TP Cần Thơ - Báo Cần Thơ Online
Có thể bạn quan tâm
I LỊCH SỬ HÌNH THÀNH ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH
Cuối thế kỷ XVIII, Mạc Cửu vốn là người Trung Quốc không thần phục nhà Thanh, cùng tùy tùng và dân cư theo đường biển kéo vào miệt Hà Tiên khai khẩn, lập nghiệp dưới sự bảo hộ của chúa Nguyễn, được phong làm Tổng binh trấn Hà Tiên, từ đó cư dân qui tụ ngày càng đông. Năm 1732, toàn bộ đất phương Nam được Chúa Nguyễn chia làm 3 Dinh và 1 Trấn gồm: Trấn Biên Dinh (vùng Biên Hòa ngày nay), Phiên Trấn Dinh (Gia Định), Long Hồ Dinh (Vĩnh Long) và Trấn Hà Tiên. Sau khi Mạc Cửu mất, Mạc Thiên Tích nối nghiệp cha, đẩy mạnh công cuộc khai khẩn ra vùng hữu ngạn sông Hậu, đến năm 1739 thì hoàn tất với 4 vùng đất mới: Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Bạc Liêu) được sáp nhập vào đất Hà Tiên. Đây là điểm mốc đánh dấu sự xuất hiện của Cần Thơ trên dư đồ Việt Nam.
Từ 1753 được sự đồng tình của Chúa Nguyễn, Mạc Thiên Tích cùng với đại thần Nguyễn Cư Trinh đã đưa Trấn Giang phát triển thành một “thủ sở” mạnh ở miền Hậu Giang. Năm 1771, quân Xiêm tấn công Hà Tiên nhưng không chiếm được Trấn Giang. Năm 1774, nghĩa quân Tây Sơn kéo quân vào Nam đánh chiếm thành Gia Định, sau đó kéo xuống miền Tây và Trấn Giang. Sau trận Rạch Gầm Xoài Mút (1/1785), năm 1787, quân Tây Sơn rút khỏi các dinh trấn miền Tây, Trấn Giang trở lại dưới quyền bảo hộ của nhà Nguyễn. Suốt thập niên 70 của thế kỷ XVIII, Trấn Giang trở thành một cứ điểm quan trọng và phát triển mạnh trong bối cảnh lịch sử đầy xáo động. Sau khi Gia Long lên ngôi, qua hai lần điều chỉnh lại dư đồ hành chính, Trấn Giang thuộc địa giới của trấn Vĩnh Thanh. Năm 1813, vua Gia Long cắt một vùng đất ở bờ phải sông Hậu (gồm Trấn Giang - Cần thơ xưa) lập huyện Vĩnh Định, thuộc phủ Đình Viễn, trấn Vĩnh Thanh. Năm 1832, vua Minh Mạng ban chiếu đổi “Trấn” thành “Tỉnh” và chuyển huyện Vĩnh Định sang phủ Tân Thành, tỉnh An Giang; năm 1839, đổi tên huyện Vĩnh Định thành Phong Phú, trực thuộc phủ Tịnh Biên, tỉnh An Giang và lấy làng Tân An làm huyện lị của huyện Phong Phú. Huyện Phong Phú tiếp tục phát triển và nổi tiếng là một vùng đất thịnh trị và an ninh khác hẳn mọi vùng ở miền Tây lúc bấy giờ.
