Trái Cây Chín Nhanh, Tươi Lâu: Chưa Rõ Thuốc độc Hay Không!

Quả xanh biến thành quả chín chỉ sau một đêm!

Chiều 24-11, ông Trịnh Công Toản, chánh thanh tra Cục Bảo vệ thực vật (BVTV - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho biết thanh tra Cục BVTV đang lấy mẫu các loại thuốc thúc chín hoa quả nhanh không rõ xuất xứ, nguồn gốc trên địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội.

mno80Q40.jpgPhóng to

Tiểu thương chợ đầu mối ở Hà Nội không nắm rõ được chất lượng hoa quả bày bán - Ảnh: Cù Zap

Đồng thời Cục BVTV, Trung tâm Kiểm định thuốc BVTV khu vực phía Bắc đang kiểm tra thành phần một số mẫu thuốc “tắm” chín hoa quả đã lấy mẫu từ tuần trước. Nội dung là kiểm tra những loại thuốc này chứa hoạt chất gì, cơ chế tác dụng và có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hay không… Dự kiến trong tuần này việc kiểm định sẽ cho kết quả để Cục BVTV công bố.

Theo ông Toản, loại thuốc thúc chín hoa quả này cùng một số thuốc BVTV lạ khác đã xuất hiện tại VN từ 2-3 năm nay, tuy nhiên gần đây mới rộ lên. Phần lớn chúng đều có nguồn gốc Trung Quốc được nhập lậu về VN và buôn bán lén lút. Ngay như một số mẫu thuốc đang được Cục BVTV kiểm định thì bao bì cũng toàn ghi tiếng Trung Quốc, không có hướng dẫn sử dụng, không ghi rõ thành phần, hạn sử dụng… Cục BVTV từng bắt hàng loạt lô thuốc này để tiêu hủy, trung bình mỗi tháng bắt được 1-2 tấn thuốc lạ này.

Gần đây, nông dân xã Song Phượng (Đan Phượng, Hà Nội) sử dụng hóa chất dạng lỏng có tên Ethrel (của Công ty hữu hạn hóa chất Phùng Xuân, Quảng Tây, Trung Quốc) để “tắm” cho trái cây. Khi “tắm” hóa chất, đu đủ, cà chua, chuối, xoài... đang từ xanh sẽ chín vàng, bóng đẹp, vỏ trơn nhẵn chỉ sau vài giờ.

Làng “tắm” thuốc đu đủ

Vài năm trở lại đây, tại làng Thu Quế (xã Song Phượng) đa số hộ dân chuyển từ trồng lúa sang trồng cây đu đủ. Ông lão bán nước đầu làng nói: “Từ khi trồng đu đủ, người dân ở đây đã biết dùng thuốc để tắm cho quả đu đủ rồi”. “Chắc chắn là có độc”, bởi theo lý lẽ mà lão nông này đưa ra thì “cái gì tự nhiên mới ngon, nếu phải dùng đến cái gì không phải tự nhiên thì chắc chắn có vấn đề”. Rồi ông chứng minh: “Tôi đố ai đi ra chợ làng mà mua được những quả đu đủ chín vàng, bóng láng, nhẵn nhụi đấy. Những quả đấy là tắm thuốc nên không được bán ở đây. Dân ở đây có đi chợ nào cũng không bao giờ chọn mua những quả đẹp mã”. Lão nông nói tiếp: thuốc để “tắm” cho quả thì mua ở đây khá dễ.

Bà Lan - chủ cửa hàng bán phân đạm, thuốc trừ sâu trong làng - lôi trong bao tải dứa xanh ra một đống thuốc. Tay đưa thuốc, bà Lan cười: “Đây là thuốc cấm, nên tôi chỉ bán người quen thôi”. Một hộp thuốc có 20 lọ nhỏ có giá 13.500 đồng. Đưa thuốc cho khách, bà Lan đưa kèm thêm cả đôi găng tay nilông mỏng, dặn kỹ: “Trong đó có hướng dẫn đấy, rất dễ dùng nhưng tuyệt đối không được để thuốc dính vào tay”.

Khó phân biệt

y3LuQxye.jpgPhóng to

Thuốc thúc trái cây chín nhanh - Ảnh: Cù Zap

“Khó phân biệt củ, quả có phun thuốc hay không” - đó là câu trả lời của hầu hết tiểu thương bán rau củ quả tại các chợ trên địa bàn Hà Nội. Tất cả đều lắc đầu khi được hỏi có biết củ, quả đang bán có phun loại thuốc bảo quản Ethrel hay không.

