Trăng Trong Thơ Bác - Top 1 Bài Viết ĐỘC ĐÁO Và HAY NHẤT
Có thể bạn quan tâm
Cảm nhận hình ảnh ánh trăng trong thơ Bác để thấy tinh thần lạc quan cùng với khát vọng sống hướng về ánh sáng tự do của Người. Trong nội dung bài viết dưới đây, hãy cùng DINHNGHIA.VN tìm hiểu về ánh trăng trong thơ Bác.
Mở bài: Nhà văn Hoài Thanh đã từng nhận định: “Thơ Bác đầy trăng”. Có thể thấy rằng trong vô vàn những sự vật tươi đẹp của thiên nhiên, ánh trăng luôn mang lại nguồn cảm hứng dạt dào để người nghệ sĩ có thể tự tình và tỏ bày tình cảm của mình khi rung cảm với vẻ đẹp của trăng. Bác Hồ của chúng ta cũng vậy, cũng tìm đến trăng như một người bạn để chia sẻ những ưu tư, nỗi niềm trong cuộc đời. Tất cả những tình cảm, những ấn tượng sâu đậm của Bác về trăng đều được Người thể hiện rất rõ trong rất nhiều những thi phẩm của mình. Đó có lẽ lí do để Hoài Thanh có thể đưa ra nhận định xác đáng nói trên.
MỤC LỤC
Đôi nét về Hồ Chí Minh và những tác phẩm ánh trăng
Tìm hiểu sơ nét về Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh – sinh năm 1890 và mất năm 1969, quê ở Nghệ An, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn. Nghệ An vốn là vùng đất nổi tiếng vì có nhiều thi nhân, chí sĩ yêu nước trĩu nặng tâm tư với cuộc đời như Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu… Cũng giống như con người kiệt xuất của vùng đất quê mình, Bác Hồ dành cho dân tộc đất nước một tình yêu vô cũng sâu đậm, nồng nàn.
Tình yêu ấy trong thời buổi thực dân xâm lược đã hun đúc thành ý chí, khát khao mạnh mẽ nơi Hồ Chí Minh để Người có thể đưa ra quyết định ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911 bằng sự hăm hở của sức trẻ ở độ tuổi đôi mươi. Hành trình mà Bác lựa chọn ấy lại trải qua muôn vàn những gian khổ và có ai ngờ, nó kéo dài đến tận ba mươi năm.
Ngày ra đi mái tóc còn xuân xanh nhưng đến khi trở về, mái đầu Người đã điểm bạc nhưng ngần ấy thời gian trải qua gian truân, thử thách ở đất khách quê người đã có thể giúp Người vững vàng đứng ở cương vị lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước và gặt hái được những thành công to lớn. Chiến thắng vang dội trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đã trở thành bước đà mở ra một sự kiện trọng đại của đất nước: nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 sau khi Bác Hồ đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” tại quảng trường Ba Đình.
Khi dấu son chói lọi đó của dân tộc được đánh dấu vào sử sách thì cả đất nước vững tin sẽ được sống trong hòa bình, tự do. Vậy mà không lâu sau đó, ta lại phải đương đầu với một cuộc chiến chống lại đế quốc Mĩ, cam go hơn, khốc liệt hơn. Nhưng lúc cam go, khốc liệt như vậy, ta lại có một điểm tựa vững vàng, sự lãnh đạo sáng suốt của Người.
Khi chống Pháp cũng như lúc đánh Mĩ, Bác Hồ luôn đồng hành cùng với nhân dân Việt Nam với tinh thần, ý chí quyết tâm to lớn. Tiếc thay, năm 1969, Bác lại ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của cả đồng bào, dân tộc. Thế là cả cuộc đời dành để hi sinh cho sự nghiệp của dân tộc nhưng Bác Hồ lại không thể tận mắt nhìn thấy ngày Bắc Nam sum họp một nhà, đất nước hoàn toàn giải phóng. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, Bác vẫn giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong việc giành lại độc lập, dân tộc Việt Nam.