Năm 1867, sau khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây gồm : Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Ngày 1/1/1868, Thống đốc Nam kỳ là Bonard sáp nhập huyện Phong Phú với Bãi Sào (Sóc Trăng) thành một quận. Ngày 30/4/1872, sáp nhập Phong Phú với Bắc Tràng là một vùng thuộc phủ Lạc Hóa tỉnh Vĩnh Long lập thành một hạt. Ngày 23/2/1876, Soái phủ Sài Gòn ra nghị định mới lấy huyện Phong Phú và một phần huyện An Xuyên và Tân Thành để lập nên hạt Cần Thơ với thủ phủ là Cần Thơ. Năm 1889, Pháp đổi các đơn vị hành chính cấp hạt thành tỉnh và huyện đổi lại là quận. Từ đó đến khi Pháp trở lại xâm chiếm Việt Nam lần thứ 2 (năm 1945 đến năm 1954), thì địa giới hành chính tỉnh Cần Thơ trong thời Pháp thuộc vẫn không thay đổi. Tỉnh Cần Thơ gồm có thị xã Cần Thơ và các huyện Châu Thành, Ô Môn, Phụng Hiệp, Trà Ôn, Cầu Kè. Tuy nhiên, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào hai năm 1948 - 1949 chính quyền kháng chiến có điều chỉnh một phần địa giới hành chính của các tỉnh. Cần Thơ nhận thêm huyện Thốt Nốt (Long Xuyên), các huyện Long Mỹ, Gò Quao, Giồng Riềng, thị xã Rạch Giá (Rạch Giá) và huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng). Tỉnh Cần Thơ giao 2 huyện Trà Ôn và Cầu Kè về tỉnh Vĩnh Trà (Vĩnh Long - Trà Vinh).
Khi đế quốc Mỹ nhảy vào thay chân Pháp, năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm đổi tên tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Phong Dinh.
Về phía chính quyền cách mạng, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tên tỉnh Cần Thơ vẫn được duy trì. Tháng 11/1954, địa giới hành chính tỉnh Cần Thơ trở lại như trước khi được điều chỉnh năm 1948 - 1949. Năm 1956, hai huyện Trà Ôn và Cầu Kè được đưa về Vĩnh Long. Năm 1957 huyện Long Mỹ trở về tỉnh Cần Thơ, năm 1958, huyện Kế Sách (thuộc tỉnh Sóc Trăng) và năm 1963, huyện Thốt Nốt (Long Xuyên) cũng nhập vào Cần Thơ. Năm 1966, hình thành thị xã Vị Thanh trực thuộc tỉnh Cần Thơ. Năm 1969, tách thị xã Cần Thơ ra khỏi tỉnh Cần Thơ trực thuộc khu Tây Nam bộ, đến 1971 trở lại thuộc tỉnh Cần Thơ. Năm 1972, thị xã Cần Thơ trở thành là thành phố Cần Thơ, trực thuộc khu Tây Nam bộ.
Ngày 24/3/1976, tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ sáp nhập, lập thành tỉnh mới lấy tên là Hậu Giang, tỉnh lỵ là thành phố Cần Thơ. Tháng 12/1991, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 8, kỳ họp thứ 10 ra Nghị quyết tách tỉnh Hậu Giang thành 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng. Ngày 1/1/2004, tỉnh Cần Thơ chia thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang.
II.CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH THÀNH PHỐ CẦN THƠ HIỆN NAY
Quận Ninh Kiều: diện tích: 29,22 km2; Dân số: 208 nghìn người; tổng số phường xã:12 phường: Cái Khế; An Hòa; Thới Bình; An Nghiệp; An Cư; An Hội; Tân An; An Lạc; An Phú; Xuân Khánh; Hưng Lợi; An Bình.
Quận Cái Răng: diện tích: 62,53 km2; Dân số: 77.292 người Tổng số phường xã: 7 phường: Lê Bình; Hưng phú; Hưng Thạnh; Ba Láng; Thường Thạnh; Phú Thứ; Phường Tân Phú.
Quận Bình Thuỷ: diện tích: 68,78 km2; Dân số: 86.279 người. Tổng số xã phường: 6 phường: Long Tuyền; Bình Thủy; Trà Nóc; Thới An Đông; An Thới; Long Hòa.
Huyện Phong Điền: diện tích: 119,48 km2; Dân số: 102.621 người. Tổng số xã phường, thị trấn : 6 xã.
Huyện Vĩnh Thạnh: Diện tích: 413,39 km2; Dân số: 155.057 người. Tổng số xã phường, thị trấn: 09 xã, 01 nông trường.
Huyện Cờ Đỏ: Diện tích: 402,6 km2 ; Dân số: 175.766 người Tổng số xã phường, thị trấn: 14 xã, thị trấn, 01 Nông trường Sông Hậu.
