Triết Lý Giáo Dục Sẽ Giúp Tạo Ra Ai, Cái Gì?
Có thể bạn quan tâm
LTS: Để cùng mọi người có cái nhìn về “Triết lý giáo dục Việt Nam” trong bối cảnh hiện nay, tác giả Hoàng Xuân Vinh đã có bài viết thể hiện suy nghĩ cũng như quan điểm của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thời gian gần đây, nhân việc Quốc hội đang lấy ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi, nhân dân và một số đại biểu có đặt ra vấn đề: Triết lý Giáo dục Việt Nam là gì? Tầm quan trọng của nó trong sự phát triển nền giáo dục đất nước hiện nay. [1]
Một số ý kiến cho rằng “Triết lý giáo dục vốn được xem là kim chỉ nam trong toàn bộ hoạt động giáo dục được xây dựng trên 4 trụ cột chính là đối tượng, mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục”. [2]
Có ý kiến trích dẫn triết lý giáo dục của một số nước “Phần Lan với triết lý phải có niềm tin vào con người, Singapore với nền tảng trường học tư duy, quốc gia học tập thì giáo dục Nhật Bản vận hành theo triết lý mỗi người học sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức.” [3]
Triết lý giáo dục là gì? (Ảnh minh họa: plo.vn). |
Và còn nhiều ý kiến khác nữa và tựu trung là: Việt Nam cần có một triết lý Giáo dục để làm kim chỉ nam cho sự vận động và phát triển của nó trong sự phát triển tổng thể của nước ta hiện nay.
Triết lý Giáo dục là gì?
Một trong những khái niệm được nhiều người biết: “Triết lý là hệ thống tư tưởng của con người nghiên cứu đời sống của con người và vũ trụ mà con người đang sống” và “Triết lý giáo dục là ấn định lập trường, phương pháp, mục đích của một nền giáo dục cụ thể như dạy cái gì, phương pháp dạy như thế nào dạy để làm gì, đào tạo ra con người nhân bản hay đào tạo ra người thợ làm việc như cái máy .
Như vậy triết lý giáo dục là ấn định nội dung phương pháp mục đích để định hướng một nền giáo dục.” [7]
Có nhiều định nghĩa khác nữa nhưng tôi cho đây là định nghĩa hay nhất và dễ hiểu nhất. Như thế triết lý giáo dục là triết học về giáo dục, nó không thể tách ra khỏi triết học nên nó phải được hình thành theo quy luật vận động của đời sống xã hội.
Các khái niệm và bản chất của nó phải được đúc kết từ thực tiễn, hình thành lý luận rồi mới khái quát thành triết học. Sau đó vận dụng vào thực tiễn khách quan, mới là “kim chỉ nam” cho một nền giáo dục.
Theo [8] “Triết lý giáo dục là triết lý được áp dụng cho giáo dục như một lĩnh vực chuyên biệt trong sự nỗ lực của nhân loại. Nó liên quan đến những tác động đặc trưng của triết học nói chung ảnh hưởng đến giáo dục.
Triết học của giáo dục không tự nhiên mà có, nó xuất hiện trong bối cảnh xã hội và lịch sử cụ thể.
Rất nhiều người đang nhầm lẫn giữa mục tiêu và triết lý giáo dục |
Triết lý giáo dục, theo Soltis (1988) có ba phương diện: (1) cá nhân: Liên quan đến điều tốt, lẽ phải và đánh giá trong giáo dục, (2) công chúng: Theo nghĩa định hướng hoạt động cho nhiều người và (3) chuyên nghiệp: Cung cấp những giải pháp cụ thể cho giảng dạy”.
Với khái niệm và tính chất của triết lý giáo dục thì ở mỗi hoàn cảnh lịch sử, mỗi hình thái tổ chức xã hội thì có một triết lý giáo dục khác nhau. Điều đó chỉ xảy ra với một xã hội ổn định trong bối cảnh ít có sự xáo trộn về lịch sử.
