Trên Những Dòng Kênh đen - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

  • Khám phá hẻm Sài Gòn

 “Xóm nước đen”

Xóm Bến Đò, quận 8, TP Hồ Chí Minh chiều tháng 6, như bao buổi chiều mùa hè oi nồng, dội lên từ dưới kênh nước đen thứ mùi đặc trưng. Đặt chân đến đây, nếu là người chưa quen hẳn phải thốt lên, chịu không nổi, bởi bao trùm không khí xung quanh là mùi rác, thêm cái nắng gay gắt của Sài Gòn, càng khiến mùi hôi thối nồng nặc bủa vây xóm nhỏ giữa những ngôi nhà ẩm thấp, tả tơi, ôm dọc con kênh Tàu Hủ.

Dọc theo dòng kênh Tẻ, đoạn chảy qua quận 8 là hình ảnh hàng ngàn căn nhà lụp xụp chỉ được che chắn rất tạm bợ bằng những tấm tôn hoen gỉ, những tấm ván đã mục nát, tồi tàn, ngay trên dòng kênh nước đen. Cuộc sống trong các “xóm nước đen” này chủ yếu là người lao động nghèo, những người nhập cư ở các tỉnh lên mưu sinh bằng đủ nghề, từ buôn thúng bán bưng, làm thuê đến bốc vác, bán vé số, nhặt ve chai...

Trên những dòng kênh đen -0
Xóm Bến Đò ven con kênh đen ô nhiễm nhiều năm nay.

Chúng tôi ghé quán nước trước cửa nhà cô Nguyễn Thị Bảy, hỏi thăm hoàn cảnh sống, cô Bảy than thở: “Con kênh ô nhiễm trở thành hang ổ lý tưởng của chuột, bọ, gián. Nhất là đám chuột, chúng tràn vào nhà, ăn vụng thức ăn, cắn xé đồ đạc, có khi cắn tóe máu chân tay trẻ con lẫn người lớn lúc đang ngủ. Nhiều người chịu không nổi, chuyển đi nhưng số còn lại phải chấp nhận sống chung vì không còn sự lựa chọn nào khác”. Nghe chúng tôi nhắc đến chuyện quy hoạch, cô Bảy lắc đầu ngao ngán, bản thân là dân cố cựu, sinh ra và lớn lên ở cái xóm nhỏ này, ròng rã đã 63 năm, mái tóc đã lấm tấm bạc, vẫn canh cánh nỗi lòng. Hơn 63 năm qua là ngần ấy thời gian cô Bảy cũng như hàng trăm nhân khẩu khác của xóm quay quắt chờ ngày được thoát treo.

Mưu sinh bằng nghề bán cà phê vỉa hè nhiều năm nay, khách của cô Bảy chủ yếu là người dân quanh xóm bởi nhẽ khách vãng lai có ghé cũng chẳng ai muốn ngồi uống nước trong không gian bốc mùi nồng nặc thường xuyên thế này. Không riêng gì quán cô Bảy mà hầu hết hàng quán ở đây đều chung cảnh ngộ. Quán mở chủ yếu bán cho người trong xóm, hiếm khi có người lạ vào nên thu nhập chẳng được là bao.

Nhưng, chuyện buôn bán ế ẩm cũng không khiến những người như cô Bảy phiền lòng bằng việc căn nhà xuống cấp đã hàng chục năm qua mà ngậm ngùi không thể xây lại. Bao năm qua, hễ cứ trời mưa thì dột tứ phía, trời nắng nóng thì cả nhà lớn bé lại dắt díu nhau ra trước cửa nhà ngồi tránh nắng vì không chịu nổi cái oi bức hơn 40 độ trong căn nhà chỉ chưa tới 40 m2 lợp tôn bít bùng. Tích cóp được vài đồng lại chẳng dám xây sửa gì, cái tâm thế ở tạm nên hễ cứ dột chỗ nào là bà con lại vá chỗ đó, sụp chỗ nào đắp lại chỗ đó. Xóm nghèo cùng chung một nỗi lo, một nỗi thấp thỏm, lỡ năm trước xây, năm sau giải tỏa coi như mất trắng.

Càng đi vào những hẻm nhỏ, sâu hun hút, với những căn nhà tối đen, ẩm thấp dọc kênh Tàu Hủ, càng cảm nhận rõ hơn môi trường sống bị ô nhiễm, hạ tầng xuống cấp trầm trọng đang bám riết, ám ảnh bao thế hệ người dân cư ngụ nơi đây.