Dành tâm huyết cả đời để trở thành một người chiến sĩ hết lòng vì đất nước và đón nhận sự tin yêu của nhân dân nhưng ở vai trò khác – nhà văn và thi sĩ, Bác cũng để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc với rất nhiều những tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau.
Chẳng hạn, về văn chính luận có thể kể đến: “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), “Tuyên ngôn Độc lập” (1945), “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (1946), “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” (1966) …, Người còn viết truyện kí: “Vi hành” (1923), “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” (1925), “Nhật kí chìm tàu” (1931) … Đặc biệt, với tập thơ “Ngục trung nhật kí” (“Nhật kí trong tù”), Hồ Chí Minh đã thể hiện được giá trị tư tưởng và nghệ thuật thơ ca đặc sắc của mình qua hàng trăm sáng tác bằng chữ Hán.
Những tác phẩm trăng trong thơ Bác
Ở những sáng tác thuộc thể loại thơ, Bác Hồ đã Bác Hồ đã dành nhiều dòng và nhiều bài để viết về ánh trăng – biểu tượng của vẻ đẹp vĩnh hằng và đồng thời cũng là một người bạn tri âm của biết bao thế hệ nhà văn, thi sĩ. Có rất nhiều bài thơ tràn đầy ánh trăng có thể kể đến như: “Vọng nguyệt”, “Trung thu”, “Rằm thắng giêng”, “Dạ lãnh”, “Thu dạ”, “Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi””, “Tin thắng trận”, “Đối nguyệt”, “Cảnh khuya”, “Đi thuyền trên sông Đáy”, “Cảnh rừng Việt Bắc”, “Chơi trăng”, “Thư Trung thu 1951”…
Phân tích hình ảnh ánh trăng trong thơ Bác qua một số tác phẩm
Sự rung cảm của người thi sĩ trước vẻ đẹp thiên nhiên
Xưa nay, con người thường dành những thiện cảm cho cái đẹp và đối với người nghệ sĩ thì tình yêu dành cho cái đẹp lại càng bất tận, dạt dào hơn hết. Trăng muôn đời nay vẫn là hiện thân cho vẻ đẹp của thiên nhiên thế nên khi viết về trăng, Bác Hồ cũng muốn nói lên sự rung cảm của mình trước vẻ đẹp của thế giới tự nhiên.
Thế giới ấy có sự hiện hữu của mây, gió, hoa, núi, sông, tuyết và tất nhiên trong đó không thể thiếu trăng. Sự rung cảm ấy là cái gì đó rất đỗi tự nhiên để người nghệ sĩ có thể chắp bút viết nên những vần thơ nói lên tình cảm của mình dành cho những điều tươi đẹp trên đời:
“Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp,
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông.”
(“Cảm hứng đọc “Thiên gia thi”)
Ở thời điểm nào, trăng cũng mang một vẻ đẹp riêng khiến cho con người say đắm. Đó là vẻ đẹp viên mãn, sáng ngời của vầng trăng đêm rằm. Khi xuất hiện trong phối cảnh của sông xuân, nước xuân, vầng trăng lại thêm rực rỡ, chiếu sáng khắp không gian làm bừng lên không khí mùa xuân nồng nàn:
“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên”
Dịch nghĩa:
“Đêm nay, đêm rằm tháng giêng, trăng đúng lúc tròn nhất
Sông xuân, nước xuân tiếp giáp với trời xuân”
(“Nguyên tiêu”)
Trong không khí cả vạn vật đất trời đang bước vào thời điểm sức xuân bừng lên ngời ngời, trăng đã hòa cùng sông, nước, trời để làm nên một không gian có sự chan hòa của cảnh vật. Và không gì khác, trăng đã dùng ánh sáng “lồng lộng” trong khoảnh khắc tròn đầy, tươi đẹp nhất của năm để kết nối, kéo gần tất cả những sự vật ấy sát gần nhau làm sắc xuân thêm phơi phới, khí xuân thêm tràn đầy.
