Trình Bày ý Kiến Về Một Vấn đề Trong đời Sống Gia đình - Toploigiai

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé! 

Mục lục nội dung Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình - Bài mẫu 1Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình - Bài mẫu 2Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình - Bài mẫu 3Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình - Bài mẫu 4Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình - Bài mẫu 5Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình - Bài mẫu 6Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình - Bài mẫu 7

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình - Bài mẫu 1

   Không có gì quý trọng hơn gia đình. Đó là tổ ấm yêu thương cần được vun đắp mỗi ngày. Vậy mỗi thành viên cần làm gì để gia đình có thể trở thành tổ ấm yêu thương?

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình

   Gia đình chính là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Bởi vậy nếu gia đình luôn yêu thương, đầm ấm thì sẽ tạo ra những thành viên tích cực. Họ sẽ biết chia sẻ buồn vui cùng nhau, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn và bảo vệ nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, trong cuộc sống, người trưởng thành sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, chông gai. Nhưng nếu có gia đình luôn đứng phía sau động viên, khích lệ thì sẽ có được nguồn động lực to lớn để vượt qua.

    Tình cảm gia đình là thứ thiêng liêng nhất không gì có thể sánh được. Của cải, vật chất là những thứ có thể mua được, nhưng những tình cảm gia đình thì thật sự là vô giá. Nhưng để có một gia đình bình yên, hạnh phúc phải đến từ sự cố gắng của các thành viên trong gia đình.

   Về phía người lớn, cha mẹ phải là tấm gương để con cái học tập, noi theo. Từ hành vi rất nhỏ trong cuộc sống hằng ngày đến cách đối nhân xử thế. Nhiều nghiên cứu cho rằng, con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Bởi vậy ngoài việc dạy dỗ con cái những điều đúng đắn, cha mẹ cần phải chú ý hành vi của bản thân. Bên cạnh đó, người lớn cũng cần học cách trở thành một người bạn của con. Điều đó có nghĩa là cha mẹ sẽ cùng chia sẻ với con những vấn đề hằng ngày, lắng nghe con tâm sự và có thể đưa ra những lời khuyên hay lời động viên đúng lúc.

   Về phía con cái thì cần biết vâng lời, lễ phép và học tập những đức tính tốt đẹp của cha mẹ. Khi gặp phải vấn đề khó khăn trong cuộc sống, con cái nên chia sẻ với cha mẹ để có thể nhận được sự thấu hiểu, hay nhận được lời khuyên đúng đắn. Đối với anh chị em trong một gia đình cần sống hòa thiện, nhường nhịn, chia sẻ và giúp đỡ nhau. Có đôi khi, tình yêu thương lại xuất phát từ những hành động vô cùng nhỏ bé. Đó có thể là cả gia đình cùng nhau ăn một bữa cơm, lời nhắc nhở người cha người mẹ mặc ấm, cùng chụp chung một tấm ảnh vào năm mới… Tuy nhỏ bé nhưng lại đem đến sự ấm áp vô cùng.

   Trong một bộ phim truyền hình nổi tiếng của Việt Nam, một nhân vật đã khẳng định: “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất. Những thứ khác có hay không, không quan trọng”. Câu nói này đã cho thấy tầm quan trọng trong cuộc sống. Mỗi người cần phải biết quý trọng gia đình. Mỗi thành viên trong gia đình hãy cùng nhau xây dựng một tổ ấm hạnh phúc.

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình - Bài mẫu 2

   Gia đình là hai tiếng thiêng liêng và ấm áp. Đó là nơi nuôi dưỡng, vun vén cho hạnh phúc của mỗi người. Tuy nhiên, theo một cách nào đó, mà không phải gia đình nào cũng tồn tại đúng với ý nghĩa của nó.

   Những gia đình mà tôi muốn nói đến, chính là những gia đình đã và đang đè nặng áp lực tinh thần lên vai con cái của mình. Bố mẹ luôn là người yêu thương, quan tâm, hi sinh cho con của mình vô điều kiện. Bao nhiêu vất vả, khó khăn, họ đều gồng gánh, chỉ mong con cái mình được hạnh phúc, đủ đầy. Chỉ vậy thôi là đã vui lắm rồi. Tuy nhiên, tấm lòng ấy nhiều khi lại không được thể hiện đúng cách, đúng trường hợp, vô tình tạo nên khối áp lực nặng nề đè lên vai những đứa trẻ.

