Về Khái Niệm Giá Trị Văn Hóa Truyền Thống - VUSTA

Về khái niệm giá trị văn hóa truyền thống

Giá trị là phạm trù riêng có của loài người, liên quan đến lợi ích vật chất cũng như tinh thần của con người. Bản chất và ý nghĩa bao quát của giá trị là tính nhân văn. Chức năng cơ bản nhất của giá trị là định hướng, đánh giá và điều chỉnh các hoạt động của cá nhân và cộng đồng. Giá trị gắn liền với nhu cầu con người. Nhu cầu của con người rất phong phú, đa dạng và được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Chính nhu cầu là động cơ thúc đẩy mạnh mẽ hành động của con người, giúp con người tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần. James People và Garrick Bailey cho rằng, "Giá trị là cái ý tưởng về các loại mục đích hay các loại lối sống của một cá thể, nó được chia sẻ trong một nhóm hay trong toàn xã hội, nó được cá thể, nhóm hoặc toàn xã hội mong muốn hay được coi là có ý nghĩa. Đó là phẩm chất cơ bản cần phải có để đảm bảo con đường sống, các chuẩn tối thượng chỉ đạo mọi hoàn cảnh thực tiễn. Có những giá trị có thể định lượng bởi một giá, nhưng cũng có những giá trị không thể định giá - vô giá: lòng yêu nước, tình yêu tình bạn, các tác phẩm nghệ thuật... Những hành động của con người vì nhu cầu và thỏa mãn nhu cầu trong quá trình tồn tại của mình ẩn chứa các giá trị văn hóa (GTVH). Khía cạnh trí tuệ, năng lực sáng tạo, khát vọng nhân văn của con người biểu hiện trong hoạt động sống của cá nhân, cộng đồng, dân tộc: ăn, mặc, ở, đi lại, giao tiếp xã hội, giáo dục, tập quán, tín ngưỡng,... tạo nên nét đặc trưng của GTVH. Nhu cầu của con người càng cao càng tạo điều kiện cho việc hình thành các GTVH. GTVH là cái hình thành trong quá trình vận động của các cá nhân, nhóm và cộng đồng xã hội vươn tới thỏa mãn nhu cầu của mình. Do vậy, nói tới GTVH là nói tới những thành tựu của một cá nhân hay một dân tộc đã đạt được trong quan hệ với thiên nhiên, với xã hội và trong sự phát triển bản thân mình; nói tới GTVH cũng là nói tới thái độ, trách nhiệm và những quy tắc ứng xử của mỗi người trong quan hệ của bản thân với gia đình, xã hội và thiên nhiên; nói tới GTVH cũng là nói tới những biểu tượng cho cái chân - thiện - mỹ. Cho nên, có ý kiến cho rằng, "Chỉ những hoạt động nào thể hiện được những sức mạnh bản chất của con người, những sức mạnh biểu trưng cho chân - thiện - mỹ mới hiện diện như những giá trị văn hóa".

