Trạng Nguyên Làm Ruộng* | Bài Viết Của Bác Hồ Trên Báo Nhân Dân ...

Ông Trần Vĩnh Khang là một người dân cày. Năm nay 56 tuổi.

Hơn 40 năm nay, ngày nào ông Khang cũng nghiên cứu cách trồng lúa cho tốt, bằng việc làm thực tế.

Mỗi mùa đến lúc gần chín, ông cả ngày đi từ đám ruộng này đến đám ruộng khác, hễ thấy bông lúa nào hạt nhiều và chắc thì ông đánh dấu vào. Đến khi lúa chín, ông lấy bông lúa ấy về, cất riêng một nơi cẩn thận; sang mùa sau thì gieo riêng, và cấy riêng một nơi. Đến mùa sau nữa lại từ đám ruộng này chọn lấy những bông lúa tốt nhất để lại, ít là 4, 5 bông, nhiều là 15 bông. Cứ như thế năm này qua năm khác, sản lượng giống lúa này ngày càng tăng. Lúc đầu bông lúa tốt nhất có độ 140 hạt. Hiện nay bông lúa tốt nhất có hơn 370 hạt. Giống lúa này gọi là "lão lai thanh".

Có một lần cấy xong một đám ruộng thí nghiệm, ông Khang phải đi vắng. Ông căn dặn người ở nhà chờ ông về hãy bón phân. Khi ông trở về thì thấy lúa lên cao vút, cao đến nỗi mọi người lo lúa sẽ bị ngã. Thì ra người ở nhà thấy lá lúa úa vàng đã bón thêm phân. Nhưng do ông Khang săn sóc suốt một tháng, kết quả chẳng những lúa không bị ngã mà đám ruộng đó lại tốt nhất trong vùng.

Bà con nông dân thường nói: "Đối với lúa, ông Khang là một vị thầy thuốc giỏi. Lúa có bệnh gì, ông chỉ nhìn qua và cho thuốc là lúa khỏe ngay".

Các người khoa học nông nghiệp cũng nói: "Hình như ông Khang biết nói chuyện với lúa… và hiểu tính tình lúa hơn là mẹ hiểu tính tình con".

Thật vậy, ông Khang chăm chú cho cây lúa cũng hết sức ân cần như người mẹ chăm chú con mình. Thí dụ: giống cây này nên mọc mấy lá, mỗi lá nên bao giờ mọc và nên dài chừng nào, từ lá này đến lá kia nên cách nhau bao xa, mầu sắc và sức khỏe của lá, thế nào là vì thiếu phân, thế nào là vì quá nhiều phân hoặc vì nhiều nước, ông đều nắm được một cách chắc chắn. Đến một đám ruộng, chỉ xem qua lá và rễ lúa, ông đoán được nó sẽ thu hoạch tốt hay là kém. Đi quanh một vòng, ông biết ngay đám ruộng ấy có bao nhiêu bụi lúa. Lội qua ruộng một lần, ông cũng biết phía nào đất đủ nắng, phía nào thiếu hoặc thừa nắng.

Ông nói: "Nuôi lúa cũng như nuôi con trẻ. Ba phần là do khí huyết của nó, bảy phần là do sự nuôi dưỡng đúng cách. Muốn lúa tốt thì ba phần là do giống tốt, bảy phần là do việc chăm sóc. Cho con trẻ bú sữa và uống nước phải có điều độ thì con mới khỏe. Con còn bé chưa biết nói, khi đói no, lúc ấm lạnh, đều do cha mẹ quan tâm. Chăm sóc lúa cũng vậy. Khi nào nên tưới nước, khi nào nên tháo nước, khi nào nên bón phân và nên bón bao nhiêu - việc đó cực kỳ quan trọng".

Trước kia, ông Khang cấy lúa tốt, chẳng những không được hưởng mà còn bị thiệt thòi. Thấy lúa tốt thì vừa bị địa chủ tăng mức tô, vừa bị cường hào "mượn thóc".

Nay thì tình hình khác hẳn. Năm 1951, ông Khang gặt được mỗi mẫu tây hơn 10 tấn thóc, tiếng tăm liền đồn đi khắp nơi. Ông được tặng danh hiệu là Chiến sĩ đạt năng suất cao nhất cả nước. Năm 1954 ông được bầu vào Quốc hội. Cùng năm ấy ông được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản.

Năm 1958, người dân cày cù mì cục mịch ấy được Viện Khoa học nghiên cứu nông nghiệp cả nước mời làm "nghiên cứu viên". Ở Viện đã có thời giờ và điều kiện để nghiên cứu, lại được mọi người giúp đỡ, ông Khang phát triển thêm nhiều tính sáng tạo của ông. Ông nói: "Trước kia chỉ mò mẫm mà tăng năng suất lúa, bây giờ được học tập thì làm chắc chắn hơn nhiều".

Vừa qua, ông Khang làm hai đám ruộng thí nghiệm ở sát nhau. Đám A đất tốt, đám B đất xấu. Ông nghiên cứu kỹ càng chất đất của mỗi đám. Và ông chăm sóc hai cách khác nhau. Ban đầu chỉ bón phân cho đám B. Đám A không được bón, đến khi lúa đã lên cao, lá đã hơi vàng vẫn không bón. Ông nói: "bón phân phải đúng lúc, không nên thấy lá lúa vàng thì bón phân". Cách một tháng, ông mới bón một ít phân cho đám A. Chẳng bao lâu thì lúa cả hai đám đều tốt như nhau. Khi gặt thì mỗi mẫu tây, A được 8.540 kg, B thì được 8.560kg, nhiều hơn A 20 kg.

Nhờ có thêm lý luận khoa học mà công tác thí nghiệm của ông Khang được tiến bộ nhanh và nhiều. Suốt 40 năm, trong những ruộng thí nghiệm của ông, chỉ có 3 đám thu được 7 tấn rưỡi. Từ ngày ông vào Viện khoa học nông nghiệp đến nay, ông đã làm được hơn 10 đám thí nghiệm với năng suất hơn 7.500 kg. Ông Khang rất xứng đáng với những danh hiệu vẻ vang mà người ta đã tặng cho ông là: "thày thuốc lúa", "bà mẹ lúa", "trạng nguyên lúa".

CHIẾN SĨ

------------------------

Báo Nhân Dân, số 3512, ngày 9-11-1963, tr.4.

* Trích Nhân dân nhật báo (Trung Quốc), ngày 29-10-1963.

Từ khóa » Viết Ruộng