Trẻ Còi Xương: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, Phòng Ngừa Và điều Trị

Trẻ còi xương là do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó dinh dưỡng được xem một trong những nguyên nhân quan trọng nhất. Vì thế, ngay từ những năm tháng đầu đời, bố mẹ nên chuẩn bị cho trẻ một chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp để góp phần phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này.

Trẻ nào có nguy cơ cao bị còi xương?

Trẻ nào có nguy cơ cao bị còi xương?

Bệnh còi xương ở trẻ là gì?

Còi xương là tình trạng rối loạn gây giảm khoáng hóa của đĩa sụn tăng trưởng, giảm khoáng hóa xương ở trẻ nhỏ, trẻ em, thanh thiếu niên đang lớn do thiếu vitamin D hoặc khiếm khuyết về chuyển hóa và chức năng của nó, thiếu canxi hoặc phosphat hoặc giảm hoạt động của phosphataza kiềm.

Có 3 dạng còi xương: Còi xương dinh dưỡng; còi xương do rối loạn chuyển hóa vitamin D hoặc giảm hoạt động của vitamin D (còi xương phụ thuộc vitamin D/còi xương kháng vitamin D); Còi xương do rối loạn tái hấp thu phospho ở ống thận (Còi xương phosphopenic di truyền). Trong khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập đến còi xương dinh dưỡng.

Còi xương dinh dưỡng là bệnh loạn dưỡng xương do thiếu vitamin D hay rối loạn chuyển hóa vitamin D, ảnh hưởng đến chuyển hóa hấp thu canxi và phospho trong quá trình tạo xương. Còi xương do thiếu vitamin D là bệnh hay gặp ở trẻ em, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại các hậu quả không mong muốn cho trẻ như biến dạng ở xương, răng, ảnh hưởng đến phát triển tầm vóc.

Nguyên nhân gây bệnh còi xương ở trẻ?

Tuy nước ta ở vùng khí hậu nhiệt đới, hầu như quanh năm có ánh nắng mặt trời nhưng tỷ lệ trẻ Việt Nam bị còi xương vẫn rất cao do ít/không tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Nguyên nhân có thể là do thói quen kiêng cữ vì sợ trẻ bị ốm nên bố mẹ không cho con trẻ tắm nắng. Ngoài ra, tình trạng trẻ thiếu vitamin D còn do các nguyên nhân khác như:

  • Sai lầm trong chế độ ăn của trẻ: Chế độ ăn không đa dạng, ăn uống kém sẽ không đáp ứng nhu cầu các chất dinh dưỡng, đặc biệt là canxi. Canxi có nhiều trong sữa và ở tỷ lệ hấp thu cao hơn các thực phẩm khác, đặc biệt là sữa mẹ. Những trẻ uống sữa ít hơn số lượng khuyến nghị là một trong những nguy cơ mắc bệnh còi xương. Hoặc những trẻ khi ăn dặm được cho ăn quá nhiều chất bột đường (glucid), chất đạm (protein) gây tình trạng rối loạn chuyển hóa, tăng đào thải canxi ra nước tiểu hoặc bữa ăn dặm hàng ngày thiếu hoặc ít dầu mỡ ảnh hưởng đến hấp thu vitamin D.
  • Các yếu tố khác: Phụ nữ khi mang thai không bổ sung đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt thiếu vitamin D, canxi là yếu tố nguy cơ dẫn đến còi xương ở trẻ em. Ngoài ra, nguy cơ còi xương thường gặp ở: trẻ sinh non, suy dinh dưỡng bào thai, suy dinh dưỡng, trẻ hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn, trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài… Những trẻ này thường thiếu các vi chất dinh dưỡng, bao gồm cả vitamin D và canxi.

> Xem thêm: Địa chỉ khám còi xương cho trẻ

Làm sao để biết sữa mẹ có đủ Vitamin D?