Triết lý giáo dục của một số nước
Theo một số nghiên cứu, triết lý giáo dục có từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, nó xuất phát từ Hy lạp với vai trò của triết lý giáo dục quốc gia là nền tảng trong việc dạy thanh niên, công nhân vận dụng trog thực tiễn đời sống. [12]
Lúc đó ở mỗi thành phố có một triết lý giáo dục khác nhau. Athens đặc biệt quan trọng, đã tổ chức những cơ sở nổi tiếng như Học viện của Plato và Lyceum of Aristotle.
Mỗi bang thành phố có một triết lý giáo dục xác định giảng dạy có hướng dẫn và mở rộng, học tập.
Theo Aristotle, trong chính trị của ông được trích dẫn bởi Howie (1968) đã nói, “Như vậy trong Sparta và Crete hệ thống giáo dục và hầu hết các luật đều hướng tới thiết lập quyền lực quân sự cho mục đích chiến tranh” do đó xây dựng con người có cơ thể khỏe mạnh và thể dục thể thao là công cụ để thế giới ngày nay tạo thành sức khỏe và thể chất là trọng tâm của hệ thống giáo dục.
Một vấn đề đặt ra là “Tại sao cần có triến lý giáo dục? Và cái nó tạo ra là gì?”.
Theo nghiên cứu của Peter (1980) “Một trong những thành tựu của một hệ thống có thể là sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Ông trình bày một phép ẩn dụ khi ông thấy giáo dục như sau: “Cũng giống như những khu vườn có thể được trồng theo thứ tự để hỗ trợ nền kinh tế của hộ gia đình, vì vậy trẻ em phải được giáo dục để cung cấp cho họ công việc và tăng năng suất của cộng đồng nói chung” (tr.28). [12]
Và nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có sự tương quan giữa phát triển kinh tế và phát triển giáo dục.
Triết lý giáo dục Singapore: là một Quốc gia thuộc địa của Anh với 1,5 thế kỷ và được tác ra thành quốc gia độc lập từ Malaysia năm 1963 và trở thành một Quốc gia cộng hòa năm 1965.
Tương tự như Singapore, Nigieria là một nước cộng hòa trung phi có hoàn cảnh lập quốc tương tự nhưng có số dân đông hơn thì đến nay chỉ số phát triển con người của Singapore là hàng đầu còn Nigieria xếp thứ 127 (theo UNDP, 2010).
Câu hỏi tại sao như vậy, có nhiều so sánh như đầu tư ngân sách cho giáo dục, quản trị, chính sách giáo dục phù hợp,... nhưng có một điểm đáng chú ý đó là triết lý giáo dục của Singapore.
Triết lý giáo dục phải vì sự phát triển con người |
Triết học quốc gia về giáo dục tiểu học của Singapore đặt "nắm bắt tốt về ngôn ngữ tiếng Anh" là mục tiêu số một, tiếp theo là tiếng mẹ đẻ và toán học.
Một triết lý khác là trung tâm của hệ thống giáo dục Singapore là Khổng giáo xem “cuộc sống tốt đẹp là khát vọng vô tận cho sự hoàn hảo đạo đức”.
Do đó, đạo đức là một phần quan trọng của hệ thống giáo dục Singapore và nó cũng giống như ở Nhật Bản.
Triết lý giáo dục Nhật Bản: giáo dục Nhật Bản đã tập trung từ thời Minh Trị và lấy đạo đức là trung tâm. Nó đã được phản ánh theo nhiều cách khác nhau có tác động tích cực và lâu dài đến toàn xã hội Nhật Bản.
Đạo đức có ý nghĩa cao về kỷ luật được phản ánh trong cuộc sống của giới trẻ, những người coi giáo dục như một con đường dẫn đến cuộc sống tốt đẹp, từ đó tỷ lệ bỏ học thấp và tỷ lệ tốt nghiệp rất cao.
Triết lý này coi “Học sinh có kỷ luật và đạo đức, lớn lên tạo thành một xã hội có kỷ luật và đạo đức”.
Triết lý giáo dục Mỹ: Triết lý Giáo dục của Mỹ được kế thừa tuyền thống giáo dục châu Âu với chủ nghĩa tự do và nguyên tắc dân chủ là trên hết.
