Triệu Chứng Học Thần Kinh Quay - Bài Giảng ĐHYD TPHCM

1. VẬN ĐỘNG CÁC CƠ

1.1. Thân dây thần kinh cho nhánh điều khiển

– Ở hõm nách: cơ tam đầu cánh tay.

– Trong rãnh nhị đầu ngoài: cơ ngửa, cơ quay thứ nhất.

1.2. Nhánh sau điều khiển các cơ

– Quay thứ hai.

– Ngửa ngắn.

– Trụ sau.

– Duỗi các ngón.

– Duỗi ngón út.

– Dạng ngón cái dài.

– Duỗi ngón cái ngắn.

– Duỗi ngón út ngắn.

– Duỗi ngón trỏ.

2. VÙNG CẢM GIÁC

– Mặt sau cánh tay.

– Phần giữa mặt sau cẳng tay.

– Bờ ngoài (bờ quay) mặt mu bàn tay, mặt mu ngón cái và đốt 1, 2 của ngón trỏ, nửa ngoài đốt 1 ngón giữa.

3. TRIỆU CHỨNG

3.1. Vận động

– Liệt động tác duỗi cẳng tay, bàn tay và các ngón tay. Cẳng tay ở tư thế nửa gấp, bàn tay rủ, các ngón tay gấp không hoàn toàn, ngón cái khép, là những dấu hiệu điển hình của liệt dây quay. Do cẳng tay không duỗi được (liệt cơ ba đầu), nên bàn tay cũng không duỗi được (liệt các cơ quay, cơ trụ sau), duỗi các ngón khó khăn (liệt cơ duỗi chung các ngón, các cơ duỗi ngón cái, ngón trỏ và ngón út). Mất khả năng duỗi các ngón ở các đốt 1, trong khi các đốt 2, 3 còn làm được nhờ các cơ gian cốt (thần kinh trụ chỉ huy).

– Dạng và duỗi bàn tay cùng lúc không làm được do liệt cơ quay thứ nhất; áp bàn tay khó khăn vì liệt cơ trụ sau. Tuy nhiên động tác dang và áp bàn tay còn thực hiện được ở mức độ nhất định nhờ cơ gan tay lớn (thần kinh giữa) và cơ trụ trước (thần kinh trụ) hoạt động nhưng tay luôn ở tư thế gấp khi làm các cử động này. Động tác ngửa bị mất do liệt cơ ngửa ngắn. Nếu còn thực hiện được ở một mức độ nhất định là nhờ cơ nhị đầu cẳng tay phải ở tư thế gấp.

– Gấp cẳng tay bị yếu đi do liệt cơ ngửa. Do cơ này không co đồng thời với cơ nhị đầu nên sẽ có một dấu hiệu đặc trưng cho liệt dây quay: người bệnh co cẳng tay và cố giữ ở tư thế này, người khám kéo ra, quan sát không thấy cơ ngửa dài “gồ” lên ở cẳng tay, nghĩa là cơ ấy bị liệt hay có liệt dây quay. Trong khi đó, hội chứng rễ C7 cũng có các triệu chứng lâm sàng như đã mô tả ở trên, trừ dấu hiệu liệt cơ ngửa.

– Dạng ngón cái yếu liệt do cơ duỗi ngắn và dạng ngón cái dài bị liệt nhưng động tác mở mép thứ nhất của bàn tay vẫn thực hiện được một phần nhờ cơ dạng ngón cái ngắn (điều khiển bởi dây giữa).

– Gấp các ngón tay vẫn được nhưng do mất lực vì cổ tay gấp và mất đi sự co kéo đối kháng của các cơ duỗi, nên việc cầm các vật khó khăn.

3.2. Cảm giác

– Mất hoặc giảm cảm giác kín đáo ở bàn tay: mặt mu của ngón cái, đốt 1 ngón trỏ, nửa ngoài (quay) đốt 1 ngón giữa và phía ngoài (phía quay) mu bàn tay từ đường trục ngón giữa trở ra.

3.3. Rối loạn dinh dưỡng

– Hiếm, kín đáo, chỉ thể hiện bởi phù ở mu bàn tay, xương bàn tay gồ lên và teo các cơ bị liệt. Có thể thấy da mỏng, phù, mất nếp nhăn, các ngón tay teo nhỏ, viêm bao hoạt dịch các gân duỗi và co kéo dính gân cơ. Lúc này các ngón tay không ở tư thế gấp mà trái lại, duỗi thường trực (do dính gân).

4. NGUYÊN NHẢN

– Đứt dây thần kinh do dao (vật sắc) hoặc gẫy thân xương cánh tay, khuỷu, lồi cầu…

– Chèn ép, co kéo, dập thần kinh do chấn thương trực tiếp, vị trí bất thường của thai trong tử cung, do forcep kéo quá mạnh (ở trẻ sơ sinh), đi nạng, garot quá siết, đè vào cánh tay lúc ngủ (liệt ở những người yêu nhau, hoặc lúc say rượu), can xương, sẹo xơ…

Từ khóa » Khám Liệt Thần Kinh Quay