Trai Nuôi Vợ đẻ Gầy Mòn? - AFamily

Ngay từ khi chị Hương có bầu, anh Hùng đã “gánh vác” trách nhiệm làm cha. Đang đêm, vợ đòi ăn gì, Hùng cũng bật dậy đi mua ngay, vì nuôi con từ trong bụng là lời khuyên của bác sĩ hướng dẫn khi anh tham gia lớp học tiền sản dành cho cha mẹ tại BV Từ Dũ. Vợ đi sinh, anh lo đứng lo ngồi, khuân đến bệnh viện túi to túi nhỏ, từ bình thủy đến quần áo, tã lót cho con, nhưng lại quên hộp sữa. Một giờ đêm, vợ sinh mổ chưa có sữa, con đói, anh phải xin sữa bột của sản phụ cùng phòng.

Còn anh Hy thì quá vụng về. Vợ muốn đi vệ sinh, đưa con cho anh bế thì anh nói: “Em nhanh nhanh nha, để con có chuồi ra là em chụp giùm anh, anh sợ lắm”. Nghe chồng nói vậy, chị đi vệ sinh mà không an lòng chút nào.

May mắn nhất là chị Vi Thảo, vì anh chồng là người “chuyên nghiệp”, đã từng giúp mẹ nuôi đến năm đứa em. Ngay khi chị báo tin có bầu, anh đã vui mừng hể hả. Lo cho vợ đến ngày khai hoa nở nhụy, anh nói: “Trời không phụ lòng người, đứa con sinh ra giống tôi như hai giọt nước”. Còn chị Thảo lại than thở: “Thất bại hoàn toàn, mình da trắng mũi cao, vậy mà sinh con mũi tẹt, da đen. Đã vậy hai cha con nằm song song, cha sao con vậy, thở khịt khịt như nhau…”.

Bù lại, anh là người cha tuyệt vời, anh bế con gọn hơn cả chị. Đêm đầu tiên cha con gặp nhau, anh không ngủ, ngồi canh, để xoay trở đầu con, sợ con nằm một bên bị “móp” đầu. Bây giờ, bé được hai tháng tuổi, mỗi lần anh đi ra khỏi nhà, chỉ cần chị thông báo con khóc là anh chạy về ngay.

Anh Nam lại thiện nghệ hơn khi gánh luôn việc tắm con. Ban đầu anh chị mướn nữ hộ sinh đến nhà tắm và thay băng rốn cho con. Thế nhưng, ngay lần tắm đầu tiên, nhìn thấy con khóc do bị nước vào mắt, anh đã quyết định sẽ tự tay tắm cho con. Con bé cứ nằm trong tay ba là sung sướng cười. Bạn bè cơ quan, người thân đến thăm chị mà gặp lúc anh tắm con đều ấn tượng khi nhìn thấy một người đàn ông rất “ngầu” lại vai vắt khăn, tay vừa bê chậu nước vừa cầm chai sữa tắm. Để chậu nước lên sàn, bày sẵn trên giường phấn, thuốc sát trùng rốn, tã, áo…, anh cởi bỏ quần áo bé nhẹ nhàng, vừa tắm vừa trò chuyện với con, nào là: “Ba gội đầu nè, ba rửa tay nè…”. Đêm đến, anh luôn trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu” khi nghe con khóc. Con được một tuổi, anh Nam sụt 5kg, đúng với câu ông bà xưa để lại: “Trai nuôi vợ đẻ gầy mòn”.

Đầu bếp bất đắc dĩ

Hai vợ chồng không nhờ vả được bên nội, bên ngoại nên anh Hùng phải lo cho vợ từ miếng ăn, nước uống. Sợ mua đồ ăn ngoài không đảm bảo, anh đi chợ, tự nấu ăn. Ở chợ, anh không nói không rằng, muốn mua gì là chỉ chỉ chỏ chỏ. Người bán hàng ai cũng tưởng anh không phải là người Việt, hoặc bị câm nên đoán già đoán non. Nấu ăn cho vợ, anh kè kè chiếc điện thoại di động, khi thì hỏi mẹ, khi thì hỏi bạn. Lần đầu anh kho nồi thịt chị nhìn thấy mà phát hoảng, phải đem cho bớt ba nhà hàng xóm. Sau một tháng lầm lì, bây giờ ra chợ, anh đã quen không khí mua bán, đi vào biết nói cân lượng rõ ràng, không bị ép mua nhiều, mua trái cây biết tự lựa để không mua nhầm trái hư…

