Trả Thù Cho Hả Dạ Là Một ảo Tưởng. Nó Không Giúp Bạn Hạnh Phúc Hơn.

Người ta thường nói, trả thù cho hả dạ. Các nghiên cứu nói gì về điều này?

Gần đây tôi có xem một bộ phim ngắn nói về một cô gái bị phụ tình đã tìm thấy tình yêu đích thực khác. Sau nhiều năm, cô gặp lại tình cũ của mình, cuộc sống của anh ta không ổn lắm, còn cuộc sống của cô ấy thì tốt hơn hẳn. Phần lớn phản ứng của người xem là: vô cùng hả hê và cảm thấy trả thù là điều tốt. Sau đó, tôi cũng xem một bộ phim ngắn khác của cùng một nhà sản xuất với cái kết tương tự: một nhân viên sau khi bị sa thải đã trở thành người thành đạt trong tương lai, còn ông chủ của nhân viên đó thì không. Điều đặc biệt thu hút tôi là: Những bộ phim này đều có lượt xem hơn 50 triệu.

Điều gì khiến người xem hài lòng đến vậy? Tôi nghĩ đó là phản ứng muôn thuở khi họ thấy sự trả thù. Người ta có câu, trả thù cho hả dạ. Vì vậy, tôi đã xem xét các tài liệu khoa học đối chiếu giữa việc trả thù và tha thứ hoặc nhẹ nhàng đối xử tốt với kẻ không tốt với mình.

Đây là 7 điểm mà tôi tìm thấy:

1. Khi những điều tồi tệ xảy ra, con người thường có nhiều phản ứng khác nhau hơn là chỉ có 2 phản ứng trả thù hoặc tha thứ.

Có thể có một loạt các phản ứng như:

a) Tức giận trong một thời gian ngắn để đối phương thấy họ không đáng bị đối xử thiếu tôn trọng như vậy (Murphy, 2005).

b) Trả thù mà không gây ra nhiều đau khổ cho người khác.

c) Trả thù hoặc báo thù với mục đích làm tổn thương đối phương vì những việc đã xảy ra (Strelan, Van Prooijen, & Gollwitzer, 2020).

d) Tha thứ cho sự đối xử bất công (Enright & Fitzgibbons, 2015).

Vì lợi ích của bài luận này, chúng tôi sẽ không tập trung vào cơn phẫn nộ chính đáng nhưng nhanh chóng biến mất trong thời gian ngắn như Murphy mô tả, mà thay vào đó là sự trả thù so với việc tha thứ cho (những) người đã cư xử bất công.

2. Trong một nghiên cứu của Ysseldyk, Matheson và Anisman (2019) về những người phụ nữ bị bạo hành tinh thần – những người có động cơ trả thù, cũng như những người tập trung vào sự tha thứ, đều có mức độ cortisol trong não bộ cao – một dấu hiệu của stress.

Tuy nhiên sự khác biệt ở đây là khao khát trả thù gắn liền với chứng trầm cảm, còn tha thứ thì không. Về mặt thống kê, tha thứ có lợi hơn cho tinh thần về lâu về dài vì nó không gắn liền với trầm cảm mà thay vào đó giúp giảm trầm cảm (Freedman & Enright, 1996).

3. Tương tự như nghiên cứu trên, Strelan, Van Prooijen và Gollwitzer (2020) đã tìm thấy mối quan hệ tích cực giữa động cơ trả thù và ý định tha thứ. Câu trả lời là do việc tìm cách trả thù và tha thứ đều truyền sức mạnh cho một người bị đối xử bất công.

Tuy nhiên sự khác biệt là: Trả thù dường như chỉ truyền sức mạnh cho những người có ý định trả thù rất cao. Nói cách khác, nếu người bị đối xử bất công không có khả năng trả thù và không có động cơ trả thù cao, thì cảm giác được truyền sức mạnh sẽ không xảy ra. Sự tha thứ, vốn truyền sức mạnh một cách kiên định cho những người tham gia, một lần nữa dường như có lợi thế hơn về mặt tâm lý.

4. Có câu “trả thù cho hả dạ”, chủ yếu vì trả thù làm đối trọng với cảm giác thất bại (Chester & Martelli, 2020).

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu gần đây của Maier và cộng sự (2019) cho thấy những người trưởng thành mà đề cao việc trả thù thì có tính cách vô cùng bốc đồng hoặc có xu hướng hay phản ứng lại mà không cân nhắc hậu quả của hành động đó. Về mặt thống kê, những người thích tha thứ thì ít bốc đồng hơn. Các phát hiện tương tự được báo cáo bởi Recchia, Wainryb và Pasupathi (2019) với trẻ em và thanh thiếu niên. Trẻ em muốn nhanh chóng trả thù khi có xung đột với bạn đồng lứa. Ngược lại, thanh thiếu niên nhận thức được nhu cầu tự điều chỉnh bản thân và chuyển cảm xúc trả thù sang một hướng khác để họ thực sự có thể kiểm soát chúng. Nói cách khác, dựa trên hai nghiên cứu này, xu hướng tìm cách trả thù ngay-và-luôn không phải là một cách phản ứng trưởng thành về mặt tâm lý trước bất công. Đừng nhầm lẫn điều này với mô tả của nhà triết gia Murphy (2005) về sự nổi giận ngay tức thì để thể hiện lòng tự tôn. Khi ai nổi giận ngay tức thì, điều đó không hẳn là họ muốn trả thù.

