Trần Phú – Wikipedia Tiếng Việt

Đối với các định nghĩa khác, xem Trần Phú (định hướng).
Trần Phú
Chân dung Trần Phú k. trước năm 1930
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương
Nhiệm kỳ27 tháng 10 năm 1930 – 19 tháng 4 năm 1931
Tiền nhiệmTrịnh Đình Cửugiữ chức Phụ trách điều hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Kế nhiệmLê Hồng Phong
Thông tin cá nhân
Sinh(1904-05-01)1 tháng 5 năm 1904Phú Yên, Trung Kỳ, Liên bang Đông Dương
Mất6 tháng 9 năm 1931(1931-09-06) (27 tuổi)Khám lớn Sài Gòn, Sài Gòn, Nam Kỳ, Liên bang Đông Dương
Đảng chính trị
  • Tân Việt Cách mạng Đảng
  • Quốc tế Cộng sản
  • Đảng Cộng sản Việt Nam
Người thânTrần Ngọc Danh (em trai)

Trần Phú (1 tháng 5 năm 1904 – 6 tháng 9 năm 1931) là một nhà cách mạng, nhà chính trị và lý luận chính trị cộng sản người Việt Nam. Ông là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 26 tuổi. Người tiền nhiệm của ông là Trịnh Đình Cửu, nguyên Phụ trách Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thân thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Trần Phú sinh ngày 1 tháng 5 năm 1904 tại thành An Thổ, phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên (nay thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), nguyên quán của ông ở làng Đông Thái, xã An Đồng, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Nghệ An (nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh).[1]

Cha Trần Phú là Trần Văn Phổ, từng đỗ Giải nguyên. Thời gian ông làm Giáo thụ Tuy An đã sinh ra Trần Phú tại đây. Mẹ ông là bà Hoàng Thị Cát, người làng Tùng Anh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Trần Phú là con thứ 7 trong gia đình.

Ngày 19/4/1908, khi đang là Tri huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), do không chịu được sự đè nén, áp bức, nhục mạ của công sứ Pháp Dodey Besra và bất lực trước tình cảnh nhân dân đói khổ, lầm than, Trần Văn Phổ đã thắt cổ tự sát tại công đường. Do nghèo khổ và buồn phiền, 2 năm sau đó, mẹ ông cũng qua đời ngày 27/11/1910.

Trần Phú cùng với người em út là Trần Ngọc Danh từ Quảng Ngãi ra Quảng Trị sống với người chị gái Trần Ngọc Quang và anh trai Trần Đường, về sau được một người dì ruột là cung nương Hoàng Thị Khương mang về giao cho con trai mình là Thái Thường Tự Khanh Phạm Hoàng San và vợ là Phan Thị Yến (làm việc ở Toà Khâm sứ Huế) nuôi dưỡng, và cho ăn học tại Trường tiểu học Pháp – Việt Đông Ba rồi Trường Quốc học Huế. Tại Trường Quốc học Huế, ông được theo học cụ Võ Liêm Sơn - một nhà giáo yêu nước.

Năm 1922, Trần Phú đỗ đầu kỳ thi Thành chung (học vị cao nhất theo hệ Pháp đào tạo tại Việt Nam lúc bấy giờ) lúc 18 tuổi, rồi về dạy học tại trường Tiểu học Pháp – Việt Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An).

Hoạt động cách mạng

[sửa | sửa mã nguồn]

Thời gian dạy học ở Vinh, vốn có ảnh hưởng tinh thần dân tộc của cha, Trần Phú có những tiếp xúc đầu tiên với chủ nghĩa cộng sản. Năm 1925, ông cùng một số bạn bè như Lê Văn Huân, Trần Đình Thanh, Ngô Đức Diễn, Tôn Quang Phiệt... thành lập Hội Phục Việt, sau đổi là Hội Hưng Nam, rồi lại đổi ra Việt Nam Cách mạng Đảng.

