Trẻ Em Vùng Cao Chơi Kéo Co. Nguồn ảnh
Có thể bạn quan tâm
Kéo co - Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia độc đáo
Việc UNESCO ghi danh Nghi lễ và trò chơi kéo co vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể nhân loại của Việt Nam lên con số 10 và đồng thời đây cũng là di sản đa quốc gia đầu tiên ở Việt Nam.
Trẻ em vùng cao chơi kéo co. Nguồn ảnh: NLĐONghi lễ và trò chơi kéo co không chỉ là trò chơi dân gian truyền thống của Việt Nam, mà còn là di sản văn hóa truyền thống của một số nước khác như: Hàn Quốc, Campuchia, Phillippines… Vì vậy, năm 2013, Tổng cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc đã có lời mời Việt Nam và một số nước khác cùng tham dự xây dựng Hồ sơ di sản đa quốc gia “Nghi lễ và trò chơi kéo co”.
Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt việc thực hiện, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xây dựng hồ sơ đề cử “Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống” trình lên UNESCO công nhận danh hiệu Di sản phi vật thể của nhân loại. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam phối hợp các nước để làm một hồ sơ di sản theo hình thức đa quốc gia.
Kéo co được thực hành khắp các vùng cư dân trồng lúa, tập trung nhiều ở khu vực Đông và Đông Nam Á. Ở mỗi quốc gia, trò chơi này lại có nhiều cách tổ chức khác nhau, phản ánh những đặc điểm riêng về bối cảnh sinh hoạt, lịch sử, văn hóa khác nhau.
Cũng như rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác, kéo co ở Việt Nam được sinh ra và nuôi dưỡng bởi cộng đồng, là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tập quán của cộng đồng. Kéo co thể hiện mong ước của cư dân nông nghiệp, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống yên vui.
Kéo co là trò chơi lâu đời truyền thống có mặt ở hầu hết các vùng, miền ở Việt Nam. Kéo co rất phổ biến tại các lễ hội và xuất hiện trên nhiều tư liệu lịch sử, tư liệu cổ...Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam tập trung hầu hết ở vùng trung du, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ - đây là vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt, là cái nôi của nền văn minh lúa nước, với trung tâm là các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, di sản còn được thực hành thường xuyên bởi các tộc người ở miền núi phía Bắc Việt Nam như người Tày, người Thái và người Giáy tỉnh Lào Cai, vốn là những cư dân trồng lúa sớm trong lịch sử.
Trong các lễ hội cổ truyền, trò chơi kéo co thường có trong phần hội, thể hiện tinh thần tập thể, tính kỷ luật, sức mạnh đoàn kết của cả cộng đồng, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh dẻo dai, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ.
Nghi thức kéo co mỗi vùng một cách. Riêng Hà Nội, có trò kéo co ngồi diễn ra nhân dịp hội đền Trấn Vũ ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, tại thôn Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên.
Ông Lê Văn Cự, thủ từ đền Trấn Vũ, làng Ngọc Trì cho biết: từ xưa, kéo co ngồi đã là một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của dân làng mỗi khi Tết đến, xuân về. Kéo co không chỉ là trò vui xuân mà còn thể hiện sự thành tâm của người dân, cầu mong Thánh thần phù hộ cho gia đình, làng xóm.
Nghi lễ kéo co nhằm ôn lại một tích xưa. Đó là khi làng Ngọc Trì hạn hán, 12 cái giếng thì cạn hết 11, chỉ duy nhất một giếng còn nước. Sợ người xóm khác đến lấy, nên người xóm có giếng nước cố giữ. Đôi bên giằng qua kéo lại, sợ đổ mất nước nên mọi người ngồi xuống đất mà ôm lấy cả thùng nước. Sau này, nhớ lại tích ấy, các cụ nghĩ ra trò kéo co ngồi để trình diễn. Trong khi ở Vĩnh Phúc, người kéo co phải ngồi trên hố đào sẵn, dùng dây song để kéo. Ở Sóc Sơn lại dùng cây tre, thì trò kéo co ngồi ở Long Biên, người sau quàng tay ôm ngang lưng người trước, tạo thành hai dây người hai bên mà kéo.
... và được trao truyền cho tới ngày nayKéo co có cách thức tổ chức, đạo cụ và sân chơi đơn giản. Một cuộc thi kéo co có 2 đội, số lượng người đều nhau. 2 đội sẽ nắm vào một sợi dây thừng, ở điểm giữa của dây được đánh dấu bằng một dây lụa đỏ làm mốc. Khi hiệu lệnh vang lên, các thành viên của mỗi đội chơi nắm chặt hai tay vào dây, đội nào kéo điểm đánh dấu sang phía mình là đội đó thắng cuộc. Mỗi cuộc thi đấu gồm 3 hiệp, đội nào thắng liên tiếp 2 hiệp thì đội đó giành phần thắng, không cần thi đấu hiệp thứ 3. Mỗi hiệp thường không kéo dài quá 2 phút, nên đòi hỏi các thành viên của các đội chơi phải rất nỗ lực.
Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa cho thấy, ý nghĩa của trò diễn nghi lễ kéo co mang tính tâm linh, thể hiện mong muốn của cộng đồng là đội nào thắng sẽ mang lại điều may mắn cho làng xóm, tức là thông điệp của họ đã đến với đức Thánh và đức Thánh đã nhận được và ban cho họ những điều tốt lành.
