TRẦN LUÂN TÍN
Có thể bạn quan tâm
Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014
NGƯỜI Tự dưng lẩn thẩn suy tư về người, thì tự dưng nhớ đến câu thành ngữ vô lý này: “ Bạn ơi, kẹo ngọt và lời ve vãn không làm cho thức tỉnh”. * Ngày xưa, người coi cây cối, núi sông, biển cả là bạn, nương nhau cùng sống. Rồi bỗng dưng, không biết tự khi nào, nhân một khoảnh khắc bất ngờ nào, người chợt nhận ra mình mạnh hơn, cao hơn. Thế là hỳ hụi chinh phục, dời non lấp biển, bạt núi san đồi... Thực sự, người đã chinh phục, đã dời non lấp biển, đã bạt núi san đồi. Đôi khi mỏi mệt, người ngồi ngắm nhìn, rồi thốt ngợi khen, ngợi khen thiên nhiên tuyệt vời, thật xứng đáng làm màu tươi vui cho cuộc sống. Ngày xưa, người gọi đất là mẹ, vì đất nuôi người thực sự, như mẹ nuôi con. Giờ người làm ra cây công nghiệp trái ngọt quanh năm, lúa công nghiệp không cần thời vụ. Người bay trên trời, hàng ngàn cây số không thấy đất. Người ngồi trên tàu cao tốc, ngạo nghễ nhìn khung cảnh bao la của mình. Người có tất cả. Dường như người đang trở nên vĩ đại. Hướng nhìn là vũ trụ và biển cả, người cần phải chinh phục vũ trụ và biển cả, như đã chinh phục muôn loài trên mặt đất của mình. * Ngày xưa, cũng giống như bây giờ, tình yêu đôi lứa được gọi là “Vĩnh cửu”. Chỉ khác chút ít, là ngày xưa tình yêu của người có gió, trăng, cây cối, núi sông, đất và muôn loài xúm quanh vun đắp. Thành ra người yêu nhau có phần mộc mạc, có phần ngờ nghệch ngây thơ. Lòng căm ghét nhau cũng có từ ngày xưa, ngay khi người xuất hiện. Những “Đêm dài trung cổ”, những “Thập tự chinh”, những “Thế chiến” này kia, ngút trời uất hận. Nhưng xem ra, đất gieo mầm căm ghét, ngày xưa còn hạn hẹp hơn bây giờ. Bây giờ, lịch sự là đặc trưng thời hiện đại. Mọi việc dù sao cũng nên lịch sự. Người nhã nhặn hơn tức là trưởng thành hơn. “Thực dân” “thuộc địa” hay “Đế quốc” vân vân, là những cách thức thô thiển từ từ lui vào dĩ vãng. Người thống trị nhau một cách tế nhị, chỉ cười và bắt tay. Thế giới bây giờ phẳng, phẳng về thông tin không rào cản. Ngày xưa người không thể biết bên kia núi có gì, vậy nên người cứ yên tâm làm việc của mình, vô tình tạo ra lồi lõm. Thế giới của người từ nay ngày càng phẳng, văn minh sẽ tràn ngập khắp địa cầu. * Người trở nên khổng lồ. Mọi cái thuộc về người đều khổng lồ. Nguyên tử, vệ tinh, rô bốt… Nhưng, cá nhân thì khác. Cá nhân xuất sắc có nhiều điều kiện để xuất sắc. Họ sáng tạo từ nền tảng công nghệ đủ đầy, chỉ mỗi ngày nhích chút xíu thôi, cũng đủ thổi văn minh lao đi đến chóng mặt. Cá nhân trung bình thì tha hồ thụ hưởng. Kiếm tiền, thụ hưởng. Thụ hưởng và kiếm tiền. Giờ các cá nhân biết vô cùng nhiều. Kiến thức, thông tin chật ních não. Nhưng, người giàu thì vẫn giàu ngất ngưỡng, còn người ngèo cũng vẫn cứ thê lương. Người dần lãng quên thiên nhiên, đang buồn rầu và âm thầm giận dữ. “Hãy thân thiện…” Người cũng cảnh báo, nhưng xem ra chỉ là cảnh báo thôi. Người còn bận rộn với tham vọng của người. Những tham vọng ngất ngây, ngọt ngào như kẹo. Quả địa cầu tội nghiệp từng bị loài côn trùng thống trị. Từng bị loài khủng long thống trị. Đến lượt người, có vẻ như địa cầu bao la bị khuất phục hoàn toàn. * Làm sao cứu thiên nhiên. Một chút nhớ nhung làng quê, có thể sẽ không còn nữa. Rồi đến một niềm cảm thương nho nhỏ, cũng cộng vào một mối lợi vu vơ... Lạnh lùng không hẳn là lạnh lùng, cảm xúc cũng không hẳn cảm xúc. Người giờ đây trở nên lúng búng. Vậy hãy trao hành tinh này cho Rôbốt. Nó không có chữ con ở phía trước như người. Nó tỉnh táo hoàn toàn để cân nhắc công bằng các lợi ích. Nhu cầu của rôbốt cũng ít, nên lòng tham chắc cũng không nhiều. Có thể ngày ấy, thiên nhiên có cơ hội trở về vị trí của mình, là mẹ của muôn loài, muôn thủa. 28/3/2014. Không có nhận xét nào:Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014
ĐẤT Tự dưng nằm mơ thấy đất. Choàng thức giấc, bàng hoàng như chạm vào điềm báo kinh hoàng. Có phải ác mộng đâu, mà không ngủ được nữa. Đất mang mang. Mang mang ruộng thửa bậc thang, triền đồi lằng lặng… “Quê hương ai đó tím đỏ đồi sim…” Mầu đất ngời lên thơm ngập nắng chiều. Đường làng thiu thiu thậm thịch bước chân trâu về thân mật. Trong lòng bàn chân người, mùa đông ngăn ngắt, đất rạch những vết nứt xót xa. Mùa hè nóng rộn, thì đất siết thành những mảng sừng chai cứng. Thế mà suốt đời cứ dằng dặc nhớ, như là nhớ một niềm yêu mỏng mềm. Với bàn chân trần, người thật gần đất. Nhiều thế hệ đã áp cả thân mình vào đất, đến hết một đời. Những đường hào, địa đạo, những căn hầm chìm trong lòng đất. “Đất quê ta mênh mông…” Đất quê ta là đường hào, địa đạo, là những căn hầm chìm trong lòng đất. Quê hương là đất. “Chùm khế ngọt” từ đất mộc mạc nứt nỏi