Năm 1926, với bí danh Lý Quý, Trần Phú đại diện Việt Nam Cách mạng Đảng sang Quảng Châu (Trung Quốc) bàn việc hợp nhất với Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Tại Quảng Châu, ông tham gia một số lớp huấn luyện về lý luận và chính trị, được kết nạp vào Cộng sản Đoàn, và được cử về nước hoạt động. Tháng 12 năm 1926, ông về đến Vinh, tham gia cải tổ Việt Nam Cách mạng Đảng theo đường lối và tổ chức của Việt Nam thanh niên cách mạng.[2]

Một thời gian sau, ông bị lộ, được tổ chức bố trí sang Quảng Châu để hoạt động với bí danh Lý Viết Hoa. Mùa xuân năm 1927, Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc cử sang học tại trường Đại học Đông Phương (Liên Xô) với bí danh Likvey (Ликвей). Tại đây, chi bộ những người Cộng sản Việt Nam được thành lập, ông được chỉ định làm bí thư chi bộ này.[3]

Năm 1928, Trần Phú là đại biểu dự Đại hội VI Quốc tế Cộng sản. Khi đó, tại quê nhà, ngày 11 tháng 10 năm 1929, ông bị tòa án Nam triều ở Nghệ An xử án vắng mặt cùng với một số đồng chí của mình.

Tấm biển trên căn hầm tại ngôi nhà số 90 phố Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, Hà Nội ghi: Tại đây đồng chí Trần Phú đã viết bản "Luận cương về cách mạng tư sản dân quyền" của Đảng

Tháng 4 năm 1930, Trần Phú về nước và được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời của Đảng (tháng 7), sau đó ít lâu vào Ban Thường vụ Trung ương. Ông được giao soạn thảo Luận cương Chính trị về vấn đề cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương.

Tháng 10 năm 1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) đã thông qua bản Luận cương Chính trị và bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức, ông được bầu Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Tháng 3 năm 1931, với bí danh Anh Năm, Trần Phú chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 2 tại Sài Gòn bàn việc chấn chỉnh Đảng sau đợt khủng bố của thực dân Pháp. Hội nghị khẳng định: "Đảng [Cộng sản Việt Nam] là đảng tiền phong của giai cấp vô sản, Đảng chiến đấu cho lợi ích sống còn của dân tộc, cho quyền lợi các giai cấp bị bóc lột, bị áp bức, nhưng không phải là đảng của Công Nông. Kiên quyết chống tả khuynh, chống hữu khuynh". Hội nghị đã vạch ra nghị quyết về nhiệm vụ hiện tại của Đảng, nghị quyết về tổ chức của Đảng, nghị quyết về cổ động tuyên truyền. Tại hội nghị này, một quyết định về "Tổ chức ra cộng sản thanh niên Đoàn là một nhiệm vụ thâu phục một bộ phận quan trọng của vô sản giai cấp, là một vấn đề cần kíp của Đảng phải giải quyết"[4]. Đây được xem là tiền đề để hình thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về sau này.[5]

Ngay sau Hội nghị, do sự phản bội của Ngô Đức Trì, ngày 18 tháng 4 năm 1931, Trần Phú bị thực dân Pháp bắt tại nhà số 66 đường Champagne (đường Lý Chính Thắng hiện nay), Sài Gòn.

Biết ông là cán bộ cao cấp, chính quyền thực dân tìm cách dụ dỗ và tra tấn để khai thác thông tin. Nhưng với chí khí kiên cường, ông không bị khuất phục, dù bị đày ải nhiều lần. Ngày 6 tháng 9 năm 1931, ông qua đời tại Nhà thương Chợ Quán ở tuổi 27 với lời nhắn nhủ bạn bè "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu".[6]

Anh chị em tù chính trị ở khám lớn Sài Gòn năm 1931 đã làm thơ:

Trần Phú anh ơi đã thác rồi

Thác mà như thế đẹp gương soi

Bao phen sóng gió đâu sờn dạ

Mấy trận đòn tra chẳng hở môi

Giọt máu anh hùng giờ tơi tả

Trái tim vô sản vẫn không rời

Tuy anh đã thác gương còn sáng

Thác được như anh sáng suốt đời

Sau khi ông qua đời, người thân ông vào Sài Gòn, tìm cách đưa thi hài ông ra chôn cất tại khuôn viên nghĩa trang Nhà thờ Họ đạo Chợ Quán Sài Gòn (tại cư xá Bắc Hải, đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh).

