Triết Lí Sống Kinh điển Của Người Nhật Bản | KILALA EMagazine

eMagazine
  • 3 Triết Lý Sống Kinh Điển của Người Nhật Bản 3 Triết Lý Sống Kinh Điển của Người Nhật Bản
    • Vô Thường – WABI SABIVô Thường – WABI SABI
    • Sống Tối Giản - MinimalismSống Tối Giản - Minimalism
    • Lẽ Sống - IKIGAILẽ Sống - IKIGAI
3 Triết lý sống kinh điển của người nhật 3 Triết lý sống kinh điển của người nhật.
    • Vô Thường – WABI SABIVô Thường – WABI SABI
    • Sống Tối Giản - MinimalismSống Tối Giản - Minimalism
    • Lẽ Sống - IKIGAILẽ Sống - IKIGAI

Người Nhật có rất nhiều triết lý sống ý nghĩa, bao quát từ triết học đến thẩm mĩ, thiết kế, nguyên tắc cư xử và đạo đức. Dưới đây là 3 Triết lý sống kinh điển của người Nhật đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người khắp thế giới.

Vô thường – Wabi Sabi

Có nguồn gốc từ Phật giáo, Wabi Sabi (侘び寂び) là cảm quan về cuộc sống, đồng thời là một quan điểm mỹ học chi phối tư tưởng của nhiều loại hình nghệ thuật từ xưa đến nay của người Nhật. Đây là một cụm từ không quá khó để giải nghĩa về mặt từ ngữ, nhưng để thấu hiểu và thấm nhuần tư tưởng nó thể hiện thì ngay cả người Nhật cũng cảm thấy bối rối.

Lối sống thấm đượm tinh thần Wabi Sabi

Wabi (侘), từ Hán Việt đọc là “Sá”, được định nghĩa là ý thức tìm kiếm cảm giác đủ đầy về tâm hồn trong sự túng thiếu, nghèo khổ. Từ này bắt nguồn từ động từ Wabu (侘ぶ) bao gồm các nghĩa là thất vọng, buồn phiền, đau khổ, sống cuộc sống nghèo nàn, tận hưởng sự tĩnh lặng, tha thứ,...

Sabi (寂), từ Hán Việt đọc là “Tịch”, được định nghĩa là vẻ đẹp toát ra từ sự điềm nhiên, tĩnh lặng. Bắt nguồn từ động từ Sabu (寂ぶ) có nghĩa là sự hư hỏng dần theo thời gian.

Trải qua nhiều sự thay đổi mà chủ yếu là được hoàn thiện bởi Matsuo Basho, quan điểm mỹ học Wabi Sabi ngày nay có thể hiểu là sự cảm nhận và trân trọng vẻ đẹp của những thứ không hoàn hảo, không vĩnh viễn và không trọn vẹn, vốn là ba đặc điểm hiển nhiên của vạn vật. Thời gian trôi đi, vạn vật tuy tàn phai hao mòn nhưng lại tích lũy khí chất, đó là vẻ đẹp cốt lõi của sự sống, của thời gian và là vẻ đẹp không gì có thể sánh bằng.

Nghệ thuật dùng vàng để hàn gắn đồ gốm đã vỡ của Nhật Bản thấm đượm tinh thần Wabi Sabi. Chính nhờ sự đổ vỡ này mà bản thân món gốm đã trở nên đặc biệt hơn với những vết nứt chỉ riêng nó mới sở hữu. Ảnh: sonda0112/PIXTA

Vì lẽ đó, sống theo tinh thần Wabi Sabi cũng có nghĩa là hiểu trên đời không có thứ gì hoàn hảo, để từ những khiếm khuyết mà tìm ra điều tốt đẹp đối với bản thân. Wabi Sabi giúp bạn tối giản hóa cuộc sống bởi thay vì đau khổ với những nỗi bất hạnh, bạn sẽ biết trân trọng những thứ được sinh ra từ bất hạnh ấy. Cũng giống như nghệ thuật dùng vàng để hàn gắn đồ gốm đã vỡ - Kintsugi, người Nhật quan niệm chính nhờ sự đổ vỡ này mà món gốm đã trở nên đặc biệt hơn với những vết nứt chỉ riêng nó mới sở hữu.