mà ra. Bao đời đất gần gụi với người, từ bàn chân bé tí teo chập chững, tận đến bước đi lập cập tuổi già. Bình minh, nắng sớm ải nồng trên cánh đồng hàng hàng chân rạ. Hoàng hôn, đất phập phồng hồi hộp, dàn đồng ca đêm rủ rỉ cất lời. Những triền đê, người ngồi bên người, gió vô cùng nhẹ luồn vào tình yêu của họ. Những bãi bờ mênh mang bao giờ cũng làm cho lòng người trải ra thật rộng. Làm cho bao nhiêu thù hận hay là toan tính phải vụt loãng tan. Người cứ lớn lên, biết đâu dòng sinh khí đất từng ngày nuôi khí chất cho người. Thật vô tư, thật hồn hậu. Thấy những mầu hoa lung linh muôn màu, nếm những vị trái cây muôn vẻ, thì giật mình vì dòng sinh khí đất kỳ diệu, thì cảm động vì lòng đất quá ân cần. Người không có rễ như cây để được đất truyền nhựa sống, nhưng có đôi bàn chân trần để nhận lấy nguồn sinh lực từ đất cho mình. Cho nên nhớ đất như nhớ mẹ. Cho nên ngay khi nằm trong hầm sâu, ở trong lòng đất, lại thốt nhiên nhận ra “Lòng mẹ rộng vô cùng…”. Lòng đất mang khí âm, lại chứa đầy dương điện, để cho khí của đất đi lên. Đi lên nhập vào dương khí của trời, cho muôn loài sinh trưởng. Đi lên để làm ra làn sương mờ buổi sớm, cho người ngồi nhớ mênh mông bên tách trà thơm… Làm sao mà ngủ lại được chứ. Con đường đất thơ ấu dẫn ta vui vẻ tới trường, cứ nghiêng đi vì những cánh chim chiềng chiệng. Con đường đất lặng im dưới trăng, lầm lũi dẫn ta vào trận đánh… thân người và máu rải nặng mặt đường. Giờ thì bao nhiêu thị thành vươn ra hăng hái. Bê tông lạnh lùng ngăn đất với người . Xe, xe, xe ào ào. Cây của phố phường được nhường một khoảng đất đúng bằng cái gốc, chúng cố vươn lên. Vòm lá xanh ngượng ngập với ngồn ngộn những tòa nhà. Sáng sáng người ngồi uống cà phê bên vỉa hè. Nghe bài hát vọng với tiếng ồn, đôi khi có chữ “đất” lẫn ở trong ca từ, nhưng dường như chẳng còn ai để ý. Đứa trẻ sinh ra trong thời hiện đại, tập lật trên giường đệm, tập bò, tập đi trên nền gạch men. Rồi em bé đến trường trên đệm xe êm, chơi đùa trên sân trường lát bê tông sạch sẽ. Ngày nghỉ, cha mẹ đưa em vào công viên, vòng vòng dạo chơi theo những con đường nhựa. Không một khoảng đất nào xuất hiện… chỉ một ít lặng im dấu mặt dưới thảm cỏ xanh. Không biết những cậu bé, cô bé thông minh đến tuổi nào mới thật nhìn thấy đất. Giờ thì người người sôi sục, người người hỉ hả. Dòng khí công nghệ vươn mình trùm trên khí đất. Đất mẹ vui buồn cũng đã xa xăm. Ngày một xa xăm. Người sẽ cảm xúc khác về hoàng hôn, về bình minh, về tình yêu, cả về hiếu thảo. Rất nhanh vì vô cùng bạn rộn. Rất mới vì chẳng có gì quan trọng hơn tiền. Ấm áp, đã sáng rồi, mặt trời đã hiện lên, lướt trên những đỉnh nhà trùng trùng điệp điệp. Ấm áp tiếng chim se sẻ hỏi han nhau dưới mái hiên nhà. Những chú chim giang hồ, ríu rít làm cho người bối rối. 22/3/2014. 1 nhận xét:Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013
VỀ Trung du trở về Thơm thảo mùi thơm đất Sa siết vô cùng. Có người về Nâu dịu mùa đông. Có người về Cùng gió lưng đê Màu gió nhẹ, màu đất nhẹ Nắng vàng lìm lịm trôi... Nghĩa lý cuộc đời Xôn xao ngày thân mật * Phảng phất khói sương Mùi cơm nếp chiều thơm khói bếp Ta chợt nhìn vào lòng ta thật Thấy như ta đã chết rồi Chết cùng xưa cũ Cùng yêu thương quê mùa Thảnh thơi không nương tựa Cảm động đã mờ phai. Mồ hôi mồ hôi Suốt cuộc đời còn chưa đủ mặn. * Rồi buồn rạng rỡ Quái chiều đậu lưng đê Màu cam vàng rừng rực Người về nâu dịu mùa đông. 29/10/2013 Không có nhận xét nào:Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013
NGÀY
Ngày thong thả nổi dậy qua đêm dài u uẩn Nhẩn nha kỷ niệm của người. Bước qua sương mai, qua màu xanh, màu nâu, qua bao nhiêu tha thiết vườn đời. Ngày đi tới mà như lùi lại, như không muốn khác, chỉ muốn là ngày muôn thủa. Thời gian thì lạnh lùng, nhưng ngày không muốn thế. Ngày nhắc nhở. Ngày khuyên nhủ. Ngày giống như tiếng đàn gõ tận xa xăm. Cảm động Ngày thong thả bước qua thời gian, không quên điều gì, không quên nước mắt, không quên tiếng cười, không quên nỗi buồn thăm thẳm, cũng không quên ánh nhìn ngời sáng hạnh phúc của người. Ngày đi qua đời tôi không bỏ rơi, mà ân cần mỗi sáng bắt tay, mỗi chiều chia tay.... 28/3/2013. Không có nhận xét nào:Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012
THẤY Chả là cái gì Cứ trốn mình Bọc mình trong cái kén Cái kén mênh mông rộng Bao la những hương đồng cỏ nội Ngả nghiêng yêu thương Vùi vùi cảm động Mong manh Quả không rụng Quờ quạng Say sưa Đường đi Không tới Đường đi ở bên trong Đường đi có máu Trống không nước mắt Từng mặn Ơi những muốn mong Khát Và hát ca và mềm và long lanh nghiêng ngả Bình minh và hoàng hôn và thành thật … ……….. Cái kén Cái kén sao mà vô tận. 30/11/2012. Không có nhận xét nào:Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012
