Trekking Tà Chì Nhù - Hành Trình Thử Thách Tuổi Trẻ ở độ Cao 2.979 M

VI | VNDBlack FridayHỗ trợHợp tác với chúng tôiĐặt chỗ của tôiĐăng NhậpĐăng kýĐăng kýKhách sạnVé máy bayVé xe kháchĐưa đón sân bayCho thuê xeHoạt động & Vui chơiMoretraveloka Explore0

Traveloka VN

14 Nov 2017 - 12 min read

Trekking Tà Chì Nhù - Hành trình thử thách tuổi trẻ ở độ cao 2.979 m

“Đâu đây Hà?” “Tà Chì Nhù, hai năm trước” “Tớ có thể đi được không?” “Được!”

Năm mới, vác trên mình chiếc balo theo đúng yêu cầu của anh trưởng đoàn khó tính, nữ - 7 kg, tôi mở đầu bằng một chuyến trekking khó nhằn đầu tiên trong đời để leo lên đỉnh Tà Chì Nhù đầy nắng và gió, kết thúc những ngày dài đấu tranh sợ bản thân không thể đi nổi, sợ sẽ làm ngáng chân những người bạn đồng hành mà mình yêu quý vì cái đầu gối vẫn còn hơi đau sau lần không cẩn thận ngã ở Mộc Châu hồi cuối năm.

Tà Chì Nhù, còn gọi là Phu Song Sung theo cách gọi của người dân tộc Thái hay Chung Chua Nhà theo cách gọi của người dân tộc Mông, là đỉnh núi nằm trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam, đứng ở vị trí thứ 7 với độ cao 2.979 m trong địa bàn huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái nhưng xét về độ khó thì Tà Chì Nhù được xếp vào hàng top bởi đường đi đa số là dốc cao, ít bóng cây, đá sỏi nhiều.

Kinh nghiệm leo Tà Chì Nhù - Hành trình thử thách tuổi trẻ ở độ cao 2.979 m - Traveloka Golocal

Tuổi trẻ ngại gì mà không thử thách bản thân.

Cả đoàn xuất phát đi theo hướng Sơn Tây vào chiều muộn, chạy thẳng một mạch đến Trạm Tấu với quãng đường hơn 230 km để nghỉ qua đêm, giữ sức cho hai ngày leo núi. Không biết các đoàn khác có phong cách đi leo núihay đi chơi như nào, nhưng riêng đoàn mình, thì đồ ăn được anh trưởng đoàn đặt lên hàng đầu.Thay vì đem lương khô và vài chai nước cho balo bớt nặng, chúng tôi vác lên đỉnh Tà Chì Nhù một nồi lẩu kim chi với đầy đủ thịt, trứng, và rau, một con gà nướng, thậm chí còn đem theo cả sữa nóng, bánh mì và cà phê, để phục vụ cho bữa sáng thịnh soạn của cả đoàn. Vì thế, đồ đoàn chia nhau để vác lên núi cũng khá nặng, nam 10 kg, nữ 5 kg là tối thiểu, và không porter (người vác đồ) đi cùng.

Kinh nghiệm leo Tà Chì Nhù - Hành trình thử thách tuổi trẻ ở độ cao 2.979 m - Traveloka Golocal

Xung quanh là mây mù trắng xóa.

“Đông Xuân ta lên núi - Hạ Thu ta xuống biển”

Theo kinh nghiệm leo Tà Chì Nhù của các tiền bối trong đoàn thì thời điểm thích hợp nhất để leo núi là từ tháng 10 cho đến hết tháng 3 năm sau. Vì khoảng thời gian này, tiết trời mát mẻ, ít mưa, leo núi không đổ quá nhiều mồ hôi cũng như khả năng săn được mây là cực kì cao.Sáng sớm tinh mơ, dậy chuẩn bị đầy đủ vật dụng cần thiết, ngó ra ngoài trời, hình như lần này đi, thời tiết không hề ủng hộ, bầu trời âm u, tối đặc, chỉ sợ sẽ có mưa thì việc leo núi sẽ gặp cực kì nhiều khó khăn do cấu tạo đất ở khu vực này, mưa lớn sẽ rất trơn trượt cùng với việc đồ đoàn bị ướt gây cản trở. Anh trưởng đoàn dắt cả đám ra một quán phở quen, để ăn lấy sức.

