Trụ Sở đường Dây đánh Bạc Có Phòng Làm Việc Của Cục Trưởng C50

Trụ sở đường dây đánh bạc có phòng làm việc của Cục trưởng C50 - Ảnh 1.

Nguyễn Văn Dương được dẫn giải tới tòa - Ảnh: NAM TRẦN

Sáng 19-11, phiên tòa xét xử 2 cựu tướng công an bảo kê đánh bạc chuyển sang thẩm vấn "ông trùm" thứ hai của đường dây này là Nguyễn Văn Dương - chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC).

Đứng trước bục khai báo, bị cáo Dương khai với giọng nhỏ đôi lúc ngắt quãng. Dương nói vì vụ việc cũng đã lâu nên có nhiều chi tiết không nhớ.

Nguyễn Văn Dương cho biết tôn trọng cáo trạng của VKS truy tố 2 tội danh tổ chức đánh bạc và rửa tiền. Dương cũng thừa nhận việc truy tố này là đúng.

Theo lời khai của ông trùm này, Dương quen Phan Sào Nam - nguyên giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến (VTC Online) từ năm 2015.

Liên quan đến những lời khai của Phan Sào Nam về hành vi phạm tội của Dương, bị cáo nói bị cách ly không được nghe từ đầu, khi tòa thông báo tóm tắt mới biết và Dương tôn trọng những lời khai đấy.

Nguyễn Văn Dương trả lời thẩm vấn

Đặt phòng làm việc theo đề nghị của ông Nguyễn Thanh Hóa

Khai về quá trình thành lập CNC, Dương cho biết người giới thiệu mình với Bộ Công an là ông Phạm Quý Ngọ, nguyên thứ trưởng.

"Thời điểm đó tôi làm doanh nghiệp về đầu tư. Trong một số lần trao đổi, anh Hóa (cựu cục trưởng C50) có nói với tôi là theo quyết định thành lập của C50, phải có công ty hóa trang chức năng để làm nghiệp vụ. Tôi với anh Hóa lên gặp chú Ngọ và được đồng ý", Dương khai.

Theo lời Dương, ông Hóa cho biết C50 có đề án xây dựng công ty bình phong để hoạt động kinh tế nghiệp vụ. "Trước đó bị cáo không có ý tưởng thành lập công ty này", Dương nói.

Dương cho biết do quá trình tạm giam quá lâu nên không nhớ hết những nội dung ghi trong thỏa thuận hợp tác giữa CNC với C50.

Trụ sở đường dây đánh bạc có phòng làm việc của Cục trưởng C50 - Ảnh 3.

Nguyễn Văn Dương trả lời thẩm vấn sáng 19-11 - Ảnh: NAM TRẦN

Tuy nhiên Dương khẳng định bản thân mình và ông Hóa là đại diện giữa 2 bên ký hợp tác. CNC ngoài những hoạt động kinh tế thông thường thì còn hoạt động hóa trang trinh sát phục vụ công tác phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Sau khi ký hợp tác, với C50, công ty chúng tôi cũng đã nỗ lực tham gia vào các hoạt động trinh sát tìm hiểu, nắm bắt tội phạm công nghệ cao. Có nhiều báo cáo trong hồ sơ vụ án thể hiện có báo cáo về phòng chống tội phạm nói chung.

"Sau khi ký, bên Bộ Công an ai là người giám sát", nữ chủ tọa hỏi.

"Giám sát của C50 thời điểm đó là anh Nguyễn Thanh Hóa. Quá trình hoạt động, từ 2011-2015, mỗi tháng, quý, năm tôi đều có báo cáo. C50 vẫn cử người xuống kiểm tra. Trụ sở lúc đầu chúng tôi thuê bên ngoài.

Năm 2012 thuê trụ sở tại số 10 Hồ Giám. Tôi được biết trụ sở này trước là của Tổng cục Chính trị Bộ Công an, sau này tôi được nghe là bàn giao lại cho Tổng cục Cảnh sát. Cục Chính trị hậu cần và Tổng cục Cảnh sát là bên cho thuê", Dương khai.

"Ai đề xuất cho CNC chuyển về đó?", tòa truy.

"Công ty có đề xuất với C50, đó là lãnh đạo cục. Tôi nhớ không nhầm là anh Dũng - cục phó. Về trụ sở cũng không khó khăn gì. Tôi có báo cáo anh Hóa cần có trụ sở làm việc, cũng như có trụ sở để cho cán bộ cục tham gia", Dương khai.

Theo lời Dương, tại trụ sở CNC sau khi chuyển về số 10 Hồ Giám ban đầu dành tầng một cho cán bộ cục C50. Tại đây còn có phòng treo biển tên cục trưởng C50 theo lời đề nghị của ông Hóa.

"Treo biển hiệu tên của bị cáo Hóa ở tầng 2, có phòng làm việc, nhưng chỉ thời gian ngắn khoảng 1 tháng thôi", Dương khai.