THẢNG THỐT Trong tim có thể được không Gió lạnh cùng với nắng mênh mông Hắt hiu cùng với nồng nàn ấm Thấp xuống để thật thà với cỏ Thấp xuống để thật thà với đất Rùng mình mà nghe ra tiếng vọng Mà nghe ra tít tận mờ xa Mà nghe ra thật gần… mà bối rối Trong tim có thể được không Gió lạnh cùng với nắng mênh mông Hắt hiu cùng với nồng nàn ấm... Ta thả lòng trên gió của ta. 13/11/2012. 1 nhận xét:Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012
VỌNG Mặt trời hừng rồi Phía sau hàng tre lau gió Ao làng tiếc hơi đêm Sương tròn long lanh lá Đất thức giậy Phập phồng thở Gà dựng mào gọi nắng Thậm thịch chân trâu đường làng Quang quẻ bình minh Xóm thôn rục rịch Em gái băm bèo lốc cốc Cụ già phả khói thuốc lào Buông xanh thanh thao Dế giun giờ ngủ Cỏ thức giấc rồi Ngun ngun hơi sương Không hề hoàng hôn Ngày nguyên tươi mới Nắng tẹo nữa thôi, rạng chói Mênh mang đất trời Xanh tươi xanh tươi Sớm mai mừng nhớ xa xôi xa xôi Lòng ơi lặng nhớ. 6/10/2012. Không có nhận xét nào: ĐI CHƠI Trở về mà chơi vơi Người bạn nhỏ bảo “ Thì đợi nghe kể chuyện đi chơi đây…” như giận dỗi Đi mà chẳng rủ nhau Nhưng mà lặn lội lắm Đường lặn lội, lòng cũng lặn lội Trở về, mà chơi vơi Ghập ghềnh quen mà lạ Mừng vì lạ mà buồn vì lạ Người chết chết rồi, chết thì hết mất mát, cay sè mắt làm gì Mà có gì đâu, đường đi thì đi, chuyện thường sao phải Thôi lính già ai chấp Ngùi ngùi đi chơi mà chơi vơi Lòng một vui mà một trĩu nặng Tự bảo thảnh thơi mà không thể Cỏ xanh mà buốt lòng Gió sương người một chỗ mà hồn một chỗ Người bạn nhỏ bảo “Thế thì sao không già trước tuổi …” như là khuyên nhủ, Thôi mà, cố quên đi. 3/2008 về Quảng Trị. Không có nhận xét nào: VỌNG Núi thinh lặng Đồi yên ắng Chiều muộn Chiều muộn rồi Nắng dé vàng Về thôi Thung thăng trâu Lốc cốc mõ Khẽ khàng Khói lam Thơm thơm rạ Yên ấm Thậm thịch Tiếng chày khuya Xào xạc Vườn đêm Bộp rơi lá. 5/10/2012. Không có nhận xét nào:Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012
VỌNG Cánh chim Chiềng chiệng Vụt xa Nao nồng đất Mải mê chiều Bồn chồn chân lúa Hoang hoải Hoàng hôn Bếp lửa Thơm Mùi rơm Lặng yên Trăng lên Bóng người Nghiêng Rỡ ràng mái rạ Xao xác gió. 22/9/1012. Không có nhận xét nào:Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012
VỌNG Rơi rơi hạt Nhặt nhặt hạt Chim sẻ nâu Chim sẻ nâu Cục cù rù. Cục cù rù Chim cu gáy Chim cu gáy Trưa trưa vàng Đồng thênh thang Đồng mênh mang Xa xa gió Nghe xa gió Nghiêng nghiêng lòng Thơm thơm lúa Rơi rơi hạt Đồng mênh mang Cục cù rù. Cục cù rù Chim cu gáy Chim cu gáy. 15/9/2012 Không có nhận xét nào:Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012
HỌA SĨ NGHIÊM XUÂN HƯNG Đã nhiều năm Nghiêm xuân Hưng lặng lẽ với không gian riêng của mình để miệt mài vẽ. Dường như anh không bao giờ xuất hiện ở những nơi ồn ào hoan hỷ. Chỉ thi thoảng một vài người bạn… Va chạm với chính mình lý thú hơn là va chạm với cuộc đời. Anh dành nhiều thời gian chăm chú khai quật cái thẩm mỹ tiềm ẩn, lẩn trốn trong tâm hồn. Âm thầm xuyên qua buồn vui của cuộc sống mà anh đã từng trải nghiệm, để trút như là tất cả năng lượng vào trong những sáng tác của mình. * Một căn phòng yên ắng trong ngõ nhỏ yên ắng, không xa con đường ồn ào vào bậc nhất của Hà Nội, có những bức tranh sơn dầu theo nhau xuất hiện, điềm tĩnh mà xôn xao. Đấy là những không gian tranh đầy sức chứa đựng, chúng làm cho căn phòng không còn yên ắng nữa. Hưng vẽ bằng một hình thức không mới. Nhưng, những bức tranh của anh, chúng cùng đồng thanh xóa nhòa cái ý ngóng tìm sự mới lạ của người xem tranh thời hiện đại. Chúng quyến rũ, làm cho người xem tự nhiên đi vào trong không gian của chúng và thấy tâm hồn mình xao xuyến, phút chốc trở nên mới mẻ. Cái mới không nằm trong kiểu cách. Nó rất tự nhiên mở ra trên mặt tranh ngời ngời một cá nhân riêng biệt, cho dù thể hiện bằng bút pháp gì, cũng không trộn lẫn được. Và đúng là chỉ sự chân thực riêng tư mới là mới. Ngoài ra còn có thể tìm thấy nó ở đâu? Hưng như nín thở để mô tả thật trọn vẹn, thật chính xác những chi tiết của đời thường mà anh đã quyết định đưa vào tranh. Khi anh đặt bút vẽ xuống, tự nhủ là xong, thì các nhân vật, các chi tiết cùng rung lên từ chính bản thân chúng và từ sự kết hợp tuyệt vời với nhau. Không có nhiều người có thể hóa lòng mình vào trong kỹ thuật đến mức như vậy, để cho kỹ thuật trở nên quá tinh xảo, tinh xảo tới độ tương đương với độ rung sâu kín của tâm hồn. Kỹ thuật ấy khiến cho tranh Hưng vẽ bằng phong cách tả thực lại thấm đẫm chất siêu thực. Và hơn nữa, nó chắp cánh bay bổng một cảm quan trong sáng, cái cảm quan bao trùm những bức tranh, nâng tác phẩm lên cao