Kinh nghiệm leo Tà Chì Nhù - Hành trình thử thách tuổi trẻ ở độ cao 2.979 m - Traveloka Golocal

Cả đoàn ngồi nghỉ, uống nước đường Glucozo lấy lại sức sau khi vật lộn với con dốc cao ngất đầu tiên

Lần đầu tiên tôi được ăn một món ăn có tên là “Phở lợn”. Nghe thì có vẻ khá buồn cười, nhưng đây là bát phở ngon nhất mà tôi từng được ăn, cũng vì lí do này mà lâu lâu đi chơi, tôi luôn yêu cầu chủ quán ở những nơi tôi đến làm cho mình một bát phở đầy thịt lợn ú ụ. Phở ban sáng còn ấm nóng, lợn mới xẻ, thịt ngọt và mềm, lẫn trong bát là vài cọng hành tây xen lẫn màu xanh của hành lá, lại càng làm dậy mùi thơm phức.

Kinh nghiệm leo Tà Chì Nhù - Hành trình thử thách tuổi trẻ ở độ cao 2.979 m - Traveloka Golocal

Cả nhóm đã khởi động xong xuôi, chuẩn bị hành trình đèo dốc đến với Tà Chì Nhù

Sau khi cả đoàn ăn sáng xong, bắt đầu hành trình với hơn 10 km đường xấu để đến Mỏ Chì, nơi bắt đầu chặng đường chạm tay đến đỉnh 2.979 m. Đường đi nhiều đất đá ngổn ngang, đi qua đá va vào máy xe tạo thành một âm thanh lộc cộc đến phát sợ, chẳng biết lúc nào thì cả người và đồ rơi xuống đường nữa, hay xe có thể hỏng ngay giữa đường, tay chỉ biết bám víu vào người trước, chân co lên vì sợ đá dăm bắn vào chân. Phải mất gần một tiếng mới đến được khu mỏ, cả đoàn gửi xe rồi bắt đầu leo những bước đầu tiên của hành trình.

Kinh nghiệm leo Tà Chì Nhù - Hành trình thử thách tuổi trẻ ở độ cao 2.979 m - Traveloka Golocal

Đường đi ban đầu dốc thẳng đứng, lúc này sương vẫn còn tờ mờ vì sáng sớm

Tà Chì Nhù chào đón tôi bằng vài con dốc cao ngất ngay khi mới từ chân núi đi lên, khi leo phải tự bám cây, anh bạn trai đi sau đẩy lên tôi mới có thể vượt qua được. Lối mòn đất đỏ và dốc đá bắt đầu ẩn hiện ra sau mỗi đoạn đường, đi qua như trêu ngươi. Hai bên là núi non trùng điệp ẩn hiện sau màn mây, nắng bắt đầu len lỏi chiếu xuống mặt đất vì cũng đã hơn chín giờ sáng.

Kinh nghiệm leo Tà Chì Nhù - Hành trình thử thách tuổi trẻ ở độ cao 2.979 m - Traveloka Golocal

Khung cảnh khi cả đoàn nghỉ trưa, lấy sức.

Leo được nửa đường, người đã thấm mệt, vài người có dấu hiệu say nắng dù mặt trời không quá chói chang nên cả đoàn quyết định ngồi nghỉ ở đoạn cách điểm mốc 3 km để ăn trưa. Từ đây nhìn ra xung quanh sẽ thấy bạt ngàn là mây và núi, nhìn xuống phía dưới mấy con đường vừa đi qua bị che lấp hết bởi núi rừng, nhìn lên trên thì đường cao hun hút, cảm giác như bản thân đang bị chênh vênh giữa trời và đất.

Kinh nghiệm leo Tà Chì Nhù - Hành trình thử thách tuổi trẻ ở độ cao 2.979 m - Traveloka Golocal

Xa xa là những khoảng núi trùng điệp ẩn hiện sau màn mây.