Huyện Thốt Nốt: huyện Thốt Nốt có 21.230,04 ha diện tích tự nhiên và 213.067 nhân khẩu, bao gồm: thị trấn Thốt Nốt; các xã: Thuận Hưng, Trung Nhứt, Tân Lộc, Thới Thuận, Trung Kiên, Trung Hưng, Trung An, Trung Thạnh.
III.VỊ TRÍ ĐỊA LÝ ĐỊA GIỚI: Phía bắc giáp tỉnh An Giang và Đồng Tháp, phía nam giáp tỉnh Hậu Giang, phía tây giáp tỉnh Kiên Giang, phía đông giáp tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp.
IV. DÂN SỐ TRUNG BÌNH (ĐVT: NGHÌN NGƯỜI)
-Năm 2004:1123,5 trong đó, nam: 552,5; nữ : 571,0; thành thị: 560,0; nông thôn: 563,6.
-Năm 2005:1134,5 trong đó, nam: 556,9; nữ: 577,6; thành thị: 566,6; nông thôn: 567,9.
-Năm 2006:1139,9 trong đó, nam: 560,6; nữ: 579,3; thành thị: 572,2; nông thôn: 567,7.
V.ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN
-Sông rạch: Hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Trong đó: Sông Hậu với tổng chiều dài chảy qua thành phố là 65 km. Tổng lượng nước sông Hậu đổ ra biển khoảng 200 tỷ m3/năm lưu lượng nước bình quân tại Cần Thơ là 14.800 m3/giây. Tổng lượng phù sa của sông Hậu là 35 triệu m3/năm; Sông Cái Lớn dài 20 km, chiều rộng cửa sông 600 - 700 m, độ sâu 10 - 12 m nên có khả năng tiêu, thoát nước rất tốt. Sông Cần Thơ dài 16 km, đổ ra sông Hậu tại bến Ninh Kiều nước ngọt quanh năm, vừa có tác dụng tưới nước trong mùa cạn, vừa có tác dụng tiêu úng trong mùa lũ và có ý nghĩa lớn về giao thông. Bên cạnh đó, Cần Thơ còn có hệ thống kênh rạch nhỏ dày đặc.
-Khí hậu: Có hai mùa rõ rệt trong năm là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau; gió mùa Đông Bắc. Nhiệt độ trung bình các tháng từ 26 đến 28 dộ. Có số giờ nắng cao nhất trong năm vào các tháng 1,2,3. Giờ nắng trung bình trong các tháng này từ 190 giờ đến 240 giờ. Mùa mưa từ tháng 05 đến tháng 11; gió mùa Tây Nam. Nhiệt độ trung bình các tháng mùa mưa từ 26 đến 27 độ. Mưa tập trung trong các tháng 9,10.. trung bình lượng mưa phổ biến trong tháng từ 220 mm đến 420 mm. Các tháng cuối mùa gây ngập úng trên diện rộng do lượng mưa lớn và lũ thượng nguồn đổ về.
VI.TIỀM NĂNG DU LỊCHVA TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN
1.Tiềm năng du lịch :
-Khu Du lịch Cồn: Cồn Ấu, Cồn Khương, Cồn Sơn, Cồn Tân Lộc nằm liền kề dọc theo sông Hậu, tuyến du lịch đường thủy quốc tế từ Campuchia ra biển Đông Trong tương lai sẽ là những khu du lịch sinh thái hấp dẫn mang những đặc trưng miệt vườn, sông nước mà các nơi khác không có được.
-Chợ nổi Phong Điền: thuộc xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền. Chợ thường nhóm vào khoảng 4-5 giờ sáng đến 7-8 giờ thì tan dần. Từ tờ mờ sáng, những người dân quê đã hối hả bơi chèo chở theo các loại sản phẩm từ vườn nhà ra chợ bán. Ngoài ra, còn có ghe của thương lái từ vùng trên đổ xuống, miệt dưới ngược lên đưa hàng của phố thị và đặc sản của miền xa về nhóm họp làm cho chợ nổi trên sông càng thêm tấp nập
-Chợ nổi Cái Răng: nằm cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 5 km theo hướng quốc lộ về tỉnh Sóc Trăng.Từ tờ mờ sáng cho đến chiều tối, hàng trăm ghe xuồng ở các nơi khác tập trung buôn bán trên sông, thời gian họp chợ trên ghe xuồng đông nhất từ 6 giờ đến 8 giờ sáng.Trong tương lai, chợ nổi Cái Răng sẽ trở thành chợ trung tâm tự sản tự tiêu lớn nhất.