Source: Peanutroaster | Dreamstime

5. Về lâu dài thì sao? Tha thứ có xoa dịu cơn giận hơn là mong muốn trả thù không? Một nghiên cứu ở Trung Quốc (Xiao, Gao, & Zhou, 2017) cho biết câu trả lời là có.

Trong ngắn hạn, cả trả thù và tha thứ đều làm dịu cơn tức giận, nhưng theo thời gian, chỉ có sự tha thứ mới có tác dụng làm dịu cơn tức giận do bị đối xử bất công. Các phát hiện tương tự cũng được báo cáo trong các mẫu của Israel và Palestine ở chỗ những ai từ chối tha thứ phải chịu đựng nhiều đau khổ tinh thần hơn (Hamama-Raz và cộng sự, 2008). Một lần nữa, sự tha thứ dường như mang lại nhiều lợi ích khi được xem xét trong các tài liệu khoa học.

6. Có lẽ ý tưởng trả thù cho hả dạ này thực sự là một ẢO TƯỞNG; một suy nghĩ sai lầm rằng trả thù sẽ điều tiết cảm xúc giận dữ và làm bản thân hạnh phúc.

Carlsmith, Wilson, và Gilbert (2008) đã kiểm tra các sinh viên đại học về vấn đề này và phát hiện ra rằng so với những người không tìm cách trả thù, những người muốn trả thù và nghĩ rằng họ sẽ thực sự hạnh phúc nếu làm được điều đó cho biết: họ cảm thấy ít hạnh phúc hơn sau quyết định này. Theo thống kê, những người tự điều chỉnh và chuyển hướng xung lực trả thù thì có mức độ hạnh phúc cao hơn.

7. Theo kinh nghiệm của bản thân, với tư cách là một nhà nghiên cứu và nhà tâm lý học, tôi thấy rằng trong ngắn hạn, đặc biệt là khi bị người khác đối xử bất công và chưa có nhiều kinh nghiệm về tha thứ, lúc đầu mọi người có thể phản ứng khá tiêu cực với ý tưởng tha thứ.

Điều đó có vẻ không công bằng và vô lý đối với những người chưa quen tha thứ. Tuy nhiên, một khi đưa ra lựa chọn tự do-ý chí để tha thứ và cố gắng tha thứ, hầu hết mọi người đều dỡ bỏ được nhiều cảm xúc tiêu cực mãnh liệt và tìm thấy sự tự do cảm xúc mà họ từng nghĩ là không thể đạt được. Nói cách khác, ấn tượng đầu tiên về việc trả thù hoặc tha thứ sẽ ảnh hưởng đến bản thân như thế nào về lâu dài, không nhất thiết phải chính xác trong ngắn hạn. Về lâu dài, với việc thực tập thói quen tha thứ, người ta sẽ ngộ ra, không phải trả thù, mà chính tha thứ mới làm cho họ hả dạ.

Trả thù hay tha thứ: Cái nào tốt hơn? Khoa học, đặc biệt khi tập trung vào hành vi trả thù, cũng như qua những kinh nghiệm của tôi, thì tha thứ là lựa chọn tốt hơn về mặt tâm lý.

Tài liệu tham khảo

Carlsmith, K.M., Wilson, T.D., & Gilbert, D.T. (2008). The paradoxical consequences of revenger. Journal of Personality and Social Psychology, 95, 1316-1324.

Chester, D.S. & Martelli, in Worthington, E. & Wade, N. (Eds., 2020). Handbook of forgiveness. New York: Routledge

Enright, R.D. & Fitzgibbons, R. (2015). Forgiveness therapy: An empirical guide for resolving anger and restoring hope. Washington, DC: APA Books.

Freedman, S. R., & Enright, R. D. (1996). Forgiveness as an intervention goal with incest survivors. Journal of Consulting and Clinical Psychology, 64(5), 983-992.

Hamama-Raz, Y., Solomon, Z., Cohen, A., & Laufer, A. (2008). PTSD symptoms, forgiveness, and revenge among Israeli Palestinian and Jewish adolescents. Journal of Traumatic Stress, 21, 521-529.

Maier, M.J., Rosenbaum, D., Haeussinger, F.B., Brune, M., Fallgatter, A.J., & Ellis, A. (2019). Frontiers in Behavioral Neuroscience, 13, September.

Murphy, J. G. (2005). Forgiveness, self-respect, and the value of resentment. In E.L. Worthington (Ed.), Handbook of Forgiveness. New York: Routledge.

Recchia, H.E., Wainryb, C., & Pasupathi, M. (2019). “I want to hurt her:” Children’s and adolesents’ experiences of desiring and seeking revenge in heir own peer conflicts. Social Development, 28, 840-853.

Strelan, P., Van Prooijen, J., & Gollwitzer, M. (2020). When transgressors intend to cause harm: The empowering effects of revenge and forgiveness on victim well-being. British Journal of Social Psychology, 59, 447-469.

Xiao, C., Gao, X., & Zhou, H. (2017). Turn the other cheek vs. a tooth: The reducing effects of forgiveness and revenge on anger. Acta Psychologica Sinica, 49, 241-253.

Ysseldyk, R., Matheson, K., and Anisman, H. (2019). Revenge is sour, but is forgiveness sweet? Psychological health and cortisol reactivity among women with experiences of abuse. Journal of Health Psychology, 24, 2003-2021

Tác giả: Robert Enright

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/the-forgiving-life/202101/getting-even-or-forgiving-which-is-better

Dịch giả: Đông Đông

Biên tập: Khánh Linh

Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

Từ khóa » Nói Cho Hả Dạ