    Nhiều bậc phụ huynh gò ép, bắt buộc con mình phải học tập thật nhiều, suốt cả ngày đến không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Những đứa trẻ ấy cả ngày ngồi bên sách vở, với những giờ học mãi chẳng kết thúc. Từ học văn hóa, đến các môn năng khiếu, thể thao… Các em cứ phải học mãi. Không chỉ thế, những phụ huynh ấy, còn tìm cách “triệt tiêu” những thứ có nguy cơ ảnh hưởng đến thành tích học tập của con em mình. Như cấm không cho đọc truyện, chơi game, không được đi chơi với bạn bè… Họ buộc con mình vào một không gian nhỏ bé, chật chội. Hơn thế nữa, các phụ huynh còn thường xuyên đè nặng thành tích lên người các con. Thành tích cao thì được thưởng, nhưng nếu có điểm thấp, không có giấy khen… thì sẽ bị mắng, bị đánh. Điều đó, khiến tâm lý các em luôn trong trạng thái bị đè nén bởi sự sợ hãi, lo lắng, áp lực.

    Chúng ta đều biết rằng cha mẹ làm những điều đó đều vì yêu thương con cái. Những đứa con đau khổ, thì họ cũng mệt mỏi, buồn bã lắm chứ. Tuy nhiên, chính cái cách thức hành động sai lầm, đã khiến những người bố, người mẹ ngày càng xa rời con cái mình hơn. Vậy nên, để gắn chặt tình cảm gia đình, chúng ta cần nhiều hơn những giây phút chia sẻ, đồng điệu với nhau. Con cái tâm sự với bố mẹ những mong mỏi, nguyện vọng của mình. Bố mẹ gửi gắm đến con những kì vọng, và yêu thương. Cả hai phía sẵn sàng thấu hiểu nhau, có như thế, tình cảm gia đình mới ấm êm và thuần túy nhất.

   Trên đây là một vấn đề không hề mới, nhưng vẫn đã và đang rất nhức nhối trong xã hội. Nó là mang tính tiêu cực, dù xuất phát điểm lại từ thứ tình cảm tích cực. Mong sao, mọi thành viên trong gia đình sẽ luôn yêu thương, chia sẻ cho nhau, để tổ ấm luôn là nơi hạnh phúc khi trở về.

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình - Bài mẫu 3

    Thời gian rất ngắn ngủi thế nên mỗi người trong chúng ta hãy sống một cuộc đời thật trọn vẹn với tình yêu thương, sự sẻ chia với người khác. Tình cảm đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người là tình cảm gia đình. Và cách chúng ta cư xử với cha mẹ cũng là một cách bộc lộ tình cảm yêu thương dành cho họ.

   Mẹ là người sinh ra ta, chăm sóc ta từng li từng tí, lo cho ta miếng ăn giấc ngủ. Cha là người vất vả bon chen ngoài cuộc sống để lấy tiền lo cho tương lai của ta và dạy ta những bài học làm người quý giá. Không chỉ sinh ra ta, nuôi lớn ta thành người, mà chính cha mẹ là người cho ta một cuộc đời tốt đẹp, bao dung ta.

   Thế nhưng chỉ vì cha mẹ không thể đáp ứng một vài yêu cầu của chúng ta. Hay là cha mẹ chưa sắp xếp được thời gian dành cho chúng ta vì công việc. Mà chúng ta lại dỗi hờn, cư xử bất lịch sự với cha mẹ. Bỏ qua những dặn dò của họ mà làm theo ý kiến bản thân. Để rồi dẫn đến những hậu quả xấu. Thậm chí cách ăn nói xưng hô bất lịch sự với cha mẹ cũng không phải là cách ứng xử hay.

   Vì thế chúng cần hiếu, lắng nghe những nỗi vất vả nhọc nhằn của cha mẹ. Giúp đỡ cha mẹ những công việc nhà đơn giản như gập quần áo, quét nhà,… hay tự dọn chính căn phòng của mình. Sẵn sàng nói những lời yêu thương, trao đi những cái ôm dành cho họ. Ngoan ngoãn, nghe lời, chăm chỉ học tập để không phụ công nuôi dưỡng của cha mẹ.