Trụ sở đường dây đánh bạc có phòng làm việc của Cục trưởng C50 - Ảnh 4.

Cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa - Ảnh: NAM TRẦN

Công ty nghiệp vụ của C50?

Ông trùm đường dây đánh bạc cho biết từ đầu 2015 CNC được Bộ Công an có quyết định chính thức công nhận là công ty nghiệp vụ của C50.

Dương xác nhận nội dung trong cáo trạng truy tố những hành vi bị cáo cùng Phan Sào nam vận hành game bài Rikvip là đúng.

Liên quan đến quá trình vận hành game cờ bạc, Dương cho biết được cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông cấp phép.

Tòa đặt nhiều câu hỏi về việc game bài hoạt động cấp phép, Dương vòng vo và trả lời "đang xin cấp phép". Đầu năm 2016, Tổng cục Cảnh sát và C50 đồng ý cho việc gửi văn bản sang Bộ Thông tin và truyền thông xin cấp phép.

Dương còn khai ngay sau ký hợp tác với Phan Sào nam vận hành game bài Rikvip, Dương đã báo cáo với ông Nguyễn Thanh Hóa.

- "Đến thời gian nào bị cáo đề nghị bị cáo Hóa làm thủ tục xin cấp phép", chủ tọa hỏi

- "Từ năm 2016", Dương vừa trả lời thì chủ tọa ngắt lời và cho biết: "Thực tế, hệ thống game bài này vận hành từ tháng 4-2015".

Nghe vậy, Dương cúi đầu xác nhận đúng.

Theo lời khai của Dương, ngoài ông Hóa, bị cáo này có cho ông Võ Tuấn Dũng - phó cục trưởng C50 biết về việc CNC ký hợp đồng với VTC Online vận hành game cờ bạc.

Tôi không nhờ ai can thiệp

Cũng giống như thẩm vấn Phan Sào Nam, chủ tọa đặt nhiều câu hỏi với Nguyễn Văn Dương về việc PC50 (Công an Hà Nội) và một số cơ quan chức năng đã từng kiểm tra game bài Rikvip mà không bị xử lý gì.

“Bị cáo nhớ là chỗ PC50, anh Nam có nói với tôi. Tôi thấy có lẽ là PC50 biết là công ty nghiệp vụ nên không thấy kiểm tra gì nữa. Tôi không nhờ ai can thiệp”, Dương nói.

Sau lời khai trên, HĐXX công công bố một số lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam.

Theo khai của bị cáo Nam tại cơ quan điều tra được toà công bố tại toà, trong đó có nội dung về việc VTC Online từng bị PC50 kiểm tra. Dương đã gọi báo cáo ông Nguyễn Thanh Hóa việc này. Sau đó, anh ta thấy VTC không bị xử lý gì.

“Bị cáo giải thích tại sao lời khai ở cơ quan điều tra với nay là khác?” - tòa hỏi

Dương giải thích do tạm giam lâu không nhớ và xác nhận những lời khai tòa vừa công bố là đúng. “Những gì tôi khai là đúng sự thật, mong HĐXX xem xét”.

Về cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh, bị cáo Dương khai có thể ông Vĩnh không biết CNC hợp tác với VTC Online phát hành game bài. Mọi văn bản liên quan là do C50 trình lên và ông Vĩnh ký.

"Tiền bẩn" đầu tư BOT?

Nhắc đến tội rửa tiền, Dương im lặng một lúc rồi nói "rất ngạc nhiên, ngỡ ngàng". Ở thời điểm biến tiền "bẩn" từ đường dây đánh bạc thành tiền sạch, Dương khai do không nhận thức được hành vi.

"Tôi là nhà kinh doanh hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Có tiền ở hoạt động này, tôi tiếp tục đầu tư hoạt động khác. Thời điểm BOT Bắc Giang, hoạt động này rất được khuyến khích nên tôi thực hiện", ông trùm đường dây cờ bạc giải thích.

Dương khai không sử dụng tiền từ đường dây đánh bạc đầu tư vào công ty UDIC và đầu tư vào BOT Bắc Giang. Tuy nhiên Dương lại thừa nhận mình không chứng minh được sử dụng các nguồn tiền khác đầu tư vào UDIC và BOT Bắc Giang mà cho rằng mình có nhiều nguồn tiền khác.

Khi tòa đặt nhiều câu hỏi truy vấn hành vi rửa tiền thì Dương lại thừa nhận có khoảng 20 tỉ từ đường dây đánh bạc đầu tư nâng vốn cho UDIC.

Về việc nộp lại rất ít số tiền trong tổng số hưởng lợi từ đường dây đánh bạc, Dương giải thích: "Do đầu tư rất nhiều, đến nay tôi không nắm được hết".

Trả lời câu hỏi của đại diện VKS về những văn bản cơ quan điều tra thu giữ được khi khám xét nhà, nơi làm việc, bị cáo Dương khai những văn bản này liên quan đến hoạt động của công ty và được phòng tham mưu của C50, được ông Hóa đưa cho.