- Bến Ninh Kiều: nơi nhìn thẳng ra ngã ba sông Hậu, sông Cần Thơ mỗi buổi bình minh, mặt trời mọc trên dòng sông tuyệt đẹp. Bến Ninh Kiều là nơi neo đậu, tàu thuyền đến và đi vô cùng tấp nập, sôi động.
-Khu Du lịch Phù Sa: ở giữa lòng sông Hậu, cách trung tâm thành phố chưa đầy 1km theo đường chim bay là bãi bồi cồn Ấu, có diện tích khoảng 30ha, Đây được xem là khu du lịch sinh thái lớn nhất ĐBSCL hiện nay.
-Chợ hoa xuân bến Ninh Kiều: Chợ hoa bắt đầu từ giữa tháng chạp và kéo dài đến giao thừa. Đây là chợ hoa truyền thống có từ hàng chục năm nay. Dịp này hàng trăm loại hoa đẹp miệt vườn được các nghệ nhân đem ra trưng bày, số lượng người trong và ngoài nước đến tham quan thưởng ngoạn rất đông.
-Vườn du lịch Thủy Tiên: Nằm trên Quốc lộ 91 hướng về An Giang, cách trung tâm TP Cần Thơ 15 km. cây trái sum suê quanh năm, không khí trong lành chắc chắn sẽ làm say lòng du khách với vị ngon ngọt của nhiều loại trái cây đồng bằng và các món ăn dân dã.
-Vườn cò Bằng Lăng: Tọa lạc tại ấp Thới An, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, do gia đình ông Nguyễn Ngọc Hiền làm chủ. Vườn cò hình thành từ năm 1983 đây là nơi hội tụ của hơn một nghìn con cò, các loại và là nơi tham quan du lịch lý thú.
-Mộ nhà thơ Phan Văn Trị: thuộc xã Nhơn Ái huyện Phong Điền. Khu tưởng niệm nhà thơ Phan Văn Trị được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1991. Hiện nay dự án cải tạo mở rộng di tích có quy mô 2.400 m2 đang được khẩn trương lập thủ tục đầu tư.
-Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa: thuộc phường An Thới, quận Bình Thủy. Mộ xây bằng đá ong vào năm 1872. Toàn bộ khu vực mộ rộng 530 m2. Cách ngôi mộ chính về phía sau khoảng 1m là ngôi đền thờ cụ Bùi Hữu Nghĩa. Lễ giỗ của cụ tổ chức hàng năm vào ngày 21 tháng giêng. Khu bia mộ của nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa được xếp hạng Di tích văn hóa - lịch sử năm 1993.
-Di tích Chùa Nam Nhã (tên gốc Hán là Nam Nhã Đường), ngoài tên gọi là Nam Nhã Đường, còn có tên là "Chùa Minh Sư". Tọa lạc tại 612 đường Cách Mạng Tháng Tám. Chùa từng là nơi liên lạc, hội họp bí mật các phong trào đấu tranh chống Pháp. Trong những năm đầu đầy khó khăn gian khổ của cách mạng Việt Nam, các tổ chức Đặc ủy Hậu Giang, Xứ ủy Nam Kỳ đã lấy nơi đây làm địa điểm liên lạc với các tổ chức cách mạng khác trong toàn miền. Ngày 25 tháng 01 năm 1991, Bộ Văn hóa thông tin đã ra quyết định công nhận Chùa Nam Nhã Đường là Di tích lịch sử cách mạng.
-Đình Bình Thủy: thuộc quận Bình Thủy, Đình ra đời cách đây trên 150 năm, Đình Bình Thủy là cách gọi của dân gian, còn có tên chính thống là “Long Tuyền cổ miếu”với khuôn viên trên 4000 m2. Đình Bình Thủy được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào ngày 5/9/1989.