Tinh thần Wabi Sabi trong kiến trúc và nghệ thuật Nhật Bản

Wabi Sabi xuất hiện rất nhiều trong các sản phẩm vật chất cũng như tinh thần của người Nhật, như nghệ thuật gốm sứ, thơ ca, hội họa, Trà đạo, nghệ thuật cắm hoa Ikebana,... và đặc biệt là kiến trúc nội thất. Phong cách kiến trúc theo tinh thần Wabi Sabi được nhiều người trên thế giới ưa chuộng bởi sự gần gũi và cảm giác dễ chịu, yên bình mà nó mang lại. Tư tưởng chủ đạo của phong cách thiết kế này chính là tôn trọng và cố gắng giữ nguyên bản chất tự nhiên của mọi vật, từ chất liệu, màu sắc, kết cấu cho đến không gian.

Ngoài ra với nguyên tắc chú trọng sự tối giản, những vật dụng không cần thiết sẽ không được đưa vào không gian Wabi Sabi. Nội thất mang đường nét đơn giản, không thừa không thiếu, vừa đủ để thực hiện đúng chức năng của nó nhưng ẩn sau đó lại toát lên vẻ đẹp của sự chân thật.

Một số đặc điểm của phong cách kiến trúc Wabi Sabi:

- Về không gian, ánh sáng: Lối kiến trúc Wabi Sabi chủ động tạo nhiều khoảng trống, nhưng đó không phải là không gian trống vô nghĩa. Tất cả đều được tính toán hợp lý sao cho tận dụng hiệu quả nguồn ánh sáng tự nhiên và gió có thể tràn vào qua khắp các cửa nẻo, đồng thời cũng tạo cảm giác thoáng đãng, dễ chịu.

- Về chất liệu: Đề cao vẻ đẹp của thời gian, phong cách kiến trúc Wabi Sabi chuộng sử dụng các chất liệu thô mộc, tự nhiên dễ nhuốm màu thời gian như gỗ, đá, đất sét, kim loại thô, vải vóc,... và đặc biệt thường bỏ qua các công đoạn gia công dễ làm mất đi nét đẹp tự nhiên vốn có của chất liệu.

- Về kiểu dáng: Nội thất theo trường phái Wabi Sabi thường được thiết kế sao cho hạn chế tối đa việc uốn nắn, thay đổi theo mục đích sử dụng của con người. Nhờ vậy mà nhiều sản phẩm nội thất với kiểu dáng độc đáo có một không hai được ra đời.

Phong cách kiến trúc Wabi Sabi chuộng sử dụng các chất liệu thô mộc, tự nhiên và hạn chế thay đổi kiểu dáng tự nhiên của vạn vật. Ảnh: monjiro/PIXTA Không gian thiết kế sao cho có thể tận dụng hiệu quả nguồn ánh sáng và gió từ tự nhiên. Ảnh: mic1017/PIXTA Một chi tiết mang đậm dấu ấn thời gian trong tòa nhà Awaji Yumebutai. Ảnh: gakushi/PIXTA

- Về màu sắc: Tông màu chủ đạo hoặc mang nét trầm mặc, sâu lắng hoặc thanh thoát nhẹ nhàng phụ thuộc vào chất liệu sử dụng do hoàn toàn giữ nguyên màu sắc tự nhiên, nhưng đặc biệt luôn là một tổng thể hài hòa, không có màu sắc nào nổi trội.

Những vết nứt gãy, ố vàng hay rỉ sét, rêu phong là chu trình tất yếu của tự nhiên, con người cảm nhận và trân trọng vẻ đẹp đó bằng cách không chối bỏ sự thiếu hoàn hảo này và để mặc chu trình diễn ra theo năm tháng. Điều này khác hoàn toàn với những chiếc bàn đóng lớp bụi dày do nhiều ngày không lau chùi dọn dẹp. Vậy nên nếu bạn nhìn thấy một chiếc giường bừa bộn chăn gối, hay tấm thảm còn nguyên vết ố cà phê đổ lên,... thì đó không phải là Wabi Sabi đâu nhé.

Sống tối giản - Minimalism

Tối giản, phần nào đó nghĩa là sống và làm việc có trật tự. Có lẽ cũng vì cái trật tự đó mà người Nhật giữ được cuộc sống tối giản này. Vì người chọn lối sống này đã quen cuộc sống nề nếp, quen làm việc với những qui trình rõ ràng, đơn giản và hiệu quả.

