Tru Di - Wiki Tiếng Việt - Du Học Trung Quốc

Hình phạt tru di được cho rằng khởi thủy từ triều Thương trong lịch sử Trung Quốc. Bấy giờ, hình phạt này được gọi là nhị điễn (劓殄), xử tử tội nhân cùng với con cái của họ. Sách Sử ký, thiên "Triệu thế gia", có chép vụ án Tru di thời Xuân Thu, khi viên quan nước Tấn là Đồ Ngạn Cổ được sự đồng ý của Tấn Cảnh công, đem quân tru diệt toàn bộ gia tộc công thần Triệu Sóc. Sự kiện này là nguyên mẫu để tác gia Kỷ Quân Tường thời nhà Nguyên sáng tác vở tạp kịch Con côi nhà họ Triệu nổi tiếng. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thì giai thoại này có lẽ là hư cấu.

Đến thời Tần, các hình phạt tru di trở nên nghiêm khắc hơn dưới thời Tần Thủy Hoàng, khi được mở rộng lên phạm vi "tam tộc" (3 dòng), "ngũ tộc" (5 dòng), "thất tộc" (7 dòng). Để duy trì quyền cai trị của mình, Tần Thủy Hoàng quy định những hành động lừa dối, bôi nhọ thiên tử và nghiên cứu những tác phẩm văn học bị cấm sẽ bị tru di. Sự gia tăng chuyên chế này đã đẩy nhanh quá trình diệt vong của nhà Tần. Dưới thời Hán, mặc dù vẫn kế thừa hình phạt tru di, nhưng đã ôn hòa hơn. Trong nhiều trường hợp, hoàng đế sẽ rút lại bản án, và vì vậy các vụ tru di hiếm hơn nhiều so với thời nhà Tần. Tuy nhiên, vào cuối thời Đông Hán, các vụ tru di xảy ra thường xuyên hơn do quyền lực của các hoàng đế phần lớn bị rơi vào tay quyền thần, nổi bật là hai vụ tru di Đổng Trác và Đổng Thừa là do các quyền thần Vương Doãn và Tào Tháo ra lệnh.

Đến thời Tùy, hình phạt này bị Tùy Văn đế phế trừ, nhưng sau Tùy Dạng đế lại cho khôi phục và mở rộng đến cả "cửu tộc" (9 dòng). Trong thời nhà Đường, hình phạt tru di chỉ được áp dụng cho những người âm mưu chống lại sự cai trị của Hoàng đế, đối tượng hành quyết là cha mẹ, trẻ em trên mười sáu tuổi và những người thân cận khác, và chỉ được áp dụng cho các tội phản quốc và nổi loạn.

Sang thời nhà Minh, các vụ tru di xảy ra nhiều hơn. Dưới thời Minh Thái Tổ, những người phạm tội phản quốc và nổi loạn sẽ bị tru di cùng với cha mẹ, ông bà, anh chị em của họ, con, cháu, những người sống chung với tội phạm không phân biệt quan hệ họ hàng, chú bác và con cái của anh chị em, cũng như cái chết cho chính những kẻ nổi loạn bằng cách xử lăng trì. Hoạn quan Lưu Cẩn, một thành viên thuộc nhóm Bát hổ, đã bị Minh Vũ Tông xử tử bằng hình thức này. Thậm chí, thời Minh Thành Tổ còn ra lệnh tru di đến "thập tộc" trong vụ án Văn Hiếu Nhụ, giết chết tổng cộng 873 người, không chỉ chín dòng gia tộc Phương Hiếu Nhụ, mà cả thân hữu, môn đồ của ông cũng vạ lây vì bị Minh Thành Tổ gộp lại cho thành dòng thứ 10.

Hình phạt tru di trong thời nhà Thanh là một sự bắt chước trực tiếp các quy định dưới thời nhà Minh. Hình phạt tàn khốc này chỉ được chính thức bãi bỏ vào năm 1905, cuối thời nhà Thanh.

Do ảnh hưởng đồng văn với Trung Hoa, trong lịch sử của các quốc gia Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, hình phạt tru di cũng được áp dụng trong các triều đình chuyên chế gây nên những vụ tàn sát thảm khốc nổi tiếng. Trong lịch sử Triều Tiên, hình phạt này được áp dụng dưới thời trị vì của Vua Chân Bình vương của Tân La (579-632) khi kẻ mưu phản Ichan Chilsuk (이찬 칠숙) cùng toàn bộ gia đình và người thân của ông ta bị hành quyết. Ngoài ra, vụ án Lệ Chi Viên trong lịch sử Việt Nam cũng chứng kiến cả nhà Nguyễn Trãi bị xử tội chết.

Có nhiều phán quyết đạo đức khác nhau liên quan đến hình phạt tru di trong thời cổ đại. Nó thường được coi là biểu tượng của phương pháp cai trị chuyên chế, trừng phạt bất công những thành viên vô tội trong gia đình chỉ vì tội của người trong họ. Giống như tất cả các hình thức tử hình tập thể, nó cũng nhằm mục đích răn đe đáng sợ đối với những tội ác nghiêm trọng nhất dưới thời phong kiến, thay vì chỉ là một hình thức trả thù.

Từ khóa » Tru Di Thập Tộc