Ở một vài địa phương, kéo co không đơn giản chỉ là trò chơi mà còn là trò diễn dân gian. Trò diễn phản ánh niềm tin, tín ngưỡng, nhân sinh quan và thế giới quan của cư dân trồng lúa nước về ước vọng cầu mùa.
Thành công của việc xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia và được UNESCO vinh danh của 4 nước lần này không chỉ góp phần tôn vinh nét văn hoá truyền thống của mỗi dân tộc mà qua đó góp phần tăng cường mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa các nước trong khu vực. Đồng thời là cơ hội cho các địa phương tại Việt Nam nói riêng quảng bá di sản kéo co truyền thống, nhân lên niềm đam mê, yêu thích trò chơi dân gian, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, xây dựng, vun đắp bản sắc văn hiến quê hương, đất nước.
* Kéo co là Di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình các thực hành xã hội, nghi lễ và lễ hội (theo cách phân loại của UNESCO), có ở nhiều nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Riêng ở Việt Nam, kéo co được các cộng đồng người Kinh, Thái, Tày, Nùng, Giáy… và nhiều địa phương như: Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nội, Bắc Ninh cùng nhiều tỉnh trên cả nước thực hành từ lâu đời, trao truyền cho tới ngày nay.
* Vào hồi 12h15p giờ địa phương (17h15p giờ Việt Nam) ngày 02/12/2015, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO, diễn ra tại thành phố Windhoek, nước Cộng hòa Namibia, Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
* Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Nghi lễ và trò chơi Kéo co đáp ứng những tiêu chí sau để đăng ký vào Danh sách đại diện: R.1: Nghi lễ và trò chơi Kéo co của của các cộng đồng liên quan trong hồ sơ đề cử là một tập quán xã hội có giá trị tạo ra sự bình đẳng; các biểu hiện thực hành đa dạng ở từng quốc gia thành viên; một số tri thức và kỹ năng được trao truyền qua truyền khẩu hoặc thông qua quan sát và tham gia trực tiếp, một số lại được truyền dạy tại các trung tâm đào tạo, trường học và các viện bảo tàng; R.2: Thông qua các biểu hiện thực hành đa dạng cũng như sự thích ứng với điều kiện sinh thái ở mỗi cộng đồng, việc đề cử di sản có thể làm sáng tỏ vai trò quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể trong phát triển bền vững, cũng như giá trị của hằng số tái tạo dựa trên sự sáng tạo của con người; bản thân hồ sơ đề cử có giá trị như một dự án hợp tác giữa bốn quốc gia thành viên, cung cấp bằng chứng về giá trị của di sản này đối với việc khuyến khích đối thoại liên văn hóa; R.3: Các biện pháp bảo vệ được xây dựng rõ ràng thông qua việc thiết lập kế hoạch, bao gồm các hoạt động cụ thể đáp ứng tình hình của từng quốc gia thành viên và của từng cộng đồng liên quan; bên cạnh đó là các biện pháp ứng phó với tình trạng không mong muốn như thương mại hóa di sản; R.4: Hồ sơ đề cử được chuẩn bị với sự tham gia đầy đủ của các cộng đồng chủ thể, các nhóm, cá nhân, các chuyên gia và các cơ quan liên quan; đa dạng theo tình hình cụ thể của mỗi nước đệ trình; với các minh chứng thể hiện sự đồng thuận và tự nguyện đối với việc đề cử; R.5: Nghi lễ và trò chơi Kéo co đã được kiểm kê tại các quốc gia thành viên: Hàn Quốc (1969), Campuchia (2013), Philippines (2013) và Việt Nam (2013).
Nguồn: Theo cinet.vn
Từ khóa » Kéo Co ở Việt Nam
-
Kéo Co – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nghi Lễ Và Trò Chơi Kéo Co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc ...
-
Giới Thiệu Giá Trị Của Nghi Lễ Và Trò Chơi Kéo Co
-
UNESCO Trao Bằng Công Nhận 'Nghi Lễ Và Trò Chơi Kéo Co' Là Di Sản ...
-
Nghi Lễ Và Trò Chơi Kéo Co Truyền Thống - Du Lịch
-
Kết Nối Di Sản Nghi Lễ Và Trò Chơi Kéo Co Tại Việt Nam - Báo Lao động
-
Nghi Lễ Và Trò Chơi Kéo Co Của Việt Nam – Di Sản Văn Hoá Phi Vật Thể ...
-
Kéo Co Gắn Kết Cộng đồng - Thời Báo Ngân Hàng
-
UNESCO Trao Bằng Công Nhận “Nghi Lễ Và Trò Chơi Kéo Co” Là Di Sản ...
-
Nghi Lễ Kéo Co: Khi Các Cộng đồng Cùng Kéo Sợi Dây đoàn Kết Gắn Bó
-
Tiến Tới Thành Lập CLB Mạng Lưới Các Cộng đồng Di Sản Kéo Co Việt ...
-
Kéo Co Chính Thức Trở Thành Di Sản Văn Hóa Của Nhân Loại | VOV.VN
-
Nghi Lễ Và Trò Chơi Kéo Co Của Việt Nam được Công Nhận Là Di Sản ...