Trẻ đã Tiêm Phòng Sởi, Liệu Có Mắc Bệnh? - Báo Sức Khỏe & Đời Sống

Nhiều bậc phụ huynh lo lắng liệu cho trẻ em tiêm phòng sởi rồi thì có bị bệnh này nữa không và chất lượng vắc xin tiêm chủng có tốt không?Ảnh minh họa: internet.

Ảnh minh họa: internet.

Trả lời thắc mắc của người dân, GS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết: Không có vắc xin nào có hiệu qủa bảo vệ 100%. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.

Cũng theo GS Hiển, trong thời gian qua dịch xảy với qui mô nhỏ, tản phát, rải rác ở một số tỉnh. Bệnh xảy ra ở những trẻ hoặc chưa được tiêm, hoặc đã được tiêm chỉ một mũi lúc 9 tháng tuổi, hoặc đã được tiêm mà vì một lý do nào đó trẻ không có đáp ứng miễn dịch tốt, hoặc trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi sinh ra từ những bà mẹ mà trước đó chưa được tiêm vắc xin sởi hay chưa từng mắc sởi. Khi mà có tích lũy đủ lớn số trẻ chưa có miễn dịch thì sẽ xảy ra dịch. Bệnh thường có tính chu kỳ từ 3-5 năm.

Dịch sởi xảy ra không phải là do chất lượng tiêm chủng mà do tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng chưa cao và chưa bao phủ tất cả các đối tượng trẻ em.

Bệnh xảy ra chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc vì ở khu vực này, đặc biệt vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin không cao như các khu vực đồng bằng và thành phố khác do có nhiều khó khăn về địa dư và văn hóa.

Bên cạnh đó trong thời gian qua do quá lo sợ về phản ứng sau tiêm nên nhiều cha mẹ ngại không đưa con đi tiêm chủng các vắc xin phòng bệnh, bao gồm cả vắc xin sởi. Tỷ lệ tiêm sởi mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi đạt thấp ở nhiều tỉnh. Hoặc bố mẹ trẻ chủ quan cho rằng bệnh sởi đã được loại trừ nên không cần tiêm vắc xin nữa.

Từ khóa » Tiêm Vắc Xin Sởi Có Bị Sởi Không