Trả Lời Câu Hỏi Về Sức Khỏe Của Phụ Huynh Kỳ 70 - Chuyên đề Nhi ...

BS Phan Võ Hạnh Nguyên – Chuyên khoa Nhi tổng quát

Câu hỏi của phụ huynh H.Y nhà ở Cà Mau: Bé trai nhà mình được 28 tháng nặng 12,3kg, lúc 6 tháng tuổi bé có nổi hạch ở hai bên tai bằng hạt đậu, sau mỗi lần bị sốt cục hạch đó to lên khoản bằng ngón tay người lớn và nổi thêm vài cục nửa từ sau gáy đến gân cổ, bé vẫn chơi và ăn uống bình thường. Xin bác sĩ tư vấn mình nên làm gì với các hạch của bé và không biết các hạch này có mọc thêm ra nữa không? Mong bác sĩ tư vấn dùm. Cảm ơn bác sĩ nhiều!

Câu hỏi của phụ huynh T.K.C nhà ở Bình Tân TPHCM: Xin chào bác sĩ! Bé nhà em 16 tháng, được 10,5kg, bé bị nổi hạch sau cổ cỡ đầu ngón tay, vùng da bên ngoài bình thường, ko bị đau. Cho em hỏi bé bị như vậy có sao ko ạ? Bé vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường, bé rất hiếu động.

Câu hỏi của phụ huynh N.T.G nhà ở Ninh Bình: Chào bác sĩ con em năm nay 6 tuổi khoảng 2 năm trước em có phát hiện sau gáy cháu nó có nổi hạch em đã cho cháu lên Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám bác sĩ bảo không sao nhưng đến nay đã hơn 2 năm mà hạch của cháu vẫn còn xin bác sĩ tư vấn giúp em.

Trả lời: Xin chào Chị. Theo mô tả của Chị thì bác sĩ cho rằng bé bị nổi hạch bạch huyết vùng sau tai và vùng cổ. Bình thường hạch bạch huyết có ở rất nhiều nơi trong cơ thể và đa số không sờ thấy được, chúng ta chỉ có thể sờ thấy một số nơi trên cơ thể như góc hàm, sau tai, cổ, nách, bẹn hay sau gáy, đặc biệt ở trẻ em sẽ dễ sờ thấy hơn... Hạch bạch huyết bình thường có kích thước nhỏ từ vài milimet đến khoảng 2 cm, thường không đau, di động, mềm, da xung quanh không bị biến dạng. Hạch thường nổi lên to hơn khi có viêm nhiễm tại những cơ quan lân cận, chúng chịu trách nhiệm bắt giữ các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể để các tế bào bạch cầu dễ dàng tiếp cận và tiêu diệt. Dấu hiệu này cho thấy cơ thể bé đang hoạt động tốt trong việc chống lại các bệnh nhiễm trùng. Vì vậy khi Chị sờ thấy hạch ở cổ của con nhưng con vẫn chơi và ăn uống bình thường, không sụt cân (bé trai 28 tháng cân nặng 12,3 kg là bình thường) thì không cần lo lắng quá mà nên theo dõi thêm. có thể một thời gian sau hạch sẽ tự nhỏ lại khi trẻ không còn tình trạng viêm nhiễm nữa. Đặc biệt không nên sờ nắn hạch quá nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục, trở về trạng thái bình thường của hạch.

Trường hợp thấy hạch sưng quá to, hoặc mọc thành chùm, hoặc chảy mủ, gây đau, da xung quanh tấy đỏ, trẻ sốt cao hoặc bất cứ dấu hiệu nào khiến cha mẹ lo lắng thì Chị nên đưa con đến khám bác sĩ chuyên khoa Nhi để được kiểm tra và tư vấn hướng xử trí phù hợp cho con nhé. Trân trọng!

--

Câu hỏi của phụ huynh H.T.T.T nhà ở Quận 2 TPHCM: dạ thưa bác sĩ cho em hỏi: con em lúc 6 tháng thì phát hiện có nổi hạch cứng trên xương đòn trái (cùng tay với bên chích ngừa lao). Em co đi khám bác sĩ thì bác sĩ nói hạch cứng để tự mất, nhưng đến nay con em đã 21 tháng nhưng vẫn còn chưa mất. Bác sĩ có thể tư vấn cho em giờ phải làm sao không ạ em cảm ơn.

