Tràn Dịch Khớp Gối: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách điều Trị

Tràn dịch khớp gối gây đau, hạn chế khả năng vận động của người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn biến thành teo cơ, dính khớp, thậm chí là tàn phế. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, các dấu hiệu nhận biết và cách điều trị căn bệnh này.

5/5 - (954 bình chọn)
  1. 1. Tràn dịch khớp gối là gì?
  2. 2. Triệu chứng tràn dịch khớp gối
  3. 3. Nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối
    1. 3.1. Hoạt động mạnh quá mức
    2. 3.2. Chấn thương
    3. 3.3. Nhiễm khuẩn gây tràn dịch khớp gối
    4. 3.4. Mắc phải một số bệnh lý khác
  4. 4. Tràn dịch khớp gối có nguy hiểm không?
  5. 5. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
  6. 6. Khi nào cần tới gặp bác sĩ?
  7. 7. Chẩn đoán
  8. 8. Tràn dịch khớp gối có tự khỏi không?
  9. 9. Điều trị tràn dịch khớp gối
    1. 9.1. Nẹp đầu gối
    2. 9.2. Chườm lạnh
    3. 9.3. Mẹo dân gian chữa tràn dịch khớp gối
    4. 9.4. Các bài tập hỗ trợ
    5. 9.5. Vật lý trị liệu
    6. 9.6. Thuốc Tây trị tràn dịch khớp gối
    7. 9.7. Chọc hút dịch khớp
    8. 9.8. Phẫu thuật chữa tràn dịch khớp gối
  10. 10. Chế độ chăm sóc đối với người bệnh
  11. 11. Cách phòng tránh

1. Tràn dịch khớp gối là gì?

Trong khớp gối bình thường luôn tồn tại một lượng chất lỏng, gọi là dịch khớp. Nó giúp nuôi dưỡng sụn khớp, bôi trơn, giảm ma sát, đảm bảo sự trơ tru trong quá trình chuyển động của khớp gối. Dịch khớp nằm trong bao hoạt dịch.

Tràn dịch khớp gối xảy ra khi có sự tích tụ bất thường của quá nhiều chất lỏng bên trong và xung quanh khớp. Tình trạng này khiến khớp gối sưng lên, phù nề, đau và giảm khả năng vận động. Tràn dịch đầu gối có thể cấp tính hoặc mạn tính.

Tràn dịch khớp gối là gì

2. Triệu chứng tràn dịch khớp gối

Bệnh tràn dịch khớp gối có thể được nhận diện dễ dàng qua các biểu hiện bên ngoài. Do đó, người bệnh hoàn toàn có thể phát hiện ra các dấu hiệu điển hình của bệnh.

dấu hiệu TRIỆU CHỨNG CỤ THỂ
Sưng khớp Khớp trở nên căng hơn, to hơn. Do dịch tích tụ nên khớp sẽ sưng phồng, phù nề. Một đầu gối có thể trông to hơn đầu gối còn lại. 
Nóng đỏ khớp Vùng da quanh khớp gối đỏ lên và ấm hơn bình thường.
Đau nhức Đau, nặng nề tại khớp gối. Cơn đau có thể xuất hiện trong vài chục phút, có khi kéo dài vài giờ, thậm chí vài ngày. Chủ yếu đau 1 bên khớp gối.
Vận động khó khăn Khó co duỗi, leo cầu thang, đi lại.

Ngoài ra, một số triệu chứng như: tê chân, cứng khớp, mất cảm giác ở chân, sốt… là những dấu hiệu kèm theo mà người bệnh có thể gặp phải.

3. Nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối

Khi gặp phải tình trạng này, nhiều người sẽ truy tìm nguyên nhân khiến dịch tràn khớp gối. Đây cũng là cơ sở để quyết định hướng xử lý tiếp theo.

3.1. Hoạt động mạnh quá mức

Các hoạt động đòi hỏi phải sử dụng đầu gối liên tục và chịu áp lực mạnh sẽ gây tác động lớn tới khớp gối. Đó có thể là: chơi bóng đá, bê vác nặng, đứng lâu… Lâu dần bao hoạt dịch tại khớp gối sẽ bị ảnh hưởng khiến dịch khớp tràn ra ổ khớp.