Đại diện VKS nhắc lại lời khai của Phan Sào Nam về việc khi PC50 tới làm việc thì Dương đã nhờ người can thiệp. "Bị cáo gọi ai", đại diện VKS truy vấn.

"Tôi có báo cáo anh Hóa, có thể anh Hóa nói với PC50 đây là công ty của Cục", Dương khai.

C50 có ý định tuyển Nguyễn Văn Dương vào ngành?

Tham gia thẩm vấn bị cáo Nguyễn Văn Dương, luật sư Trần Hồng Phúc đặt câu hỏi về việc C50 có kế hoạch tuyển bị cáo Dương vào ngành công an? Bị cáo Dương xác nhận việc này là đúng.

Về mục đích tuyển dụng, Dương khai: “Cái này là chủ trương đã được phê duyệt của lãnh đạo Bộ Công an thời điểm đó để phát triển công ty nghiệp vụ lâu dài của công an phòng chống tội phạm công nghệ cao”.

Dương cũng khai trong quá trình hợp tác với hoạt động của VTC Online thường xuyên báo cáo các cán bộ của C50 về tình trạng hoạt động các game khác trên thị trường. Tuy nhiên khi đó lãnh đạo C50 trả lời Dương rằng chế tài xử lý còn bất cập. Do vậy Dương thấy rằng cần xin cấp phép cho hoạt động game bài Rikvip và báo cáo C50 để báo cáo cấp trên.

Nguyễn Văn Dương từ chối nhắc việc biếu tiền tỉ cho 2 cựu tướng

Lý giải việc thỏa thuận C50 sẽ được hưởng 20% lợi nhuận mặc dù không góp gì vào CNC, Nguyễn Văn Dương nói khi được nguyên thứ trưởng Bộ Công an giới thiệu nên “mong muốn được cống hiến", dù C50 không góp vốn thì Dương vẫn muốn thực hiện.

Theo Dương, bị cáo này có những hỗ trợ đời sống cán bộ chiến sĩ, hoạt động xã hội khác và phối hợp phục vụ hoạt động trinh sát phòng chống tội phạm nên Tổng cục Cảnh sát có thư cảm ơn.

Bị cáo Dương còn cho rằng bản thân không nghĩ doanh thu từ game bài lớn hàng ngàn tỉ, nhiều người chơi bị thiệt hại như thế, sau khi bị cơ quan điều tra bắt tạm giam thì mới biết.

“Nhiều người chơi đã phải bán nhà bán cửa, tôi thấy hành vi của mình vô cùng nghiêm trọng trong vụ án này. Đối với nhân viên của CNC, tôi xin nhận trách nhiệm thay, vì họ chỉ thực hiện theo chỉ đạo của tôi. Tôi xin HĐXX miễn trách nhiệm cho họ”, Dương nói.

Nhắc đến những “con bạc” đã phải bán nhà bán cửa, thậm chí có người mất đi cả hạnh phúc gia đình, Dương ngập ngừng một lúc rồi nói: “Tôi rất ân hận vì hành vi của mình đã làm mất mát lớn lao cho họ. Xin HĐXX xem xét, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người chơi”.

Khi tòa truy về những khoản tiền, quà cáp đã biếu 2 cựu tướng Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, Dương nói bị tạm giam quá lâu nên sợ khai chi tiết sẽ không đúng và đề nghị HĐXX xem xét lại lời khai của vụ án. Dương không muốn nhắc những khoản tiền, món quà đã biếu 2 cựu tướng công an.

Theo cáo trạng, Dương tự thú đã cho Phan Văn Vĩnh 1 đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, 27 tỉ đồng, 1.750.000 USD, 1 chiếc áo sơ mi, 1 lọ thuốc bổ gan. Ngoài cho ông Vĩnh, Dương còn khai cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm 700 triệu đồng, 1 phần mềm diệt virut trị giá 30.000 USD.

Đối với ông Nguyễn Thanh Hóa, Dương khai cho cựu Cục trưởng C50 22 tỉ đồng. Đến nay, cơ quan điều tra đã chứng minh việc Dương cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm 700 triệu đồng, 1 bộ phần mềm diệt virut trị giá 30.000 USD là có thật. Còn việc cho Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tiền, tài sản thì chưa làm rõ được nên tách ra, khi nào làm rõ sẽ xử lý sau.

Trùm đường dây đánh bạc khai hối lộ 2 cựu tướng công an hàng chục tỉ Trùm đường dây đánh bạc khai hối lộ 2 cựu tướng công an hàng chục tỉ

TTO - Nguyễn Văn Dương khai đã biếu cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh đồng hồ Rolex 7.000 USD, 27 tỉ đồng, cho cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hoá 22 tỉ và nhiều món quà trị giá khác.

Từ khóa » Tổng Cục C50