Trả lời: Xin chào Chị. Theo như Chị mô tả, tình trạng của con chị có thể là hạch phản ứng sau tiêm ngừa lao lúc mới sinh, hạch này có thể xuất hiện ở nách trái hoặc trên xương đòn trái. Đây là một hạch lành tính, thường không ảnh hưởng đến sinh hoạt hay sự phát triển của bé. Thông thường hạch có thể nổi và tự xẹp đi sau một thời gian. Có trường hợp hạch sẽ cứng lại, tồn tại thời gian dài hơn. Chúng ta không nên can thiệp gì. Chỉ khi nào hạch dò mũ thì nên đến bác sĩ khám để đánh giá và hướng dẫn cách xử trí cho phù hợp. Trân trọng!

--

Câu hỏi của phụ huynh N.T.K.H nhà ở Tiền Giang: chào bác sĩ, em có con trai bé được 24 tháng, nặng 12,5 kg, cao 87 cm. 2 tháng gần đây bé ngủ rất khuya, từ 10h tối, tăng lên 12h khuya, 1h, 2h và hồi tối này 5h sáng bé mới ngủ. Bé chỉ đòi chơi, đòi coi TV thui, không cho chơi, coi TV thì bé khóc suốt. Quan sát thì không thấy bé đau hay bị thương chỗ nào hết. Mong bác sĩ tư vấn giúp em.

Trả lời: Xin chào Chị. Giấc ngủ đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Đối với trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 36 tháng thì thời gian ngủ trong một ngày được khuyến cáo là khoảng 12-14 tiếng, và giấc ngủ buổi tối cần bắt đầu trước 21 giờ. Trẻ thức càng khuya sẽ càng làm giảm cơ hội phát triển về chiều cao và nhận thức, giảm sức đề kháng cũng như ảnh hưởng đến tính cách của trẻ trong tương lai (trẻ ngủ không đủ giấc sẽ dễ nóng nảy, cáu gắt, thiếu kiên nhẫn và dễ bỏ cuộc…). Nguyên nhân khiến trẻ khó ngủ vào ban đêm đa phần là do cha/mẹ chưa thiết lập được thói quen ngủ cho con, khiến sinh hoạt của bé không theo một lịch trình nhất quán, hoặc do bé đã được ngủ quá nhiều vào ban ngày.

Một số lời khuyên dành cho Mẹ là:

- Tránh việc cho con ra ngoài chơi sau 8 giờ tối;

- Tránh cho trẻ ăn uống những thực phẩm có caffeine vào chiều tối như chocolate, soda…;

- Trước khi ngủ hạn chế tối đa việc cho bé xem TV, vận động mạnh cũng như chơi những trò chơi kích thích, thay vào đó có thể cho bé nghe nhạc nhẹ, chơi những trò chơi nhẹ nhàng như lắp ghép gỗ, xếp hình.

- Cho bé tắm nước ấm trước khi đi ngủ sẽ giúp trẻ thư giãn và dễ chịu hơn;

- Nên cho bé vào giường ngủ khi bé còn thức, không nên dỗ bé ngủ xong mới đưa vào giường;

- Cha mẹ nên kể chuyện, đọc sách cho trẻ nghe trước khi ngủ, hãy cố gắng giữ giọng đều đều và nhỏ nhẹ, điều này sẽ khiến trẻ dễ ngủ và ngủ ngon hơn.

- Và điều mà cha mẹ cần đặc biệt chú ý đó là “cả nhà” cùng đi ngủ chứ không chỉ một mình trẻ, nếu cha mẹ còn công việc phải làm thì có thể “thức dậy” sau khi thấy trẻ đã ngủ ngon;

- Và chú ý trong không gian ngủ của trẻ tốt nhất đừng bật đèn, bởi vì ánh sáng sẽ ảnh hưởng đến sự tiết hormon tăng trưởng.

Nếu kiên nhẫn thực hiện những hành động này thì việc muốn trẻ đi ngủ lúc 9 giờ tối sẽ không còn khó khăn nữa. Xin chúc Mẹ và cả nhà thành công trong việc thiết lập một thói quen ngủ tốt nhất cho con nhé. Trân trọng!

---

Quý phụ huynh có thể xem những giải đáp thắc mắc về sức khỏe của con em mình hàng tuần qua chuyên mục “Trả lời câu hỏi thường gặp” trên trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 http://www.nhidong.org.vn

Từ khóa » Nổi Cục Cứng Sau Tai Phải ở Trẻ Em