3.2. Chấn thương

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến của tràn dịch khớp. Các tác động đột ngột từ va chạm, vấp ngã… khi chơi thể thao, lao động, tham gia giao thông hay sinh hoạt hàng ngày có thể gây chấn thương đầu gối.

Các chấn thương thường gặp là: rách sụn chêm, rách dây chằng, gãy xương… Trong đó, rách dây chằng chéo trước thường gặp khi chơi bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá. Rách sụn chêm sẽ xảy ra khi bạn đột ngột vặn đầu gối trong khi đầu gối đang chịu lực.

Lúc này, phản ứng tự nhiên của cơ thể là sản xuất ra chất lỏng để bảo vệ và chữa lành tổn thương ở đầu gối. Việc sản sinh ra quá nhiều chất lỏng sẽ gây tràn dịch. Bên cạnh đó, những chấn thương có thể làm tổn hại màng hoạt dịch ở khớp gối.

Chấn thương gây tràn dịch khớp gối

Chấn thương khi chơi thể thao cũng là một trong những nguyên nhân

3.3. Nhiễm khuẩn gây tràn dịch khớp gối

Nhiễm khuẩn cũng là nguyên nhân không thể bỏ qua. Các loại vi khuẩn, virus, nấm xâm nhập vào khớp, tấn công vào dịch khớp. Đó có thể là vi khuẩn lao, Mycoplasma… Người bệnh tiểu đường, bệnh lao, vẩy nến, người vừa phẫu thuật khớp gối sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn gây tràn dịch.

3.4. Mắc phải một số bệnh lý khác

Tràn dịch khớp có thể là hệ quả của một số bệnh lý xương khớp khác mà người bệnh không nên chủ quan. Các bệnh lý có thể kể đến như:

  • Thoái hóa khớp gối: Là tình trạng sụn khớp bị bào mòn khiến khớp gối dễ bị tổn thương. Đối với những bệnh nhân bị thoái hóa khớp, dịch khớp gối sẽ bị tràn ra dù không có tác động ngoại lực.
  • Viêm bao hoạt dịch khớp gối: Túi chứa dịch khớp bị viêm nhiễm gây tràn dịch. Bao hoạt dịch phía trước xương bánh chè, bao hoạt dịch sau khớp gối là vị trí dễ bị viêm nhất. Các cơn đau khớp gối trường hợp này thường ảnh hưởng tới giấc ngủ.
  • Viêm khớp dạng thấp: Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào mô khớp khỏe mạnh. Bệnh sẽ xuất hiện đồng thời ở cả hai khớp gối. Biểu hiện bệnh đặc trưng là tìn trạng cứng khớp kéo dài hơn 30 phút vào buổi sáng.
  • Bệnh gout: Thông thường bệnh gout sẽ ảnh hưởng tới ngón chân cái. Nhưng không loại trừ khả năng bệnh gout xảy ra ở khớp gối. Bệnh do hàm lượng axit uric trong máu cao, gây lắng đọng tinh thể urat tại khớp gối.
  • U xương: Khi khối u phát triển với kích thước lớn hơn sẽ chèn ép vào màng hoạt dịch, làm tràn dịch.
Thoái hóa khớp gây tràn dịch

Thoái hóa khớp dễ dẫn tới tràn dịch khớp gối

4. Tràn dịch khớp gối có nguy hiểm không?

Tràn dịch khớp gối thể nhẹ, được phát hiện sớm và điều trị triệt để sẽ không gây ra các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người bệnh chủ quan nên thường đi khám khi bệnh đã nghiêm trọng. Hậu quả của tràn dịch khớp gối nếu không được điều trị kịp thời là khá nặng nề.

Tràn dịch khớp gối kéo dài có thể gây dính khớp, xơ cứng. Nếu để dịch tràn nhiều, gây viêm nhiễm trùng có thể dẫn tới bội nhiễm, phá hủy sụn hoặc mô xương. Điều này sẽ làm giảm chức năng của vận động của khớp gối. Khớp cũng có thể bị biến dạng, thậm chí tàn phế.

5. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

Nếu bạn thuộc một trong các nhóm đối tượng dưới đây hãy thận trọng hơn với khả năng mắc bệnh:

  • Người cao tuổi: Quá trình lão hóa của cơ thể sẽ khiến cho xương khớp mất đi độ linh hoạt, ức chế quá trình sản sinh tế bào mới. Điều này sẽ khiến người cao tuổi gặp nhiều vấn đề về sức khỏe xương khớp hơn. Đầu gối vì thế cũng dễ bị tổn thương hơn.
  • Lao động nặng: Người thường xuyên phải bê vác, đi lại nhiều sẽ khiến khớp gối phải hoạt động quá tải, chịu lực lớn thường xuyên.
  • Người thường xuyên chơi thể thao cường độ cao: Bóng đá, bóng rổ, tennis… là các môn thể thao dễ gặp chấn thương. Do các môn thể thao này có liên quan tới việc vận động quá sức, tăng áp lực lên đầu gối.
  • Thừa cân, béo phì: Trọng lượng cơ thể vượt quá mức cho phép sẽ làm tăng áp lực lên khớp gối.
  • Những người mắc các bệnh lý về xương khớp như đề cập ở trên, người bệnh tiểu đường, vảy nến, người vừa phẫu thuật khớp gối.

Những đối tượng này cần có những biện pháp bảo vệ khớp gối để tránh chấn thương, tránh gây áp lực cho khớp gối. Người mắc các bệnh lý có nguy cơ bị tràn dịch đầu gối nên tầm soát bệnh định kỳ.

Đối tượng có nguy cơ mắc tràn dịch khớp gối

Người hay phải bê vác nặng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn

6. Khi nào cần tới gặp bác sĩ?

Về cơ bản khi xuất hiện các triệu chứng kể trên bạn nên tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Đặc biệt, các triệu chứng dưới đây cần tới sự chăm sóc y tế khẩn cấp:

  • Chân mất lực
  • Chân mất cảm giác
  • Không có mạch ở chân
  • Sốt, đổ mồ hôi

7. Chẩn đoán

Để xác định được tình trạng bệnh lý cũng như nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành một số phương pháp dưới đây:

  • Khám lâm sàng: Xem xét các biểu hiện trên khớp gối, quan sát dáng đi, kiểm tra tầm vận động. Tràn dịch nhiều có thể khiến đầu gối không thể duỗi hoàn toàn. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về triệu chứng, chấn thương, các bệnh đang gặp phải, thời gian và mức độ khởi phát bệnh.
  • Chọc hút dịch khớp gối để kiểm tra: Được thực hiện bằng cách đưa một cây kim dài và mỏng vào khớp và hút chất lỏng ra. Từ đó bác sĩ có thể đánh giá mức độ tràn dịch và tiến hành xét nghiệm dịch khớp. Dịch khớp sẽ được phân tích về số lượng tế bào, tinh thể, nhuộm Gram, nuôi cấy vi khuẩn.
  • Xét nghiệm máu: Xác định tình trạng nhiễm khuẩn.
  • Siêu âm khớp: Đánh giá mức độ tràn dịch cũng như được dùng để tiến hành chọc hút dịch khớp.
  • Chụp CT: Được chỉ định khi nghi ngờ nguyên nhân do viêm khớp, u xương.
  • Chụp X-quang: Nhận diện tình trạng thoái hóa khớp, gãy xương, u xương có thể dẫn tới tràn dịch.
  • Chụp MRI: Cho biết những tổn thương gân, dây chằng, thần kinh, mạch máu và mô sụn.

8. Tràn dịch khớp gối có tự khỏi không?

Thực tế có rất ít trường hợp tràn dịch khớp gối có thể tự khỏi. Nếu can thiệp ở giai đoạn đầu, bệnh có thể được điều trị dứt điểm. Vì vậy, người bệnh nên điều trị sớm, tránh để bệnh trầm trọng thêm, khiến việc chữa trị trở nên khó khăn hơn.