Tại miền Nam, giới kinh doanh trái cây cho rằng cách phổ biến nhất để làm chín nhanh trái cây nội vẫn là giú diêm tiêu (muối diêm). Loại trái cây thường được sử dụng cách này là xoài và lồng mứt, đu đủ, chuối… Chị N., một người bán trái cây tại chợ Bến Thành, cho biết các loại trái cây mỏng vỏ như xoài và lồng mứt thường dễ bị hư dập trong quá trình chuyên chở. Để tránh hao hụt, nhà vườn thu hoạch lúc còn xanh. Khi đến vựa ở thành phố, trái cây này được ủ trong khí đá khoảng 6-12 giờ, trái sẽ có màu đỏ (vàng) hườm rất đẹp. Tuy nhiên, chị N. cho rằng khi ăn sẽ không có vị ngọt và thơm như trái cây chín đúng chu kỳ do lượng đường bị mất đi.

Liều cao không tốt

Bà Lê Thị Hồng Hảo - giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, Viện Dinh dưỡng - nói: “Với loại chất thúc chín Ethrel, chúng tôi sẽ sớm lấy mẫu kiểm tra”.

Trong chiều 24-11, ông Nguyễn Công Khẩn - cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) - nói: “Đối với tôi, loại hóa chất Ethrel này rất mới. Chúng tôi mới để ý acetylen trong đất đèn thường được bà con ta sử dụng như một kinh nghiệm dân gian để giấm trái cây nhanh chín. Ngay cả với acetylen cũng phải có liều lượng sử dụng nhất định chứ liều cao chắc chắn ảnh hưởng tới sức khỏe. Ngày 26-11, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ chủ trì cuộc họp về vệ sinh thực phẩm với nông sản, có sự tham gia của các bộ Y tế, Công thương... Tôi cho rằng vệ sinh an toàn thực phẩm phải đưa vào luật, quy định “ranh giới” trách nhiệm giữa các bộ rõ ra”.

Là thuốc bảo vệ thực vật

Theo chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM Nguyễn Công Hào, Ethrel là chất có khả năng kích thích cây nhanh ra hoa, mủ cao su ra nhiều hơn, giúp trái cây chín nhanh hơn, đồng đều. Khi Ethrel gặp nước, môi trường ẩm phân hủy thành etylen (hoocmôn thực vật kích thích trái cây chín) bay ra còn lại là axitphotphoric (H3PO4) hàm lượng rất thấp. Hiện ở VN đã có đề tài cấp nhà nước về nghiên cứu chất này do Viện Sinh học nhiệt đới thực hiện (đã nghiệm thu). Như nhiều hóa chất khác, nếu tiếp xúc trực tiếp với Ethrel ở hàm lượng cao, liên tục hoặc trong phòng kín có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tiến sĩ Trần Hạnh Phúc, Viện Sinh học nhiệt đới, cho biết Ethrel là hóa chất dạng lỏng nằm trong danh mục thuốc BVTV (với hàm lượng lớn hơn 1% trong 100 lít). Tuy nhiên Ethrel (một dạng khác của khí đá) dùng pha loãng để kích thích trái cây chín nhanh hơn có hàm lượng thấp hơn 1% nên ít có khả năng gây độc. Mặt khác, khi Ethrel gặp nước sẽ sinh ra etylen. Etylen là một dạng khí mà tự bản thân cây cối sẽ sinh ra để làm cho trái cây tự chín. Vấn đề là phải minh chứng được chất Ethrel có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không pha lẫn những hóa chất khác.

Để cả tháng ngoài tươi, trong thối

EdsSbFkr.jpgPhóng to

Dù vỏ ngoài vẫn bóng đẹp nhưng bên trong ruột trái táo Trung Quốc đã bị thối - Ảnh: Trần Mạnh

Đó là đặc điểm của trái cây Trung Quốc đang được bày bán từ Bắc vô Nam. Có nhà khoa học nói để giữ trái cây tươi lâu phải dùng chất bảo quản độc hại. Tuy nhiên, đại diện cơ quan hữu quan lại bảo chưa tìm ra.

