Trần Luân Tín: Được Sống để Kể Lại, Về Một Thời Như Thế

Trong dòng sách văn học hồi ký về chiến tranh mấy năm qua, có một cuốn sách được nhắc nhở nhiều vì độ chân thực cũng như chất văn học của ngòi bút, đó là cuốn “Được sống và kể lại” của họa sĩ Trần Luân Tín, từng đoạt giải thưởng văn học Hội Nhà văn TP.HCM 2010.

“Được sống và kể lại" viết về cuộc sống của chính tác giả, một sinh viên đang học dở dang chuyên ngành mỹ thuật thì nhập ngũ cho đến khi cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc. Những câu chuyện đầy xúc động của tác giả - một người lính thông tin liên lạc làm nhiệm vụ trong 81 ngày đêm ác liệt tại thành cổ Quảng Trị, đã được Sống để Kể lại cho người hôm nay, về một thời như thế, về những giá trị cuộc sống đã được gìn giữ bằng xương máu của cả một thế hệ.

Và sáng táccủa Trần Luân Tín không chỉ có “Được sống và kể lại”.

VOV5 phỏng vấn họa sĩ, nhà văn Trần Luân Tín, với những câu chuyện đời ông đã và đang viết.

Trần Luân Tín: Được Sống để Kể lại, về một thời như thế - ảnh 1Họa sĩ, nhà văn cựu binh Trần Luân Tín.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Thưa nhà văn Trần Luân Tín, có thể thấy là, được đào tạo để trở thành họa sĩ, nhưng từ cuốn sách đầu tiên của ông “Sống để kể lại” có hồi ức chân thật và được kể rất văn chương...

Nhà văn Trần Luân Tín: Nó xuất phát từ hiện thực. Cuộc chiến mà tôi tham gia rất khốc liệt. Đó là cuộc chiến Quảng Trị. Năm đó tôi đúng 20 tuổi. Nó quá khốc liệt, thành ra người còn sống phải dùng chữ “Được Sống”. Phải rất là may mắn chứ chẳng ai có tài giỏi gì vượt qua được cuộc chiến đó. Thành ra chữ “được sống” cũng bật ra từ thực tế đấy. Và kế lại, thế thôi! Đơn giản là mình đã được sống, thì mình kể lại những việc mình đã trải qua. Khi viết tôi nghĩ rất đơn giản là kể lại những gì mình đã trải qua. Trong lòng tôi rất muốn cho các thế hệ sau có thể biết được thật sự về cuộc chiến ấy, con người thanh niên lúc bấy giờ là như thế nào. Thì cứ viết, rồi sửa. Viết rất lâu. Tôi viết cuốn đó 6 năm. Tôi muốn nó phải có sức thuyết phục về mặt văn chương, vì từ bé mình đọc nhiều sách, thấm vào trong người, mình không muốn nó chỉ là chuyện kể lể. Tôi đặc biệt chú trọng đến chữ nghĩa, văn chương. Còn bố cục thì cũng đơn giản thôi, vì nó theo trình tự của cuộc chiến ấy. Tôi trút rất nhiều sức lực vào đấy. Nó đạt được tới đâu là do người đọc nhận xét. Còn tôi thấy tôi đã làm hết sức mình.

PV: Là người lính cầm bút, ông có ảnh hưởng bởi nhà văn nào viết về chiến tranh hay không?

Nhà văn Trần Luân Tín: Đọc về chiến tranh thì cũng đọc nhiều. Nhưng tôi muốn viết theo cách của mình. Tôi rất thích việc kể lại thật, làm sao để nó thật là thật. Sách của Việt Nam tôi cũng đọc, các bác ngày xưa viết rất hay. Còn sách nước ngoài tôi cũng đọc Phía Tây không có gì lạ. Tôi rất thích cuốn đấy. Nó rất sống động. Sự giao lưu ấy giữa các cuốn sách mình đọc rất tự nhiên, nhưng mình không lấy một hình mẫu nào hết.

Trần Luân Tín: Được Sống để Kể lại, về một thời như thế - ảnh 2

PV: Ông có những kỷ niệm nào với bạn đọc sau khi Sống để kể lại ra đời?

Nhà văn Trần Luân Tín: Những kỷ niệm nho nhỏ nhưng cũng vui. Có lần đi uống café, có một ông Grab dừng lại nhìn. Mà mình thì rất khó chịu cái cách người ta cứ đứng giương mắt nhìn mình, xong lại lấy điện thoại ra bấm bấm, xong lại nhìn.

Mình nghĩ: Không biết "cái thằng này" nó muốn gì?

Một lúc cậu dựng xe đi vào, hỏi: Bác có phải bác Trần Luân Tín không? Tôi nói: đúng rồi, có chuyện gì? – Cháu có đọc cuốn sách của bác.

Nói chuyện, thì đấy là một thanh niên làm cho mình rất cảm động, vì mới có hai mấy tuổi thôi, đang học đại học và đi chạy xe thêm để kiếm tiền. Cậu ấy có nói một câu: Cháu đọc thấy sống động quá, và thứ hai nữa, cuốn sách làm cho cháu có thêm năng lượng để sống. Câu ấy làm mình rất cảm động. Những kỷ niệm như thế cũng có, cứ nho nhỏ như vậy, nhưng làm mình rất vui.

PV: Được biết là sau cuốn Sống để kể lại, ông đã hoàn thành một số tác phẩm khác?

Nhà văn Trần Luân Tín: Tôi chỉ viết những cái quanh mình thôi, những gì mình thấy gần gũi, quen thuộc thì mình viết. Cuốn thứ hai viết về thời sơ tán. Hồi bé tí, trước khi đi bộ đội thì mình sơ tán bên Hà Bắc, và cái thời của trường Đại học Mỹ thuật. Cuốn thứ hai tôi viết về võ. Vì tôi dạy võ mấy chục năm, nên điều đó cũng gần gũi với mình. Còn cuốn đang viết là về thằng cháu, từ cuốn nhật ký ghi chép lại khi nó còn nhỏ, năm nay nó lên 5 tuổi. Từ đấy gợi ý để mình nghĩ tới tương lai của nó trong bối cảnh của xã hội, trong sự phát triển của xã hội bây giờ, khoảng ba – bốn chục năm nữa nó sẽ là người như thế nào? Cuốn đấy tôi muốn gửi gắm nhiều. Vì trong cảnh sống bây giờ, mình có thể cảm nhận được vài chục năm nữa như thế nào, là nỗi lo lắng của rất nhiều người. Tôi cũng là một trong những người lo lắng đó. Và sợ rằng nó sẽ mất đi cảm xúc. Những cái rất thân quen của con người, của đời sống… sợ là sẽ càng ngày càng hiếm hoi đi.

PV: Xin cảm ơn nhà văn – họa sĩ Trần Luân Tín và rất mong được đọc tác phẩm mới này của ông.

Từ khóa » Trần Luân Tín