Vậy điều trị tràn dịch đầu gối bao lâu thì khỏi? Thời gian và hiệu quả điều trị phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như:

  • Tình trạng bệnh ở mức độ nào, các cơn đau xuất hiện với cường độ ra sao, lượng dịch nhiều hay ít…
  • Sức khỏe của bệnh nhân: có đang mắc phải bệnh lý nào khác không, có bị dị ứng với thuốc không…

Thông thường thời gian điều trị có thể kéo dài từ vài tuần tới vài tháng. Tuy nhiên có trường hợp người bệnh buộc phải điều trị dự phòng tái phát suốt đời.

9. Điều trị tràn dịch khớp gối

Việc lựa chọn cách chữa trị tràn dịch khớp gối nào sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân, tình trạng bệnh và thể trạng của bệnh nhân. Đối với một số ít trường hợp, tình trạng này có thể thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi, kê cao chân và áp dụng một số biện pháp tự chăm sóc. Tuy nhiên, đa phần đều cần sự trợ giúp của bác sĩ.

9.1. Nẹp đầu gối

Nẹp cố định đầu gối hoặc nẹp hỗ trợ vận động của đầu gối sẽ giúp hạn chế thấp nhất sự di chuyển của đầu gối khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng. Bên cạnh đó, việc cố định đầu gối sẽ giúp xoa dịu phần nào cơn đau. Hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ để lựa chọn được loại nẹp phù hợp.

9.2. Chườm lạnh

Tràn dịch khớp gối có nên chườm đá hay không khiến nhiều người không khỏi đau đầu. Chườm lạnh sẽ giúp cải thiện tình trạng sưng do tràn dịch. Người bệnh có thể sử dụng khăn bọc đá, chai nước đá để chườm lên đầu gối trong vòng 15 phút.

Chườm lạnh giảm đau do tràn dịch khớp

Chườm lạnh giúp làm dịu cơn đau tạm thời

9.3. Mẹo dân gian chữa tràn dịch khớp gối

Với những trường hợp bệnh nhẹ có thể tham khảo một số mẹo dân gian chữa tràn dịch khớp gối tại nhà dưới đây. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi phải có thời gian và sự kiên nhẫn.

  • Chườm ngải cứu: Ngải cứu có khả năng giảm đau, chống viêm. Bạn chỉ cần rửa sạch một nắm lá ngải cứu, để ráo. Rồi sao nóng ngải cứu cùng muối biển trên chảo. Để hỗn hợp nguội bớt rồi bọc vào khăn sạch rồi chườm lên gối trong 15 phút.
  • Uống nước sắc lá lốt: Mẹo này tận dụng khả năng tiêu viêm, chỉ thống của lá lốt. Rửa sạch 15g lá lốt tươi, ngâm với nước muối loãng trong 15 phút. Sau đó vớt ra sắc với 500ml nước trong 20 phút với lửa nhỏ. Chắt lấy nước uống trong ngày.
  • Đắp lá đinh lăng: Lấy một nắm lá đinh lăng rửa sạch rồi ngâm với nước muối loãng trong 15 phút. Để ráo rồi giã nát đinh lăng và đắp lên vùng đầu gối trong 15 phút.
Mẹo dân gian chữa tràn dịch khớp gối

Chườm ngải cứu giúp giảm cảm giác đau

9.4. Các bài tập hỗ trợ

Một số bài tập sẽ giúp cải thiện tình trạng đau, tăng khả năng vận động của khớp gối. Nhưng để đảm bảo an toàn bạn hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi tập luyện.

Bài tập cân bằng đầu gối

  • Đứng thẳng, tay vịn vào ghế.
  • Từ từ nâng chân phải lên cách sàn 30cm. Giữ tư thế trong 10 giây rồi để chân xuống. Lặp lại với chân trái.
  • Mỗi chân thực hiện 3 lần.