   Vì công lao cha mẹ rất lớn lao và cho dù đi hết cả cuộc đời này thì người con vẫn không thể báo đáp được công lao to lớn ấy. Thế nên khi còn có thể thì chúng ta hãy đền đáp công ơn đó từ những việc làm đơn giản nhất, Hãy là những người con hiếu thảo với cha mẹ mình để xứng đáng với công sức của họ đã vun đắp cho mình và trở thành công dân tốt của xã hội.

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình - Bài mẫu 4

    Trong cuộc sống, gia đình có một vai trò vô cùng quan trọng. Bởi vậy mà chúng ta cần làm gì để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình.Trước hết, có thể hiểu rằng gia đình là một cộng đồng người cùng chung sống, gắn bó với nhau bằng các mối quan hệ huyết thống, hôn nhân và tình cảm, cũng có thể là quan hệ nuôi dưỡng hay giáo dục. Và tình cảm gia đình là sự yêu thương, gắn bó của các thành viên trong gia đình. Tình cảm gia đình vô cùng thiêng liêng. Nó giống như ngọn đèn chiếu sáng tâm hồn con người giữa đêm dài tăm tối. Những người thân trong gia đình luôn dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Họ yêu thương, chăm sóc và bảo vệ chúng ta giữa cuộc đời nhiều giông bão. Nhờ có tình cảm gia đình, con người được sống trong hạnh phúc, được phát triển một cách toàn diện và chắc chắn trong tương lai sẽ trở thành người có ích cho xã hội. Ngược lại, những người phải sống trong một gia đình bất hạnh thường sẽ gặp lại những chấn thương về tinh thần. Chính vì lẽ đó, chúng ta cần phải phải bảo vệ tình cảm gia đình.

  Nhưng cần làm gì để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình. Điều đó phải được xuất phát từ sự cố gắng của tất cả các thành viên: từ ông bà, cha mẹ đến con cháu.

   Ông bà là những người lớn tuổi, giống như một tấm gương để con cháu noi theo. Còn cha mẹ là người đã ban cho chúng ta sự sống. Rồi nuôi dưỡng, dạy bảo chúng ta từ khi còn thơ bé đến lúc trưởng thành. Họ còn là điểm tựa vững chắc cho mỗi người. Dù cuộc đời có nhiều cay đắng, bão giông, nhưng khi trở về bên cha mẹ sẽ luôn thấy bình yên, hạnh phúc. Cha mẹ cũng luôn bao dung cho những đứa con của mình. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái.

   Ngược lại con cái cần phải có tấm lòng yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ. Điều đó đôi khi xuất phát từ những lời nói, hành động vô cùng nhỏ bé. Đôi khi chỉ là một lời chào mỗi khi đi học hay khi về nhà. Hoặc ý thức giúp đỡ cha mẹ những công việc nhỏ trong nhà: nấu cơm, rửa bát, quét nhà. Hay tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng học tập chăm chỉ, rèn luyện đạo đức. Đó là “đạo hiếu” mà mỗi người cần phải ghi nhớ và thực hiện. Chỉ khi con người biết hiếu thảo với cha mẹ - những người có công ơn sinh thành dưỡng dục, thì mới biết trân trọng những người xung quanh. Hay anh chị em trong nhà cũng cần phải sống hòa thuận, biết nhường nhịn, bao dung và chia sẻ với nhau.

   Có thể khẳng định rằng, gia đình là điểm tựa của mỗi người. Muốn xây dựng tình cảm gia đình tốt đẹp, mỗi thành viên trong gia đình cần phải cố gắng từng ngày.

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình - Bài mẫu 5

   Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đôi khi thường xảy ra các xung đột. Điều đó đòi hỏi mỗi thành viên cần có những giải pháp để giải quyết các xung đột, xây dựng một gia đình hòa thuận và hạnh phúc.

   Đầu tiên, nguyên nhân của xung đột trong gia đình đến từ sự khác biệt trong về nhận thức, quan điểm hay suy nghĩ giữa cha mẹ và con cái. Từ đó đã tạo nên những xung đột về tâm lý là đặc điểm nổi bật mang tính quy luật. Điều đó là do hoàn cảnh sống, thời gian sống và sự khác nhau về thế hệ, sự chênh lệch về kinh nghiệm sống đã tạo nên khoảng cách dẫn đến xung đột.