Đời thay đổi khi chúng ta "không đổi"

Con người sống tối giản vì mục đích gì?

Thật sự, sống tối giản là câu trả lời cho một vấn đề của thời đại: chúng ta tồn tại giữa quá nhiều thứ và cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống đó. Vậy nên, ta chọn cách tối giản mọi thứ, từ trang phục, đến phong cách ăn uống, trang trí đến lối sống của mình. Đó là mục đích để tối giản xuất hiện và được người Nhật yêu mến nhiều đến vậy. Nó đã giải quyết vấn đề cho rất nhiều người trong xã hội phức tạp này.

Cốt lõi của lối sống tối giản chính là ngưng chạy theo những nhu cầu phù phiếm, cuồng mua sắm đến mức bạn không biết bạn cần vật dụng đó để làm gì. Giữa ngổn ngang đồ vật chất đống, bạn không thể xác định được đâu là món đồ mình yêu thích nhất (thậm chí món đồ bạn yêu bị quên lãng vì những món đồ không cần thiết che khuất). Giữa ngổn ngang suy nghĩ bận tâm trong đầu, bạn sẽ không thể phát hiện đâu là việc có ý nghĩa nhất với bạn.

Thực trạng hiện nay ở Nhật và cả ở Việt Nam cho thấy rằng, việc mua một căn nhà rộng rãi luôn là ao ước của rất nhiều người. Nhưng giá đất càng ngày càng tăng, áp lực kiếm tiền để sở hữu một gian nhà to luôn đè nặng lên vai. Vậy nếu chúng ta thay đổi nếp nghĩ, chỉ cần một căn nhà vừa phải, đủ không gian để sinh hoạt và cho những vật dụng cần thiết nhất thì có phải đã giảm được gánh nặng mua nhà rộng đúng không nào?

Trong cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”, tác giả Fumio Sasaki đã dẫn chứng chính ngôi nhà của mình. Với căn phòng rộng 20m2, tổng số đồ đạc của Sasaki chỉ dao động ở con số 150 và không hề có xu hướng tăng thêm. Theo lời tác giả, có thể vẽ ra một vài viễn cảnh khó khăn khi bạn mới gia nhập cộng đồng sống tối giản đang là một xu hướng tại Nhật:

- Nói không với việc chạy theo xu hướng thời trang. Số lượng trang phục trong tủ quần áo dao động 20 - 30 món.

- Không thể mời khách đến nhà chơi vì số chén bát tại gia chỉ đủ dùng cho một mình bạn.

- Chấp nhận từ bỏ bộ sưu tập (sách/ đĩa/ chén bát…) mà bạn đã tích cóp nhiều năm trời để đổi lấy khoảng không thoáng đãng?

Và đây là cách giải quyết của tác giả:

- Suy nghĩ “không còn gì để mặc” -> mua sắm -> chất đồ -> “không còn gì để mặc” – quy trình tâm lý này luôn theo đuổi chúng ta, đặc biệt phái nữ. Khi quyết định chọn lối sống tối giản, Sasaki chỉ giữ lại trên dưới 20 món trang phục. Đây là phong cách “đồng phục hóa” mà anh học tập theo Steve Jobs và sau đó suy nghĩ “thiếu đồ mặc” không còn tồn tại trong anh nữa.

- Không đủ chén dĩa để mời khách thì có phải là một điều xấu hổ? Đọc ngay quy tắc 32 trong 55 quy tắc vứt bỏ của Sasaki: “Phố phường chính là phòng khách nhà bạn.” Dẫn bạn bè đến “phòng khách” đặc biệt đó, nơi có những quán ăn ngon để cùng nhau thưởng thức và trò chuyện, bạn sẽ tiết kiệm thời gian chuẩn bị, giảm thiểu vật dụng khi nấu nướng số lượng lớn và buổi nói chuyện chỉ tập trung vào con người.