Hình ảnh trăng trong thơ Bác xuất hiện và kết nối đất trời
Trăng luôn hòa mình vào vạn vật, tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp, cảnh ấy vừa sinh động vì có cả âm thanh du dương của suối thác, vừa có sự hài hòa khi kết hợp với cây cối, hoa cỏ:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
(“Cảnh khuya”)
Ở bài thơ “Đối nguyệt”, trăng cũng đảm đương vai trò sứ giả gắn kết các sự vật lại gần nhau và gần với con người:
“Ngoài song, trăng rọi cây sân,
Ánh trăng nhích bóng cây gần trước song.”
(“Đối nguyệt”)
Khi đất trời bước sang mùa thu, hình bóng trăng vẫn “vành vạnh” trên cao, ánh sáng của trăng vẫn ngập tràn sức sống:
“Trung thu nguyệt viên như kính
Chiếu diệu nhân gian bạch tự ngân.”
(“Trung thu”)
Dịch nghĩa:
“Tết Trung thu, trăng thu tròn tựa gương
Soi rọi cõi người, màu trắng như bạc”
Đã có những thời điểm Bác phải ngắm trăng trong hoàn cảnh giam hãm, ngục tù nhưng dù hoàn cảnh có khắc nghiệt, khó khăn đến như thế nào thì cảnh đẹp vì có sự hiện diện của trăng đã khiến người thi sĩ không thể hững hờ. Dù cho họ “không rượu cũng không hoa”, họ vẫn say đắm thưởng thức vẻ đẹp tự nhiên, ngời sáng của vầng trăng trên cao:
“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt”
(“Vọng nguyệt”)
Dịch nghĩa:
“Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ”
Vầng trăng cũng vượt qua sự cản ngăn của song sắt để tìm đến với thi nhân:
“Nguyệt tòng song khích khán thi gia”
Dịch nghĩa:
“Từ ngoài khe cửa, trăng ngắm nhà thơ”
Trăng trong thơ Bác rất sáng, rất trong và cũng rất đẹp. Điều đó thể hiện tình yêu của Người với trăng nói riêng và thiên nhiên nói chung. Vạn vật hay cụ thể là trăng, hoa, gió, suối… lại chính là những vốn quý làm nên thiên nhiên của đất nước. Chính vì thế, khi Bác dành tình yêu cho thiên nhiên cũng chính là thể hiện tấm lòng của mình đối với đất nước mà ở trong hoàn cảnh nào thì tấm lòng ấy cũng vẫn luôn nồng nàn, tha thiết.
Ánh trăng trong thơ Bác thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ
Khi đã chọn cho mình con đường cách mạng để dành cả đời theo đuổi, Bác Hồ cũng lường trước được những gian lao, thử thách mà mình phải trải qua. Thế nhưng trước hoàn cảnh nào, dù phải ở trong điều kiện vất vả thế nào, khó khăn ra sao thì tinh thần lạc quan cách mạng vẫn dạt dào trong những vần thơ của Bác.
Chỉ cần có ánh sáng của trăng, dẫu chỉ là một chút, Bác cũng như được tiếp thêm động lực để vững tin ở tương lai tươi sáng hơn. Trong hoàn cảnh tăm tối, u uất, ánh trăng có sức mạnh rất lớn trong việc vực dậy tinh thần con người:
“Nhất thứ kê đề dạ vị lan
Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san.”
(“Tảo giải”)
Dịch nghĩa:
“Gà gáy một lần, đêm chưa tàn,
Chòm sao nâng vầng trăng lên đỉnh núi mùa thu.”
Giữa lúc chiến sự đang ở tình thế cam go, Bác Hồ và các anh chiến sĩ phải “đàm quân sự” nơi “thâm xứ”, Bác Hồ vẫn giữ được phong thái ung, tự tại và tinh thần lạc quan khi cảm nhận được vẻ đẹp cũng như sự đồng hành của trăng, của vạn vật đất trời. Đó cũng giống như sự ủng hộ, động viên của người bạn tri âm với người chiến sĩ:
“Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”
(“Nguyên tiêu”)
Dịch nghĩa:
“Nơi sâu thẳm mịt mù khói sóng bàn bạc việc quân,
Nửa đêm quay về trăng đầy thuyền.”