-Hội Linh Cổ Tự: (còn có tên gọi khác là Hội Long Tự hay Chùa Xẻo Cạn): thuộc phường An Thới, quận Bình Thủy. Hội Linh Cổ Tự nằm trên đường Cách mạng Tháng Tám, ngôi chùa cất năm 1907 sau đó xây dựng lại năm 1914. Chùa Hội Linh là một công trình kiến trúc có nhiều giá trị nghệ thuật. Trong những năm kháng chiến, Hội Linh Cổ Tự vừa là Tam bảo, vừa là căn cứ điểm của nhiều cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy, thị xã Cần Thơ và là nơi diễn ra nhiều cuộc họp triển khai các nghị quyết quan trọng của tỉnh và thị xã. Hội Linh Cổ Tự được nhà nước tặng thưởng “Huân chương kháng chiến hạng 3” và được công nhận là Di tích Lịch sử - văn hóa ngày 21/ 6/ 1993
-Nhà cổ Bình Thủy: tọa lạc ở số 26/1A đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy. Ngôi nhà do gia đình họ Dương xây từ năm 1870, kiến trúc theo kiểu Pháp.Đây là mẫu nhà cổ hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu đời sống sinh hoạt, văn hóa cũng như tiến trình phát triển dưới nhiều tác động khác nhau lúc giao thời giữa hai thế kỷ của cư dân đồng bằng Sông Cửu Long. Ngôi nhà hiện trở thành địa điểm du lịch văn hóa về nguồn quen thuộc của mảnh đất phương Nam và nằm trong dự án tôn tạo của ngành du lịch.
-Chùa Munir Ansây: tọa lạc số 36 Đại lộ Hòa Bình. Chùa được xây dựng năm 1948 bằng vật liệu tre lá đơn sơ. Năm 1954 cổng chùa được xây dựng với kiến trúc mô hình tháp (Tam Bảo) của Ăngkovat. Năm 1964 xây dựng Chánh điện, khánh thành năm 1988. Đây là một ngôi chùa Khmer lớn và lâu năm nhất tại Cần Thơ, nơi đây thường xuyên đón tiếp nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan mỗi khi đến TP. Hàng năm chùa tổ chức các ngày lễ lớn như: Cholchonam Thomay(Đón năm mới, ngày 13, 14, 15 tháng 3 âl), Ok-om-Book (Lễ đưa nước, tháng 10 âl), Donta (Lễ cúng Ông bà ,tháng 8 âl), Lễ Dâng Y, của đồng bào Khmer.
-Bảo tàng Cần Thơ: Nằm tại số 01 Đại lộ Hòa Bình. Diện tích trên 3.000 m2, là một bảo tàng tổng hợp có quy mô lớn nhất vùng. Bảo tàng trưng bày và giới thiệu về Đất nước và con người Cần Thơ qua từng thời kỳ lịch sử, các thành tựu kinh tế - văn hóa xã hội của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trong quá trình dựng nước - giữ nước và phát triển đất nước. Hiện Bảo tàng đang trưng bày hơn 1.000 hiện vật, di vật quý hiếm.
-Bảo tàng Quân khu 9: Số 6 Hòa Bình, quận Ninh Kiều. Bảo tàng Quân khu 9 là tên gọi chung cho khu vực.Trong đó gồm có các phần trưng bày:
Bảo tàng các lực lượng vũ trang Đồng bằng sông Cửu Long.
Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long (QK9)
Phòng trưng bày thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng
-Chợ cổ Cần Thơ còn gọi là chợ Hàng Dương hay " chợ lục tỉnh": nằm trên đường Hai Bà Trưng. Chợ nay đã hơn trăm tuổi. Chợ mang một nét rất riêng, rất độc đáo của đồng bằng châu thổ. Với nhà lồng chợ cổ Cần Thơ, thành phố có thêm một điểm kinh doanh theo hướng văn hóa du lịch, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham quan mua sắm khi đến thăm vùng đất Tây Đô
-Chùa Ông: tọa lạc số 32 Đường Hai Bà Trưng, Phường Tân An, quận Ninh Kiều.Tên gốc tiếng Hán là Quảng Triệu Hội Quán (theo đại tự ghi ở tiền điện). Chùa thờ Quan Thánh Đế quân (tức Quan Công) ở chính điện nên nhân dân địa phương quen gọi là Chùa Ông. Ngôi chùa được xây dựng vào năm Quang Tự thứ 20 (1894) và tồn tại cho đến ngày nay với kiến trúc hầu như còn nguyên vẹn từ hình dáng bên ngoài đến trạm trổ nội điện. Chùa Ông là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia được xếp hạng năm 1993.
