Trật Khớp Háng Bẩm Sinh: Dị Tật Nguy ... - Bệnh Viện Nhi Trung Ương

Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Trật khớp háng bẩm sinh: Dị tật nguy hiểm ít người biết

Trật khớp háng bẩm sinh: Dị tật nguy hiểm ít người biết 04/11/2021

Bé Minh Trang (4 tuổi, ở Hà Nội) là một trong số những trẻ mắc dị tật trật khớp háng bẩm sinh đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Mẹ bé cho biết, khi cháu bước sang giai đoạn tập đi, chị thấy con đi lại không bình thường, một bên bàn chân của bé chìa ra phía ngoài mỗi khi di chuyển, chiều dài hai chân không bằng nhau. Dị tật này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của trẻ, nhưng ít bậc cha mẹ biết rằng nếu được can thiệp sớm thì điều trị rất hiệu quả.

Khoa Chỉnh hình – Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi năm tiếp nhận khoảng 60-70 bệnh nhi đến điều trị phẫu thuật do trật khớp háng bẩm sinh. Đây là một bệnh lý bẩm sinh hiếm gặp (1/800-3000 trẻ), xảy ra ở nữ nhiều hơn ở nam. Bệnh nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời thì việc điều trị sẽ đơn giản, tỉ lệ thành công có thể đạt tới 95% bằng phương pháp bảo tồn.

Nếu phát hiện muộn, việc điều trị sẽ rất phức tạp, kết quả có thể kém, để lại nhiều di chứng như: tái trật khớp, hoại tử chỏm xương đùi, loạn sản phát triển ổ cối và chỏm xương đùi gây mất cân xứng chiều dài của chi, teo cơ cứng khớp, hạn chế vận động.

Trung bình mỗi năm khoa Chỉnh hình – Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 60-70 bệnh nhi đến điều trị phẫu thuật do trật khớp háng bẩm sinh

Tự ý trì hoãn, cha mẹ bỏ qua ‘‘thời điểm vàng’’ điều trị cho con

Đang chăm sóc con gái 4 tuổi sau phẫu thuật trật khớp háng tại khoa Chỉnh hình- Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Lan Anh (Hà Nội) cho biết, khi bé Minh Trang bước sang giai đoạn tập đi, chị thấy con đi lại không bình thường, một bên bàn chân của bé chìa ra phía ngoài mỗi khi di chuyển, chiều dài của hai chân không bằng nhau.

Khi trẻ gần 14 tháng tuổi, gia đình đã cho trẻ đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương và được các bác sĩ chẩn đoán là trật khớp háng phải bẩm sinh, tư vấn can thiệp sớm để trẻ mau chóng hồi phục.

Tuy nhiên, lo sợ trẻ còn nhỏ mà phải gây mê, phẫu thuật sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con, gia đình quyết định trì hoãn can thiệp theo chỉ định của bác sĩ. Sau đó, gia đình nghe theo lời chỉ dẫn của người quen cho trẻ nắn chỉnh bằng phương pháp đông y, đến khi tình trạng đi khập khiễng của trẻ ngày càng tăng, gia đình mới cho trẻ quay lại Bệnh viện để phẫu thuật.

‘‘Tôi cảm thấy rất thương con và vô cùng ân hận vì đã không đưa con đến viện điều trị kịp thời, khiến con không những phải trải qua đau đớn khi phẫu thuật mà còn ảnh hưởng đến tâm lý vì giờ con đã lớn, đã nhận biết được khiếm khuyết của mình là hai chân không đều nhau’’- Chị Lan Anh chia sẻ.

Một trường hợp bị trật khớp háng can thiệp muộn khác là bé Bảo Linh (5 tuổi, Vĩnh Phúc). Mẹ bé cho biết, lúc trẻ còn nhỏ chị không thấy con có biểu hiện bất thường nào, chỉ đến khi trẻ 6 tháng tuổi, chị thấy các ngấn ở 2 chân của bé không cân đối. Khi con được 15 tháng tuổi, là giai đoạn bé đã biết đi, chị thấy con đi hoặc chạy thường nghiêng người về bên trái.