hơn chính cái kỹ thuật tuyệt vời đã tạo ra tác phẩm. Đấy là sức hút của tranh Nghiêm Xuân Hưng. Sự đắm đuối của người vẽ lụồn qua kỹ thuật, lọt vào trong từng chi tiết, tạo nên chất siêu thực, bay bổng và sâu xa. Hãy ngắm nhìn người thiếu nữ nằm nghe sóng biển. Bạn có kìm được kỷ niệm của mình không… Kỷ niệm của tiếng gió, cái tiếng gió thủa nào, mà ngay lúc này da diết. Người con gái ấy không vô tư, mà cái đẹp vô tư lại dâng lên. Tự nhiên thấy mình tha thiết xưa cũ, lại thấy mình mênh mang mới lạ. Muốn ngắm nhìn thật lâu, như muốn mãi được lui vào bên trong cái không gian thật nhẹ nhõm mà thật ẩn dụ… Họa sĩ tự tin đến thản nhiên, không băn khoăn gì về nguyên lý hay là định hướng, tiêu chí thẩm mỹ này nọ. Những bức tranh có năng lượng dồn nén đã làm cho người thưởng ngoạn được sung sướng thoát ra khỏi những định kiến. Tranh của Nghiêm Xuân Hưng rất thuyết phục. Cái đẹp của tranh anh trong sáng bởi vì sự đắm đuối của anh trong sáng. Anh vẽ thiếu nữ khỏa thân rất nhiều. Sao vậy? Người ta cho rằng họa sĩ thường vẽ khỏa thân vì thân thể con người chính là vẻ đẹp hoàn hảo nhất của thiên nhiên, món quà quý hóa nhất của thiên nhiên. Nhưng tôi cảm thấy Hưng không phải chỉ là như vậy. Hội họa có thể cổ vũ, có thể phê phán. Hưng muốn cổ vũ cuộc đời bằng tình yêu. Nhân vật của anh tự thân tỏa ra sức sống, chào mời sự sống. Người ta có thể thư giãn thành thật nhất khi soi vào tình yêu thật nhất của mình. Tranh khỏa thân không giống nhau vì hiệu quả của nó không giống nhau. Nhục cảm không hề xấu, nhưng nhục cảm nếu dẫn cảm giác người xem vào chỗ lầy lụa thì không nâng lên mà dìm xuống, và có thể làm rời xa cái thẩm mỹ vốn là bầu không khí để sống của con người. Khỏa thân của Nghiêm xuân Hưng gợi sống, gợi sức sống của tình yêu. Bên tình yêu, nỗi niềm về cuộc đời cũng đồng hiện. Có thể gặp một xa xót, một tiếc nuối cho một cái gì đó xa vắng. Cái gì đó như là hồn vía cứ luôn thấy phảng phất. Hưng không vẽ theo lối dân gian. Nhân vật của anh cũng là người đương đại. Nhưng có lẽ cái hồn quê Việt trong anh quá day dứt đến độ nó cứ áp vào, tự nhiên trở thành hồn vía của tranh anh. * Tiếng nói hội họa, khi người họa sĩ nghiền ngẫm bằng độc thọai thiết tha, nó sẽ âm vang mà không cần đến sự “Thể hiện” ồn ào. Một bức tranh sinh ra từ sự thiết tha của người vẽ thường sẽ nói rất nhiều, nhưng không phải bằng lời văn nên không thể đọc được, chỉ có thể cảm nhận mà thôi. Hội họa của Nghiêm xuân Hưng trằn trọc nhiều, giống như con người anh. May mắn thiên phú đã giúp anh không sa vào cách nói nghiêng về văn chương, sân khấu, hay triết học trong tranh của mình, mà nhập thẳng vào ngôn ngữ biểu cảm tượng hình của hội họa. Điều này thấy trong tranh của anh khá rõ. Sự trằn trọc với nhiều điều của cuộc đời cứ ẩn chứa và như là cựa quậy muốn hiện lên. Nhưng bao giờ chúng cũng được dừng lại vừa đủ ở phía sau tiếng nói của hội họa. Hình như vì lẽ này, việc vẽ tranh bằng phong cách siêu thực là nhu cầu tự nhiên của Hưng. Trên những bức tranh siêu thực, anh được ca hát hay là rên rỉ hay là mơ mộng nhiều hơn cùng với cái ẩn ý của các chi tiết hội họa. Có thể triết lý một chút, cường điệu một chút Nó thỏa mãn một diện khác cho cảm xúc và nhu cầu bộc lộ của anh. Toàn bộ sáng tác của Nghiêm xuân Hưng đến lúc này, vẽ siêu thực hay là vẽ tả thực cũng đều được bao trùm bằng chất thoát thực. Cá tính có nhiều trắc ẩn của người nghệ sĩ này đã tạo nên cái phẩm chất ấy cho tác phẩm. Mọi cái đều phải thoát lên bên trên cái thực, và rung lên như thế mới thỏa mãn được cảm xúc của anh. * Không nhiều người biết tới tranh của Nghiêm xuân Hưng. Không giới thiệu, không triển lãm. Cuốn sách này là lần đầu tiên xuất hiện của tranh anh sau mấy chục năm lao động miệt mài. Không nghiêng ngó qua lại. Chân thành với hội họa. Say sưa, từ tốn, hôm nay anh tặng cho người thưởng ngoạn những không gian cảm xúc của mình bằng sự biểu hiện của một thứ kỹ thuật hết sức công phu và kỳ ảo. Không gian ấy bay bổng, xôn xao và quyến rũ. Chúng là không gian của thi ca dẫn dắt người đời. 8/9/2012. Không có nhận xét nào:Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012
LỜI HÁT “Trăng ơi hãy lu mờ. Đừng sáng nữa, sáng chi sáng cả đất trời Có chi đâu mà trăng sáng trăng ơi. Đến khi người yêu tôi về thì trăng hãy sáng trăng ơi…” Có chi đâu mà hát vậy hỡi người. Có chi đâu mà trách ánh trăng rơi. Nào ngồi xuống đây, hãy ngửa cổ lên Mà trăng sáng đó, mà trăng mờ đó Mà người trách hờn trăng đâu. * Thuyền trăng trôi trên sông trăng, trôi dưới ngón tay hững hờ ngón tay dừng lại ngón tay lướt qua. Sẽ quên thôi, quên mùi sương thơm trong vắt, quên ngực đất ngùi ngùi căng ưỡn, quên gió lung linh, quên tiếng thì thầm vọng ấm dưới trăng. Sẽ quên chỉ còn chợt nhớ như từng đâu đó thoáng qua. Sẽ quên vì chẳng ai nài nỉ trăng nữa để cho bờ đê hoàn toàn vắng vẻ đường mòn cũng hoàn toàn vắng vẻ và trăng hoàn toàn tự do. Sẽ quên… Nhưng có chi đâu mà trăng sáng trăng ơi Đến khi người yêu tôi về thì trăng hãy sáng trăng ơi Thì trăng hãy sáng trăng ơi.... 6/9/2012. 1 nhận xét:Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012