GTVH không phải là cái chủ quan hay bị áp đặt mà nó mang tính khách quan, gắn liền với dân tộc giai cấp và nhân loại, cho nên, GTVH cũng mang tính phổ biến. Tuy nhiên, GTVH cũng như giá trị, nó không phải là cái cố định mà biến đổi cùng sự biến đổi của xã hội. Các GTVH biểu hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ tư tưởng, tình cảm, quan niệm, biểu tượng, đạo đức thẩm mỹ, lối sống đến những giá trị tinh thần do con người sáng tạo nên như nghệ thuật, kiến trúc, hội họa, âm nhạc... Những GTVH này hình thành và được khẳng định trong quá trình tồn tại phát triển của con người và xã hội. GTVH luôn hiện hữu trong chương trình hành động của dân tộc, thể hiện cốt cách của một dân tộc. GTVH thư là "mật mã di truyền xã hội" của tất cả các thành viên đang hoạt động vật chất cũng như tinh thần của cộng đồng dân tộc. Có thể nói, GTVH là cái tạo nên nét độc đáo, truyền thống, bản sắc dân tộc. Căn cứ vào đó có thể so sánh, nhận định về nền văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác. Trong xã hội có giai cấp, GTVH cũng mang tính giai cấp, bởi lẽ về thực chất, GTVH là sản phẩm của các thành viên cộng đồng dân tộc và cộng đồng, nhưng nó lại gắn liền với một hệ thống chính trị nhất định. Trong hệ thống chính trị, tính chất giai cấp của giai cấp thống trị đóng vai trò quyết định, chi phối mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội. Vì vậy, GTVH mang tính giai cấp. GTVH là cái có ý nghĩa được cá nhân và cộng đồng công nhận, duy trì, bảo vệ và phát triển. Bởi vì, tính nhân bản của GTVH là hướng tới sự hoàn thiện của cá nhân là cộng đồng. Các GTVH có chức năng rất quan trọng, giúp con người nhận thức, định hướng, đánh giá và điều chỉnh hoạt động của cá nhân và cộng đồng; có vị thế đặc biệt tương tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người. Với ý nghĩa đó, chúng ta bàn đến khái niệm GTVH truyền thống.

"Truyền thống", theo gốc từ Latinh được viết là "Tradio", gồm động từ "Tradere (traditus) nguyên nghĩa của nó là "truyền lại", "nhường lại", "giao lại" và "phân phát". Do vậy, hiểu theo nghĩa đơn giản nhất của từ này, truyền thống là sự kế thừa di sản xã hội có giá trị được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo GS. Trần Văn Giàu, "truyền thống là những đức tính hay những thói tục kéo dài nhiều thế hệ, nhiều thời kỳ lịch sử và hiện có nhiều tác dụng, tác dụng đó có thể tích cực, cũng có thể tiêu cực", với cách tiếp cận tổng quát, GS. TS. Nguyễn Trọng Chuẩn cho rằng: "Theo nghĩa tổng quát nhất, truyền thống - đó là những yếu tố của di tồn văn hóa, xã hội thể hiện trong chuẩn mực hành vi, tư tưởng, phong tục, tập quán, thói quen, lối sống và cách ứng xử của một cộng đồng người được hình thành trong lịch sử và đã trở nên ổn định, được truyền từ đời này sang đời khác và được lưu giữ lâu dài". Nhưng khi đề cập một khía cạnh khác của truyền thống, GS. TS. Trần Văn Đoàn cho rằng: "Bản chất biện chứng của truyền thống là những cái gì còn lưu lại cho chúng ta, nhưng không còn nguyên vẹn như cũ nữa mà đã được "phủ nhận" một cách biện chứng và đồng thời đã được "thăng hoa". Do vậy, nên từ gốc Latinh "transire" không những có ý nghĩa là truyền lại, giao lại mà có một dạng thức mới, đó là nhập vào một thế giới mới". Quan điểm này gần giống với quan điềm F.Hegel. F.Hegel cũng rất có lý khi cho rằng, truyền thống không phải là di tích của quá khứ mà là nhịp cầu nối kết giá trị mới. Ông nhìn truyền thống như là một di sản hoặc như là "đứa con của thời đại", "cái tinh thần của thời đại". Do vậy, ông cho rằng, truyền thống chưa bao giờ mất, nó được giữ lại dưới dạng hoàn thiện hơn. George Mclean cho rằng: "Truyền thống là sự phát triển của các giá trị, đức hạnh và sự hội nhập của chúng nhằm tạo ra một nền văn hóa đặc sắc và phong phú trong lịch sử và vì thế phụ thuộc vào kinh nghiệm và sức sáng tạo của nhiều thế hệ. Nền văn hóa được truyền lại được gọi là truyền thống văn hóa" (theo nghĩa) như vậy nó phản ánh được thành tựu con người tích tập được trong quá trình tìm hiểu, thực hiện và truyền bá ý nghĩa sâu lắng nhất của cuộc sống. Đó chính là truyền thống theo nghĩa hài hoà của nó như là một sự hiện thân của trí tuệ".

