Trẻ Mắc Hội Chứng Down: Xin Hãy Yêu Thương Nhiều Hơn

Theo thống kê, cứ 800-1000 trẻ chào đời lại có 1 trẻ bị Down, đây cũng là bệnh thường gặp nhất trong số các bệnh rối loạn nhiễm sắc thể.

Tỷ lệ trẻ bị Down không hề nhỏ

Hội chứng Down là một dạng rối loạn phát triển do thừa một nhiễm sắc thể 21. Thông thường, một bào thai khỏe mạnh sẽ có 23 nhiễm sắc thể (NST) di truyền từ người mẹ và 23 NST di truyền từ người cha. Bào thai bị hội chứng Down lại có tới 47 thay vì 46 NTS, nghĩa là bị thừa một NST số 21. Do bào thai thừa vật chất di truyền, nên bị rối loạn quá trình phát triển về trí tuệ và thể chất ở trẻ sau sinh.

Người ta cũng thấy những thai phụ lớn tuổi, đặc biệt là từ 35 tuổi trở lên, có nguy cơ sinh con bị Down rất cao. Trên 80% trường hợp thai nhi bị bệnh Down chết từ giai đoạn phôi thai.

Cuộc sống của trẻ bị bệnh Down rất khó khăn

Trẻ nhỏ bị bệnh Down cũng có những nhu cầu sinh lý và tâm lý như bao đứa trẻ bình thường khác. Tuy nhiên, các em cần được chăm sóc đặc biệt hơn rất nhiều.

Trẻ bị Down gặp nhiều khó khăn trong hòa nhập cuộc sống cộng đồng (Ảnh minh họa: Internet)

Khi mắc hội chứng Down, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chỉ số IQ thấp hơn rất nhiều so với trẻ bình thường. Một thanh niên 20 tuổi mắc bệnh Down chỉ có thể phát triển về kỹ năng xã hội tương đương với một em bé lên 7 tuổi. Vì vậy, những đứa trẻ này có thể phát triển về hình thể nhưng tâm hồn, cách ứng xử gần giống một đứa trẻ. Đó là sự trở ngại trong quá trình phát triển của các em, đặc biệt là khi đến tuổi lao động, lập gia đình.

Trong một số trường hợp, nếu trẻ mắc bệnh Down được chăm sóc và dạy dỗ tốt, khi lớn lên các em vẫn có thể tự nuôi sống bản thân bằng việc làm những công việc đơn giản.

Cha mẹ chối bỏ con bị bệnh Down…

Sinh con ra, mỗi người cha, người mẹ đều ấp ủ những kỳ vọng vào con vì vậy không dễ dàng chấp nhận sự thật khi biết con bị Down. Đây là một cú sốc tinh thần nặng nề, đặc biệt là với các bà mẹ, họ thường mang trong mình cảm xúc tiêu cực như oán giận số phận, sợ hãi cuộc sống, xấu hổ, thậm chí là ghét bỏ và từ chối chính đứa con bé bỏng của mình.

Trẻ bị Down cần nhiều sự quan tâm, chăm sóc và yêu thương từ cha mẹ (Ảnh minh họa: Internet)

Một bé gái sinh tháng 5/2015 đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang phát hiện mắc bệnh Down từ khi mới lọt lòng. Một tháng sau khi chào đời, bé được đưa trở lại bệnh viện do bị viêm đường hô hấp. Nhưng gia đình bé đã bỏ bé ở lại viện mà không đến đón với lý do hoàn cảnh quá khó khăn.

Hay trường hợp một bà mẹ trẻ người Thái Lan tên là Pattharamon Chanbua, 21 tuổi mang thai hộ cho một cặp vợ chồng người Úc. Cô Chanbua mang thai sinh đôi một trai, một gái nhưng khi phát hiện bé trai bị mắc bệnh Down, cặp vợ chồng người Úc chỉ đón bé gái khỏe mạnh và chối bỏ đứa con bệnh tật cho người mẹ mang thai hộ nghèo khó. Ngoài hội chứng Down, bé trai có tên Gammy còn bị bệnh tim bẩm sinh và viêm phổi.

