Trang Hoàng Cho Bàn Thờ - Công Giáo Việt Nam

Khăn bàn thờ

Ít là bàn thờ được phủ bằng khăn bàn thờ khi cử hành thánh lễ, khăn bàn thờ luôn luôn là màu trắng (QCSL 304). QCSL 304 hướng dẫn như sau: “Vì lòng tôn kính đối với việc cử hành tưởng niệm Chúa và đối với bữa tiệc dọn Mình và Máu Chúa, nên phủ bàn thờ nơi cử hành một khăn màu trắng, có hình dáng, kích thước và trang trí thích hợp với cấu trúc của bàn thờ”. Có thể trang trí thêm vào khăn phủ bàn thờ tùy theo tập tục và văn hóa địa phương. Một tấm lót bằng nhựa plastic cần thiết có thể đặt ở trên bàn thờ được cung hiến nơi nhiều dầu thánh được sử dụng. Khăn bàn thờ có thể lấy đi sau thánh lễ, nhưng việc lột khăn bàn thờ là một dấu hiệu riêng biệt, cho nên tốt nhất được dành vào thứ Sáu Tuần Thánh. Để giữ cho khăn bàn thờ được luôn luôn sạch sẽ, nên phủ lên nó bằng một tấm phủ chống bụi đơn giản.

Nến

Nến cần thiết trong thánh lễ là 2, 4 hay 6 cây (QCSL 117; 307). Thay đổi số cây nến là một cách thức phân biệt ngày lễ và mức độ cử hành. Tập tục tốt lành đã phát triển ở một vài nơi là sử dụng 2 nến cho lễ thường và lễ nhớ, 4 cho lễ kính và 6 nến cho lễ Chúa nhật cùng lễ trọng. Vào những dịp long trọng, sẽ sử dụng 7 nến khi Đức Giám mục giáo phận chủ tế (QCSL 117).

Khuynh hướng giảm kích cỡ của nến và chân nến sẽ giúp người ta cảm nhận tốt hơn và dễ tiếp nhận hơn….

Với những chân nến tiêu chuẩn, chúng đặc biệt cải thiện vẻ bề ngoài và tỷ lệ của bàn thờ nhỏ. Chúng có thể đứng gần bàn thờ và đỉnh của chân nến ít là ngang bằng với mức bề mặt của bàn thờ... Dù chọn lựa sắp xếp nến phụng vụ thế nào thì những dấu chỉ xinh đẹp của ánh sáng thánh thiêng cùng với sự hiện diện mang tính thiên thần này phải được tỏ cho mọi người thấy mối liên quan của chúng với bàn thờ, nhằm lôi kéo mọi cặp mắt hướng về điểm tập trung của cộng đoàn phụng tự.

Hoa

Theo QCSL số 305: “Nên giữ chừng mực khi trang hoàng bàn thờ. Trong mùa Vọng, bàn thờ được chưng hoa cách vừa phải, thích hợp với đặc tính của mùa, để không cho thấy quá sớm niềm vui trọn vẹn của ngày Sinh Nhật Chúa. Mùa Chay không được chưng hoa trên bàn thờ, trừ Chúa nhật Laetare (IV Mùa Chay), các lễ trọng và lễ kính.” Như vậy, việc chưng hoa phải luôn luôn điều độ, nên đặt hoa chung quanh bàn thờ hơn là trên bàn thờ.

Sử dụng hoa trong phụng vụ được điều chỉnh theo tập tục địa phương và mùa phụng vụ. Không dùng hoa trang trí ở trên hay gần bàn thờ trong mùa Chay.[1] Sự hiện diện của hoa hay không có hoa là một dấu chỉ hiệu năng theo nguyên tắc tương phản. Tốt hơn đừng bao giờ sử dụng hoa giả.

Nến và hoa có thể đặt gần hay trên bàn thờ. Tuy nhiên, theo như thực hành từ xa xưa và kinh nghiệm hiện nay, đặt chúng gần bàn thờ thì tốt hơn đặt ở trên bàn thờ.

Vấn đề micro

Micro trên bàn thờ nên được sử dụng theo kỹ thuật tân tiến nhất, để chúng luôn luôn thể hiện chức năng một cách hoàn hảo và không phải là đối tượng dân chúng dễ dàng có thể nhìn thấy. Micro và chân micro quá to sẽ che chắn các đồ thánh và gây cảm giác bừa bộn trên bàn thờ. Thực hành này đồng thời cũng phá vỡ một luật cổ xưa rằng đối tượng nào không liên quan đến Hy tế Thánh Thể thì đừng bao giờ đặt chúng trên bàn thờ.

Những dịp lễ lớn nên sử dụng thêm hoa, nến, đèn, biểu ngữ..., miễn là chúng làm cho ngày lễ đặc biệt thêm phong phú mà không làm giảm sự tập trung vào bàn thờ và cản trở các nghi lễ. Nên thêm đèn điện nhiều hơn vào dịp lễ Hiển linh (LNGM 240). Các biểu ngữ loan truyền các sứ điệp nên là những tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là loại hàng rẻ tiền được trang trí.2

Lm Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh Thể SSS

_____________________________________________________

Chữ viết tắt:

LNGM = Sách Lễ nghi Giám mục (1984).

QCSL = Quy chế Tổng quát Sách Lễ Roma (2002).

1 QCSL 305; NLGM 48;252;397;824. Loại hoa ra khỏi nhà thờ chứ không chỉ trên bàn thờ trong mùa Chay, trừ ra trong Chúa nhật “Mừng Vui Lên”, lễ trọng và lễ kính.

2 Peter Elliott, Ceremonies of the Modern Roma Rite, 72 - Không đặt bất cứ bích chương (poster) nào ở cung thánh.

Từ khóa » Khăn Bàn Thờ Công Giáo