HOẠT CẢNH
Bây giờ hãy thử biến thân vào trong công nghệ 5Đ Nhấn lệnh ... Những hạt trong và những hạt đục tách riêng ra, nhấp nhổm hai bên những hạt trung gian màu ghi xám. Bây giờ định tâm để thật là bình tĩnh. Bây giờ bắt đầu cho lửa truyền vào. Đen hết. Toàn thân bây giờ từ từ đen hết. Rồi đỏ hồng lên Rồi lằng lặng xanh ngăn ngắt. Rồi lại đen. Bây giờ lệnh cho tuyết rơi, tất nhiên rơi ở bên ngoài cái cột người kia. Rồi hãy không làm gì nữa. Xem xem bây giờ có bất ngờ gì. Nổ. Chẳng phải là ý của ai. 5Đ mặc định dòng lôgích riêng, thật hơn cả thật. Những mảnh đen thui bây giờ vỡ tung, vô vàn trên nền tuyết trắng. Tràn ngập, vun vút. Đột nhiên giao hưởng ồ lên. Bây giờ tuyết vô giới hạn. Mảnh đen bây giờ cũng vô giới hạn. * Dừng lại, im bặt. Những mảnh trong tuyết cựa quậy, lớn lên. Những mảnh biến thành đỏ rần. Tuyết tan. Dâng dâng tím sậm. Lại nổ. Không gian bây giờ thực sự biến mất. Những cột rừng rực tự thay đổi mầu, tự thân gào lên. Bây giờ tuyệt đối không còn giao hưởng nữa. Tuyệt đối không còn phía trên, phía dưới… không thể rơi xuống hay là bay lên. Những mầu bây giờ ào ào dạt ngang, ào ào xiên chéo, chúng đuổi theo nhau vô cùng hăng hái. Nổ, liên tục nổ. Tất cả bây giờ vùn vụt quay tít mù. Thử căng mắt nhìn xem. Không thể nhìn. Bởi vì mình, bây giờ cũng còn đâu nữa…. * Váng hết cả đầu. Tắt. Nhấn vội 3Đ quen thuộc. Ôi những cái cột đen thui khủng khiếp… Bây giờ nháy mắt hiện lên những người lành lặn. Họ cười và mỗi người mỗi việc. Cuộc sống bây giờ lại chăm chú, nhẫn nại và bình thường. Bây giờ có tiếng kèn của ai khàn khàn rụt rè ve vuốt. Có tiếng hát mượt mà ngang qua thảm cỏ, dụi vào ngực người rồi vút lên ngọt lịm giữa trời. Mầu xanh lại thì thầm rất là xưa cũ. 25/8/2012. 2 nhận xét:Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012
LÀM GÌ
Chợt thấy xung quanh mình chẳng có gì. Rộng quá, xa xăm quá. Không có gió, không có nắng, không có bóng đêm. Không bất cứ một cái gì cả. Nào là bay nào là chìm, để rồi chợt bỗng trống không. Lúc này có người đang cặm cụi viết viết. Có người đang hăng hái đi đi. Có người đang say sưa vẽ vẽ. Có rất nhiều người miệt mài làm rất nhiều việc. Có người mê man lau súng. Có người cho cá ăn. Có người nghiêm nghị dạy bảo cháu con. Có người mải yêu vụng dại. Có người buồn. Có người rất vui. Có người trở thành một khối căm hờn. Có người phồng no hạnh phúc. Hành tinh thì lặng lẽ. Vũ trụ lặng lẽ và tôi ở đâu. * Thở ra rồi hít vào thật sâu, phải thật là sâu. Tôi tôi tôi, tôi thăm thẳm. Bây giờ làm gì đây. Có thể nói. Cũng có thể không. Nhưng hy vọng sẽ giúp cho tôi thoát được. Chắc là sẽ trồng một cái cây. Một cái cây. Một cái cây thật là nhiều lá, để được reo lòng cùng gió. 15/8/2012. 1 nhận xét:Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012
CẦN CÓ GÌ
Sao lại nỗi niềm sao lại buồn vì người đời thế này thế kia. sao gió cuốn trôi… vẫn “cần có một tấm lòng”. * Có nghe những tiếng cười không không thể thỏa mãn hơn Có thấy những gương mặt không không thể kiêu hãnh hơn Có thấy những ánh mắt không không thể thèm khát hơn Vậy buồn gì chứ. * Bây giờ rừng vẫn thản nhiên. Những cây mới lớn nhìn cây già đổ xuống. Rồi đến lượt cây mới lớn lại sẽ thâm u. Bây giờ biển vẫn bí ẩn, vẫn âm thầm lần mò thềm lục địa. Rồi sóng lại sẽ xô lên vui vẻ lật nghiêng bờ. Bây giờ đất vẫn rất rất vô tư. Ai trồng cây cứ trồng. Ai cất nhà cao bao nhiêu cứ việc cất. Còn mây vẫn rủ rê nhau đàn đúm. Và gió vẫn se sua ve vuốt. Mỗi khi hào hứng thì ào ào quần thảo náo nức cả đất trời. * Những kỷ niệm vẫn tiếp tục nôn nao xếp xếp nối nhau, theo ngàn ngàn hàng dọc. Những người giàu vẫn nhếch mép “Đừng trách ta giàu” Những người nghèo vẫn nghiến răng “đừng chê ta nghèo” Những người hèn vẫn lắc lắc đầu “bọn chúng mày ngu lắm” Những người can đảm vẫn mỉm cười “chẳng cần chấp chúng mày”. * Bọn ấu nhi vẫn lũ lượt lớn lên. Ít bú sữa mẹ, nhưng đã có sữa ngon của người khác làm ra cho chúng uống. Không chơi khăng, chơi bi, chơi đánh đáo để mê man. Thì mê man bằng trò chơi với con chuột. Như thế vẫn là say sưa. Không buồn vì mất bạn, thì tái tê vì mất cơ hội. Như thế vẫn là nỗi buồn. Không vui vì thành công của người, thì ngất ngây vì thu nhiều lợi nhuận. Như thế vẫn là niềm vui. * Vậy buồn gì chứ. Có nghe những tiếng cười không Có thấy những gương mặt không Có thấy những ánh mắt không. "Cần có một tấm lòng" dường như không còn thích hợp nữa. Vậy chúng ta cần rất nhiều... sức khỏe bạn ơi. 05/2012 Không có nhận xét nào:Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012