Vì thế, các bé cần nhiều hơn tình yêu từ những người cha, người mẹ.

…Nhưng có những người cha, người mẹ luôn dành cho con tình yêu thương bao la

Bức ảnh người cha ôm hôn cậu con trai bé bỏng bị bệnh Down khiến nhiều người xúc động. Hai cha con hạnh phúc với một que kem và một nụ hôn đầy ắp yêu thương giữa phố phường tấp nập là minh chứng rõ ràng nhất cho tình yêu của người cha dành cho con dù con mình khỏe mạnh hay ốm đau thế nào.

Một câu chuyện nữa khiến nhiều người phải xúc động về tình yêu vô bờ của cha mẹ dành cho cậu con trai không may mắc bệnh Down. Vợ chồng ông Mạc Văn Mỹ, sống tại TP HCM, đã gần 30 năm trời nuôi dạy con trai Mạc Đăng Mừng, từ một cậu bé bệnh Down trở thành một sinh viên đa tài.

Cha con ông Mạc Văn Vỹ khiến nhiều người nể phục khi cậu con trai bị bệnh Down có thể hòa nhập cộng đồng rất tốt (Ảnh: Afamily)

Dù bị nhiều người phản đối, nhưng vợ chồng ông vẫn cố gắng, nỗ lực cho con đi học đàn, hoàn thành chương trình học lớp 9 cho người khuyết tật, học tin học. Hiện tại, Mừng đang theo học lớp Kỹ thuật đồ họa tại trường Đại học Văn Lang, dù mưa hay nắng vẫn đến lớp đều đặn mỗi ngày.

Chàng trai bệnh Down không chỉ biết chăm lo cho bản thân mà còn quan tâm tới mọi người xung quanh. Cậu còn học võ Aikido, bơi lội, thích bóng đá, bóng rổ và có khả năng đọc hiểu một số câu tiếng Anh cơ bản. Để đạt được như vậy chắc chắn phải kể đến tình yêu thương và sự kiên trì, nhẫn nại của cha mẹ em.

Những lưu ý khi nuôi dạy trẻ bị Down

- Việc chăm sóc trẻ bị bệnh Down có thể khiến gia đình, người thân của trẻ chán nản, bi quan. Bạn có thể trò chuyện, tham gia các hội nhóm, diễn đàn cùng với các gia đình có cùng hoàn cảnh để dễ dàng vượt qua những nỗi đau tinh thần.

- Cha mẹ cũng nên dành thời gian để tìm hiểu các thông tin liên quan đến bệnh. Nắm rõ các kiến thức chăm sóc trẻ sẽ giúp gia đình bớt đi lo lắng, bi quan và chán nản.

- Khi con mới sinh và phát hiện bệnh, cha mẹ nên cho trẻ đi khám sớm để có biện pháp điều trị tốt nhất. Việc trị liệu tâm lý và thể chất một cách bài bản ngay từ khi trẻ còn nhỏ sẽ giúp trẻ khỏe mạnh, tiếp thu nhanh hơn.

- Nên cho con học tại trường học chuyên biệt với thầy cô giáo có chuyên môn và phương pháp giáo dục đặc biệt. Môi trường học tập, giao lưu cùng bạn bè cũng giúp trẻ hòa nhập và học hỏi thêm nhiều kỹ năng bổ ích.

- Bản thân cha mẹ cần chấp nhận thực tế về bệnh tật của con, lạc quan và quan trọng hơn cả nếu bạn yêu thương và quan tâm chăm sóc con, trẻ có thể tiến bộ và tự mình làm chủ được cuộc sống của bản thân sau này.

Thanh Lê - Theo songkhoe.vn

Từ khóa » Các Em Bé Bị Bệnh Down