Trái Tắc: Món Quà Quý Báu Từ Thiên Nhiên - YouMed
Nội dung bài viết
- Trái tắc là gì?
- Giá trị dinh dưỡng của cây tắc
- Tác dụng của cây tắc
- Cách sử dụng trái tắc
- Một số lưu ý khi sử dụng
- Một số bài thuốc từ trái tắc
Có lẽ, chúng ta đã quá quen thuộc các loại cây trồng họ nhà Cam như chanh, bưởi, quýt… Trong đó, trái tắc (quất) có một hương vị rất riêng, mùi thơm đặc trưng, hấp dẫn. Không chỉ là thực phẩm giá trị trong ẩm thực mà nó còn có nhiều công dụng quý báu để điều trị bệnh. Bài viết sau đây của YouMed, hi vọng sẽ có thể cung cấp được những thông tin hữu ích về loài thực vật quen thuộc này.
Trái tắc là gì?
Tên gọi khác: Quất, hạnh, kim quất…
Tên khoa học:
- Citrus microcarpa(Hassk) Bunge.
- Citrus japonica.
- Fortunella japonica.
Họ khoa học: Thuộc họ Cam (Rutaceae).
Bộ phận dùng: Quả, lá, vỏ quả.
Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Đặc điểm sinh trưởng
Nhiều tài liệu ghi nhận, nguồn gốc của cây tắc là từ Nhật Bản, Trung Quốc. Ngày nay, cây du nhập khắp nơi trên thế giới để làm cảnh, nguyên liệu nấu ăn, hay dược liệu trị bệnh.
Cây thích nghi với nhiều loại đất trồng như đất pha cát, đất thịt… thoát nước tốt, giàu mùn. Nhiệt độ thích hợp sinh trưởng trong thời tiết từ 23-29 độ C. Nếu nhiệt độ thấp hơn 12 độ C hay cao hơn 40 độ C, cây có thể giảm năng suất, khô héo, thậm chí ngừng sinh trưởng.
Cây thuộc loài ưa ẩm, nhưng không chịu được ngập úng. Bởi rễ cây thuộc loại rễ nấm, hút dinh dưỡng qua hệ nấm cộng sinh. Vì vậy nếu ngập nước, đất thiếu oxy dễ bị thối rễ, dẫn đến quả non, chết cây. Mặt khác, ở thời kỳ khô hạn nên bổ sung tưới tiêu hợp lý, để tránh ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm.
Loại cây này không ưa ánh sáng trực tiếp, nếu quá cao làm cây mất nước, nám trái, sinh trưởng kém. Phương pháp thụ phấn là tự thụ phấn hoặc nhờ côn trùng.
Thu hoạch
Cây được thu hoạch trung bình một tháng 2 lần, quanh năm. Thời điểm sai quả nhất là vào tháng 12 đến tháng 3 năm sau.
Màu sắc khi chín của quả tùy theo giống trồng và nhiệt độ. Khi nhiệt độ quá cao, quả sẽ nhanh chín, rụng, màu sắc không đẹp. Hay ở miền nam, biên độ nhiệt giữa đêm và ngày không nhiều nên vỏ chín thường là màu xanh.
Mô tả toàn cây tắc
Thuộc loại thân gỗ nhỏ, cành sum sê, có thể cao tới 5m. Phần rễ có rễ đứng mọc vuông góc và ăn sâu vào mặt đất, giúp cây đứng vững, hấp thụ nước và các chất dinh dưỡng ở đất sâu. Ngoài ra, cây còn có nhiều rễ con, song song với mặt đất, chức năng hấp thụ nước và dinh dưỡng ở tầng đất nông hơn.
Lá đơn, mọc so le, màu xanh đậm. Phiến lá hình trái xoan hay tròn dài, có cuống nhỏ dày và cứng. Ngoài ra, trên lá có chứa các túi tinh dầu. Hoa quất lưỡng tính, màu trắng, mọc thành chùm ở kẽ lá hay ở ngọn. Cánh dài trung bình 8mm, nhị 16-20, mùi thơm thoang thoảng.
Quả có kích thước khá nhỏ, hình cầu. Vỏ có nhiều túi tinh dầu, màu xanh khi còn non và chuyển dần thành vàng khi chín. Khi thưởng thức có vị chua dịu đặc trưng. Bên trong quất có 5-6 múi và nhiều hạt xanh khoảng 5-10 hạt.
Bảo quản
Sau khi hái từ trên cây xuống, nên rửa sạch, bảo quản trái tắc ở nơi khô ráo, thoáng mát. Để giữ được lâu ngày hơn, nên cho vào túi kín, đặt trong tủ lạnh ngăn mát.