BỐN MƯƠI NĂM
Bề bộn bốn mươi năm Người ở bìa rừng đáy sông lưng đồi còn chưa về Hôm nay vui ngày giải phóng bốn mươi năm Bề bộn áo quần tươi mới Bề bộn nước mắt cay Là Cùa đất đỏ Là Hải Lăng khô gió Lào Cam Lộ hắt hiu sông Hiếu nhớ Ái Tử không * Nếu còn sống, mày làm gì sẽ ngồi như tao thôi sẽ khóc Nhớ gì Tình người trải thảm xanh không che hết đất cằn Có thấy bình minh lên có thấy hoàng hôn xuống móng nhà có lỡ đè lên ai không * Bề bộn dắt tay đi về đường 9 Cao Hy bằn bặt cỏ tranh Lai Phước xanh lặng lòng… mới vỗ lưng cười hền hệt tóc trắng xương mục rồi Bây giờ Quảng Trị tưởng niệm có bận rộn lắm không người chết Trường chinh kỷ niệm Trường chinh hy sinh Thế mà đã bốn mươi năm. 01/05/2012 1 nhận xét:Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012
CẢM THÁN
Tôi thích ý thơ này của TaGo : “Bằng cặp mắt say sưa Tôi đã từ cửa sổ lòng tôi chăm chú nhìn vào lòng cuộc sống và cảm thấy rằng với tất cả điều hay điều dở cuộc đời thật đáng thương yêu” Đơn giản như vậy. Mẹ tôi viết di chúc rằng: “Sống là niềm vui nhưng ai cũng một lần phải chết” Chắc Mẹ đã phải nhiều lần dạo lại cuộc đời sau bao nhiêu tháng ngày gian lao vất vả và chất chứa buồn. * Nhớ tuổi trẻ mình - bây giờ nó đang thở ở dưới làn gia đã bắt đầu héo. Những đường quạnh hiu nắng khô sỏi khô và tiếng rên rỉ của côn trùng. Số phận dắt tôi bao nhiêu lần qua lại những con đường buồn thiu như thế. Những trận bội bạc và những cơn lừa lọc bao nhiều lần dìm tôi chìm xuống. Từ thiên thu nỗi cồn cào về thân phận Người như là niềm uất hận cũng từng cào xé tâm tình tôi. Như đã từng làm với triệu triệu kiếp người. Tuổi trẻ biết bao nhiêu lần than phiền, lại cũng biết bao nhiêu lần phạm vào tội ác. Cuộc sống mà tôi đang sống có vẻ như ngày một buồn. Không biết tuổi trẻ của Tago, của Trêkhốp, của Picátsô… Những người để lại cho loài người tình yêu cuộc sống, họ đã trải qua như thế nào. * Sống đến gần hết cuộc đời tôi chợt nhận thấy, bao nhiêu hùng ca cũng không lớn lao hơn giọt sương trên mầm lá. Tôi nhớ đọt tre non dưới bom ở Quảng Trị. Rồi nhớ đến những người đang miệt mài phê phán cuộc đời. Và cảm thấy thật rõ ràng có điều gì vĩnh hằng ẩn chứa trong thiên nhiên mà thiên nhiên không nói, đã âm thầm giúp cho tôi khi nhìn về quá khứ gian lao, thì là những buổi bình minh. Có thể, thương yêu là niềm say sưa nhất… Thương yêu giúp ta vượt qua nước mắt và giữ lại cho ta nguyên vẹn tấm lòng mình. 04/2012 Không có nhận xét nào:Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012
BA CUỘC GẶP
Truyện ngắn Cuộc gặp thứ nhất. Hà Nội vào tiết cuối thu, những quán bia nghiêng dưới vòm lá cây chòng chành. Tôi dừng xe trước dãy quán ồn ào, đặt chân xuống mặt đường xao xác lá khô. Có một cánh tay vươn cao lên vẫy, một khung người nghiêng tới. Tôi nhận ra Kiên, người vừa gọi cú điện thoại gay gắt mà cảm động: “Ông còn thương anh em không hả? còn thì phải đến ngay!” Bắt tay bá vai thân mật, Kiên xìa cả bàn tay vào mặt tôi giới thiệu với người đàn ông mặt đỏ và người đàn bà gia trắng ngồi cùng bàn: “Đây là đồng đội, chiến hữu đấy”. Rồi quay sang tôi: “Dạo này khỏe không. Trông ông khỏe đấy. Nào uống.… Ô chúng chưa đem bia ra à? Các người đẹp chậm chạp quá …” Người mặt đỏ nhấc cái bi đông trên bàn lên, bi đông inox dùng cho dân uống riệu chuyên nghiệp “Khởi động tý này, uống bia sau nhá ”. Nói rồi rót riệu vào một cái cốc nhỏ, vừa rót vừa mệt mỏi lắc đầu: “Thằng này nát lắm, mà còn hay tham công tiếc việc …” Bàn nhậu bày la liệt trên vỉa hè, quán nối liền nhau, đông nghịt người, các cô chạy bàn chạy táo tác. Tiếng gọi bia, tiếng thảo luận rôm rả. “Đây là tập đoàn quán công chức. Giờ nghỉ trưa, còn biết đi đâu, kệ chúng nó !”. Hồi lăn lộn ở Quảng Trị, Kiên từng đọat giải nhất trong một cuộc thi thơ. Phút chốc, tôi gắng mường tượng hình dáng thằng Kiên ngày ấy, để thấy lại cảm giác gần gũi. Kiên nhấc cái điếu cầy dựng ở chân bàn vân vê nêm thuốc vào nõ điếu. Tôi tặc lưỡi: “Vẫn thuốc lào à, kiên cường quá ”. “Thủy chung chứ ...”người bạn mặt đỏ lừ lừ nhìn Kiên như nhìn một lão nô gàn. Cái lưng của Kiên cong vồng, nó có vẻ thoải mái với độ cong như thế, mặt nó gầy mà nhiều nếp nhăn, những nếp nhăn sâu xổ xuống, chuyển động linh họat cùng với cái miệng rộng. Phả hết luồng khói thuốc, Kiên hơi ngửa người như chợt nhớ ra: -À, chụp ảnh đi. Mẹ, sống được đến tận bây giờ với nhau cơ mà. Thế gặp ông anh Đức chưa. Thôi chuyện ấy nói sau, chụp ảnh đã ”. Anh bạn mặt đỏ dương máy lên, tôi cũng lôi cái máy nhỏ trong túi xách ra. Tý tách một hồi, Kiên bảo: “Ông Dương, ông cầm máy của Tú chụp hai thằng tôi vài kiểu. Quan trọng đấy!”