- Hãy kiểm lại tủ sách, xem có bao nhiêu cuốn bạn đã đọc, bao nhiêu cuốn đang đọc dở và bao nhiêu cuốn “phận làm chủ sách, chưa một lần mở ra”? Nếu không dùng để đọc (mà chỉ để trưng bày) thì sách đã làm tròn vai trò cung cấp tri thức chưa? Tương tự với các bộ sưu tập khác, tác giả đã “tiễn đưa” toàn bộ sách, đĩa CD, các thiết bị chụp ảnh mà anh đã tốn công tìm mua trong nhiều năm.

Tối giản không dừng lại ở chuyện vứt đồ

Khi đã được nâng lên thành một lối sống thì “tối giản” không chỉ dừng ở việc tạo không gian “tối thiểu đồ vật nhưng tối đa hạnh phúc”. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng lối sống này trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống:

- Tối giản thông tin: Có quá nhiều thông tin từ mạng xã hội, truyền thông, truyền hình… Thứ tưởng chừng giúp ta trở nên “biết tuốt” trong thời đại số lại “đánh cắp” thời gian cá nhân của chúng ta quá nhiều.

- Tối giản mối quan hệ: Dành thời gian cho những mối quan hệ thân thiết nhất. Hiểu ít người nhưng hiểu “sâu” vẫn hơn biết nhiều người mà biết “cạn”.

- Tối giản giải trí: Giải trí cũng phải “chất”. Hãy chọn những chương trình đem lại nhiều giá trị như giá trị giải trí, giá trị nhân văn, giá trị kiến thức… giữa “mạng nhện” các chương trình như hiện nay.

Sống tối giản là sống tinh tế, chỉ giữ lại những gì tinh túy nhất bên mình. Và khi xung quanh chỉ còn vài món đồ cơ bản, tin chắc bạn sẽ không còn bị vật chất làm xao lãng, sẽ có nhiều thời gian để nghĩ về bản thân, về những điều quan trọng nhất. Nhưng sống tối giản không có nghĩa là một cuộc chạy đua cạnh tranh sống với ít đồ đạc nhất có thể, vì bản thân mỗi người sẽ có một quan điểm tối giản khác nhau.

Lẽ sống - Ikigai

Một trong những nét đặc trưng nổi bật của xã hội Nhật Bản là sự đề cao tính quan trọng của công việc hơn thời gian cá nhân. Không có gì lạ khi hầu hết người Nhật đều làm việc ngoài giờ cho đến đêm muộn mới trở về nhà. Các nhà tâm lý học, xã hội học đã có nhiều cách lý giải khác nhau về sự say mê làm việc của người Nhật, nhưng với chính họ, lời lý giải đó chỉ nằm gọn trong từ Ikigai.

HÀNH TRÌNH TỰ NHẬN THỨC BẢN THÂN

Ikigai là một quan niệm sống của người Nhật, nghĩa đen là “lẽ sống”. Tìm kiếm Ikigai là hành trình tự nhận thức bản thân. Theo người Nhật, cuộc sống có Ikigai sẽ mang lại sự hài lòng và ý nghĩa cho mỗi người.

Ikigai chính là lý do bạn thức dậy mỗi sáng và tận hưởng cuộc sống. Cụm từ Ikigai chỉ giá trị sống của mỗi đời người cũng như tinh thần làm việc không phải vì lợi ích kinh tế hay địa vị xã hội. Trong cuốn sách “Bàn về lẽ sống” (Ikigai ni tsuite) xuất bản năm 1966, nhà tâm lý học Mieko Kamiya giải thích: “Ikigai rất giống với hạnh phúc nhưng có một sự khác biệt tinh vi về sắc thái. Hạnh phúc là cảm giác nhất thời nhưng Ikigai là kim chỉ nam của hành động tích cực giúp ta hướng đến tương lai dù đang trải qua những việc không vui của hiện tại”.

Người Nhật tin rằng việc tìm thấy và tận hưởng những niềm vui nhỏ thường ngày sẽ giúp bạn có cả cuộc đời trọn vẹn. Thậm chí ngay cả khi đang ở trong một tình cảnh khó khăn nhưng một người có mục tiêu để phấn đấu sẽ cảm nhận được Ikigai. Những việc làm khiến họ cảm nhận được Ikigai không phải những việc mà họ bị bắt buộc phải làm mà chính là hành động tự giác xuất phát từ nhu cầu của bản thân.