-Lộ Vòng Cung: Con đường hình Vòng Cung, nằm ở phía Tây sông Hậu- Cần Thơ, dài 27 km. Tết Mậu Thân năm 1968, nơi này diễn ra những trận chiến khốc liệt giữa ta và địch. Quân, dân ta đã anh dũng kiên cường bám trụ chiến đấu giữ vùng căn cứ cách mạng để làm bàn đạp tiến công giải phóng TP. Cần Thơ. Địa danh “ Lộ Vòng Cung” vang dội từ đó, là điểm son chói lọi của Khu ủy và Đảng bộ, nhân dân Cần Thơ trong 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
-Trung tâm hội chợ - triển lãm - quốc tế Cần Thơ:Định kỳ mỗi năm có 3 lần Hội chợ (tháng 4, tháng 8, tháng 12), trong đó lớn nhất là Hội chợ chuyên đề Nông nghiệp vào tháng 12 hàng năm. Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế Cần Thơ đã trở thành một trung tâm giao lưu trao đổi hàng hóa lớn trong ngoài nước. Đồng thời mỗi kỳ hội chợ cũng là dịp du lịch, lễ hội sôi động có rất đông đảo nhân dân mọi miền đất nước tham gia
2. Tài nguyên khoáng sản:
Khoáng sản: chủ yếu là sét (gạch, ngói), sét dẻo, than bùn và cát sông. Sét (gạch, ngói) không có mỏ lớn nhưng phổ biến ở tầng gần mặt đất, dày 1 - 2 m, phân bố rộng khắp. Bên cạnh đó, sét dẻo nằm cách mặt đất 1 - 2 m, vỉa dày 5 - 6 m, chứa nhiều khoáng vật và rất mịn, có thể dùng trong các ngành tiểu thủ công nghiệp. Ngoài ra còn có than bùn: trữ lượng 30 - 150 nghìn tấn
Tài nguyên thiên nhiên: thảm thực vật của Cần Thơ tập trung trên vùng đất phù sa ngọt, gồm các loại cỏ, rong tảo, trâm bầu, cò ke, sung vả, dừa nước, rau má, rau dền lửa, rau sam và các loại bèo, lục bình, rong đuôi chồn, bình bát,... Trên vùng đất phèn chủ yếu có các loài tràm, chà là nước, mây nước, bòng bong, bồn bồn, bình bát, điên điển, lúa ma, sen, bông súng,... Về động vật, trên cạn có các loài như: gà nước, le le, trích nước, giẻ giun, trăn, rắn, rùa,... Dưới nước có các loại cá như cá lóc, cá rô, cá sặc rằn, cá trê, cá bống, cá linh, cá ba sa, cá chép, cá đuống, cá mè, cá lăng, tôm càng xanh, tép bạc, tép cỏ, tép đất
VII.THÀNH TỰU KINH TẾ XÃ HỘI:
-Năm 2004: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế: 8343,9 tỷ đồng. Khối lượng hành khách vận chuyển của vận tải địa phương: 83,4 triệu lượt người; Khối lượng hàng hóa vận chuyển của vận tải địa phương: 6412,0 nghìn tấn. Diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản: 11,0 nghìn ha; Sản lượng thủy sản: 65756 tấn; Giá trị sản xuất thủy sản theo giá so sánh 1994: 533,6 tỷ đồng; Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994: 5452.2 tỷ đồng; Số thuê bao điện thoại có đến 31/12:251947. Hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở .
-Năm 2005: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế: 10414,5 tỷ đđồng; Thu nhập bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ước đạt 11,6 triệu đồng. Khách du lịch: 1,3 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt 228 tỷ đồng. Giá trị sản xuất thủy sản theo giá so sánh 1994: 728,3 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994: 6738,9 tỷ đồng. Diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản: 12,5 nghìn ha. Sản lượng thủy sản: 90237 tấn. Số thuê bao điện thoại có đến 31/12: 224630;
-Năm 2006*: Giá trị sản xuất toàn ngành xuất nông nghiệp (giá cố định năm 1994) 3.821,260 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định năm 1994): 9.983,3 tỷ Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ đạt 12.400 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 444,6 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 281,98 triệu USD. Đào tạo nghề cho 1.400 lao động, giải quyết việc làm 39.539 lao động. Doanh thu toàn ngành du lịch năm 2006 ước đạt 292 tỷ đồng. Tổng số máy điện thoại trên địa bàn: 408.048 máy (bao gồm số thuê bao điện thoại cố định và điện thoại di động). Toàn thành phố có 13.730 thuê bao Internet.
-Năm 2007*: Tăng trưởng kinh tế (GDP): 16,27%; (khu vực kinh tế nhà nước tăng 15,7%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 15,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 20,36%). Thu nhập bình quân đầu người (quy USD) đạt 1.122 USD. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) ước thực hiện 12.219,32 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ 15.868,49 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu: 525,8 triệu USD. Khách du lịch: hơn 1,7 triệu. Khối lượng vận chuyển hàng hóa: 8,342 triệu tấn, vận chuyển hành khách: 98,87 triệu lượt. Số máy điện thoại/100 dân: 44 máy. Giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản (giá cố định 1994) ước thực hiện 4.025,29 tỷ đồng. Diện tích lúa cả năm 207.596 ha, sản lượng 1,13 triệu tấn. Diện tích cây ăn trái 18.000 ha, sản lượng 132.850 tấn. Đàn heo 142.935 con, đàn gia cầm: 1.848.290 con, đàn bò: 6.094 con. Diện tích nuôi thủy sản 15.000 ha, sản lượng nuôi: 143.144 tấn. Tổng số doanh nghiệp: 6.292 doanh nghiệp thuộc các loại hình đang hoạt động. Số trường học đạt chuẩn quốc gia: 27/341. Tổng số học sinh đầu năm học 2007-2008: 209.271 học sinh (kể cả nhà trẻ, mẫu giáo). Tỷ lệ xã phường, thị trấn có trạm y tế: 93,42%. Tỷ lệ giường bệnh/100 dân: 20,62 giường; 59,15 % trạm y tế có bác sĩ. Đưa vào hoạt động các bệnh viện: Tây Đô, Hoàn Mỹ Cửu Long và Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Đào tạo nghề cho 31.700 lao động. Giải quyết việc làm cho 40.849 lao động trong đo, giải quyết việc làm trong nước: 40.549 lao động, xuất khẩu: 300 lao động.
VIII.CÁC DỰ ÁN KÊU GỌI ĐẦU TƯ
-Nhà máy Phân bón hoá học hoặc hữu cơ tổng hợp. Địa điểm: Các KCN TP.Cần Thơ.
-Trung tâm Thương mại vùng ĐBSCL. Địa điểm: Khu đất quy hoạch Trung tâm hội chợ triễn lãm quốc tế Cần Thơ, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, hoặc Khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ. Diện tích 50.000 m2.
-Nhà máy sản xuất sơn các loại : Các KCN tập trung TPCT. 4 triệu USD.
-Sản xuất phụ tùng và lắp ráp xe gắn máy: tại khu công nghiệp Trà Nóc 2.
-Khu du lịch sinh thái Cồn Ấu: Tại Cồn Ấu, quận Cái Răng, quy mô dự án: 75ha.
-Xây dựng khu bảo tồn du lịch sinh thái và làng nghề Cồn Tân Lộc: tại Cồn Tân Lộc, huyện Thốt Nốt. Diện tích 3260 ha.
-Nhà máy sản xuất thức ăn gia súc gia cầm : KCN tập trung TP Cần Thơ.