. Nó xịch cái ghế nhựa lại gần rồi choàng tay qua vai tôi. -Tú ạ, tôi bây giờ còn kiêm cả viết kịch bản nữa đấy. Thế này nhé, chiến hữu giúp nhau việc này. Ông Đức tốt lắm - nó gục gục đầu - Nhờ ông in một kiểu ảnh hai thằng mình hôm nay tặng ông ấy hộ tôi... Anh Đức giúp tôi nhiều, quý lắm. Sắp tới sẽ trình kịch bản mới mà. Nhớ nhé, cái này là đồng đội giúp nhau, quý lắm. “Ông Đức” là anh ruột tôi. Tôi ừ rồi cáo từ, để còn đến với nhóm bạn học ngày xưa. Lâu mới ra Hà Nội nên gặp gỡ túi bụi, còn rộn hơn cả doanh nhân. Kiên lóc xóc bước, áo bộ đội rộng thùng thình “Xe ông gửi ở đâu !”. Một tay tóm chặt cánh tay tôi, tay kia thọc vào túi quần caky móc ra một nắm tiền lẻ, nó đặt cả nắm tiền vào tay chú bé giữ xe rồi quay sang tôi: “Ông đi đi, nhớ nhau là được rồi…” Chú giữ xe nói: “Ông bác, dư của ông bác một vại bia này!”. “Thôi được rồi, mày chê tao à”. “Dạ ông bác… dạ, đại ca!”. Bắt tay nhau, tôi nói: “Giữ sức khỏe, mày uống nhiều quá…”. Nó cười bằng toàn bộ khuôn mặt, đặt biệt bằng cái miệng rất rộng hơi méo, còn cặp mắt thì không biểu lộ cảm xúc gì, cứ tròn to lặng thinh. Cái giá mắc áo khom khom trở lại bàn bia. Tôi từ từ tăng ga, từ từ ra khỏi khu Tăng Bạt Hổ. Gió như là gió heo may, không biết có phải heo may không, nó lao xao làng lạng trên mặt đường. * Cuộc gặp thứ hai. Cũng 25 năm, cũng là đồng đội ở mặt trận Quảng Trị thủa xưa. Cũng là một cú điện thoại. Tôi lọ mọ đi tìm cái khách sạn tư nhân trên đường Nguyễn thị Nghĩa. Một người nhỏ thó, áo bỏ trong quần, sạch bong, tươi tắn, thong thả đi từ sảnh xuống bậc thang, không nhìn xuống mà nhìn xa ra phía ngoài đường, chắc nó không nhận ra. Tôi gọi: “ Tùng!”. Nó “À” rồi niềm nở tiến tới. “Không nhận ra hả?” “Không nhận ra, không nhận ra”. “Ừ mấy chục năm rồi còn gì”. “Gửi xe đi, gửi xe đi, à cứ để đây. Được rồi, nào lên trên này”. “Có rảnh không? ra ngoài uống cà phê nói chuyện”. “Thôi, lên đây lên đây, đi đâu làm gì”. Sảnh khách sạn khá rộng, có nhiều thanh niên trai gái đứng ngồi đi lại. Có máy ảnh đặt trên chân giá, có máy quay phim lọai chuyên nghiệp và có các phóng viên mặc áo ngắn tay nhiều túi. Tôi đi theo Tùng ngang qua đám người thơm nức vào tới phòng ăn. “Ngồi đây nhá, ngồi đây … ngồi đây”, nó quay qua quay lại rồi quyết định: “Thôi lên tôi, lên phòng tôi, ở trên này, ở trên này”. Tôi yên lặng đi theo nó, thấy ngồ ngộ, có lẽ miệng tôi hơi mỉm cười. -Một chặng đời vất vả lắm… tôi quyết định chuyển hướng hoàn toàn bạn ạ. Sang cái này thì mọi cái đều mới, phải học, tuổi bấy giờ cũng đã ngót nghét nhưng vẫn cố học. Giờ thì ổn rồi, cũng là thành đạt. Có sự nghiệp, lo được cho vợ con. Ông nghĩ xem, mình tài năng chẳng bằng ai, ngay các bậc lão làng như Văn Cao, Nguyễn đình Thi cũng sống khổ lắm huống chi mình. Tôi nhận ra thằng Tùng với lối nói rành rọt tỉnh táo ngày nào, thế là yên tâm, hồi nãy cứ lo lo sao nó có vẻ không bình thường. -Tôi được cử sang Mỹ, vài năm. Rồi sang Nga, sang Ba Lan, Séc. Mới về nước được vài tháng. Về hẳn rồi. Thằng lớn thì còn đang học cao học ở Anh. Bây giờ hả, bây giờ mình là vụ trưởng, hàm thứ trưởng. Công việc ấy mà ... mình không làm thì ai làm. Hai ly nước lọc trắng tinh. Khuôn mặt vụ trưởng khá đầy đặn, thoạt nhìn thì sáng, riêng cặp mắt lại lẩn chìm trong bầu mý hơi sụp xuống, vẻ nhìn cẩn trọng, khắt khe. -Lái xe suốt… bây giờ còn lái cả trực thăng nữa. Lái xe ở Mỹ như ở nhà mình, thuộc lòng cả ấy mà. Lần này vào đây đưa các cháu nó đi tham quan. Các cháu Việt Kiều ở nhiều nước. Chúng nó đều ngạc nhiên cả, không hình dung ra Việt Nam lại đẹp đến như thế này ... Tôi thường gặp ông Cao Kỳ, gặp các tướng lĩnh Ngụy ở Mỹ. Uống cà phê với nhau luôn ấy mà. Nói chung họ đều biết thời biết thế. Bọn vớ vẩn mới quậy lăng nhăng. Thế con cái ông thế nào? Có tiếng chuông cửa, Tùng mở cửa. “Chú khỏe không ạ?” giọng con gái Bắc trong veo. Nhìn thấy tôi, cô gái nói với Tùng: “Cháu hỏi thăm sức khỏe chú thôi ạ. Cháu xin phép ạ”. Tùng nãy giờ vẫn giữ nguyên nụ cười chừng mực, vừa từ từ khép cửa vừa cười rộng hơn một chút: “Cám ơn, cám ơn nhé”. Rồi quay sang tôi: “Bác sĩ của đoàn, chăm lo sức khỏe cho chú !” nó nẩy nhẹ hai tiếng cười nho nhỏ. Chia tay, Tùng đưa tôi ra khỏi cửa phòng rồi dừng lại, hơi khom người bắt tay: “Thế nhé, có gì sẽ liên lạc lại. Ông vào thang máy, bấm số một, bấm số một . Ừ, đi nhé!”