Ngày 4 tháng 1 năm 1999, phần mộ được cho rằng của ông đã được phát hiện. Ngày 12 tháng 1 năm 1999, hài cốt của Trần Phú được di dời về an táng tại quê hương Đức Thọ, Hà Tĩnh. Mộ của ông được đặt trên ngọn đồi cao thuộc xã Tùng Ảnh, phía trước mộ là hàng chữ "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu".

Trần Phú và Lê Hồng Phong được cho là người dịch thành lời bài Quốc tế ca phiên bản đang được sử dụng. Tuy nhiên, người dịch bài hát này đầu tiên là Hồ Chí Minh dưới thể thơ lục bát.[7]

Một giai thoại khác là có một lần ông bàn với các đồng chí trong tù về viễn cảnh sau này nước Việt Nam độc lập với quốc kỳ màu đỏ, có ngôi sao vàng năm cánh, tượng trưng cho năm giới công, nông, binh, trí và thương đoàn kết chặt chẽ xung quanh Đảng. Điều này dẫn đến trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, các đồng chí của ông ở Mỹ Tho đã giương cao là cờ đỏ sao vàng năm cánh bên cạnh là cờ búa liềm của Đảng trên mái đình Long Hưng nơi thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên trong tỉnh.[8]

Công trình mang tên Trần Phú

[sửa | sửa mã nguồn]

Tên của ông được đặt cho các đường phố ở một số tỉnh, thành của Việt Nam:

  • Hà Nội (nối Hà Trung với Kim Mã - Ba Đình), đường nối Nguyễn Trãi và Quang Trung (Hà Đông) và đường nhập với tỉnh lộ 427 - Thường Tín (từ QL.1 đến ngã ba Quán Giai); Trường THPT Trần Phú-Hoàn Kiếm.
  • Thành phố Hồ Chí Minh (nối đường 3 tháng 2 với Trần Hưng Đạo) và tên ông được đặt cho trường trung học phổ thông Trần Phú nằm ở số 18 Lê Thúc Hoạch,phường Phú Thọ Hòa,quận Tân Phú,Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Hải Phòng: Tên ông được đặt cho một con đường tại trung tâm thành phố, nối đường Nguyễn Đức Cảnh với Hoàng Diệu. Ở đây còn có trường THPT Chuyên Trần Phú, một trường chuyên có tiếng tại lô 10A Lê Hồng Phong.
  • Đà Nẵng: Được đặt cho một trường (Trung học Phổ thông Trần Phú)
  • Nha Trang (nối đường biển Phạm Văn Đồng, dọc ven biển, là con đường đẹp nhất của thành phố).
  • Đà Lạt (nối Hoàng Văn Thụ với Trần Hưng Đạo)
  • Việt Trì (nối Âu Cơ với Hùng Vương)
  • Thành phố Vũng Tàu (đường ven biển).
  • Tên ông còn được đặt cho các tuyến đường tại 4 thành phố ở tỉnh Quảng Ninh:
    • Thành phố Uông Bí (từ quảng trường thành phố cho đến Hoàng Quốc Việt).
    • Thành phố Cẩm Phả (ngã ba Lê Thanh Nghị - Nguyễn Đức Cảnh đến phố Bà Triệu, giáp quảng trường 12/11).
    • Thành phố Hạ Long (từ ngã tư Loong Toòng đến Cầu Bang).
    • Thành phố Móng Cái (từ chợ Asian Quảng Ninh đến ngã ba Trần Phú - Hùng Vương - Hữu Nghị)
  • Tuy Hòa (nối đường Nguyễn Tất Thành với Biển Đông).
  • Vinh (từ công viên trung tâm thành phố đến đường Phan Đình Phùng).
  • Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh (QL8A đoạn qua Hồng Lĩnh).
  • TP Hà Tĩnh (từ ngã ba QL.1 - Hà Tông Chính cho đến ngã tư Trần Phú - Hàm Nghi - Phan Đình Phùng - Hà Huy Tập)
  • Thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê (đường Hồ Chí Minh đến đường Phan Đình Phùng).
  • Đồng Hới (qua đường Quang Trung)
  • Đông Hà, Quảng Trị (từ Lê Thánh Tôn - QL9B - phường 5 và nối Hùng Vương đến Trần Hưng Đạo - phường 1) và thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (từ QL9 đến Nguyễn Huệ, gần cửa khẩu quốc tế Lao Bảo).
  • Đà Nẵng (từ Lê Duẩn cho đến ngã tư Trần Phú - Bạch Đằng - Đống Đa - 3 tháng 2).
  • Huế (nối Phan Chu Trinh đến Phan Bội Châu), thành phố Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) (nối Đặng Phúc Thông với Minh Khai)...
  • Hội An (Con đường nằm trong phố cổ Hội An)
  • Quy Nhơn, Bình Định (Nối thông đường Nguyễn Công Trứ và Tăng Bạt Hổ).
  • Bồng Sơn Hoài Nhơn đường Trần Phú vuông góc Quang Trung.
  • Thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đoạn từ công viên tượng đài Phan Văn Út (phường 3) đến công viên Chiến Thắng.
  • Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Đoạn từ cầu Ngô Quyền đến trung tâm thương mại Thành phố Rạch Giá.
  • Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Từ ngã tư Đăk Cấm đến đường Nguyễn Huệ
  • Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk: Nối từ đường Phan Chu Trinh đến giao với đường Phan Bội Châu.
  • Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long: đường Trần Phú, phường 4
  • Thành phố Cần Thơ: Đường Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ [1] Lưu trữ 2007-05-14 tại Archive.today Trang thông tin điện tử Hà Tĩnh, Trần Phú
  2. ^ Từ tháng 7 năm 1927, Việt Nam Cách mạng Đảng mang tên mới là Việt Nam Cách mạng Đồng chí Hội.
  3. ^ Theo thư của Nguyễn Ái Quốc ngày 25-6-1927 gửi cho chi bộ cộng sản trường Đại học Đông phương.
  4. ^ Văn kiện Đảng 1929 – 1935 trang 182
  5. ^ Theo Sophie Quinn-Judge, tác giả cuốn "Hồ Chí Minh: Những năm chưa biết đến" (Hochiminh: The missing years), Hồ Chí Minh - Những năm chưa biết đến, BBC, 2.9.2003
  6. ^ "Đồng chí Trần Phú, tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng" - Báo Đà Nẵng, 08:31, 28/4/2009 (GMT+7).
  7. ^ "Lòng yêu nước, ánh sáng và tinh thần quốc tế" Lưu trữ 2007-10-14 tại Wayback Machine, VietNamNet. Truy cập 2008 - 11 - 2009.
  8. ^ "Những người cộng sản", Nhà xuất bản Thanh niên, 1976.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Trần Phú, một chiến sĩ cộng sản kiên cường
Tiêu đề chuẩn Sửa dữ liệu tại Wikidata
  • LCCN: n98057637
  • VIAF: 41156227
  • WorldCat Identities (via VIAF): 41156227
  • x
  • t
  • s
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
  • Trần Phú (1930–1931)
  • Lê Hồng Phong (1935–1936)
  • Hà Huy Tập (1936–1938)
  • Nguyễn Văn Cừ (1938–1940)
  • Trường Chinh (1941–1956)
  • Hồ Chí Minh (1956–1960; Chủ tịch Đảng: 1951–1969)
  • Lê Duẩn (1960–1986)
  • Trường Chinh (1986)
  • Nguyễn Văn Linh (1986–1991)
  • Đỗ Mười (1991–1997)
  • Lê Khả Phiêu (1997–2001)
  • Nông Đức Mạnh (2001–2011)
  • Nguyễn Phú Trọng (2011–2024)
  • Tô Lâm (2024–)

Từ khóa » Tổng Bí Thư Sau Trần Phú