Trong hoàn cảnh ngục tù, có vầng trăng trên cao làm bạn, nhà thơ như không còn cảm thấy đơn độc, bức bối:
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia”
(“Vọng nguyệt”)
Dù cho “song” có đứng ở vị trí rào cản ngăn cách “nhân” và “nguyệt” nhưng nó sẽ không bao giờ có đủ sức mạnh chặn lại cuộc vượt ngục về tinh thần. Song sắt của nhà giam có thể cầm tù người chiến sĩ nhưng không thể giam hãm tinh thần và không thể biến người chiến sĩ thành tù nhân.
Câu thơ đã làm sáng lên tâm hồn tương giao, hòa hợp giữa “thi gia” và vầng trăng trên cao. Không chỉ có mỗi nhà thơ đơn phương ngắm trăng, tâm sự cùng trăng mà trăng cũng chủ động tìm đến Người để thể hiện sự đồng cảm, khích lệ. Trong chốn “ngục trung” như vậy, quả thật tinh thần con người rất dễ bị đánh bại để trở nên gục ngã, sống bi quan nhưng ta khó có thể tìm thấy những biểu hiện về sự bế tắc trong tinh thần của Bác Hồ. Ngược lại, dù cảnh ngộ có éo le, có tăm tối đến dường nào, Hồ Chí Minh càng lạc quan, càng có niềm tin về tương lai tươi mới.
Vầng trăng có thể chiếu tỏa ánh sáng khắp nhân gian, hơn nữa lại ở vị thế tự tại, khi tĩnh lặng, nhưng có lúc lại vận động (“Trên trời trăng lướt giữa làn mây”) nên nó không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn thể hiện sự tự do ít nhiều. Thế nên, viết về trăng, nhất là trong hoàn cảnh bị cầm tù, người chiến sĩ còn bộc lộ niềm khao khát được tự do một cách tha thiết.
Được trả tự do, có lẽ nhà thơ sẽ thưởng trăng một cách đầy đủ hơn, mãn nguyện hơn và khi mong muốn được tự do, người chiến sĩ cũng bộc lộ khát vọng được “mang về” vầng trăng hòa bình cho đất nước:
“Bất đắc tự do thưởng thu nguyệt,
Tâm tùy thu nguyệt cộng du du.”
(“Trung thu”)
Dịch nghĩa:
“Không được tự do thưởng trăng thu
Lòng ta theo cùng trăng thu vời vợi xa.”
Nhận xét về hình ảnh ánh trăng trong thơ Bác
Về nội dung, những câu thơ Bác viết về trăng đã làm bộc lộ tình yêu tha thiết của Người với một hình ảnh rất đỗi quen thuộc, thân thương nhưng cũng là tình cảm dành cho thiên nhiên nói chung. Bên cạnh đó, những câu thơ trên còn góp phần làm nổi bật những vẻ đẹp cao quý của người chiến sĩ cách mạng. Đó là sự lạc quan, yêu đời, khát khao tự do và ý chí quyết tâm theo đuổi lí tưởng cộng sản.
Về nghệ thuật, Hồ Chí Minh đã khắc họa thành công hình ảnh vầng trăng dù là hình ảnh cổ điển nhưng lại có những chấm phá của sự mới mẻ, hiện đại. Trăng trong thơ Bác không đơn thuần thể hiện sự tĩnh tại của cảnh vật mà còn cho thấy sự chuyển biến vận động khi hướng nhận thức của nhân vật trữ tình về phía ánh sáng, tương lai, trong thơ cũng có sự tương tác hai phía ở cả người và cảnh chứ không phải chỉ mỗi con người tìm đến thiên nhiên.