. Tôi giắt xe ra khỏi khách sạn lòng tư dưng thấy vui, khu trung tâm người vẫn đông ngìn ngịt, đời sống vẫn đang cuộn chảy rầm rầm. * Cuộc gặp thứ ba. Tôi về đến nhà. Trước phòng tôi có cái sân nhỏ, có một gốc mai, một gốc khế, vài chậu hoa và dăm bẩy giò phong lan. Cảnh vật yên tĩnh lắm. Tôi pha ấm trà, ngồi hút điếu thuốc… lẩn mẩn nhớ lại cuộc gặp Tùng, rồi hình ảnh của Kiên ở Hà Nội. Rồi nhớ đến Sồi, Mến, nhớ anh Lâm sinh viên đại học nông nghiệp, tiểu đội trưởng của tôi, những người cùng chốt trong thành Quảng Trị. Họ đều đã chết. Còn tôi thì may mắn sống được đến ngày hôm nay. Luẩn quẩn thế nào, cả bọn tổ thông tin cùng ồ vào nhà. Tất cả đều mặc quần đùi, đen thui, hốc hác. Một cuộc gặp độc thoại, chỉ mình tôi nói, mình tôi hỏi. Thằng Sồi đủng đỉnh hết ngó vào chậu cá lại ngắm nghía cái tượng người nông dân cười. Thằng Mến leo lên cây khế rồi leo lên cây mai, cuối cùng đến ngồi bên pho tượng thiếu nữ ngẹo đầu. Anh Lâm bản tính thích tranh luận, vào là ngồi phịch xuống ghế. Tôi hỏi: “Anh em bây giờ có ước muốn gì? Nhiều phải không. Mình biết rồi, nhiều, nhưng muốn nhất là mọi người đừng quên, phải không?”. Mến quay ngang, rướn mày vẻ như bảo: Anh thế là biết đấy. Tôi quay sang Lâm, tâm sự: “ Có nhiều lúc buồn lắm. Nhân tình thế thái… các anh chết rồi không còn mất mát nữa. Người sống mất mát nhiều. Có những thành công phải trả giá bằng nhân cách. Mưu mô, tráo trợn kinh lắm. Ấy là nói về lính tráng mình, người khác thì nói làm gì …” Lâm ngó nghiêng nhìn những bức tranh treo trên tường, như là không mấy để ý đến tâm tư của tôi. “Tham nhũng ngập trời, đồng đội biết không ?” Tôi nhìn người tiểu đội trưởng dò xét. Lâm vẫn giữ nguyên thái độ như thế. Thằng Sồi đi qua đi lại ngoài sân, đầu lắc lắc nhẹ. Ô hay, thế có điên tiết không. Tôi quát lên: “Xương máu chúng mày đổ xuống để làm gì. Có những đứa may còn sống thì lạnh lùng lợi dụng khí phách của hàng vạn linh hồn để kiếm lợi riêng. Thế mà không vấn đề gì hay sao !”. “Nhiều chuyện rườm rà lắm, các ông có biết không, sao vô tư như thế. Kéo bè kéo cánh, đấu đá hạ gục nhau, tranh giành quyền chức… biết không nào?. Lừa thầy phản bạn, đến bóng đá mà còn bán cả mầu cờ tổ quốc để lấy tiền, các ông nghĩ sao?”. Thằng Mến nãy giờ ngồi vê ghét ở đùi, thấy tôi nổi xung thì ngẩng nhìn. Ánh mắt của nó, cái ánh mắt của thằng con trai 20 thủa ấy vẫn y như thế, trong sáng đến nao lòng. Nó nhìn tôi như là ngạc nhiên. “Thôi thì chúng mày là âm bản, có lẽ chẳng thể cảm thông nhau được…” Lâm quay phắt lại, cặp mắt rực lên. Tôi nhớ, chưa từng gặp cái ánh nhìn như vậy của người tiểu đội trưởng, hoặc giả nếu có thì cũng chẳng chĩa xoáy về phía đồng đội thế này. “Thôi được rồi… lắng lại, lắng lại một chút…” tôi tự nhủ rồi thẳng lưng hít một hơi dài, lặng lòng nhìn những người đồng đội. Những người đã chết mãi mãi dừng lại ở cái tuổi khi họ ngưng thở. Người bước vào căn phòng của tôi ngày một đông lên. Người không còn chân, không còn tay, cả người không còn đầu. Những người bê bết máu, mặc quần đùi hay không mặc gì cả, cựa quậy, quằn quại, cố nhích về phía lỗ hầm ngầm để hít lấy một ít khí trời... dù khí trời ở bên trên thì đặc kịt khói bom khói đạn. Đấy là một thoáng ký ức. Bây giờ họ về đây đều lành lặn cả, đặc biệt là đều vui vẻ, điều này không phải do cách của tôi nhìn mà là sự thực. Rồi anh em tạm biệt, kéo nhau đi lên khoảng trời bé nhỏ ở trên cái sân bé nhỏ nhà tôi. Dường như tất cả đều vui vẻ khi thấy tôi lắng lại, dường như họ biết chắc rằng với tâm ý của lính, tôi sẽ nghĩ ra, sẽ thấy mọi điều, chắc hẳn sẽ không còn buồn nữa. Bên trên, bầy chim sẻ cư ngụ ở hiên nhà ríu rít tiễn biệt những người lính. Những người lính chỉ mặc quần đùi. Cái này chính xác là do tôi. Trong tâm khảm tôi, những ngày thành cổ đã khắc hằn không thể phai mờ... Những ngày ấy bộ đội chỉ trần trụi với cái quần đùi bạc mầu. 2008 Không có nhận xét nào: Bài đăng cũ hơn Trang chủ Đăng ký: Bài đăng (Atom) Trần Luân Tín Xem hồ sơ hoàn chỉnh của tôiSách
- Được sống và kể lại
- Tháng ngày miên man
- Nhặt nhạnh từ võ thuật
Những việc khác
- Trần Luân Tín
Mục lục
- ► 2013 (2)
- ► tháng 10 (1)
- ► tháng 4 (1)
- ► 2012 (37)
- ► tháng 11 (2)
- ► tháng 10 (3)
- ► tháng 9 (4)
- ► tháng 8 (2)
- ► tháng 5 (1)
- ► tháng 4 (25)
Từ khóa » Trần Luân Tín
-
Trần Luân Tín: Được Sống để Kể Lại, Về Một Thời Như Thế
-
Nhà Văn Trần Luân Tín: ''Được Sống Và Kể Lại'' - Báo Lâm Đồng
-
Trần Luân Tín - Báo Tuổi Trẻ
-
TRẦN LUÂN TÍN (? - ?)
-
Tác Giả Trần Luân Tín - Netabooks
-
Tất Cả Sách Của Tác Giả Trần Luân Tín - Thư Viện PDF - Trang 1
-
Được Sống Và Kể Lại - Trần Luân Tín
-
Tác Giả Trần Luân Tín | Mê Tải Sách
-
Được Sống Và Kể Lại | Tiki
-
Được Sống Và Kể Lại By Trần Luân Tín - Goodreads
-
Trần Luân Tín Tải Sách Miễn Phí.
-
Được Sống Và Kể Lại - Trần Luân Tín - Truyện Pro
-
Tran Luan Tin - Tin Tức Tức Online 24h Về Trần Luân Tín - Zing