Như vậy, bản thân truyền thống tồn tại với tính hai mặt của nó. Lên ngựa cầm gươm, xuống ngựa cầm bút của các tướng sĩ Việt Nam là truyền thống tốt, nhưng mê tín đồng bóng, đầu óc hẹp hòi, bè phái trong luỹ tre làng là truyền thống xấu. Theo PGS. TS. Hồ Sĩ Quý thì "việc tôn trọng tình nghĩa tới mức "cá chuối đắm đuối vì con", "tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", "một giọt máu đào hơn ao nước lã", "xương cha, da mẹ"… đương nhiên không phải là giá trị dương trong mọi hoàn cảnh. Hơn thế nữa đó còn là phẩm chất có tính hai mặt". Do vậy, Bác Hồ đã dạy: "Khôi phục vốn cổ thì chỉ nên khôi phục cái gì tốt, còn cái gì không tốt thì nên loại dần ra".

Các Mác cũng đã có nhận định rất đúng về hạn chế của truyền thống trong tác phẩm Ngày mười tám tháng Sương mù của Lui Bônapáctơ: "Truyền thống của tất cả các thế hệ đã chết đè nặng như quả núi lên đầu óc những người đang sống. Và ngay khi con người có vẻ như là đang ra sức tự cải tạo mình và cải tạo sự vật, ra sức sáng tạo một cái gì chưa từng có, thì chính trong những thời kỳ khủng hoảng cách mạng như thế, họ lại sợ sệt cầu viện đến những linh hồn của quá khứ". Do vậy, chúng ta không nên quan niệm rằng, truyền thống nào cũng tốt đẹp.

Từ những nội dung đề cập trên cho thấy, có hai loại truyền thống: cái lạc hậu lỗi thời cần khắc phục; cái tạo nên các giá trị và bản sắc cần kế thừa, phát huy và phát triển. Vì vậy, chúng ta cũng cần phân biệt truyền thống và giá trị truyền thống. Bởi lẽ khi nói đến giá trị truyền thống là nói đến những truyền thống đã được thừa nhận, đánh giá, thẩm định nghiêm ngặt của thời gian, nó được lựa chọn, thừa nhận của cộng đồng qua những giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, sự thẩm định đó không phải là ý kiến chủ quan mà phải được dựa trên sự đánh giá khách quan. Như vậy, giá trị truyền thống là những cái tốt đẹp mang ý nghĩa tích cực. Chính những giá trị này tạo nên bản sắc của từng dân tộc, nó được truyền lại cho thế hệ sau và sẽ được bảo vệ, duy trì, bổ sung và phát triển. Vì vậy, "khi nói đến giá trị truyền thống thì hàm ý đã muốn nói tới những giá trị tương đối ổn định, tới những gì là tốt đẹp, là tích cực, là tiêu biểu cho bản sắc dân tộc có khả năng truyền lại qua không gian, thời gian, những gì cần phải bảo vệ và phát triển”. Giá trị truyền thống tiêu biểu cho bản sắc của một dân tộc. Tuy nhiên, giá trị truyền thống cũng biến đổi chứ không hoàn toàn bất biến. Sự biến đối đó diễn ra nhanh hay chậm là tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó, quan trọng nhất là điều kiện kinh tế, xã hội.

