Tre Gai, Công Dụng Làm Thuốc Của Lá, Tinh Tre Và Nước Tre Non

Trong các loại măng tre thì măng tre gai là loại đắng nhất nhì (nhưng cũng ngon nhất nhì) miền Tây Nam Bộ. Mẹ tôi hay bảo: “Cái giống nó đắng nhưng ngon”. Đúng vậy, măng tre gai rất đắng nhưng lại rất giòn, ăn một lát lại có vị ngọt. Vì vậy, nếu ai biết ăn thì sẽ ghiền loại măng này.

Trước đây, nhà tôi cũng có trồng một bụi tre gai. Cứ mỗi khi thèm ăn măng, tôi lại rủ đứa em gái đi vòng vòng bụi tre “nghía” xem cái măng nào vừa ăn thì tỉa nhánh, vẹt đường, chặt bớt gai để chui vào lấy măng. Lần nào cũng vậy, cứ hễ tôi vẹt được vài nhánh gai, nhìn vào trong gốc tre um tùm thì trong đầu lại nhớ đến câu chuyện ma mà mẹ tôi hay kể. Chuyện kể rằng có mấy đứa trẻ mê chơi, đi đến chiều không thấy về, khi gia đình chia ra đi tìm thì mới biết chúng bị ma giấu trong bụi tre gai. Đến khi nghe tiếng người nhà gọi, mấy đứa trẻ mới tỉnh dậy thì thấy bị mắc kẹt trong bụi tre, la khóc um sùm,…

Những lúc ấy, mặc dù trong lòng đã thấy sờ sợ nhưng tôi vẫn chui vào bụi lấy măng. Đó là khi trông thấy cái măng non đã hiện ra rõ trước mặt, mập mạp, chắc chắn. Bạn biết đấy, trên măng tre có rất nhiều lông măng, nếu sơ sẩy để nó ghim vào tay thì cũng đáng sợ như sâu róm vậy. Lúc ấy, ta lại phải lấy đuôi tóc chà, lùa theo chiều lông măng cho nó tuột ra ngoài, nếu không thì lại phải ngồi gỡ từng cái gai ra, vừa đau lại vừa châm chích… Cảm giác này ai đã trải qua mới có thể hiểu được.

Vài nét về tre gai

Tre gai có tên khoa học là Bambusa bambos, thuộc họ Lúa (1). Tre gai từng là loài cây quen thuộc, gần gũi một thời nhưng công dụng làm thuốc của nó thì lại ít người biết đến. Trong khi đó, nhiều bộ phận của tre gai như: tinh tre, lá tre, nước tre non,… đều có tác dụng điều trị bệnh.

Tre gai - biểu tượng một thời của làng quê
Tre gai – biểu tượng một thời của làng quê

Ngày nay, tre gai không còn phổ biến như trước nữa. Đó là vì gai của nó rất nhiều, tua tủa xung quanh cành nhánh, sơ sẩy là sẽ xước da chảy máu ngay (và lỡ đi đường đạp lên nhánh gai của nó thì đau đớn vô cùng). Nhà tôi trước đây có trồng một bụi rất to dưới bến sông nhưng cũng phải chặt bỏ vì nhà có nhiều trẻ con.

Lá tre gai có công dụng gì?

Theo y học cổ truyền, lá tre có vị đắng, tính mát nên giúp giải nhiệt, thanh tâm và tiêu đờm. Khi dùng làm thuốc, ông bà ta hay dùng lá tươi. Các công dụng của lá tre có thể kể đến là:

  • Thúc ra mồ hôi.
  • Sát trùng.
  • Điều trị viêm thận, phù thũng.
  • Giúp hạ sốt.

Liều lượng: Mỗi ngày dùng khoảng 20 – 30 g lá tre tươi, nấu lấy nước uống trong ngày (2).

Tinh tre (trúc nhự) có công dụng gì?

Để có được tinh tre, ta cạo bỏ lớp vỏ xanh của thân tre rồi cạo tiếp tới lớp thân thành các phoi mỏng (chỉ lấy phần phơn phớt xanh), sau đó phơi khô và để dùng dần.

Vỏ cây tre
Trúc nhự

Theo y học cổ truyền thì tinh tre có vị ngọt, tính hơi hàn (lạnh) nên có tác dụng thanh nhiệt, làm mát máu, giảm phiền não, buồn bực trong lòng, đồng thời cũng giúp giảm buồn nôn và an thai.

Không chỉ thế, tinh tre còn được dùng để hạ sốt, điều trị chứng tiểu ra máu và cầm máu trong các trường hợp băng huyết, động thai, chảy máu cam…

Cách dùng: Mỗi ngày lấy từ 10 – 15 g tinh tre, đem tẩm nước gừng rồi nấu lấy nước uống trong ngày (2).

Nước tre non là gì, có công dụng gì?

Nước tre non chính là phần nước có được khi ta lấy tre non còn tươi, đem về nướng lên rồi vắt lấy nước. Nước này có vị đắng nhưng hơi ngọt và có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giúp giảm khô khát và giảm đờm.

Thông thường, dân gian hay dùng nước tre non để hạ sốt (trong trường hợp sốt mê man) và điều trị cấm khẩu do trúng gió.

Cách dùng: Lấy 40 – 60 g nước tre non, đem hâm cho ấm lên rồi uống (thường uống với nước gừng) (2).

Ngày nay, với sự có mặt của thuốc tân dược, các bài thuốc cổ truyền từ cây nhà lá vườn ít được sử dụng hơn. Tuy nhiên, các bài thuốc này vẫn vẹn nguyên ý nghĩa của nó đối với đời sống con người.

Tham khảo: Cây tre – Thần dược điều trị động kinh mọc đầy đường, tiếc rằng nhiều người không biết

Nguồn tham khảo

  1. Tre nghệ, https://vi.wikipedia.org/wiki/Tre_ngh%E1%BB%87, ngày truy cập: 17/10/ 2020.
  2. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, NXB Y học, HN, 2018, trang 1075.

Từ khóa » Cây Tre Có Gai Không