Bài tập nâng chân

  • Nằm thẳng trên sàn, hai tay duỗi thẳng theo thân.
  • Chân trái chống để tạo thành một góc vuông. Chân phải duỗi thẳng.
  • Từ từ nâng chân phải lên ngang bằng với đầu gối trái. Giữ tư thế trong 7 giây rồi trở về tư thế ban đầu. Đổi bên.

Bài tập đứng dựa lưng vào tường

  • Đứng thẳng, quay lưng vào tường, chân cách tường khoảng 60cm, hai bàn chân cách nhau 20cm. Tay duỗi thẳng.
  • Từ từ gập đầu gối để lưng áp sát vào tường cho tới khi đầu gối tạo thành một góc 90 độ. Giữ tư thế trong 10 giây rồi trở về tư thế ban đầu.
  • Lặp lại động tác 7 lần.
Các bài tập hỗ trợ người tràn dịch khớp gối

Bài tập đứng dựa lưng vào tường

9.5. Vật lý trị liệu

Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Các phương pháp như laser công suất cao, sóng xung kích shockwave, điện xung trị liệu, bài tập vật lý trị liệu sẽ giúp cải thiện sự linh hoạt của khớp.

  • Sóng xung kích shockwave: Phương pháp này dùng sóng âm năng lượng cao tác động vào các điểm đau. Từ đó kích thích quá trình tái tạo gân, cơ, mô mềm ở khớp gối.
  • Kéo giãn giảm áp: Sử dụng máy công nghệ cao để giảm áp lực chèn ép lên khớp gối.
  • Tia laser cường độ cao: Tia laser kích thích sâu vào các mô để thúc đẩy quá trình tự tái tạo của cơ thể. Phương pháp này cũng giúp tăng cường tuần hoàn máu.

9.6. Thuốc Tây trị tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối uống thuốc gì có lẽ là băn khoăn của không ít người. Các loại thuốc được kê trong trường hợp này sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng. Bên cạnh đó cũng có các loại thuốc tác động vào nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là một số loại thuốc trị tràn dịch khớp gối thường được chỉ định.

  • Thuốc giảm đau thông thường như: Ibuprofen, Tylenol… Chúng giúp kiểm soát cơn đau, sưng đầu gối. Lưu ý là thuốc này chỉ giúp giảm bớt tình trạng đau nhức mà không tác động vào tình trạng tràn dịch.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Thường được sử dụng trong trường hợp viêm khớp, chấn thương.
  • Thuốc kháng sinh: Dùng trong trường hợp tràn dịch do nhiễm trùng, giúp ngăn chặn tình trạng sưng viêm. Từ đó phòng ngừa tổn thương lan rộng.
  • Thuốc Corticosteroid: Thường tiêm trực tiếp vào khớp gối để giảm viêm, giảm áp lực tạm thời lên khớp gối. Loại thuốc này thường được chỉ định sử dụng trong thời gian ngắn bởi thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ. Bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và tác hại của thuốc để chỉ định.

Sử dụng thuốc tây có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, người bệnh chỉ được dùng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

9.7. Chọc hút dịch khớp

Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để chọc hút bớt chất dịch ra bên ngoài. Sau đó, bệnh nhân sẽ được tiêm Steroid để giảm viêm sưng. Tuy nhiên với phương pháp này, sau một thời gian ngắn, dịch khớp sẽ sớm xuất hiện trở lại. Và nếu chọc hút không đúng kỹ thuật, không đảm bảo tuyệt đối vô trùng sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao.

Chọc hút dịch khớp chữa tràn dịch khớp gối

Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để chọc hút bớt chất dịch ra ngoài

9.8. Phẫu thuật chữa tràn dịch khớp gối

Phẫu thuật là phương pháp can thiệp ngoại khoa được chỉ định trong trường hợp các phương pháp nội khoa không phát huy tác dụng, người bệnh phải đối mặt với nguy cơ biến chứng cao. Các trường hợp có thể được chỉ định là: tràn dịch do nhiễm trùng, khớp có khả năng bị biến dạng, đã chọc hút nhiều lần mà bệnh tái đi tái lại…

Mổ nội soi khớp: Bác sĩ sẽ dùng một ống ánh sáng đưa vào khớp gối. Từ đó giúp sửa chữa vị trí các khớp gặp vấn đề, phục hồi tổn thương ở sụn khớp, khắc phục tình trạng tràn dịch khớp. Đây cũng được coi là cách chữa tràn dịch khớp gối hiệu quả.

