Trồng Lạc Dại Che Phủ Bảo Vệ đất Trồng - Nông Nghiệp Thuận Thiên

Giữ cỏ trong vườn để che phủ mặt đất là một giải pháp quan trọng trong canh tác cây nông nghiệp tự nhiên bền vững. Lạc dại (Arachis pintoi) là cây cỏ họ đậu có khả năng cộng sinh với vi khuẩn cố định đạm từ nitơ có trong không khí, chúng phát triển sinh khối (thân, lá) nhanh, giữ ẩm và làm giàu mùn cho đất.

Nội dung bài viết

  • 1. Đặc điểm của lạc dại
  • 2. Công dụng của cây lạc dại
  • 3. Cách trồng lạc dại

1. Đặc điểm của lạc dại

Lạc dại là một loài cây họ đậu lâu năm có nguồn gốc từ Mỹ-La Tinh. Lạc dại có lá và hoa như lạc ăn; thân bò sát mặt đất, ra rễ ở các đốt thân trên; củ nhỏ, thường chỉ có 1 hạt to bằng đậu tương; rễ cọc có thể hình thành từ các đốt và ăn sâu vào lòng đất. Rễ có nốt sần có khả năng cố định đạm từ nitơ khí trời rất tốt.

Lạc dại là loài cây cỏ họ đậu có nhiều công dụng

Lạc dại có khả năng chịu hạn tốt, chịu úng cao, có thể trồng được quanh năm, nhưng tốt nhất là mùa xuân và mùa thu với các tỉnh miền Bắc, mùa mưa với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.

2. Công dụng của cây lạc dại

Trong các phương pháp che phủ đất, việc trồng lạc dại được áp dụng nhiều bởi những ưu điểm mà nó mang lại như:

  • Khi cây ra hoa, đất được cung cấp một lượng đạm đáng kể, làm tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm bớt chi phí phân bón.
  • Hoa lạc dại vàng hấp dẫn được các loại côn trùng có ích (thiên địch) để hạn chế sâu hại trong vườn, làm tăng sự thụ phấn cho cây ăn quả.
  • Lạc dại lan rộng, che phủ đất mặt nhanh chóng giúp bảo vệ lớp đất mặt tối đa.
  • Vào mùa nắng, lạc dại giúp giữ ẩm cho đất cực tốt, hạn chế sự bốc hơi nước, giảm chi phí, công sức tưới nước.
  • Vào mùa mưa, lạc dại giúp đất mặt không bị xói mòn, rửa trôi dinh dưỡng, các chất hữu cơ và ổn định pH đất.
  • Lạc dại còn là ký sinh chủ của rệp sáp giúp chia sẻ áp lực cho cây trồng.
  • Lạc dại còn làm giàu quần thể vi sinh vật có ích, vi sinh vật đối kháng trong đất, giúp đất luôn màu mỡ, tơi xốp, cây trồng ít nhiễm nấm bệnh.

Ngoài ra thân cây lạc dại còn dùng làm cây phân xanh hay làm thức ăn cho gia súc. Lạc dại luôn luôn xanh tốt, ra hoa màu vàng quanh năm nên có thể trồng làm thảm trang trí ở các công viên, đường phố, công sở,… vừa có tác dụng tạo cảnh quan đẹp, vừa để bảo vệ môi trường sinh thái rất tốt.

Trồng lạc dại trong vườn cây ăn quả giúp bảo vệ và cải tạo đất

3. Cách trồng lạc dại

Chuẩn bị giống:

Cắt sát gốc khi cây đang ở giai đoạn bánh tẻ, lá bắt đầu chuyển sang màu hơi vàng, cao 30-40cm.

Chuẩn bị đất trồng:

Dùng cuốc xẻ rãnh sâu 10cm, hàng cách hàng 25 -30cm. Với những nơi đất dốc nên trồng theo đường đồng mức hoặc theo từng băng rộng, hẹp tùy địa hình để có tác dụng chống xói mòn cho đất. Trồng cách gốc cây ăn quả khoảng 30 – 50cm.

Trồng lạc dại đơn giản từ cành giâm

Trồng theo lối áp tường, mỗi cụm gồm 2-3 cành cách nhau 10-15cm. Lấp đất kỹ, dện chặt cho nhanh bén rễ, tưới nhẹ vừa đủ ẩm.

Chăm sóc:

Sau trồng 25 -30 ngày cây lạc bắt đầu bén rễ, nẩy chồi. Với những nơi trồng thuần thành đồng cỏ thì sau khoảng 3 – 4 tháng có thể cắt cây để làm giống nhân rộng ra hoặc làm phân xanh, làm thức ăn cho gia súc.

Đọc tiếp:

  • Các loại cỏ phải có trong vườn và cách quản lý chúng
  • Cải tạo đất bằng cỏ vetiver

Từ khóa » Trồng Cỏ Lạc Dại