Lo lắng nhưng thấy bé không có biểu hiện đau, chỉ có dáng đi xấu lại đang bộn bề công việc nên gia đình không đưa trẻ đi khám. Tới 18 tháng tuổi, thấy tình trạng của trẻ không cải thiện, gia đình đưa con đến khám tại phòng khám tư gần nhà và được bác sĩ chẩn đoán là trật khớp háng, khuyên đưa bé đến bệnh viện để nẹp chân hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, do thiếu sự hiểu biết về căn bệnh và chủ quan nghĩ chờ con lớn hơn mới can thiệp cũng không sao nên đến khi con 5 tuổi, sắp vào lớp 1 mà dáng đi ngày càng nghiêng hẳn về bên trái thì gia đình mới cho con đến Bệnh viện Nhi Trung ương để khám và điều trị.

TS.BS Hoàng Hải Đức – Trưởng khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trẻ mắc dị tật trật khớp háng bẩm sinh được can thiệp muộn. Cả 2 bệnh nhi này đều phải cắt xương đùi, chỉnh trục và nẹp vít kết hợp xương, cắt xương chậu để tạo hình ổ cối, sau khoảng 6 tháng đến 1 năm sẽ phải phẫu thuật thêm 1 lần nữa để tháo bộ nẹp. Nếu trẻ được can thiệp sớm hơn (khoảng trước 2 tuổi), việc điều trị sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Trẻ chỉ cần được dọn ổ cối, tạo hình bao khớp và cố định bằng bột là có thể thành công.

Nếu được phát hiện sớm, bệnh lý trật khớp háng bẩm sinh có thể điều trị được với tỉ lệ thành công rất cao

Dấu hiệu cho biết trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh

Theo TS.BS Hoàng Hải Đức, trật khớp háng bẩm sinh là tình trạng chỏm xương đùi của một hoặc cả hai bên khớp háng bị trật ra khỏi vị trí bình thường của khớp háng. Hiện nay, nguyên nhân cụ thể dẫn đến dị tật này vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, có 1 số yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng này bao gồm: thai ngôi ngược, thiểu ối, gia đình có tiền sử bị trật khớp háng, bất thường hệ cơ xương,…

Trật khớp háng bẩm sinh là một dị tật rất khó được phát hiện sớm, trẻ thường không đau, không quấy khóc, nên nếu không để ý kỹ các khác biệt, cha mẹ sẽ khó phát hiện. Đa số gia đình thường chỉ đưa con đi khám sau khi bé biết đi, thấy con đi tập tễnh, một chân yếu hẳn so với chân kia. Do đó, sự quan sát, chú ý của gia đình trong quá trình chăm sóc trẻ có ý nghĩa quyết định đến việc phát hiện con bị bệnh sớm hay muộn.

Một số dấu hiệu gợi ý, các gia đình khi chăm sóc trẻ cần chú ý:

– Sự chênh lệch chiều dài của chi (chân);

– Nếp lằn mông, đùi với bên bị trật khớp háng dài hơn bên lành;

– Bàn chân trẻ đổ ra ngoài khi trẻ nằm duỗi chân;

– Trẻ hạn chế việc dạng khớp háng nên khó khăn khi thay bỉm, tã, quần;

– Khi trẻ lớn bị lệch vai 1 bên, chân đi tập tễnh;

– Bên chân bị trật khớp háng sẽ yếu hơn …

Đối với các trường hợp bị trật khớp háng 2 bên thì khó xác định hơn do 2 bên có dấu hiệu giống nhau. Ở trẻ lớn bị trật khớp háng 2 bên sẽ có dấu hiệu ưỡn trước cột sống lưng quá mức.

Sự chênh lệch chiều dài của chi (chân) là một dấu hiệu nhận biết của bệnh lý trật khớp háng bẩm sinh

Phát hiện sớm, ‘‘chìa khóa vàng’’ để điều trị thành công

TS.BS Hoàng Hải Đức cho biết, bệnh lý trật khớp háng bẩm sinh có thể điều trị được với tỉ lệ thành công rất cao nếu trẻ được phát hiện sớm, chẩn đoán kịp thời và có phương pháp can thiệp phù hợp với từng lứa tuổi và giai đoạn.

Thời điểm vàng để điều trị trật khớp háng là từ khi trẻ còn ở trong độ tuổi sơ sinh đến 6 tháng tuổi. Vào thời điểm này, trẻ chỉ cần điều trị bằng phương pháp sử dụng nẹp Parlik để giang và gấp khớp háng khoảng 3-4 tháng với tỉ lệ thành công đạt 95%.

Với trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi, điều trị trật khớp háng phải kết hợp nắn chỉnh kín và bó bột cố định. Nếu nắn chỉnh kín thất bại thì cũng cần phải phẫu thuật nắn chỉnh mở.