Giá trị dinh dưỡng của cây tắc
Theo nhiều tài liệu, cây tắc có thành phần hóa học khá đa dạng và phong phú:
100g trái tắc chứa:
- Năng lượng 26kcal, nước 89g, protein 0.9g, chất xơ 4.1g, pectin 10%…
- Các chất khoáng dồi dào như canxi 124mg, sắt 0.3mg, photpho 42mg, magie, đồng…
- Cùng các vitamin chống oxy hóa như vitamin C 43mg, vitamin B1 0.1mg, vitamin PP 0.2mg, beta-caroten 100µg…
- Ngoài ra dịch chiết từ trái có đường, acid hữu cơ, fortunelin, tinh dầu…
Phần hạt: Dầu béo 25.5%, pectin 8.66%…
Phần vỏ: Tinh dầu thơm, cay như a-pinen 0,4%; b -pinen 2,7%; sabinen 2,8%; limonen 8,4%; b-ocimen 0,3%; linalol 1,55…
Tác dụng của cây tắc
Chống oxy hóa, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa lão hóa
Trong trái tắc, hàm lượng hoạt chất chống oxy hóa như vitamin, chất khoáng… rất đa dạng và dồi dào. Trong đó, đặc biệt là vitamin C 43mg/100g quả đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra các collagen, mô liên kết và làm tăng độ đàn hồi cho da. Hơn nữa, thành phần này còn tạo ra hàng rào bảo vệ cơ thể, tăng sức đề kháng với các yếu tố bất lợi bên ngoài, duy trì làn da khỏe mạnh.
Bảo vệ niêm mạc dạ dày, ngừa táo bón, phù hợp người ăn kiêng, giảm cân
Chất xơ trong thực phẩm này khá cao khoảng 4g/100g quả. Đây được xem là nguồn chất xơ quý báu, có khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày với tác động xấu của acid, hay những gốc tự do không tốt. Nhờ vậy mà hệ thống tiêu hóa cũng được hoạt động tối ưu hơn, ngăn ngừa táo bón, giảm đầy hơi, khó tiêu, cũng như nuôi dưỡng các vị khuẩn có lợi cho đường ruột. Bên cạnh đó, thực phẩm làm tăng cảm giác no, giảm cơn thèm ăn, thanh lọc và ngăn chặn sự hình thành của các chất béo có hại cho cơ thể nhờ lượng chất xơ dồi dào này,
Lợi cho mắt và thị lực
Nhờ chứa lượng beta-caroten dồi dào 100µg/100g quả mà thực phẩm giúp chậm quá trình thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể, cũng như giảm thị lực cho người cao tuổi. Ngoài ra, việc hấp thu các dưỡng chất chống oxy hóa có trong quất sẽ ngăn ngừa những tổn thương mắt do quá trình oxy hóa gây ra.
Thư giãn, giảm căng thẳng
Hầu như các bộ phận của cây quất đều có chứa tinh dầu. Với mùi thơm nhẹ dịu đặc trưng, giúp chúng ta thư giãn, giảm stress… sau những mệt mỏi hằng ngày. Có thể dùng vỏ tắc pha chung với nước muối ấm rồi ngâm tay chân hoặc có thể sử dụng tinh dầu chiết xuất từ loại quả này, sẽ giúp an thần, giải tỏa những âu lo, phiền muộn hiệu quả.
Giảm đau họng, dịu cơn ho
Nhờ chứa tinh dầu, quất có đặc tính sát khuẩn, kháng viêm, loãng đàm mà dược liệu làm giảm đau họng, chữa ho hiệu quả. Điển hình như “tắc chưng đường phèn”, một bài thuốc dân gian đơn giản nhưng công dụng tuyệt vời giúp dịu cơn ho hay tình trạng viêm họng khó chịu.
Tác dụng Y học cổ truyền
Tính vị:
- Quả có vị chua, ngọt, tính ấm.
- Vỏ có vị đắng, cay tính ấm.
- Lá vị cay đắng, tính hàn.
- Hạt vị chua cay, tính bình.
Quy kinh:
- Quả: Kinh Tỳ, Vị
- Vỏ quả: Kinh Vị, Phế.
- Lá: Kinh Can, Tỳ, Phế.