Trên những dòng kênh đen -0
Bà con xóm Ụ Cây tích cực thu gom rác thải nơi công cộng làm đẹp phố phường và phòng tránh dịch bệnh trong mùa mưa.

Bữa cơm tối của gia đình chị Nguyễn Thị Mai phải chia lẻ mỗi người một xó, vì nhà không có diện tích đủ cho 4 người ngồi chung. Chồng chị Mai ôm tô cơm ra ngồi xổm trước cửa nhà, vừa ăn vừa ngắm chuột chạy lao xao từ các ống cống. Chị Mai kẹp đứa con út ra sau nhà, là nơi phơi quần áo nhìn ra dòng kênh đen, vừa ăn vừa ngắm đủ thứ rác lững lờ trôi theo dòng triều lên. Chỉ vào đôi chân ghẻ của con gái, chị thở dài: “Con bé thích nghịch nước, hễ hôm nào triều lên, nước tràn vào nhà là nó thích thú ra vùng vẫy. Nước ô nhiễm ngấm vào người gây ngứa ngáy, sưng đỏ rồi phát sốt, phải đi bệnh viện hoài. Ở đây trẻ con hay bị bệnh về da lắm”. 

Nhà san sát mé kênh, giờ muốn nâng cao là phải bê nguyên căn nhà đi chỗ khác, mà cũng không có chỗ nào để đi. Thủy triều mỗi năm lại cao thêm, chưa kể mưa xuống, nước không thoát được do nghẹt rác thì nhà chị Mai trở thành cái hố rác với đủ thứ trên đời. 

Đau đáu hơn khi nhiều người trong số họ đã đợi đến bạc đầu nhưng câu chuyện quy hoạch vẫn... đang xem xét. Như một phản xạ tự nhiên, hầu hết những người dân ở xóm Bến Đò đã gọi nơi đây với một cái tên khác là “xóm quy hoạch treo”.

Bạc đầu chờ thoát “treo”

Rời xóm Bến Đò khi ánh đèn thành phố rực sáng, chúng tôi ngược hướng về lại khu vực ngay dưới chân cầu Chánh Hưng, quận 8 (cách xóm Bến Đò chưa đến 1 km) để cảm thêm về cái mùi sống khác biệt ở một thế giới đã đổi thay.

Trên những dòng kênh đen -0
Đường mới, nhà mới và cuộc sống đổi thay tại xóm Ụ Cây, quận 8 sau khi được quy hoạch.

Cũng là con kênh với dòng nước đen nhưng cuộc sống của người dân dọc hai bên bờ kênh rạch Ụ Cây đã gần như sang trang mới hoàn toàn sau cuộc quy hoạch. Những căn nhà ổ chuột trồi trụt dọc bờ kênh xưa nay đã biến mất, thay vào đó là hàng cây xanh, đường mới, cầu mới thênh thang. Bên cạnh những căn nhà mới, khang trang, kiên cố, quán xá vì thế cũng đông đúc, nhộn nhịp hơn. Đang tất tả chuẩn bị dọn hàng quán bán buổi chiều, chị Lê Thị Loan, ngụ đường rạch U Cây, phường 10, quận 8 vẫn không giấu được niềm vui mừng chia sẻ về sự hồi sinh của dòng kênh này như một bước ngoặt hạnh phúc. Dù những thay đổi ban đầu có chút xáo trộn nhưng rồi cuộc sống tốt hơn hẳn khi giã từ cái nhà sàn lợp tôn tạm bợ, bệ rạc lênh đênh giữa dòng kênh ở vựa củi, bến đò khiến khuôn mặt người phụ nữ sáng hẳn ra, tinh thần phấn khởi lên mỗi ngày.

Dẫu vậy, những tháng năm từng sống trên dòng kênh đen sẽ còn mãi trong trí nhớ và cả trong mỗi câu chuyện bây giờ của chị Loan. Lật giở những hình ảnh, kỷ niệm xưa cũ hơn 50 năm về trước, chị Loan vẫn bồi hồi. Ngày trước con kênh rạch Ụ Cây này cũng từng rất sạch, dân trong xóm thường ra câu cá, câu lươn, đám trẻ con chiều chiều nhảy sông tắm, vui đùa dưới dòng kênh.