   Cha mẹ luôn mong muốn con cái phải nghe theo những quy định mình đặt ra từ khi con còn bé. Trong suy nghĩ, cha mẹ luôn cho rằng con cái là còn bé bỏng nên cha mẹ cần phải kiểm soát mọi hoạt động, con cái phải phụ thuộc vào mọi quyết định của mình. Đồng thời, nhiều cha mẹ chưa có sự hiểu biết cần thiết về những thay đổi về tâm sinh lí của con. Cha mẹ muốn duy trì sự phụ thuộc của con cái vào cha mẹ trong các hoạt động của cuộc sống hàng ngày…

   Về phía con cái, trong độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý sẽ có sự thay đổi, nhiều bạn cho đã suy nghĩ “về sự trưởng thành” và có cảm giác “mình là người lớn”. Ở độ tuổi này, nhận thức về “cái tôi cá nhân” và “quyền riêng tư” với những nhu cầu độc lập của bản thân cũng tăng lên rõ rệt. Từ sự thay đổi trên dẫn đến con cái muốn vượt qua sự kiểm soát, quản lý của bố mẹ.

   Điều này sẽ khiến cho mối quan hệ của các thành viên trong gia đình không được tốt đẹp. Bởi vậy mà cần phải có những biện pháp phù hợp, tích cực. Đầy tiên, cha mẹ phải là người chủ động thay đổi. Cha mẹ vẫn duy trì những nề nếp quy định của gia đình nhưng phải phù hợp với cuộc sống hiện đại. Bên cạnh đó. cha mẹ cần trở thành những người bạn của con - thấu hiểu và chia sẻ với con mọi vấn đề trong cuộc sống. Từ đó, cha mẹ mới có thể đưa ra những đánh giá, lời khuyên cho con cái. Bản thân chúng ta cũng cần phải hiểu được những mong muốn tốt đẹp của cha mẹ. Hãy chia sẻ cởi mở, suy nghĩ về những lời khuyên và tránh những hành vi tiêu cực: giận dỗi, cãi lời… cha mẹ.

   Một gia đình hạnh phúc là một gia đình luôn có sự thấu hiểu, chia sẻ. Mỗi người hãy biết cách xây dựng và bảo vệ gia đình của mình trở nên tốt đẹp hơn.

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình - Bài mẫu 6

“Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng, ba ngọn nến lung linh…la là lá la la...thắp sáng một gia đình…” Những câu hát du dương cùng giai điệu nhẹ nhàng, êm ái đưa ta về một thời thơ ấu, nơi đó có cha và mẹ, có niềm vui và hạnh phúc nơi mà tôi gọi bằng cái tên thân thương “mái ấm gia đình”.

Tình cảm gia đình là sự sẻ chia, gắn bó, yêu thương giữa những người có cùng huyết thống, cùng máu mủ và cùng chung sống dưới một mái nhà. Mỗi chúng ta khi sinh ra đều mong muốn có một gia đình, bởi gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người, gia đình là nơi nuôi nấng, là một điểm tựa vô cùng vững chắc, là nơi luôn chào đón chúng ta kể cả khi vui vẻ, hạnh phúc hay khó khăn, đau buồn.

Một gia đình luôn tràn đầy tình yêu thương sẽ tạo ra những thành viên tích cực. Họ biết cùng nhau chia sẻ vui buồn trong cuộc sống, luôn ở bên cạnh giúp đỡ, bảo vệ và yêu thương lẫn nhau. Tình cảm gia đình sẽ giúp con người vượt qua mọi thử thách, chông gai, nó thắp sáng những ánh lửa hồng sưởi ấm cho tâm hồn mỗi người.

Càng trưởng thành, mỗi người lại càng phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn. Nhưng nếu có gia đình ở phía sau ủng hộ, động viên, khích lệ thì ta sẽ có được nguồn động lực to lớn để vượt qua những rào cản và tiến tới thành công. Của cải, vật chất là những thứ ta có thể mua được, nhưng tình cảm gia đình thì không, nó là vô giá. Tuy vậy, trong xã hội này vẫn tồn tại rất nhiều cá nhân không biết trân trọng thứ tình cảm cao quý và thiêng liêng đó. Nhiều người thường chỉ chạy theo những danh vọng tiền tài, những mối quan hệ xã giao để rồi đánh mất đi thứ quan trọng nhất trong cuộc đời này.