- Hạt: Kinh Can, Phế
Công dụng:
- Quả: Kiện tỳ, loãng đàm, chữa ho, chống say rượu, trừ mùi hôi, chữa ngực sườn đầy tức, giải khát, chữa nôn mửa, trợ tiêu hóa…
- Vỏ: Chữa ho, tiêu đàm, kích thích tiêu hóa…
- Lá: Kích thích tiêu hóa, thông khí, chống nôn mửa, giảm nấc cụt, chữa cảm mạo…
- Hạt: Chống nôn, cầm máu, giảm ho, giảm đau họng…
Cách sử dụng trái tắc
Trái tắc được sử dụng rất đa dạng trong nền ẩm thực, của nhiều quốc gia. Có thể dùng tươi, nước giải khát, gia vị, nước chấm, ngâm muối, siro, mứt, trà, tinh dầu…Bên cạnh đó, người ta còn dùng quất làm cảnh trong nhà, thậm chí làm bonsai. Đặc biệt vào dịp tết âm lịch, nhân dân còn trưng bày loài thực vật này, với mong muốn sự may mắn, sung túc, giàu có, đầm ấm…
Một số lưu ý khi sử dụng
Do có nhiều acid hữu cơ, dễ gây kích thích niêm mạc dạ dày, ta không nên sử dụng quất lúc đói.
Nên uống những món giải khát chứa tắc sau ăn khoảng 30 phút, để tránh cản trở sự hấp thu của dạ dày.
Ngoài ra, những ai dị ứng hay mẫn cảm với bất kỳ hoạt chất nào trong họ Cam nói chung và tắc nói riêng cũng không nên sử dụng.
Một số bài thuốc từ trái tắc
Trị ho, đau họng, loãng đàm
Trái tắc tươi 3 trái, rửa sạch, cắt đôi, đem hấp cách thủy với đường phèn. Sau hấp chín, có thể ngậm, ăn, hoặc uống để giảm triệu chứng.
Chữa cảm mạo
Lá tắc 30g, sắc 3 chén còn 1 chén, thêm ít đường, uống lúc nóng để giảm triệu chứng.
Trị nôn mửa, nghẹn
Vỏ tắc, gừng tươi mỗi loại 9g, sắc uống mỗi ngày.
Hoặc vỏ tắc sấy khô 20g, tán thành bột, rồi sắc với nước uống lúc nóng.
Trị cầm nôn, giảm ợ hơi, thanh nhiệt
Vỏ tắc (tắc bì) 12g, đại táo 5 quả, đảng sâm 12g, cam thảo 4g, trúc nhự 12g, sinh khương 12g. Đem tất cả sắc uống ngày 1 thang, chia thành 3 lần uống. (Tắc bì trúc nhự thang-Kim quỹ yếu lược)
Trị tiểu lắt nhắt, từng giọt
Rễ tắc 30g, đường phèn 15g, sắc uống 2 lần/ngày, khoảng 1 tuần.
Đối với nhiều người dân, cây tắc (quất) là biểu tượng của sự sung túc, giàu có, thành tựu quanh năm. Không chỉ như vậy, đây còn là nguyên liệu nấu ăn không thể thiếu trong nhiều nền ẩm thực và còn có tác dụng điều trị bệnh hiệu quả. Quả thực, chúng ta thật may mắn vì đã được thiên nhiên ban tặng món quà quý như vậy.
Từ khóa » Tắc Là Quả Gì
-
Quả Tắc Là Quả Gì? Tác Dụng Của Quả Quất
-
[Thắc Mắc] Quả Tắc Là Quả Gì? Quả Tắc Có Phải Quả Quất Không?
-
Quả Tắc Là Quả Gì - Trái Tắc, Quất, Hạnh
-
Quất – Wikipedia Tiếng Việt
-
Trái Quất Và Trái Tắc Khác Nhau Như Thế Nào?
-
Lợi ích Của Quả Tắc Tốt Cho Sức Khỏe Của Bạn Thế Nào? - Hello Bacsi
-
Quả Tắc Là Quả Gì? 5 Bài Thuốc Và 4 Món Ngon Từ Quả Tắc - Vườn Nhiên
-
Trái Quất Và Trái Tắc Khác Nhau Như Thế Nào?
-
Quả Tắc Là Gì - Tác Dụng Tuyệt Vời Từ Trái Quất
-
Trái Quất Và Trái Tắc Khác Nhau Như Thế Nào? - Tạo Website
-
Quả Tắc Là Quả Gì - TTMN
-
Quất Miền Bắc, Quật Miền Trung, Tắc Miền Nam, Miền Tây Gọi Hạnh
-
Quả Quất Có Tác Dụng Gì Với Sức Khỏe Con Người?