Kết bài: Tóm lại, ta có thể bắt gặp sự thường trực của hình ảnh vầng trăng trong thơ Bác. Qua ánh sáng bàng bạc của trăng trong thơ Người, ta không chỉ thấy chất thép của ý chí người chiến sĩ mà còn thấy chất tình tài hoa của người thi sĩ.
Dàn ý cảm nhận hình ảnh ánh trăng trong thơ Bác
Để giúp bạn nắm được nội dung bài viết về chủ đề hình ảnh ánh trăng trong thơ Bác, dưới đây DINHNGHIA.VN sẽ giúp bạn lập dàn ý cụ thể.
Mở bài hình ảnh ánh trăng trong thơ Bác
- Đi từ ánh trăng trong thơ ca nhạc họa, dẫn đến hình ảnh trăng trong thơ Bác.
- Giới thiệu sơ nét về Hồ Chí Minh và ý nghĩa của ánh trăng trong thơ Bác.
Thân bài hình ảnh ánh trăng trong thơ Bác
- Trăng trong thơ Bác cho thấy sự rung cảm của người chiến sĩ – thi sĩ.
- Ánh trăng trong thơ Bác giúp kết nối đất trời và thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên.
- Trăng trong thơ Bác đã cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ – thi sĩ.
Kết bài hình ảnh ánh trăng trong thơ Bác
- Khái quát lại ánh trăng trong thơ Bác được thể hiện qua những tác phẩm nào.
- Ý nghĩa của hình ảnh ánh trăng trong thơ Bác với tư tưởng của Người.
- Bày tỏ suy nghĩ của bản thân khi cảm nhận ánh trăng trong thơ Bác.
Như vậy, qua những hình ảnh trăng trong thơ Bác, ta nhận thấy Bác là người rất yêu thiên nhiên, đặc biệt là trăng. Hình ảnh trăng trong thơ Bác mang những sắc thái mới gắn với nội dung quan điểm thẩm mỹ khoa học, cách mạng của Người. Vì vậy mà trăng là một hình tượng có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và trong sự nghiệp sáng tác văn học của Bác.
Bài viết trên đây của DINHNGHIA.VN đã giúp bạn cảm nhận về hình ảnh ánh trăng trong thơ Bác. Hy vọng đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích về chủ đề “Trăng trong thơ Bác”. Chúc bạn luôn học tốt!.
Xem thêm >>> Cảm nhận về bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh – Ngữ Văn 8
Xem thêm >>> Phân tích bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh – Ngữ Văn lớp 8
Xem thêm >>> Trình bày cảm nhận bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh
3/5 - (2 bình chọn) Please follow and like us:Từ khóa » Bài Thơ Có Hình ảnh ánh Trăng Của Bác
-
Sưu Tầm Một Số Bài Thơ Của Hồ Chí Minh Có Hình ảnh ánh Trăng. Em ...
-
Tìm Các Bài Thơ Về Trăng Của Bác Hồ - Hi Hi - HOC247
-
TRĂNG TRONG THƠ BÁC - Kho Bài Tập
-
Kể Tên Các Bài Thơ Có Hình ảnh Trăng Trong Thơ Của Bác Hồ - Selfomy
-
Kể Tên Những Bài Thơ Viết Về ánh Trăng Mà Em đã được Học. Nêu ...
-
Trăng Trong Thơ Bác - Báo Nghệ An
-
Ghi Rõ đầu đề Và Câu Thơ Có Hình ảnh Của Trăng - Hoc24
-
Những Bài Thơ Về Trăng Hay Nhất - Thủ Thuật Phần Mềm
-
Hãy Kể Tên Những Bài Thơ Viết Về Trăng Của Hồ Chí Minh Mà Em đã ...
-
Cảm Nghĩ Về Hình ảnh ánh Trăng Trong Câu Thơ Cuối Của Bài Thơ Rằm ...
-
ÁNH TRĂNG XUÂN TRONG THƠ BÁC HỒ
-
Hình ảnh Trăng Hai Bài Thơ Ngắm Trăng (Vọng Nguyệt) Của Hồ Chí ...