Để có một gia đình yên ấm, hạnh phúc các thành viên trong gia đình đều phải cố gắng. Cha mẹ không chỉ là tấm gương để con học tập, noi theo mà cần trở thành một người bạn của con. Nghĩa là cha mẹ sẽ cùng tâm sự, chia sẻ với con những vấn đề trong cuộc sống, đưa ra lời động viên hay lời khuyên đúng lúc. Còn con cái thì cần biết ngoan ngoãn, lễ phép, vâng lời,  và học tập những đức tính tốt đẹp của cha mẹ mình. Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, nên chia sẻ với cha mẹ để có thể nhận được sự động viên, cổ vũ, thấu hiểu, hay lời khuyên đúng đắn. Đối với anh chị em trong một gia đình cần chung sống hòa hợp, biết nhường nhịn, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh.

Gia đình là bến đỗ bình yên nhất, là nơi yêu thương ta vô bờ bến. Bởi vậy mỗi người chúng ta cần phải trân trọng, nâng niu tình cảm gia đình từ những hành động quan tâm, chăm sóc nhỏ bé nhất.

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình - Bài mẫu 7

Trong cuốn sách “Phép màu nhiệm của đời" tác giả có viết: “Gia đình là ngôi thánh đường đầu tiên cho tuổi thơ những điều hay lẽ phải, niềm tin và lí tưởng sống. Đó là nơi chúng ta tìm về để được an ủi, nâng đỡ. Đó là những món ăn đơn sơ cũng là mĩ vị. Đó là nơi tiền bạc không quý bằng tình yêu. Đó là nơi ngay cả nước sôi cũng reo lên niềm hạnh phúc". Thật vậy, tình yêu thương và mái ấm gia đình là thứ vô cùng quan trọng và ý nghĩa trong cuộc đời mỗi con người. Vậy làm thế nào để gia đình luôn trở thành một tổ ấm yêu thương?

Đầu tiên, chúng ta cần phải hiểu được rằng một gia đình ấm áp, tràn đầy hạnh phúc sẽ tạo ra những thành viên tích cực, biết yêu thương, chăm sóc người khác. Tình cảm gia đình là thứ tình cảm vô cùng quý giá, là thứ tình cảm thiêng liêng nhất là nơi “cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc”. 

Mái ấm gia đình sẽ là cái nôi nuôi dưỡng con người ta từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành. Đó là nơi có những câu chuyện cổ tích của bà, những bữa cơm của mẹ, những lời dạy bảo yêu thương từ cha, là nơi tâm hồn ta được tưới tắm, được nuôi dưỡng để ngày một khôn lớn và hoàn thiện nhân cách. Gia đình có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhân cách của mỗi người, bởi đó là môi trường giáo dục đầu tiên của ta. Được sống trong một gia đình tràn ngập tình yêu thương và sự lương thiện sẽ tạo nên một môi trường sống lành mạnh, điều đó góp phần không nhỏ trong quá trình xây dựng cho trẻ một nhân cách tốt. Có một gia đình ấm áp, hạnh phúc là một trong những điều may mắn nhất của một con người.

Tình cảm gia đình cũng là nguồn động lực to lớn giúp con vươn tới ước mơ, thực hiện khao khát, hoài bão của mình. Những người con cũng sẽ hiểu được sự kỳ vọng của gia đình bởi vậy nên luôn cố gắng hết mình trong mọi hoàn cảnh, hoàn thành tốt các mục tiêu, khiến cho gia đình tự hào. Hơn thế nữa, gia đình sẽ là nơi con người mong muốn trở về nhất sau mỗi chặng đường mỏi, bởi đó là nơi yêu thương ta vô điều kiện, luôn dang rộng vòng tay chào đón ta trở về.

Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng con người ta, vậy nên nếu chỉ có cha mẹ cố gắng là chưa đủ, những người con cũng cần phải biết yêu thương lại gia đình của mình, phải biết trân trọng, yêu thương, hiếu thảo với bố mẹ, phụng dưỡng ông bà, hòa thuận với anh chị em. Đó cũng chính là cách phát triển tình cảm gia đình ngày càng trở nên hạnh phúc hơn.

Giá trị mà gia đình mang đến cho mỗi người chúng ta là thứ mà thước đo không thể đong đếm được. Bởi vậy, hãy luôn biết yêu thương và bồi dưỡng tình cảm giữa các thành viên trong nhà, để gia đình luôn là điểm tựa vững chắc, là đòn bẩy cho ta trên mỗi bước đường đời.

---/---

Như vậy Toploigiai đã trình bày xong bài văn mẫu Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

Từ khóa » Trình Bày ý Kiến Về Một Vấn đề Là Gì