Sau khi nghỉ trưa và ăn uống mất hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi tiếp tục lê đôi chân nặng trĩu và đau nhức đi tiếp, cả đám động viên nhau cố gắng, dù gì cũng đã đi qua được nửa đường. Đoạn đường tiếp theo bắt đầu thoai thoải như sống lưng, hai bên ngập dương xỉ, đi sẽ không bị mất sức như đoạn đầu. Nhưng lúc này, trời bắt đầu mưa, đường trơn hơn, đi qua khá vất vả và mất thời gian.Chập choạng tối cũng là lúc đến đoạn 2.400 m, là điểm cắm trại trước khi đến đỉnh Tà Chì Nhù. Địa điểm đẹp nhất ở đây là ở đoạn đầu bãi, đất phẳng, từ đây có thể ngắm trọn vẻ hùng vĩ của núi non, nhưng rất tiếc là đã có đoàn cắm trại ở đó, nên chúng tôi lui về sau, chọn một chỗ khuất gió cho mình. Mặc dù đã thấm mệt, nhưng mỗi người một tay chuẩn bị đồ đạc cho kịp giờ trước khi trời tối hẳn, người dựng lều, người chặt củi, người chuẩn bị đồ ăn, lăng xăng ý ới, vì thế chỉ nhoắng cái đã có một nồi lẩu kim chi thơm lừng để lai rai trong sương lạnh.

Kinh nghiệm leo Tà Chì Nhù - Hành trình thử thách tuổi trẻ ở độ cao 2.979 m - Traveloka Golocal

Trời lúc này, mây đen đang ùn ùn kéo đến.

Cả đoàn vui vẻ vừa ăn vừa trò chuyện, chuyền tay nhau li rượu táo mèo ngâm từ năm ngoái đã vất vả vác lên trên này cho ấm bụng. Người thao thao kể về những chuyến đi rừng, chia sẻ kinh nghiệm leo Tà Chì Nhù những lần trước, kẻ lại lúc lắc cái đầu, góp vui bằng mấy câu chuyện bắt gặp dọc đường ở mấy bản vùng cao, mấy đứa con gái cứ tròn xoe mắt ngồi nghe và hưởng ứng, lâu lâu òa lên một cách đầy ngưỡng mộ.Đêm kinh khủng nhất đối với tôi, có lẽ là đêm ngủ tại đỉnh 2400 m. Vì càng về đêm, mưa càng nặng hạt hơn, chỗ cắm trại lại trũng hơn so với mặt bằng khu này, nên toàn bộ nước mưa đổ về hết. Cả đêm buốt lạnh vì mưa, nước bắt đầu tràn vào lều, tôi cứ vừa ngủ vừa sợ rằng nước mưa sẽ làm ướt máy ảnh và một số đồ cá nhân, thế là là cứ thao thức, bì bõm trong mưa suốt đêm.

Kinh nghiệm leo Tà Chì Nhù - Hành trình thử thách tuổi trẻ ở độ cao 2.979 m - Traveloka Golocal

Nhóm đang ngồi nướng đồ ăn.

Gần sáng, tỉnh tỉnh, bước ra khỏi lều, trời vẫn còn mưa nhỏ. Ngoài kia mấy ông anh chắc không ngủ được đã ra ngồi trò chuyện cùng hai anh porter của đoàn bên cạnh. Tôi nhanh nhanh mặc áo mưa rồi chạy ra đống củi vẫn còn cháy âm ỉ giữa khu đất ngồi sưởi ấm, pha sữa và nướng bánh mì để ăn sáng. Cả đám cười giòn tan, mệt nhọc đêm qua dường như tiêu tan hết.Nhìn lên phía trên, từ đây để chạm tay vào cột mốc 2.979 m phải đi mất hai tiếng nữa. Nhưng do cả đêm không ngủ, vật lộn với thời tiết, thêm trời cũng không hề có dấu hiệu ngớt mưa, nên tôi và vài người quyết định sẽ không leo lên. Giành sức còn đi xuống núi. Kể ra cũng hơi tiếc, nhưng tự nhủ, sẽ có lần quay lại đây, nên cũng không thành vấn đề.

Kinh nghiệm leo Tà Chì Nhù - Hành trình thử thách tuổi trẻ ở độ cao 2.979 m - Traveloka Golocal

Uống cafe và ăn mì nướng trong mưa vào sáng sớm.

Đi lên đã tốn thời gian, đi xuống tưởng sẽ dễ dàng hơn, nhưng lại không hề như mình nghĩ. Mưa rả rích cả đêm thấm xuống làm đất trở nên mềm nhũn, trời bây giờ tuy không mưa, nhưng sương dày đặc, thấm ướt cả áo, vì thế đường đi trơn tuột, dốc xuống chỉ toàn đất là đất, thêm vài đoàn đã xuống trước, nên nhiều đoạn đường bị cày nát bởi vết giày của người đi trước.Tôi ngã đến mấy lần vì đường trơn, nhiều đoạn nản quá, tôi còn ngồi hẳn xuống đất để trượt đi cho đỡ dùng sức ở chân. Chỉ nghe văng vẳng có mấy anh đoàn khác trêu “Ơ, con bé con áo vàng này có kiểu xuống núi hay thật!”, rồi cười ha hả khoái chí.

