Trẻ Em được “cộng Thêm” 2 Tuổi Là Phù Hợp Với Thế Giới

Sáng nay (12/11), trình bày tờ trình về dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) tại Quốc hội, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền trẻ em vào năm 1990 mà không bảo lưu điều, khoản nào.

Năm 2004, Quốc hội thông qua Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Sau 10 năm thực hiện, Luật năm 2004 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng yêu cầu của các vấn đề mới phát sinh cần sự điều chỉnh.

Nâng tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi

Bà Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Luật 2004 quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi chưa tương thích với Công ước của LHQ về quyền trẻ em (Điều 1 Công ước của LHQ về quyền trẻ em quy định: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn”).

Dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) nêu rõ: "Trẻ em là người dưới mười tám tuổi"

Hiến pháp năm 2013 ghi nhận quyền con người, quyền công dân, trong khi Luật năm 2004 chỉ quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Do đó không có cơ sở pháp lý để bảo đảm các quyền trẻ em, đồng thời là quyền con người đối với trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam.

Do đó, để bảo đảm tương thích hơn với Công ước của LHQ về quyền trẻ em và triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, ban soạn thảo nhận thấy, người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ, chưa hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và tâm sinh lý, chưa đủ năng lực để thực hiện toàn diện quyền và nghĩa vụ của công dân; cần có sự hướng dẫn, quan tâm, chăm sóc của gia đình, Nhà nước và xã hội, cần được bảo vệ về mặt pháp lý và xã hội để các em được chăm sóc, phát triển đầy đủ, được bảo vệ khỏi các hành vi gây tổn hại cho trẻ em.

Bên cạnh đó, việc nâng tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi mà không giới hạn là công dân Việt Nam để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp của luật này với Công ước của LHQ về quyền trẻ em, các điều ước quốc tế và hệ thống pháp luật Việt Nam.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Việc nâng tuổi trẻ em là phù hợp giữa luật này với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế; không ảnh hưởng đến khái niệm “người lao động chưa thành niên” trong Bộ luật Lao động, quy định tuổi lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; không ảnh hưởng đến quy định của Bộ luật Hình sự về tuổi người chưa thành niên chịu trách nhiệm hình sự, quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính về tuổi bị xử lý vi phạm hành chính; không chồng chéo với quy định liên quan đến nhóm thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới 18 tuổi vì đã được quy định tại Điều 31 Luật thanh niên.

Bên cạnh đó, việc không giới hạn trẻ em là công dân Việt Nam phù hợp với quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013; vừa bảo đảm quyền của trẻ em là công dân Việt Nam và ghi nhận các quyền trẻ em đồng thời là quyền con người mà không phân biệt quốc tịch đối với trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam.

Nâng độ tuổi của trẻ em cũng sẽ mở rộng phạm vi áp dụng quyền trẻ em, bảo đảm tốt hơn cho nhóm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, khi điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam đã có những thay đổi tiến bộ so với thời điểm thông qua Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, tạo điều kiện cho người chưa thành niên ở độ tuổi này có cơ hội được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng khẳng định: Đa số ý kiến nhất trí về việc nâng độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi.

Việc điều chỉnh này là cần thiết, vừa bảo đảm tuân thủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, vừa thống nhất với các quy định của pháp luật Việt Nam về tuổi trưởng thành đầy đủ (tức là tuổi thành niên), đồng thời phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục phổ thông, là bậc học giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất và tinh thần để sẵn sàng tham gia vào đời sống xã hội. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, điểm mới của dự thảo lần này là việc đưa vào quy định trẻ em được chăm sóc thay thế. Theo đó, các trường hợp trẻ em được nhận chăm sóc thay thế gồm: Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em không có hoặc tạm thời không có sự chăm sóc của cả cha và mẹ; trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em; cha, mẹ không có năng lực bảo vệ trẻ em hoặc chính là thủ phạm xâm hại trẻ em; trẻ em bị ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang cần được ưu tiên bảo vệ.

Theo đó, có 4 hình thức theo thứ tự ưu tiên, đó là: Chăm sóc thay thế bởi người thân thích; chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình không phải là người thân; chăm sóc thay thế bằng hình thức nhận con nuôi theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.

Cuối cùng, nếu không còn sự lựa chọn nào khác, trẻ em sẽ được đưa vào chăm sóc thay thế bằng hình thức nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Từ khóa » độ Tuổi Trẻ Em ở Việt Nam