếm toàn bộ diện tích của lá.
  • Khi chúng xuất hiện nhiều, thì các bào tử màu cam đậm đồng thời cũng sẽ xuất hiện nhiều ở mặt dưới của lá, chúng sẽ phát tán rất nhanh đi xuống thân cành và các lá khác trên cây hoặc các cây xung quanh.

Cách phòng & trị:Để phòng và trừ bệnh gỉ sắt trên hoa hồng, chúng ta cần thực hiện nhanh và dứt khoát. Cụ thể là:

  • Khi thấy vết vàng li ti trên mặt lá, lập tức dùng kéo cắt bỏ lá đó hoặc cành rồi bỏ nơi xa nhất tránh lây nhiễm cho cây.

  • Đưa cây đang bị gỉ sắt tách riêng ra 1 khu, dùng các loại thuốc diệt nấm đặc hiệu như: Plantvax, Bavistin, Zinneb, Topsin M phun ngay cho cây để tránh bào tử nấm phát tán trong không khí.

#05 Bệnh Đen Thân Trên Cây Hoa Hồng

Bệnh đen thân khô cành rất hay xuất hiện trên cây hoa hồng. Bệnh xuất hiện nhiều vào mùa mưa, nhiệt độ thay đổi đột ngột hoặc giai đoạn ngày nắng đêm mưa sẽ làm cho nấm bệnh phát triển nhanh. Khi trên thân hoặc cành hoa hồng có các vết thương hay vết xay xát nhẹ chúng sẽ len lõi theo đường này để tấn công và làm hại cho thân cành hoa hồng.

Biểu hiện: Biểu hiện dễ nhìn thấy nhất đối với đen thân khô cành trên cây hoa hồng dễ thấy nhất là phần thân và cành từ màu xanh chuyển sang nâu đen rồi khô, cụ thể là:

  • Thân và cành của hoa hồng đang tươi tốt, màu xanh đột ngột đổi màu sang màu xám, màu đen rồi cành trở nên khô do mất nước, làm suy cành.

  • Bệnh đen thân khô cành làm cành suy yếu đi, không vận chuyển được nước và dinh dưỡng cho cây sử dụng làm cây yếu, mất sức sống và rụng lá và hoa hàng loạt.

  • Khi cây bệnh đen thân khô cành nặng, sẽ làm suy cây, suy cành rồi dẫn tới hiện tượng cây hoa hồng bị chết khô do mất nước.

Cách phòng & trị:Để phòng và trừ bệnh đen thân khô cành trên hoa hồng hiệu quả thì chỉ có cách là không nên để chúng xuất hiện:

  • Vào mùa mưa hoặc lúc nhiệt độ thay đổi đột ngột thì nên phun các loại chế phẩm diệt nấm bệnh như: trichoderma, nano bạc hoặc coc 85 ở liều pha thấp để phun phòng cho cây

  • Không nên chiết ghép hay hạn chế tối đa các vết thương hở trên cả thân và cành của hoa hồng vào mùa mưa để tránh làm nấm xâm nhiễm từ đây.

  • Nếu cây bị đen thân khô cành, lập tức dùng kéo được sát trùng rồi bấm bỏ cành đó để không cho lây nhiễm, dùng thêm keo liền sẹo cây bôi lên vết cắt để không cho nấm bệnh nhiễm vào.

Xem thêm: Cách Trị Bệnh Đen Thân Khô Cành Trên Hoa Hồng

Trên đây là bài viết ngắn về " 05 loại bệnh phổ biến trên hoa hồng do nấm bệnh gây nên" mình đã chia sẻ cùng bạn. Tuy nhiên, trên hoa hồng thì còn rất nhiều loại nấm bệnh khác gây ảnh hưởng tới hoa hồng mà bạn cũng nên tham khảo thêm (mình sẽ chia sẻ trong một bài viết khác). Nếu bạn có thêm thắc mắc hoặc cần sự hướng dẫn thêm về cách trừ nấm bệnh cho hoa hồng, bạn liên hệ ngay với độ ngũ kỹ thuật tại Xanh Bất Tận qua Hotline số 0972158146 - 0932657564 để được tư vấn miễn phí.

Đọc thêm

* Nhìn lá đoán bệnh hoa hồng

* Hoa hồng bị vàng lá gân xanh

* Hoa hồng bị rụng lá

* Hoa hồng bị sâu ăn lá

Từ khóa » Các Triệu Chứng Bệnh Của Cây Hoa Hồng