Triết lý của chủ nghĩa thực dụng là xương sống của nền giáo dục và cuộc sống của người Mỹ.
Triết lý giáo dục Nga: Lịch sử nước Nga và Liên Xô trước đây có nhiều biến động.
Với thời kỳ Liên xô, triết lý kinh tế dựa trên chủ nghĩa duy vật biện chứng được phát triển bởi Karl Marx (1818-1883) và Friedrich Engels (1820-1885) làm nền tảng.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, Nga kế thừa nền tảng xã hội ấy thì người ta cho rằng "Ngoài điều này, họ không có triết lý giáo dục phát triển, chỉ là một tập hợp các lý tưởng và mục tiêu mơ hồ và thường xuyên mâu thuẫn" Shulman (2001). [12]
Như vậy, cho dù là nước phát triển nhưng không có nghĩa nước nào cũng có một triết lý giáo dục.
Sự hình thành nền giáo dục nước ta và triết lý giáo dục
Có thể nói, kể từ 1945 trở lại đây, nước ta có nhiều biến động về lịch sử. Liên quan đến đó là những lần biến động về đường lối phát triển của đất nước trong đó có sự phát triển nền giáo dục.
Về lịch sử phát triển, trước những năm 50, nước ta có nền giáo dục vô cùng lạc hậu với khoảng 5 % dân số biết chữ.
Xã hội đã chờ đợi đủ lâu cho một triết lý giáo dục đúng tầm |
Số trường học rất ít, gần như mỗi huyện mới có một trường tiểu học, mỗi tỉnh có một trường trung học cơ sở và cả nước có 5 trường trung học phổ thông.
Chương trình chủ yếu lấy chương trình Hoàng Xuân Hãn thời chính phủ Trần Trọng Kim; sách giáo khoa chưa có, giáo viên tự liệu lấy mà thực hiện chương trình.
Trường trung học chuyên khoa (trung học phổ thông) thì lúc đó cả nước mới có 4 trường (ở Việt Bắc, liên khu 3, liên khu 4, liên khu 5) giáo viên chủ yếu là các sinh viên đang học đại học dở dang, cũng có người chỉ là tú tài, số cử nhân chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đại học thì hầu như chưa có gì ngoài Đại học Y và hai lớp toán Đại cương ở Nam Đàn (Nghệ An) và ở Việt Bắc (lớp này học bằng thư)” [4].
Năm 1950, sau một số thắng lợi của kháng chiến, nước ta bắt đầu hình thành nền giáo dục với một số trường sư phạm được hình thành nhằm đào tạo giáo viên.
“Năm 1951, thành lập khu học xá Trung ương ở Nam Ninh (Trung Quốc) trong đó có Trường Sư phạm cao cấp đào tạo giáo viên cấp 3 về Khoa học tự nhiên, tuyển sinh tú tài hoặc tốt nghiệp lớp 9, học 2 năm; có Trường Sư phạm, Trung cấp gồm hai ban “tự nhiên”và “xã hội” (tuyển học sinh tốt nghiệp lớp 7, học 2 năm), đào tạo giáo viên cấp 2 và trường Sư phạm sơ cấp tuyển học sinh tốt nghiệp lớp 4 học 3 năm, đào tạo giáo viên tiểu học.” [4]
Cũng năm đó Bộ giáo dục thành lập trại tu thư để viết sách giáo khoa theo chương trình phổ thông mới 9 năm coi cả 9 năm, là một chỉnh thể, không thay sách kiểu cuốn chiếu như hiện nay mà thay ở tất cả các lớp cùng một lúc với một sự hướng dẫn chuyển tiếp từ chương trình cũ sang chương trình mới.
Chương trình này chỉ áp dụng từ liên khu V trở ra cho đến khi giải phóng miền Bắc và đây được xem là cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất và có sự ảnh hưởng của nền giáo dục Trung Quốc.
Năm 1956, sau khi thắng lợi của cuộc cách mạng bằng chiến thắng Điện Biên Phủ và kết thúc bằng hội nghị Geneve, Miền Bắc với công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
Nền giáo dục ở Miền Bắc được thay bởi chương trình 10 năm với “Nội dung học hướng vào trọng tâm là xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc (hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo xã hội chủ nghĩa công thương nghiệp), đấu tranh thống nhất nước nhà.