Khu nhà lá dọc bờ kênh hầu hết là dân tứ xứ dạt đến ở thuê, chui rúc tạm bợ nhưng tình người nơi đây luôn đủ đầy, hào sảng. Nói đến đây, giọng chị như trầm xuống, ánh mắt không giấu nổi những tiếc nuối: “Nhưng rồi rác cứ xả thẳng xuống kênh, trôi lềnh bềnh, nước dần chuyển màu đen ngòm, bùn lầy, mùi hôi thối xông lên nồng nặc, dần dà cá cũng không sống nổi. Nhà mình kiểu nhà sàn, mái lá, xập xệ, mỗi năm cứ nhằm tháng triều cường lên cao thì nước từ kênh tràn vào nhà lênh láng, chuột, bọ, gián, rết, muỗi cũng theo đó vào nhà trú ngụ. Đồ đạc gần như hư hỏng hết, ván cái nào bị gãy thì thay chứ không xây trát lại, người lạ không dám vô nhà sợ té rớt xuống kênh, ban đầu cũng sợ nhưng ở riết quen”.

Trên những dòng kênh đen -0
Người dân sống trong xóm Bến Đò từng ngày mong mỏi sớm được “thay áo mới” cho con kênh đen.

Không chỉ canh cánh nỗi lo về an toàn môi trường sống, mà còn là những ái ngại về vấn đề an ninh, trật tự và những ánh nhìn ái ngại về con người sống bên bờ dòng kênh đen ngày ấy. “Do đặc thù nơi đây phần lớn là dân tứ xứ đổ về cư ngụ nên hồi xưa hễ nghe nói ở chợ Ba Đình, quận 8 ai cũng sợ”, chị Loan tâm sự.

Chỉ tay về phía bãi giữ xe phía trước dưới dốc cầu Chánh Hưng, chị Loan cho biết, hơn 20 năm về trước, lũ trẻ rất sợ đi qua khu xóm Lò Than đó, con đường được xem là tụ điểm tập trung nhiều tệ nạn, mại dâm, trộm cắp, đánh lộn nhất nhì thành phố vào thời kỳ đấy. Khi xã hội hiện đại thì mọi thứ đã khác xưa, như chưa từng có dấu tích của cái xóm được coi là tệ nạn. Vẫn khu đất đó nhưng giờ đây đường phố đã thênh thang, sạch sẽ, với những dãy nhà cao tầng mọc lên hai bên dòng kênh. Niềm vui, phấn khởi về một cuộc đời mới khang trang, sung túc hơn hiện hữu, đến độ có người vẫn bông đùa “sướng như dân rạch Ụ Cây”.

Chuyện về những phận đời cư ngụ trên các dòng kênh đen giữa lòng phố thị luôn là điều gì đó ám ảnh, trăn trở, đâu đó váng vất nỗi buồn thăm thẳm. Trên mỗi dòng kênh đều ẩn chứa vô vàn câu chuyện nho nhỏ về số phận và cuộc đời của nhiều thế hệ con người đã sinh ra, lớn lên và gắn bó. Đâu đó, họ vẫn chung một nỗi lòng canh cánh, mong muốn có một nơi ở mới tốt hơn. Tuy nhiên, dù chủ trương tái định cư cho người dân sống trên và ven kênh rạch tại TP Hồ Chí Minh là cấp thiết từ nhiều năm qua và mỗi năm lại có nhiều lần phải họp bàn tìm giải pháp. Song, do vướng mắc trong quy hoạch, giải tỏa, kinh phí đền bù, bố trí tái định cư... khiến nhiều nơi dự án tái định cư cho người dân vẫn chưa thực hiện và người dân mòn mỏi chờ đợi.

Ngày 24-6, HĐND TP Hồ Chí Minh có buổi giám sát về chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2025. Nhiều nội dung “nóng” được các đại biểu HĐND thành phố chất vấn sâu như nhà trên và ven kênh rạch, ngân sách và 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp...

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh - ông Phan Văn Mãi cho biết, quyết tâm của thành phố đến năm 2025 là không để tồn tại nhà lụp xụp ven kênh rạch cũng như các chung cư cũ xập xệ như hiện nay. Từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch với tổng kinh phí khoảng 18.500 tỉ đồng. Việc di dời được chia làm 2 nhóm. Nhóm một là nhà trên và ven kênh Nhiêu Lộc, rạch Văn Thánh và kênh Hy Vọng. Tổng số là 3.220 căn nhà với tổng kinh phí khoảng 12.500 tỉ đồng. Nhóm hai, thực hiện với 14 dự án đã phê duyệt trong nhiệm kỳ trước, ngân sách khoảng 6.000 tỉ đồng.

  • Xóm nghèo xôn xao vì chủ hụi mất tích để lại tâm thư
  • Xóm nghèo hoang mang vì bệnh lạ

Từ khóa » Bờ Kênh Nghĩa Là Gì