Vẫn có trường hợp trẻ bú mẹ hoàn toàn nhưng nguồn vitamin D trong sữa mẹ thấp do chế độ ăn của mẹ không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất. Chất lượng sữa mẹ không thể đánh giá bằng mắt thường như màu sắc, đậm nhạt mà chỉ có thể kiểm tra chính xác nhất bằng máy xét nghiệm sữa mẹ.

Hiện nay, Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được trang bị máy phân tích 10 thành phần cơ bản trong sữa mẹ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó, các bác sĩ có thêm cơ sở khoa học để xây dựng phác đồ bổ sung dinh dưỡng cho mẹ trong giai đoạn cho con bú giúp tăng chất lượng nguồn sữa cho bé một khởi đầu toàn diện, phòng ngừa tình trạng thiếu vi chất ở trẻ.

Dấu hiệu của bệnh còi xương ở trẻ?

Trẻ cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng khi có những dấu hiệu của bệnh còi xương sau đây:

  • Trẻ ra nhiều mồ hôi ngay cả khi trời mát, thường vào buổi đêm (còn gọi là mồ hôi trộm)
  • Trẻ kích thích, khó ngủ, quấy khóc, giật mình, có thể có nôn trớ.
  • Trẻ rụng tóc gáy hoặc rụng tóc vành khăn (còn gọi là dấu hiệu chiếu liếm)
  • Xương sọ mềm, dễ bị méo mó, đầu bẹt phía sau hoặc méo sang một bên
  • Thóp chậm liền, bờ thóp mềm, chồng khớp sọ
  • Đầu có bướu trán, bướu đỉnh
  • Lồng ngực hình ức gà, chuỗi hạt sườn
  • Vòng cổ chân, vòng cổ tay, xương chi cong, chân cong hình chữ X, chữ O
  • Răng mọc chậm, men răng kém, hay bị sâu răng
  • Trẻ chậm phát triển vận động: chậm lẫy, chậm bò, chậm ngồi, chậm đi…
  • Đối với trẻ lớn, có thể thường xuyên bị đau nhức mỏi xương dài vào chiều tối hoặc ban đêm.
  • Đối với dấu hiệu còi xương cấp và nặng có thể gặp: tiếng thở rít thanh quản, cơn khóc lặng, co giật do hạ canxi máu.

Nếu tình trạng còi xương ở trẻ không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biếng ăn, suy dinh dưỡng, thiếu máu.

Phân biệt còi xương và còi cọc

Nhiều người nghĩ rằng trẻ suy dinh dưỡng, gầy ốm mới bị còi xương, còn trẻ bụ bẫm thì không. Điều này không đúng vì còi xương và còi cọc hoàn toàn khác nhau:

  • Trẻ còi cọc: Trẻ bị suy dinh dưỡng, có số đo về cân nặng và chiều cao dưới mức bình thường, trẻ cũng có thể bị còi xương hoặc không.
  • Trẻ còi xương: Có thể gặp ở cả những đứa trẻ rất bụ bẫm, nhưng vẫn thiếu canxi, phospho và/hoặc thiếu vitamin D, do nhu cầu cao hơn trẻ bình thường.

Vì vậy, để xác định chính xác trẻ có bị còi xương dinh dưỡng hay không, bác sĩ cần dựa trên tiền sử bệnh lý, dấu hiệu lâm sàng, kết quả xét nghiệm máu: hàm lượng vitamin D và/hoặc canxi thấp, và có thể xác nhận hình ảnh còi xương trên X-Quang.

Tại Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome, quy trình xét nghiệm chẩn đoán được thực hiện với hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa – huyết học thế hệ mới cho kết quả nhanh và chính xác, giúp bác sĩ có cơ sở xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả bệnh còi xương cho trẻ.

Hậu quả của bệnh còi xương ở trẻ?