Trong nhà trường, xác lập vai trò chủ đạo của chủ nghĩa Mac-Lênin, sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng lao động Việt Nam, gắn nhà trường với lao động sản xuất, với hợp tác hóa nông nghiệp”.
Năm 1979, sau khi thống nhất hai miền Nam và Bắc, với tinh thần của Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ IV, cả nước tập trung xây dựng Chủ nghĩa xã hội với việc “Cần phải bồi dưỡng cho con người mới là “làm chủ tập thể, yêu lao động, yêu nước xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản”.
Và xem Giáo dục phổ thông phải trở thành “nền tảng văn hóa của một nước, là sức mạnh tương lai của dân tộc”.
Đảng ra nghị quyết ngày 11/1/1979 của Bộ Chính trị số 14 – NQ/TW. Về nội dung giáo dục, nghị quyết chỉ rõ cần phải ra sức nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo ra những lớp người lao động mới làm chủ tập thể, đủ sức gánh vác sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nguyên lý giáo dục vẫn là “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội” [4].
Và sau đó tùy vào hoàn cảnh của đất nước Giáo dục nước ta đã có những lần thay sách giáo khoa cho phù hợp từng thời kỳ.
Đã có nhóm nghiên cứu triết lý giáo dục đề tài cấp quốc gia để được đồng thuận |
Đến năm 1986, với công cuộc cải cách mở cửa, nước ta lại bước vào thời kỳ mới “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” cho đến ngày nay.
Nước ta với nhiều biến động về lịch sử, nền giáo dục nước ta đã có nhiều thắng lợi do có những nỗ lực vượt bậc từ bên trong, ý chí tự lực, tự cường, song cũng không tránh khỏi những thăng trầm của lịch sự và chịu ảnh hưởng bởi nhiều nền giáo dục như:
Pháp (thời kỳ 1945 -1950); Trung Quốc (thời kỳ 1956 -1979); và Nga (thời kỳ 1979 trở đi và một số nước tiên tiến trong những năm gần đây như: Singapore, Anh, Mỹ, một số nước Bắc Âu,... với tinh thần phổ cập tiếng Anh cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở và đào tạo đại học theo chuẩn quốc tế.
Với những biến động như thế, Giáo dục nước ta chỉ có thể học tập nền giáo dục của các nước tiên tiến nhằm phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển của đất nước qua các thời kỳ.
Với những lần cải cách giáo dục và thay sách giáo khoa chưa có sự tổng kết nghiêm túc về lý luận và thực tiễn. Có chương trình thí điểm đến 40 năm nay còn chưa tổng kết được (chương trình Công nghệ giáo dục).
Việc “Đổi mới căn bản và toàn diện” giáo dục nước ta bắt đầu từ năm 2013 với nghị quyết 29-NQ/TW của Bộ chính trị cùng với nghị quyết của Quốc hội và chính phủ, cho đến nay sau 5 năm mới có được chương trình tổng thể, còn chưa có chương trình bộ môn, có nghĩa là chưa bắt đầu.
Hơn nữa nước ta là nước đa sắc tộc, đa tôn giáo, dẫn đến nền văn hóa đa dạng. Thật khó có một lý luận chung trong giáo dục cũng như văn hóa.
Như trên đã nêu, triết lý giáo dục không tự nhiên mà có nó phải dựa trên bối cảnh xã hội và lịch sử cụ thể.
Nước Nhật có triết lý giáo dục từ thời Minh Trị và tồn tại cho đến ngày nay, Sigapore có triết lý giáo dục từ thời lập quốc, nhiều nước lớn, có sự phát triển khoa học kỹ thuật tiên tiến, có nền chính trị ổn định lâu dài còn chưa có triết lý giáo dục.
Vậy việc đòi hỏi “Triết lý giáo dục Việt Nam” hiện nay có quá sớm so với thực tế nước ta không?