Phẫu thuật thay khớp gối: Đây thường là lựa chọn cuối cùng của bác sĩ. Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp bệnh diễn biến nặng, nguy cơ biến chứng cao, điều trị ngoại khoa và mổ nội soi không mang lại kết quả.

>>Đừng bỏ lỡ: Mổ tràn dịch khớp gối có tốn kém không?

10. Chế độ chăm sóc đối với người bệnh

Để hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị bệnh, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn cần một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và rèn luyện khoa học.

  • Vậy tràn dịch khớp gối nên ăn gì và kiêng gì? Người bệnh nên bổ sung thực phẩm giàu canxi, omega-3, vitamin C, vitamin nhóm D. Axit béo omega-3 có nhiều trong cá béo giúp ức chế phản ứng viêm tại khớp. Trái cây và rau màu xanh đậm chứa nhiều vitamin, chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào sụn khpws khỏi tác hại của các gốc tự do. Trong khi đó sữa và các chế phẩm từ sữa cung cấp lượng canxi dồi dào.
  • Người bệnh cũng cần hạn chế các thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ do chứa nhiều chất béo chuyển hóa và bão hòa thúc đẩy quá trình viêm. Không sử dụng rượu bia, thuốc lá.
  • Giảm cân nếu đang bị thừa cân. Việc duy trì mức cân nặng cho phép sẽ giảm áp lực lên khớp gối.
  • Lao động vừa sức, không mang vác vật nặng, không tập thể thao quá sức. Đặc biệt, trong thời gian cơn đau dữ dội hay dành thời gian để khớp gối nghỉ ngơi.
  • Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ để di chuyển dễ dàng hơn như nạng, gậy. Các dụng cụ này cũng giúp giảm bớt gánh nặng lên khớp gối.
  • Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Tái khám đúng lịch hẹn.

11. Cách phòng tránh

Để tránh gặp phải tình trạng tràn dịch đầu gối, bạn có thể áp dụng các biện pháp dưới đây:

  • Sử dụng các dụng cụ bảo vệ khi lao động, chơi thể thao để tránh chân thương vùng đầu gối. Đối với người cao tuổi nên lắp đặt các tay vịn ở nhà vệ sinh, cầu thang, lắp đặt phòng đầy đủ ánh sáng… Điều này sẽ giúp tránh chấn thương tại đầu gối trong sinh hoạt cho người cao tuổi.
  • Tập thể dục đều đặn để duy trì sự linh hoạt cho xương khớp, tăng sức mạnh cho các cơ quanh đầu gối. Môn thể thao phù hợp là bơi lội, yoga. Hãy cân nhắc từ bỏ các môn thể thao có thể gây chấn thương cho đầu gối.
  • Tránh vận động mạnh, giật đột ngột.
  • Duy trì cân nặng ở mức cho phép. Nếu thừa cân hãy áp dụng các biện pháp giảm cân khoa học.
  • Khám sức khỏe định kỳ để có thể nhanh chóng phát hiện và điều trị các bệnh lý có liên quan.

Trên đây là một số thông tin cơ bản để nhận diện và xử lý tràn dịch khớp gối. Từng đối tượng cụ thể sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Vì vậy hãy thăm khám và tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ điều trị của bạn. Nếu bạn đang băn khoăn về tình trạng của mình, vui lòng liên hệ qua tổng đài 0343 44 66 99.

XEM THÊM

  • 12 mẹo xử lý tràn dịch khớp gối tại nhà
  • 10 bài thuốc đắp dân gian cho người bị tràn dịch khớp gối
  • Giải đáp người bị tràn dịch khớp gối có nên uống glucosamine hay không

Từ khóa » Tụ Dịch Khớp Gối Lượng ít