Đặc biệt với trẻ trên 18 tháng tuổi cần phẫu thuật nắn chỉnh mở, có thể phải cắt xương chậu để tạo hình ổ cối kèm theo cắt sửa trục cổ – chỏm xương đùi.

Hiện nay, Bệnh viện Nhi Trung ương sử dụng xương đồng loại để ghép và tạo hình ổ cối

‘‘Hiện nay, phương pháp điều trị trật khớp háng tại Bệnh viện Nhi Trung ương không thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới. Thậm chí là có những ưu điểm vượt trội. Bệnh viện Nhi Trung ương sử dụng xương đồng loại để ghép và tạo hình ổ cối. Ưu điểm của kỹ thuật này đường mổ chỉ dài từ 4-6cm, đỡ mất máu hơn, đỡ tổn thương thần kinh, mạch máu, trẻ hồi phục nhanh hơn, vết mổ có tính thẩm mỹ hơn’’ – Bác sĩ Đức cho hay.

Bác sĩ khuyến cáo, các gia đình cần chú ý quan sát để sớm phát hiện các bất thường ở khớp háng và các chi của trẻ. Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường, cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, hướng dẫn điều trị kịp thời, nhằm hạn chế tốn kém và đạt hiệu quả điều trị cao.

Thu Hương – Vy Hiếu – Phòng Truyền thông & Chăm sóc khách hàng

Ảnh: Lê Hiếu

*Tên của bệnh nhi và người nhà đã được thay đổi

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Hướng dẫn cách lấy nước tiểu giữa dòng làm xét nghiệm nuôi cấy tìm căn nguyên gây bệnh ở trẻ em

Hướng dẫn cách lấy nước tiểu giữa dòng làm xét nghiệm nuôi cấy tìm căn nguyên gây bệnh ở trẻ em

[Thông báo] Chương trình Họp mặt gia đình trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý

[Thông báo] Chương trình Họp mặt gia đình trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý

Hãy cùng lan tỏa nhận thức và tình yêu thương tới trẻ sinh non

Hãy cùng lan tỏa nhận thức và tình yêu thương tới trẻ sinh non

Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh hoàn toàn có thể chữa lành: Cha mẹ đừng bỏ cuộc – Câu chuyện truyền cảm hứng

Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh hoàn toàn có thể chữa lành: Cha mẹ đừng bỏ cuộc – Câu chuyện truyền cảm hứng

HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG BẠI LIỆT 24/10

HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG BẠI LIỆT 24/10

Nội soi gắp thành công dị vật nằm trong vùng kín hơn 2 tháng cho bé gái 5 tuổi

Nội soi gắp thành công dị vật nằm trong vùng kín hơn 2 tháng cho bé gái 5 tuổi

Thời tiết giao mùa: Cẩn trọng với viêm màng não do virus ở trẻ em

Thời tiết giao mùa: Cẩn trọng với viêm màng não do virus ở trẻ em

Gặp lại những em bé được hồi sinh kỳ diệu nhờ ghép gan – một trong những phẫu thuật phức tạp hàng đầu về ghép tạng

Gặp lại những em bé được hồi sinh kỳ diệu nhờ ghép gan – một trong những phẫu thuật phức tạp hàng đầu về ghép tạng

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24
Bài viết mới
  • Chương trình quản lý sử dụng kháng sinh
    Chương trình quản lý sử dụng kháng sinh
    25/11/2024
  • Bình đơn (Xem xét, phản hồi, rút kinh nghiệm trong kê đơn ngoại trú)
    Bình đơn (Xem xét, phản hồi, rút kinh nghiệm trong kê đơn ngoại trú)
    24/11/2024
  • IV-PO – Chuyển đổi kháng sinh đường tiêm/truyền sang đường uống
    IV-PO – Chuyển đổi kháng sinh đường tiêm/truyền sang đường uống
    23/11/2024
  • Hội Nhi khoa Việt Nam tham dự Hội nghị Nhi khoa Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 18 tại Philippines
    Hội Nhi khoa Việt Nam tham dự Hội nghị Nhi khoa Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 18 tại Philippines
    Hội nghị Nhi khoa Châu Á - Thái Bình Dương 22/11/2024
  • ATO – Đánh giá tính hợp lý của kháng sinh sau 48-72 giờ (Kiểm soát sử dụng kháng sinh)
    ATO – Đánh giá tính hợp lý của kháng sinh sau 48-72 giờ (Kiểm soát sử dụng kháng sinh)
    22/11/2024

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em

Từ khóa » Chẩn đoán Trật Khớp Háng Bẩm Sinh