Trào Ngược Dịch Mật Có Phải Là Trào Ngược Dạ Dày Thực Quản?

Nội dung bài viết

  • Trào ngược dịch mật là bệnh gì?
  • Trào ngược dịch mật có phải là trào ngược dạ dày thực quản?
  • Nguyên nhân trào ngược dịch mật
  • Các triệu chứng trào ngược dịch mật
  • Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
  • Các biến chứng của trào ngược dịch mật
  • Chẩn đoán trào ngược dịch mật
  • Điều trị trào ngược dịch mật

Bạn đang có các triệu chứng về tiêu hóa như đầy bụng, ợ nóng, ợ chua. Hay đau bụng trên một cách dữ dội. Bạn đang thử điều trị trào ngược dạ dày – thực quản nhưng không đạt được hiệu quả cao. Vậy thì có thể là bạn đang mắc bệnh trào ngược dịch mật. Trào ngược dịch mật là gì? Có khác gì so với trào ngược dạ dày – thực quản? Trong bài viết này, Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về dịch mật và trào ngược dịch mật.

Trào ngược dịch mật là bệnh gì?

Mật là một chất lỏng màu vàng xanh, rất cần thiết để tiêu hóa chất béo và loại bỏ các tế bào hồng cầu bị mòn và một số độc tố khỏi cơ thể của bạn. Mật được sản xuất trong gan và được lưu trữ trong túi mật.

Trào ngược mật xảy ra khi mật trào ngược vào dạ dày. Và trong một số trường hợp, mật có thể trào ngược vào thực quản.

Trào ngược mật có thể đi kèm với trào ngược axit dạ dày vào thực quản. Trào ngược dạ dày có thể dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). GERD có thể dẫn đến kích ứng mô thực quản và viêm thực quản.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tiêu hóa - Gan mật, tải ngay ứng dụng YouMed.

Trào ngược dịch mật có phải là trào ngược dạ dày thực quản?

Trào ngược mật và trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng y khoa riêng biệt. Trào ngược mật có đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành GERD hay không vẫn còn nhiều tranh cãi. Mật thường bị nghi ngờ góp phần gây ra GERD khi bệnh nhân đáp ứng không như mong đợi với các loại thuốc ức chế axit mạnh. Nhưng có rất ít bằng chứng xác định tác động của trào ngược dịch mật lên con người nói chung và những bệnh nhân GERD nói riêng.

Không giống như trào ngược dạ dày thực quản, trào ngược dịch mật không thể được kiểm soát hoàn toàn bằng những thay đổi trong chế độ ăn uống hoặc lối sống. Điều trị bằng thuốc là cần thiết. Những trường hợp bệnh nghiêm trọng, phẫu thuật là phương pháp điều trị bắt buộc.

Túi mật nằm dưới gan và ngay cạnh dạ dày, lỗ đổ của túi mật vào ruột non ngay đoạn cuối dạ dày
Túi mật nằm dưới gan và ngay cạnh dạ dày, lỗ đổ của túi mật vào ruột non ngay đoạn cuối dạ dày

Nguyên nhân trào ngược dịch mật

Ăn một bữa ăn có chứa dù chỉ một lượng nhỏ chất béo cũng báo hiệu cho túi mật. Túi mật có nhiệm vụ giải phóng mật. Mật sẽ chảy qua hai ống nhỏ (ống nang và ống mật chủ) vào phần trên của ruột non (tá tràng).

1. Trào ngược mật vào dạ dày

Thức ăn từ dạ dày thông qua van ở môn vị trước khi vào tá tràng và được trộn chung với dịch mật ở đây. Van môn vị thường chỉ mở nhẹ đủ để cho khoảng 3,5 ml thức ăn hóa lỏng đi qua mỗi lần nhưng không đủ để dịch tiêu hóa trào ngược vào dạ dày.

Trong nhiều trường hợp trào ngược mật, van không đóng đúng cách và dịch mật bị trào ngược trở lại dạ dày. Điều này có thể dẫn đến viêm niêm mạc dạ dày (viêm dạ dày trào ngược dịch mật).

2. Trào ngược mật vào thực quản

Mật và axit dạ dày có thể trào ngược vào thực quản khi một van khác. Cơ vòng thực quản dưới ngăn cách thực quản và dạ dày. Van thường mở vừa đủ lâu để cho phép thức ăn đi vào dạ dày. Nhưng nếu van yếu đi hoặc giãn ra bất thường, mật và axit dạ dày có thể trào ngược trở lại thực quản.