Chị Hà sinh mổ, vì vậy không thể làm việc ngay được. Anh Huy là trai út nên được cưng chiều từ bé, không quen việc bếp núc nên làm thì ít mà “bôi” ra thì nhiều. Thức ăn anh nấu nuốt không trôi, cơm khi nhão khi khô. Để “nâng cấp” khả năng bếp núc của chồng, chị đang mệt cũng phải xuống bếp “cầm tay chỉ việc”. “Căng thẳng nhất đối với tôi không phải việc nhà mà là bế và con bú sữa bình, lúc nào tôi cũng sợ bé nuốt không khí sình bụng nên người căng như dây đàn. Chưa hết, vợ tôi đôi khi vô tâm, khách đến tìm chồng, thay vì đi vào phòng “thay ca” cho tôi thì cô ấy lại trả lời hồn nhiên: “Anh đang cho con bú… Nghe tiếng cười bạn bè mà tôi đau hết cả ruột” - anh Huy tâm sự.

Cha cũng trầm cảm Đi làm ca ngày, tối về trông con; nếu làm ca đêm thì ngày về chăm bé, chẳng mấy chốc mà anh Vũ gầy rộc đi vì thiếu ngủ. Thấy anh xanh xao, chị Ngọc - vợ anh bắt đầu lo, buộc anh phải đi khám bác sĩ. Lúc này hai vợ chồng mới biết, sau khi sinh, không chỉ phụ nữ có thể bị trầm cảm mà đàn ông cũng không ngoại lệ. Nếu phụ nữ trầm cảm do áp lực làm mẹ thì người cha lại trầm cảm do trách nhiệm làm cha. Đó là những lo lắng về chi phí cho bé, con bệnh tật… “Cực nhọc mấy, bậc làm cha làm mẹ cũng vượt qua được nhưng sợ nhất vẫn là con đau ốm. Vừa bước vào nhà, nghe vợ “báo cáo”: con sốt, bỏ bú là tôi có cảm giác như ai đó đã vắt kiệt sức của mình…” - anh Tùng tâm sự.

Con bị bệnh, chị Yến trông con cả ngày mệt mỏi, nhờ chồng thay ca. Anh Thông hăm hở ngồi trông con, chị vừa chợp mắt thì anh lay vợ: “Em ơi! Sao chân con lạnh ngắt vậy?”. Anh vừa nói xong thì bé làm kinh, co giật… Chị hét: “Đưa con đi bệnh viện” rồi sau đó trách móc chồng. Những sự cố như thế sao không stress cho được. Đọc các nghiên cứu khoa học của nước ngoài, chị Yến mới biết, ở thời điểm bé được 12 tuần, tỷ lệ các ông bố bị suy sụp tinh thần là 25%.

Khổ nhất phải kể đến chị Linh - anh Hà. Con anh chị vừa sinh được một tuần thì bị viêm phổi. Bác sĩ khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ để tăng cường kháng thể cho con nên chị Linh ở ngay bên ngoài phòng chăm sóc đặc biệt. Cứ chuông reng thì mẹ vào cho bé bú. Mẹ không ngủ được vì lo cho con nên sữa ngày càng ít. Anh Hà vừa đi làm vừa chạy vòng ngoài, hết lo cơm nước cho vợ đến lo mọi thủ tục của bệnh viện, rồi tiền nong…

Nhiều gia đình, theo quan điểm cũ chăm sản phụ quá mức. Sinh con xong, người mẹ nằm than, cơm bưng nước rót tận nơi. Nếu con bú mẹ thì mẹ chỉ mỗi việc cho con bú. Nếu con bú bình thì người cha coi như “bao” hết. Điều này sẽ là tích cực khi để người chồng có trách nhiệm với vợ con, nhưng đôi khi lại thành ra “hành chồng”. Như nhà anh Hà, chị Linh, khi chị Linh đòi sinh đứa con thứ hai, anh nhất định cự tuyệt vì: “Sợ nuôi vợ đẻ lắm rồi!”. Theo PNO

Từ khóa » Trai Chăm Vợ đẻ Héo Mòn