Trẻ bị bệnh còi xương nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời sẽ đối mặt với những biến chứng nguy hiểm, hay những di chứng ảnh hưởng xấu đến ngoại hình, khiến trẻ tự ti, mặc cảm khi trưởng thành. Bệnh còi xương ở trẻ có thể gây nên những di chứng như:

  • Lồng ngực biến dạng, vẹo cột sống, gù, chức năng hô hấp bị hạn chế
  • Chân tay cong, chân vòng kiềng (chữ O) hoặc chân chữ bát (chữ X), dị tật răng gây kém thẩm mỹ
  • Khung xương chậu hẹp, gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này
  • Chậm tăng trưởng chiều cao, nguy cơ suy dinh dưỡng thấp còi ảnh hưởng đến giống nòi
  • Loãng xương và nguy cơ gãy xương khi trưởng thành

Ngoài di chứng gây biến dạng xương, trẻ còi xương sẽ bị giảm miễn dịch, do đó dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn nhất là viêm phổi.

Làm thế nào phòng ngừa bệnh còi xương ở trẻ?

Các biện pháp phòng ngừa bệnh còi xương cần được thực hiện ở cả trẻ và mẹ, bao gồm chế độ ăn đa dạng hợp lý và tắm nắng/tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Cụ thể:

Với mẹ: Từ khi có thai, mẹ nên tiếp xúc hàng ngày dưới ánh nắng mặt trời, nhưng chú ý vào thời điểm ánh nắng không gay gắt. Trong quá trình mang thai, mẹ cần được cung cấp đủ nhu cầu vitamin D khoảng 800 – 1000 IU/ngày hoặc khi mẹ được chẩn đoán thiếu hụt vitamin D tùy theo mức độ thiếu sẽ được bác sĩ bổ sung liều hàng ngày với 1000 – 2000 IU vitamin D3/ngày hoặc bổ sung liều cao 20.000 IU vitamin D3/tuần. Tuy nhiên, việc sử dụng vitamin D liều cao cần được cân nhắc và theo dõi kiểm tra chặt chẽ. Trong chế độ ăn, mẹ cần ăn đa dạng các thực phẩm, chú ý các loại thực phẩm chứa nhiều canxi và vitamin D như sữa, phô mai, tôm, cua, cá,…; các thực phẩm được tăng cường/bổ sung vitamin D và canxi.

Với trẻ: Trẻ em cần được tắm nắng hàng ngày. Chỉ định tắm nắng bắt đầu cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Trẻ tắm trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, không qua cửa kính, thời điểm tắm nắng vào khoảng từ 9h sáng đến 4h chiều (16h) và phụ thuộc vào mùa. Trong thời tiết mùa hè, thời điểm tắm nắng thích hợp khoảng 8 – 9h sáng hoặc khoảng 4h chiều (16h), chọn ngày có ánh nắng không quá gắt. Trong thời tiết mùa đông, thời điểm tắm nắng phù hợp khoảng 9h sáng đến 3h chiều, chọn ngày trời ấm, không gió, cần giữ ấm cho trẻ. Khi tắm nắng cho trẻ lưu ý đeo kính chống nắng hoặc không để mắt trẻ nhìn thẳng ánh nắng mặt trời, đội mũ, mặc quần áo cotton thấm mồ hôi tốt và hở diện tích vùng da tăng dần (tay, chân, đùi, bụng, lưng) và lưu ý luân chuyển các vùng da được chiếu ánh nắng mặt trời. Thời gian tắm nắng cho trẻ khoảng từ 5 – 30 phút phụ thuộc theo mùa và thời tiết trong ngày, khi da ấm lên là đạt. Lưu ý, khi tắm nắng, cần đảm bảo an toàn cho trẻ, tránh trẻ bị bỏng, say nắng, sốt, làm trẻ khó chịu…. Trong những ngày mùa đông cần lưu ý giữ ấm cho trẻ. Bên cạnh đó, để đảm bảo trẻ đủ vitamin D, hàm lượng vitamin D cần cung cấp cho trẻ dưới 12 tháng là 400 IU/ngày và với trẻ trên 1 tuổi là 600 IU/ngày .

