Trai Nuôi Vợ đẻ - Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Có ở trong hoàn cảnh đó mới thấy câu nói của các cụ ngày xưa “trai nuôi vợ đẻ gầy mòn...” chí lý biết chừng nào.

10-27-00_trng-8-2 Ảnh minh họa

Nội ngoại của vợ chồng Hùng - Chi đều ở xa và bận rộn nên không thể nhờ vả được. Họ chỉ giúp Chi vài ngày trong bệnh viện rồi sau đó “rút lui”. Vì vậy, khi Chi “ở cữ”, tất tần tật mọi chuyện, từ miếng ăn, nước uống cho vợ, tã, sữa cho con... đều do Hùng “đảm trách”.

Sợ mua đồ ăn ngoài không đảm bảo vệ sinh, Hùng đi chợ, tự nấu ăn. Chưa một lần ra chợ, Hùng mua phải thực phẩm không ngon như thịt heo nái, rau già, tôm ươn... Vào bếp, dù kè kè bên mình chiếc điện thoại di động để nhờ mẹ, chị hay bạn bè “tư vấn”, nhưng khi dọn lên, chính Hùng cũng thấy khó nuốt, huống hồ bà đẻ.

Vừa dọn dẹp xong bữa trưa, buồn ngủ díp mắt, Hùng định ngả lưng thì nghe tiếng vợ: “Anh ơi! Xổ dùm em đống tã đi! Hết tã thay rồi...” (tã giấy đâu có rẻ nên Chi phải dùng tã vải). Thế là Hùng đành bò dậy. Chưa phơi xong chỗ tã, anh lại nghe tiếng Chi: “Anh Hùng! Anh Hùng ơi! Nhanh lên! Con ị rồi!”. Chi sinh mổ nên bác sĩ dặn tránh cử động. Ông bố Hùng đành lụi cụi lau rửa, thay tã cho con rồi sau đó phải lau nhà để bớt cái mùi nước đái khai rình nữa...

Dùng kháng sinh nhiều nên Chi không có sữa. Nghe bạn bè khuyên, hôm thì Hùng nấu nước chè vằng, lúc hầm canh đu đủ móng giò cho vợ... Sau đó, ba chặp anh phải rót nước cho Chi uống, ba chặp bưng canh đu đủ cho Chi ăn. Xong, cũng Hùng thu rửa, dọn dẹp...

Buổi tối, tưởng được ngủ yên, lấy sức hôm sau “chiến đấu” tiếp. Ai dè, mới đặt lưng đã nghe tiếng Chi: “Con đái ướt rồi anh ơi!”. Một lúc sau, vợ lay lay: “Em khát quá, lấy hộ em ly nước!”... Nửa đêm, thằng con cựa quậy rồi khóc i ỉ, chắc là đói! Vậy là bố (chứ ai vào đây nữa) lồm cồm bò dậy pha sữa...

Mấy hôm sau, theo lời khuyên của bạn, Hùng mua cho vợ cái máy vắt sữa. Thế là sau đó, cứ cách vài tiếng, Hùng phải chuẩn bị các công đọan vệ sinh “bình sữa” và máy vắt sữa cho vợ “thao tác”. Nói tóm lại, một ngày của ông bố trẻ Hùng có thể gói gọn trong mấy chữ: “Mệt bở hơi tai!”. Cứ thế, chăm vợ đẻ chưa được chục ngày, Hùng đã xơ xác như người đang ốm nặng.

Anh Tuân có phần khổ hơn vì vợ đẻ con thứ 2. Lần sinh đầu, Ái - vợ anh được 2 mẹ thay nhau giúp suốt thời gian nằm ổ nên anh chỉ có việc thỉnh thoảng bế, chơi với con.

10-27-00_trng-8-3 Ảnh minh họa

Lần này, nội ngoại ở quê có nhiều việc, không ra được. Chị Ái bị hậu sản, nằm bẹp dí một chỗ. Đứa con mới sinh non tháng yếu ớt suốt ngày quấy khóc. Một mình anh Tuân phải đưa lưng “gánh vác sơn hà”.

Sáng, anh Tuân dậy sớm, nấu sẵn nồi cháo cho bà đẻ và thằng con lớn. Tuy vậy, gọi con dậy là 1 cực hình. Cậu chàng cứ lăn qua lăn lại mãi, đến khi bị đét đít mới vừa ngồi dậy vừa thút thít. Tiếp đó là phải dỗ dành, đút cho con ăn từng thìa cháo, rồi cuống cuồng đưa nó đến mẫu giáo vì nếu trễ, trường đóng cửa thì nó phải nghỉ học.

Về đến nhà, đứa nhỏ đang khóc ngặt nghẽo vì đói. Anh lật đật xuống bếp pha sữa cho con theo chỉ dẫn của vợ rồi cho bé bú. No nê, bé nằm yên để bố lo cho mẹ. Nhưng vợ ăn chưa xong bữa thì con gái đã tè rồi ị. Đang ăn dở tô mì, nghe tiếng vợ kêu, anh phải cuống quýt lên thay ngay kẻo “mất vệ sinh” và sợ bé nằm ướt sẽ bị ốm. Tiếp đó là phải giải quyết đống tã lót và quần áo chất như núi...

Vèo một cái là hết ngày mà chưa hết việc. Nhưng đến giờ phải đi đón con trai. Rồi lo tắm rửa cho nó, nấu bữa chiều, cho vợ ăn xong mới đến lượt 2 bố con ngồi vào bàn. Xong bữa, dọn dẹp bát đĩa, rồi cho con trai đi ngủ, rồi lo vệ sinh cho vợ, cho con gái... Gần 1 giờ sáng mới được đặt lưng xuống giường. Nằm được lúc thì bé con khóc ré lên. Phải dậy bế nó đi loanh quanh cho hàng xóm còn ngủ...

“Ôi! Cứ thế này thì làm sao mà sống nổi?”. Anh Tuân, mặt nhọn hoắt, râu ria xồm xoàm, than thở...

Từ khóa » Trai Chăm Vợ đẻ Héo Mòn