3. Điều gì dẫn đến trào ngược dịch mật?

Trào ngược mật có thể do:

  • Biến chứng phẫu thuật. Phẫu thuật dạ dày, bao gồm cắt bỏ toàn bộ dạ dày hay một phần dạ dày do loét hoặc ung thư, là nguyên nhân gây ra hầu hết trào ngược dịch mật.
  • Loét dạ dày. Loét dạ dày tá tràng có thể làm hẹp van môn vị khiến nó không mở đủ để dạ dày trống rỗng nhanh nhất cần. Thức ăn ứ đọng trong dạ dày có thể dẫn đến tăng áp lực dạ dày và tạo điều kiện cho mật và axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản.
  • Phẫu thuật túi mật (cắt túi mật). Những người đã cắt bỏ túi mật bị trào ngược mật nhiều hơn đáng kể so với những người không phẫu thuật này.

Các triệu chứng trào ngược dịch mật

Trào ngược dịch mật có thể khó phân biệt với trào ngược dạ dày thực quản. Các dấu hiệu và triệu chứng tương tự nhau và hai bệnh lý này có thể xảy ra cùng một lúc.

Các dấu hiệu và triệu chứng trào ngược mật bao gồm:

  • Đau bụng trên(thượng vị). Cơn đau có thể dữ dội.
  • Thường xuyên ợ chua, ợ chua. Cảm giác nóng trong ngực đôi khi lan đến cổ họng kèm theo vị chua trong miệng.
  • Buồn nôn.
  • Nôn ra chất lỏng màu vàng xanh (mật).
  • Thỉnh thoảng, ho hoặc khàn giọng.
  • Sụt cân không chủ ý.
Đau vùng thượng vị là một trong những dấu hiệu của trào ngược dịch mật
Đau vùng thượng vị là một trong những dấu hiệu của trào ngược dịch mật

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Hẹn gặp bác sĩ nếu bạn thường xuyên gặp các triệu chứng trào ngược. hoặc nếu bạn đang sụt cân không chủ ý.

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc GERD nhưng không thấy thuyên giảm khi dùng thuốc, hãy gọi cho bác sĩ. Bạn có thể cần điều trị bổ sung cho chứng trào ngược dịch mật.

Các biến chứng của trào ngược dịch mật

Viêm dạ dày trào ngược dịch mật có mối liên quan đến ung thư dạ dày. Sự kết hợp của trào ngược dịch mật và axit cũng làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng sau:

  • GERD. Tình trạng này thường là do dư thừa axit. Mặc dù mật có liên quan, nhưng tầm quan trọng của nó trong trào ngược axit dạ dày vẫn còn nhiều tranh cãi.
  • Thực quản Barrett. Tình trạng nghiêm trọng này có thể xảy ra khi tiếp xúc lâu dài với axit dạ dày, hoặc axit và dịch mật, làm tổn thương mô ở thực quản dưới. Các tế bào thực quản bị tổn thương và có nguy cơ ung thư hóa cao hơn. Các nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy sự trào ngược mật có liên quan với sự xuất hiện của Barrett thực quản.
  • Ung thư thực quản. Dạng ung thư này có thể không được chẩn đoán cho đến khi nó khá nặng. Mối liên hệ có thể có giữa trào ngược dịch mật và axit với ung thư thực quản vẫn còn gây tranh cãi, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng có mối liên hệ trực tiếp. Trong các nghiên cứu trên động vật, chỉ riêng trào ngược dịch mật đã được chứng minh là có thể gây ung thư thực quản.

Chẩn đoán trào ngược dịch mật

Dựa vào bệnh sử và các triệu chứng của bạn, bác sĩ có thể chẩn đoán được vấn đề trào ngược. Nhưng phân biệt giữa trào ngược axit và trào ngược dịch mật rất khó và cần phải kiểm tra thêm. Bạn cũng có thể phải làm các xét nghiệm để kiểm tra tổn thương thực quản và dạ dày. Cũng như các thay đổi tiền ung thư tại thực quản, dạ dày.