Mỗi dân tộc đều có lịch sử hình thành và phát triển khác nhau. Trải qua quá trình đó, các dân tộc sáng tạo ra nền văn hóa của mình, trong đó có các GTVH. Các GTVH này được lưu truyền trong xã hội qua các thời kỳ lịch sử và trở thành các GTVH truyền thống. GTVH truyền thống chính là những tư tưởng, biểu tượng, giá trị và chuẩn mực xã hội hóa, những tác phẩm văn hóa được cộng đồng tin tưởng và mong muốn gìn giữ, truyền đạt, noi theo. Nói đến GTVH truyền thống là nói đến những giá trị tốt đẹp tiêu biểu cho một nền văn hóa được chắt lọc, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do vậy, khi nói đến GTVH truyền thống cũng là nói đến những GTVH được hình thành và phát triển trong quá trình dựng nước và giữ nước của mỗi dân tộc nó có tính "di truyền xã hội". GTVH truyền thống dân tộc không phải là cái có sẵn từ khi dân tộc hình thành mà nó được các thế hệ nối tiếp nhau làm nên. Các giá trị này biến đổi tùy điều kiện tác động đến nó. Nhưng nếu GTVH truyền thống biến đổi cơ bản về chất thì nó sẽ không còn là truyền thống. Nói đến GTVH truyền thống là nói đến cái lâu dài, trải qua nhiều thời gian thử thách mà cốt lõi bản chất của nó luôn được giữ vững. Nói đến GTVH truyền thống là nói đến những giá trị tương đối ổn định, tốt đẹp, tiêu biểu cho dân tộc, tạo nên bản sắc cho dân tộc đó. Do vậy, mỗi dân tộc cần bảo vệ, duy trì và phát triển các GTVH, làm điểm tựa để sáng tạo các GTVH mới và là cơ sở để giao lưu văn hóa quốc tế. Chính vì thế, GTVH truyền thống luôn có tính bền vững; trở thành những nguyên lý đạo đức lớn mà dân tộc đó phải dựa vào để liên kết xã hội, tạo nên sức mạnh nhằm xây dựng và bảo vệ đất nước vì sự tiến bộ của con người và xã hội; là chỗ dựa đáng tin cậy và là điểm tựa vững chắc cho một dân tộc trong quá trình vận động lịch sử ở hiện tại cũng như tương lai. Vì vậy, kế thừa và phát huy các GTVH truyền thống dân tộc cớ vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nền văn hóa nói chung và xây dựng lối sống nói riêng. Tuy nhiên, đặt vấn đề kế thừa và phát huy GTVH truyền thống không phải để chép lại giản đơn những việc xưa mà bàn về vấn đề tác dụng của nó đối với hiện tại cũng như tương lai của một dân tộc.

Các GTVH truyền thống của Việt Nam được thử thách qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, nó được hun đúc trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Vượt qua những diễn biến phức tạp của chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, các GTVH truyền thống đã khẳng định sức sống mãnh liệt của mình và chúng được sử dụng như là vũ khí sắc bén, tạo ra một Bức mạnh vô cùng to lớn, đóng góp vào lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Lịch sử cho thấy, qua những lần giao lưu, tiếp biến, hội nhập với các nền văn hóa Nam á, Hán, Pháp, Nga... qua những cuộc chiến tranh tàn bạo với kẻ thù xâm lược, các GTVH truyền thống Việt Nam không chỉ được bảo tồn mà còn phát triển phong phú hơn. Các GTVH truyền thống đã ăn sâu vào máu thịt con người Việt Nam, tạo nên một sức mạnh phi thường, có khả năng "đề kháng" và đấu tranh mạnh mẽ chống lại mọi kẻ thù xâm lược qua nhiều thế kỷ. Mariôđê-anđrađê viết trên Tạp chí Ba Châu, năm 1968: "Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã tìm thấy những sức mạnh mới tự đáy những truyền thống của mình để vươn tới những đỉnh cao nhất về khí phách anh hùng của con người". Các giá trị đó chính là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, hiếu học, cần cù, lạc quan... Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, các giá trị này không chỉ có vai trò to lớn đối với sự tồn vong mà còn khẳng định sức sống mãnh liệt của dân tộc trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngày nay, các GTVH truyền thống dân tộc đóng một vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐD đất nước. Các GTVH truyền thống dân tộc sẽ tạo nên sức mạnh cho công cuộc phát triển đất nước và giảm bớt, loại trừ hay ít ra làm hạn chế không ít những tiêu cực phát sinh từ mặt trái của cơ chế thị trường.

Từ khóa » Các Giá Trị Văn Hóa Truyền Thống Là Gì