Theo cá nhân tôi, giáo dục hãy tập trung đào tạo nguồn nhân lực biết đón đầu công nghệ, học tập các nước phát triển trong xây dựng đường lối phát triển kinh tế, độc lập trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát huy nội lực,... đã đạt được yêu cầu của lịch sử.
Đừng nên cố gắng đạt được cái mà với mình rất khó và cần ưu tiên cho những thứ cần thiết phù hợp với nước ta hiện nay.
Mới đây trên diễn đàn Bộ trưởng có thông tin đang có một nhóm nghiên cứu về vấn đề này, theo tôi cũng chỉ là để thỏa mãn một số dư luận, nêu có tìm ra một “triết lý” nào đó cũng chỉ là một công trình nghiên cứu thôi chứ chưa hẳn đã phù hợp thực tiễn nước ta với sự hội nhập sâu rộng của khoa học, công nghệ của thế giới và khu vực.
Hãy dành thời gian để đúc kết kinh nghiệm, học tập các nước tiên tiến áp dụng cho giáo dục nước ta là một yêu cầu tất yếu và thực tế.
Bản thân tôi cũng mong nước ta có một triết lý giáo dục và lúc đó nước ta sẽ phát triển như Nhật Bản, Singapore, Mỹ hay các nước tiên tiến như hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Lương Hoài Nam, Triết lý giáo dục Việt Nam là gì?, ttps://vnexpress.net.
2. Đỗ thơm, Xã hội đã chờ đợi đủ lâu cho một triết lý giáo dục đúng tầm, http://giaoduc.net.vn.
3. Xuân Tuyến, Triết lý giáo dục như 'ngọn hải đăng', http://baochinhphu.vn.
4. Nguyễn Cảnh Toàn, Ba lần cải cách giáo dục và những kinh nghiệm rút ra từ đó. https://vnu.edu.vn.
5. Hà Vũ, Triết lý giáo dục Việt Nam là gì?, http://vneconomy.vn.
6. https://vi.wikipedia.org
7. https://vn.answers.yahoo.com.
8. Annick M. Brennen, Philosophy of Education, Andrews University Extension Center, School of Education,Northern Caribbean University, 1999.
9. Peter M Collins,Aristotle and the Philosophy of Intellectual Education, The Irish Journal o f Education,1990, xxiv,2, pp 62-88.
10. McGraw, Philosophy of education, Jordan 2008.
11. T.W.Moore, Philosophy of Education, Simultaneously published in the USA and Canada, 2010.
12. Bassey Ubong, National Philosophy of Education and impact on National development, Proceedings of the 1st International Technology, Education and Environment Conference.
13. Pennsylvania State Univ, Philosophy of Education ,http://rer.aera.net, May 9, 2016.
Hoàng Xuân VinhTừ khóa » Triết Lý Giáo Dục Của Bạn Là Gì
-
Triết Lí Giáo Dục Của Bạn Là Gì? - Táo Trường Học
-
Là Giáo Viên, Triết Lí Giáo Dục Của Bạn Là Gì?
-
TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CỦA BẠN LÀ GÌ? | Horizon Tesol
-
Triết Lý Giáo Dục Của Việt Nam Là Gì? - Báo Tuổi Trẻ
-
Triết Lý Giảng Dạy Của Bạn Là Gì? - TopLoigiai
-
Thiết Kế Triết Lý Giáo Dục Của Bạn - EFERRIT.COM
-
Triết Lí Giáo Dục Của Bạn Là Gì?
-
Một Số Luận Giải Về Triết Lý Giáo Dục
-
TRIẾT LÝ GIÁO DỤC - Gia Sư Tâm Tài Đức
-
Góp Phần Bàn Về Triết Lý Giáo Dục Là Gì ? Là ... - Hồ Nam Photo
-
Tại Sao Triết Lý Giáo Dục Lại Quan Trọng Với Mỗi Giáo Viên - IDJ Group
-
Góp Phần Bàn Về Triết Lý Giáo Dục Việt Nam Hiện Nay
-
Triết Lý Và Phương Pháp Giảng Dạy
-
Triết Lý Là Gì? Một Số Triết Lý Trong Giáo Dục | Ngoại Ngữ Cộng đồng