Kinh nghiệm leo Tà Chì Nhù - Hành trình thử thách tuổi trẻ ở độ cao 2.979 m - Traveloka Golocal

Xung quanh mù dày đặc, ba chị em chúng tôi đã dừng ở khu này gần 30 phút để để mong cóbiển mây, nhưng không có nên đành ra về cho kịp với mọi người.

Chật vật 5 tiếng đồng hồ cũng lết được cả người cả đồ xuống chân núi, thấy các anh chị đã yên vị ngồi ăn mì, hong khô quần áo cả tiếng trước rồi. Chân run, tay mỏi vì bám cây, cảm giác được ngồi dưới, húp sì sụp tô mì nấu lẫn vài lá cải, mà cảm thấy trên đời không còn điều gì hạnh phúc hơn thế.Để lấy lại sức, tối đó cả đám quyết định nghỉ lại Trạm Tấu một lần nữa, tắm khoáng nóng thư giãn và ăn lẩu vịt, chờ sáng hôm sau chạy xe về Hà Nội. Tuy không lên được đến đỉnh, không thực hiện được việc “Đón Tết Tây ở trên đỉnh Tà Chì Nhù” như kế hoạch ban đầu vạch ra, nhưng cảm thấy bản thân làm được như thế đã là quá tốt - chí ít là với một đứa lười nhác và suốt ngày làm bạn với ghế xoay, máy tính như mình. Lần trekking đầu tiên coi như là đã loading được đến 80%. Ta da!

Kinh nghiệm leo Tà Chì Nhù - Hành trình thử thách tuổi trẻ ở độ cao 2.979 m - Traveloka Golocal

Hẹn gặp lại Tà Chì Nhù vào một ngày mùa đông không xa!

Một vài kinh nghiệm leo Tà Chì Nhù nho nhỏ khác

Các bạn cần chuẩn bị những vật dụng để đi leo núi như: giày leo núi, quần áo dễ khô và thấm mồ hôi, bộ quần áo mưa (cho trời mưa), mũ (khi trời nắng bởi đường đi Tà Chì Nhù không hề có bóng cây trong suốt quãng đường), gậy leo núi, đèn pin (nếu đi đêm), lương thực nhẹ (như socola, kẹo ngọt, đường glucozo,..) và nước uống,...Phải vượt đoạn đường xấu dài hơn 10 km để đến mỏ Chì, khá khó đi nên lưu ý giữ an toàn cho đoạn đường này.Ở Trạm Tấu có chỗ tắm khoáng nóng, là nơi cực kì lý tưởng để thư giãn sau chuyến leo núi.

Chúc các bạn có một chuyến trekking vui vẻ!

Tác giả: Nguyễn Quỳnh Trang* Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal.

Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại:https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal

Khách sạnVé máy bayThings to DoLuôn biết thông tin mới nhấtĐăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.Đăng kýĐăng kýHợp tác với Traveloka

Đối tác thanh toán

Về Traveloka

  • Cách đặt chỗ
  • Liên hệ chúng tôi
  • Trợ giúp
  • Tuyển dụng
  • Về chúng tôi

Theo dõi chúng tôi trên

  • Facebook
  • Instagram
  • TikTok
  • Youtube
  • Telegram

Sản phẩm

  • Khách sạn
  • Vé máy bay
  • Vé xe khách
  • Đưa đón sân bay
  • Cho thuê xe
  • Xperience
  • Du thuyền
  • Biệt thự
  • Căn hộ

Khác

  • Traveloka Affiliate
  • Traveloka Blog
  • Chính Sách Quyền Riêng
  • Điều khoản & Điều kiện
  • Quy chế hoạt động
  • Đăng ký nơi nghỉ của bạn
  • Đăng ký doanh nghiệp hoạt động du lịch của bạn
  • Khu vực báo chí
  • Vulnerability Disclosure Program

Tải ứng dụng Traveloka

Công ty TNHH Traveloka Việt Nam. Mã số DN: 0313581779. Tòa nhà An Phú, 117-119 Lý Chính Thắng, P. 7, Q. 3, TPHCMCopyright © 2024 Traveloka. All rights reserved

Từ khóa » đỉnh Tà Chì Nhù ở đâu