-Nhà máy dệt : xây dựng tại Khu công nghiệp và chế xuất Trà Nóc 2 hoặc tại Khu công nghiệp Hưng Phú.
-Nhà máy đóng tàu và sửa chữa tàu thủy: Giai đoạn I Dự án nâng cấp Xí nghiệp đóng tàu trực thuộc Công ty tại 26 Lê Hồng Phong, Quận Bình Thủy, với Tổng mức đầu tư là 10 triệu USD. Giai đoạn II Công ty vận tải thủy Cần Thơ sẽ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy đóng tàu có quy mô đóng mới và sữa chữa tàu biển đến 10.000 tấn tại Thành phố Cần Thơ, Khu công nghiệp Hưng Phú.
-Nhà máy sản xuất thuốc thú y: tại Khu công nghiệp Trà.Nóc 2
-Khách sạn quốc tế : Thành phố Cần Thơ.
-Bến tàu du lịch quốc tế: P. hưng Phú, Q. Cái Răng
-Nhà máy chế biến rác thực vật thành phân hữu cơ: khu công nghiệp tập trung TP Cần Thơ.
-Công viên phần mềm Cần Thơ : QL 91B TP. Cần Thơ.
-Nhà máy O6 : tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2 hoặc Khu công nghiệp Hưng Phú.
-Nhà máy sản xuất gạch men cao cấp: Các khu công nghiệp tập trung.
-Nhà máy sản xuất thiết bị và đo lường điện: Các khu công nghiệp TP Cần Thơ
-Khu dân cư cho người có thu nhập thấp: Phường Trà Nóc, quận Bình Thuỷ; phường An Bình, quận Ninh Kiều. Tổng diện tích khoảng 1.250 ha.
-Khu du lịch sinh thái Cồn Khương: Tại Cồn Khương, quận Ninh Kiều.
-Nhà máy sản xuất động cơ Diesel: Các khu công nghiệp tại TP. Cần Thơ.
-Nhà máy chế biến rác thực vật : Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang
-Vùng chuyên canh xoài cát Hoà Lộc xuất khẩu: Ngoại thành TP. Cần Thơ và huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Diện tích 10 ha.
-Nhà máy Phân bón hoá học hoặc hữu cơ tổng hợp: các KCN TP. Cần Thơ.
-Xây dựng Cao ốc văn phòng cho thuê: Đường 30/4, quận Ninh Kiều. Diện tích đất 20.000 m2.
-Nhà máy sản xuất thuốc thú y: Các KCN.
-Nhà máy Phân bón hoá học hoặc hữu cơ tổng hợp: Các KCN
(*) Số liệu sơ bộ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử TP cần Thơ, website Tổng cục Thống kê.
Từ khóa » Tóm Tắt Lịch Sử Cần Thơ
-
Cần Thơ Hôm Nay - Tóm Tắt Ngắn Gọn Quá Trình Hình Thành TP...
-
Lịch Sử Vùng đất Cần Thơ
-
Lịch Sử Cần Thơ
-
Cần Thơ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Giới Thiệu Tóm Tắt Di Tích Lịch Sử Căn Cứ Tỉnh ủy Cần Thơ (1965 - 1968)
-
Giới Thiệu Tóm Tắt Di Tích Lịch Sử - Văn Hóa địa điểm Thành Lập ủy Ban ...
-
Lịch Sử Hình Thành Thành Phố Cần Thơ - TaiLieu.VN
-
Thành Phố Cần Thơ - Người Kể Sử
-
Tỉnh Cần Thơ - Người Kể Sử
-
PHÂN HỆ TRA CỨU VÀ TRUY CẬP BÀI BÁO, TẠP CHÍ SỐ HÓA VỀ ...
-
[PDF] BÀN VỀ NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA ĐỊA DANH “CẦN THƠ”
-
Nghị Quyết 17/2012/NQ-HĐND - Cần Thơ
-
Về đặt Tên, đổi Tên đường Và Công Trình Công Cộng - Cần Thơ
-
Bộ Sách “Lịch Sử Đảng Bộ Thành Phố Cần Thơ” (4 Tập)