Đi tìm Ikigai

Không phải người Nhật nào cũng lấy công việc làm Ikigai của cuộc đời mình, đặc biệt là thế hệ trẻ. Một khảo sát 2.000 người của Trung tâm khảo sát trung ương Nhật Bản năm 2010 đã cho thấy chỉ 31% câu trả lời công nhận Ikigai của cuộc đời mình là công việc.

Với một số rất ít người, Ikigai được xác định từ rất sớm thậm chí khi họ còn là những đứa trẻ. Nhưng hầu hết mọi người đều mơ hồ về Ikigai hoặc không quá bận tâm đến nó. Tuy vậy trong văn hóa của người Nhật, Ikigai của mỗi cá nhân được mô tả ở 4 lĩnh vực:

- Việc yêu thích- Việc làm giỏi- Việc làm ra tiền- Việc xã hội cần

Khi mô tả 4 lĩnh vực này theo sơ đồ Venn thì Ikigai sẽ nằm ở trung tâm những điểm giao nhau của 4 lĩnh vực này.

Trong cuốn sách “Bí quyết để có cuộc sống trường trọ và hạnh phúc của người Nhật”, nhà tâm lý học Hector Garcia và cộng sự Francesc Miralles đã đưa ra khái niệm về “Dòng chảy” để giúp một người nhận ra Ikigai của mình. Bạn có từng làm việc gì đó đến quên cả ăn uống, mệt mỏi chưa? Đó là lúc bạn đã bước vào trạng thái “Dòng chảy”. Hãy chú ý đến những khoảnh khắc như vậy bởi vì Ikigai của bạn tồn tại trong những thời khắc đó. Nếu thời gian bước vào trạng thái “Dòng chảy” càng tăng thì bạn càng đến gần với Ikigai.

(Ảnh: 123rf)

Mâu thuẫn gay gắt về lẽ sống

Khái niệm Ikigai xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sử kí Taiheiki vào thế kỷ thứ 14. Ban đầu, Ikigai là khái niệm dành cho nam giới. Trong chiến tranh thế giới II, Ikigai của những người lính được hiểu là Shinigai – hi sinh vì điều gì. Có thể dùng khái niệm này để lý giải về tinh thần cảm tử của quân đội Nhật, Ikigai của người Nhật trong giai đoạn 1930 – 1945 là quốc gia và Thiên hoàng. Trong giai đoạn kinh tế thần kỳ, khái niệm Ikigai phát triển theo hướng cá nhân hóa dành cho những người đàn ông trụ cột của gia đình. Ikigai của họ chính là sự nghiệp, công việc và công ty. Còn đối với hầu hết phụ nữ, Ikigai là gia đình và con cái. Khái niệm Ikigai trong giai đoạn này gắn liền với khái niệm Ittaikan – cảm giác bản thân thuộc về điều gì, và khái niệm Jiko jitsugen – tự bản thân trải nghiệm.

Tuy nhiên, các khái niệm này tạo nên nghịch lý trong quan hệ giữa mỗi cá nhân với gia đình và xã hội. Nếu Ikigai của người đàn ông thuộc về công việc và công ty thì gia đình sẽ ở vị trí nào trong cuộc sống của họ? Nếu người phụ nữ lấy Ikigai của họ là sự thuộc về con cái và gia đình thì chính bản thân họ không thể có được sự tự trải nghiệm của chính mình. Mâu thuẫn về quan niệm sống này vẫn còn tạo áp lực vô hình lên xã hội Nhật hiện đại.

Ngày nay, Ikigai liên quan mật thiết đến đặc trưng xã hội xem trọng công việc của người Nhật. Ikigai là một trong những chìa khóa lý giải vì sao người Nhật say mê công việc, ngay cả khi đã 70 – 80 tuổi vẫn tiếp tục cống hiến. Ikigai cũng được xem là một nguyên nhân quyết định đến tuổi thọ và sự hài lòng trong cuộc sống. Với người Nhật, khi không cảm nhận được Ikigai thì cho dù đang ở đâu làm gì cũng không thấy niềm vui, dễ mệt mỏi, lười hành động, lười suy nghĩ, dẫu có cố gắng sống tích cực vẫn không thể vượt qua cảm giác chán nản.

Copyright © 2018-2024 Sunflower Commerce Co., Ltd. All Rights Reserved.

Từ khóa » Sự Tĩnh Lặng Của Người Nhật