Khi bắt đầu ăn dặm, chế độ ăn của trẻ cần đủ các nhóm chất cơ bản (chất bột đường, chất đạm, chất béo) cùng các vi chất thiết yếu, thường xuyên cho trẻ ăn tôm, cua, cá, trứng, sữa, gan, phô mai và các loại rau xanh. Sau giai đoạn cai sữa, trẻ vẫn nên tiếp tục uống sữa công thức và khi chế biến món ăn dặm cho trẻ phải có đủ lượng dầu thực vật/mỡ theo tháng tuổi (5 – 10ml/bữa) vào các bữa ăn dặm để bảo đảm đủ chất béo làm dung môi hấp thu vitamin D cho cơ thể.

> Xem thêm: Thực đơn ăn dặm cho bé 9 tháng

Bệnh còi xương ở trẻ có thể phòng tránh được với chế độ dinh dưỡng khoa học ngay từ những năm đầu đời

Bệnh còi xương ở trẻ có thể phòng tránh được với chế độ dinh dưỡng khoa học ngay từ những năm đầu đời

Điều trị bệnh còi xương ở trẻ

  • Liệu pháp điều trị còi xương cho trẻ em bao gồm thuốc cùng chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý phù hợp với độ tuổi của trẻ.
  • Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc cho con bạn, tuỳ theo mức độ thiếu vitamin D, canxi và các vi chất dinh dưỡng khác.
  • Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin D cần theo chỉ định của bác sĩ với liều lượng và thời gian phù hợp để tránh tình trạng dư thừa gây ngộ độc vitamin D. Trong một số trường hợp uống quá liều và kéo dài sẽ làm tăng canxi máu và vôi hóa mạch máu gây sỏi thận.

Ngoài ra, vitamin D có thể được cung cấp từ thức ăn. Thực phẩm có chứa nhiều vitamin D là cá hồi tự nhiên 600 – 1000 IU/100g, cá hồi nuôi 100 – 250 IU/100g; lòng đỏ trứng 107 IU/100g. Hàm lượng vitamin D của sữa công thức có khoảng 35 – 40 IU/100ml, sữa mẹ chỉ có khoảng 4 IU/100ml và phụ thuộc vào tình trạng vitamin D trong cơ thể người mẹ.

Nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ bị còi xương

Nếu có chế độ dinh dưỡng và điều trị phù hợp, tình trạng còi xương của trẻ sẽ khỏi hoàn toàn. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em bị còi xương phải đảm bảo đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng theo nhu cầu khuyến nghị: chất bột đường (glucid), chất đạm (protein), chất béo (lipid), chất xơ, vitamin và khoáng chất, nhưng phải cân đối ưu tiên nguồn đạm động vật và nguồn thực phẩm giàu vitamin D, canxi.

Ưu tiên các thức ăn giàu canxi, giàu đạm: Chọn các thực phẩm giàu canxi, giàu chất đạm như: Sữa, trứng, lòng đỏ trứng, thủy sản, thịt gà, thịt cóc, cua, tôm, cá,…

Ăn nhiều rau xanh, quả chín: Ăn nhiều rau xanh quả chín cũng giúp trẻ phát triển xương tốt vì rau quả cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng, hơn nữa lại phòng ngừa táo bón.

Không quên bổ sung chất béo: Chế độ ăn của trẻ cần có lượng dầu mỡ đầy đủ với nhu cầu theo tuổi của trẻ.

Một số loại thực phẩm nên hạn chế cho trẻ ăn là các đồ chiên, rán nhiều dầu mỡ, các loại nước ngọt có ga hay các đồ ăn nhanh. Những loại thực phẩm cao năng lượng như mỡ, bơ, bánh kẹo, socola… chứa nhiều chất béo cũng là những thực phẩm nên kiêng với trẻ còi xương.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em bị còi xương cần ưu tiên nguồn đạm

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em bị còi xương cần ưu tiên nguồn đạm

Tại Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome, đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm với sự hỗ trợ của hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại cho phép xét nghiệm chuyên sâu cũng như dịch vụ xây dựng khẩu phần và thiết kế thực đơn cá thể hóa góp phần mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh còi xương ở trẻ.

2.7/5 - (3 bình chọn)

Từ khóa » Hình ảnh Bé Bị Còi Xương