Các xét nghiệm có thể bao gồm:

  • Nội soi. Một ống mềm, mỏng có camera (ống nội soi) được đưa vào cổ họng và đi xuống sâu hơn nữa. Nội soi có thể cho thấy các vết loét hoặc tình trạng viêm trong dạ dày và thực quản. Bác sĩ cũng có thể lấy mẫu mô để xét nghiệm nhằm loại trừ biến chứng thực quản Barrett hoặc ung thư thực quản.
  • Xét nghiệm axit. Các xét nghiệm này sử dụng một đầu dò đo axit để xác định khi nào và trong bao lâu, axit trào ngược vào thực quản của bạn. Trong khi làm xét nghiệm, một ống mỏng có một đầu dò ở cuối được luồn qua mũi vào thực quản. Trong một thử nghiệm khác (xét nghiệm Bravo), đầu dò được gắn vào phần dưới ống nội soi, đặt tại phần dưới của thực quản trong quá trình nội soi. Các xét nghiệm axit này có thể giúp bác sĩ phân biệt trào ngược axit với trào ngược dịch mật.
  • Trở kháng thực quản. Thử nghiệm này giúp xác định liệu khí hoặc chất lỏng có trào ngược vào thực quản hay không. Nó hữu ích cho những người nôn ra các chất không có tính axit (chẳng hạn như dịch mật). Và dịch mật không thể phát hiện bằng đầu dò axit. Như trong một xét nghiệm thăm dò tiêu chuẩn, trở kháng thực quản sử dụng một đầu dò được đặt vào thực quản với một ống thông.
Nội soi tiêu hóa đang trở nên phổ biến
Nội soi tiêu hóa đang trở nên phổ biến

Điều trị trào ngược dịch mật

Điều chỉnh lối sống và dùng thuốc có thể rất hiệu quả đối với chứng trào ngược dạ dày thực quản, nhưng trào ngược dịch mật khó điều trị hơn. Có rất ít bằng chứng đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị trào ngược mật. Một phần là do khó xác định trào ngược dịch mật là nguyên nhân của các triệu chứng.

1. Điều trị nội khoa

  • Axit ursodeoxycholic. Thuốc này giúp dòng chảy của mật trong lòng ống mật và tá tràng dễ dàng hơn. Nó có thể làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng của bạn.
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPIs). Những loại thuốc này thường được kê đơn để giảm sản xuất axit trong điều trị viêm loét dạ dày. Nhưng vai trò trong điều trị trào ngược dịch mật vẫn chưa được xác định rõ ràng.
  • Thuốc cô lập axit mật. Các bác sĩ thường kê đơn thuốc cô lập axit mật, làm gián đoạn sự lưu thông của mật. Nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng những loại thuốc này kém hiệu quả hơn so với các phương pháp điều trị khác. Các tác dụng phụ, chẳng hạn như đầy hơi, có thể nghiêm trọng.

2. Điều trị phẫu thuật

Các bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu thuốc không làm giảm các triệu chứng nghiêm trọng. Hay nặng hơn là phát hiện những thay đổi tiền ung thư trong dạ dày hoặc thực quản. Mỗi phương pháp phẫu thuật đều có ưu và nhược điểm riêng, cũng như tỷ lệ thành công khác nhau. Và cũng phù hợp với các đối tượng bệnh nhân khác nhau. Vì vậy hãy nhớ thảo luận kỹ với bác sĩ trước khi tiến hành phẫu thuật.

Dưới đây là những phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất, bao gồm:

  • Phẫu thuật chuyển hướng (Roux-en-Y). Thủ thuật này, cũng là một loại phẫu thuật giảm cân, có thể được khuyến khích cho những người đã từng phẫu thuật dạ dày với cắt bỏ môn vị. Trong Roux-en-Y, các bác sĩ phẫu thuật tạo một kết nối mới để dẫn mật xuống ruột non. Nhằm chuyển lỗ đổ của mật xa ra dạ dày.
  • Phẫu thuật chống trào ngược (fundoplication). Phần dạ dày gần thực quản nhất được quấn và sau đó khâu quanh cơ thắt thực quản dưới. Quy trình này củng cố van và có thể giảm trào ngược axit. Có rất ít bằng chứng về hiệu quả của phẫu thuật đối với chứng trào ngược dịch mật.

Trào ngược dịch mật thường khó phân biệt hoàn toàn với trào ngược dạ dày thực quản. Vì các triệu chứng và dấu hiệu khá tương đồng. Vì vậy, nếu bạn đang điều trị trào ngược dạ dày thực quản nhưng hiệu quả không cao. Bạn nên thảo luận với bác sĩ về khả năng trào ngược dịch mật. 

Từ khóa » Nôn Dịch Mật