Bà Thanh Hà, phó giám đốc chợ Tam Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết trong gần 1.600 tấn trái cây về chợ mỗi đêm, trái cây ngoại chiếm 30%. Trong đó, trái cây Trung Quốc (TQ) chiếm đa số. Ngoài các loại trái cây theo mùa vụ, những loại trái cây thường xuyên về chợ là bom đường xanh, bom xì (bom Fuji), lựu, lê, nho đỏ. Ưu thế của trái cây TQ là rẻ và sản lượng ổn định. Thực tế, trái cây TQ được các tiểu thương lấy hàng nhiều bởi ngoài lượng hàng có quanh năm còn có yếu tố nhiều loại trái cây nhìn bóng đẹp, để cả tháng trời vẫn không suy suyển như bom, lê, quýt.

Các chợ đầu mối trái cây lớn như chợ Hóc Môn, Tam Bình... mới chỉ chú trọng đến công tác kiểm tra vệ sinh rau xanh, riêng chất lượng trái cây ngoại vẫn dựa trên “niềm tin” là chính.

Xét nghiệm rau Trung Quốc

Theo ông Nguyễn Công Khẩn - cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), Viện Dinh dưỡng và Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã lấy khoảng 10 mẫu rau nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc gồm củ cải, cải thảo... trên thị trường Hà Nội để xét nghiệm dư lượng chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả xét nghiệm sẽ công bố trong 1-2 ngày tới. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã lấy khoảng 50 mẫu rau tại Hà Nội và Lạng Sơn, hiện 20 mẫu đã có kết quả kiểm tra. Lần này, Cục Bảo vệ thực vật sẽ kiểm tra khoảng 40 chỉ tiêu trên nhóm rau nhập khẩu.

Đặc điểm của trái cây TQ là màu sắc tươi ngon, da nhẵn, vỏ cứng… trông rất bắt mắt. Một người bán táo đỏ trên đường Điện Biên Phủ cam đoan mua loại táo này về để 20-30 ngày vẫn không sao, và “bật mí” thêm: “Táo đã được quét một lớp chất bảo quản ở vỏ nên lâu bị thối và không ảnh hưởng chất lượng bên trong”.

Có nhiều người băn khoăn về những chất bảo quản vì chúng có khả năng giữ trái cây tươi quá lâu, thậm chí ngay cả khi trong ruột đã bị hỏng mà vỏ vẫn tươi. Chị Phương Thảo (đường Lê Văn Sỹ, Q.3) mua 2kg táo đỏ về để trong tủ lạnh. Mấy ngày sau đem ra ăn thì dù bên ngoài da vẫn đỏ, quả vẫn chắc như mới nhưng khi bổ ra trong ruột bị thối. Tương tự, chị Thi (Q.3) cho biết mua quýt TQ về ăn phát hiện mặt trong của vỏ quýt bị mốc trong khi vỏ ngoài vẫn vàng rực và bóng láng như mới!

Tại các siêu thị, phổ biến nhất vẫn là bom, lê đường, quýt. Trong khi cây các nước khác rất nhanh xuống sắc thì trái cây TQ vẫn tươi. Một tiểu thương chợ Bình Tây (Q.6) cho biết trái cây TQ về chợ dưới dạng thùng, khoảng 10-14kg/thùng. Khi mở ra thường có mùi nồng, thơm, để gần tháng trời cũng không sao. “Có thể nhà vườn dùng chất gì đó nên khi hư, trái cây hư từ trong ra ngoài chứ không phải bên ngoài vỏ trước” - bà này nói.

Chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM Nguyễn Công Hào nói trong thực tế người ta còn sử dụng hóa chất kháng nấm (chất bảo quản) để giữ cho trái cây tươi lâu hơn. Thông thường những chất bảo quản này rất độc.

Bà Lê Thị Hồng Hảo, giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm (Viện Dinh dưỡng), nói cơ quan này đã thực hiện một nghiên cứu cấp nhà nước về chất bảo quản trái cây và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. “Chúng tôi đã lấy mẫu trái cây tại tất cả chợ đầu mối, kể cả nước ngâm hồng ngâm nhưng chưa tìm ra loại chất bảo quản độc hại. Bên bảo vệ thực vật làm rất nhiều mẫu như chúng tôi cũng có kết quả tương tự. Ngay cả những mẫu táo bên ngoài tươi ngon, bên trong đã thối hỏng cũng chưa tìm ra. Có thể có bí mật gì đó về công nghệ hoặc loại chất bảo quản được sử dụng đã phân hủy khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng”.

Từ khóa » Trái Cây Giấm Thuốc