Trân Trọng Giá Trị Truyền Thống - Báo KonTum Online

Trân trọng giá trị truyền thống giúp mỗi người hiểu rõ hơn về cội nguồn, về quê hương, đất nước mình. Đó cũng là cách chúng ta bồi bổ cho tâm hồn mình trở nên giàu có, để sống thiện, sống đẹp. Trân trọng giá trị truyền thống là sức mạnh nội sinh kết nối bao thế hệ; là “sức đề kháng” tốt nhất để chống lại “bệnh dịch” ngoại lai trong hiện tại. Trân trọng giá trị truyền thống, mỗi người sẽ không quên nguồn cội, sẽ ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng đất nước phát triển, đẹp giàu.

Trân trọng giá trị truyền thống là sự chung tay, góp sức của mỗi cá nhân, tập thể bắt đầu từ những việc làm thiết thực. Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, nhiều nền văn hóa khác nhau trong khu vực và trên thế giới đã và đang du nhập vào nước ta khiến cho nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc dần bị mai một, lãng quên. Trân trọng những giá trị truyền thống với mỗi người, bắt đầu từ những việc làm nhỏ bé mà ý nghĩa.

Ông tôi, người đã kinh qua lửa đạn hai cuộc chiến tranh trường kỳ chống Pháp và Mỹ luôn dặn dò con cháu rằng: Trân trọng giá trị truyền thống dân tộc là phải có lòng yêu nước nồng nàn, có ý chí độc lập và tinh thần tự lực tự cường dân tộc. Thời chiến thì cầm súng đánh giặc bảo vệ đất nước; thời bình thì ra sức dựng xây, gìn giữ, phát triển đất nước. Điều này phải được thể hiện qua suy nghĩ, hành động, việc làm của mỗi người trong cuộc sống hằng ngày.

Qua những câu chuyện kể của bà của mẹ, qua những bài học của thầy cô,… ai cũng nhận ra, trân trọng giá trị truyền thống còn là lòng nhân ái, bao dung; sẻ chia, đùm bọc; nghĩa tình, đồng cam cộng khổ mỗi khi gặp khó khăn, thử thách như: “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” hay “Bầu ơi thương lấy bí cùng”… Từ những thông điệp mang ý nghĩa nhân văn ấy, dù bất kỳ nghịch cảnh nào: thiên tai, dịch bệnh, đói nghèo… nhân dân ta cũng đều chung sức, chung lòng vượt qua.

Viếng Ngục Kon Tum. Ảnh: Tú Quyên

Trân trọng giá trị truyền thống là lòng biết ơn đối với công lao to lớn của bao thế hệ cha anh đi trước đã gầy dựng để đất nước ta hôm nay được yên bình; người người được ấm no, đủ đầy, hạnh phúc. Lòng biết ơn thể hiện qua những tấm gương cần cù, sáng tạo trong sản xuất; những con người sáng ngời về ý chí và tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo. Lòng biết ơn thể hiện qua việc treo cờ mừng kỉ niệm các ngày lễ lớn hay việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt qua mỗi bài học, mỗi tác phẩm văn chương… Biết ơn những giá trị truyền thống, mỗi người sẽ biết trân trọng hiện tại và cống hiến hết mình cho tương lai đất nước.

Trong thời kỳ hội nhập, việc giao lưu, tiếp thu những yếu tố văn hóa ngoại lai mới lạ đã khiến nhiều người suy nghĩ lệch lạc rằng trân trọng những giá trị truyền thống là hoài cổ không cần thiết, là tư tưởng cổ hủ. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị thờ ơ, mai một và lãng quên trong chính các chủ nhân văn hóa, chủ nhân tương lai của đất nước. Một khi chúng ta đánh mất đi sự trân trọng đối với những giá trị thuộc về bản sắc dân tộc thì lòng tự trọng trong chính mỗi người cũng không còn, suy rộng ra là ta đã đánh mất đi chính mình.

Trân trọng giá trị truyền thống là nền tảng để tạo dựng lối sống và đạo đức đúng đắn; cũng là cách mỗi người góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc. Biết trân trọng những giá trị truyền thống, chúng ta mới có thể vững vàng hội nhập và phát triển.

Xanh Nguyên

Từ khóa » Các Giá Trị Văn Hóa Truyền Thống Là Gì