Trung Tâm Dịch Vụ Nông Nghiệp Tỉnh Long An > Tài Liệu Kỹ Thuật ...
Có thể bạn quan tâm
Kỹ thuật nuôi tôm nước lợ gồm 3 phần: Phần 1. Đặc điểm sinh học; Phần 2. Kỹ thuật nuôi tôm nước lợ; Phần 3. Một số bệnh thường gặp trên tôm và biện pháp phòng trị
PHẦN 1. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC
1. TÔM SÚ (Penaeus monodon)
Trong tự nhiên, tôm sú sinh sản quanh năm, tuy nhiên tập trung vào hai thời kỳ chính: tháng 3 - 4 và tháng 7 - 10. Tôm sú có tập tính ăn tạp thiên về động vật, thức ăn ưa thích là các loài giáp xác sống đáy, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, giun nhiều tơ và các loại ấu trùng của động vật đáy. Thức ăn được sử dụng để nuôi tôm thâm canh là thức ăn viên chế biến công nghiệp và vẫn tăng trọng tương đối nhanh, có thể đạt từ 30 - 50 g/con sau khoảng 4 tháng nuôi.
Tôm sú có thể sống trong môi trường có độ mặn từ 0 - 38o/oo, thích hợp nhất trong phạm vi độ mặn 5 - 25o/oo. Các yếu tố môi trường thích hợp khác bao gồm: độ pH 7,5 - 8,5; độ kiềm 80 - 120 mg/l; nhiệt độ nước 25 - 30oC; hàm lượng oxy hòa tan 4 - 7 mg/l; hàm lượng H2S hòa tan < 0,02 mg/l; hàm lượng NH3 hòa tan < 0,1 mg/l.
2. TÔM THẺ CHÂN TRẮNG (Penaeus vannamei)
Tôm thẻ chân trắng có tập tính ăn tạp, bao gồm thức ăn có nguồn gốc động vật hoặc thực vật kể cả cặn bã chất hữu cơ. Tỷ lệ đạm (protein) trong thức ăn của tôm thẻ chân trắng khoảng 35%, thấp hơn so với tôm sú (40%); tuy nhiên tôm thẻ chân trắng có tốc độ tăng trưởng cao hơn tôm sú và tôm cái thường lớn nhanh hơn tôm đực. Tôm có đặc điểm thành thục sớm, con cái có thể sinh sản khi đạt trọng lượng khoảng 30 - 45g với khả năng đẻ 100.000 - 250.000 trứng/đợt. Thời gian giữa 2 lần đẻ cách nhau khoảng 20 - 30 ngày.
Ở vùng biển, tôm thẻ chân trắng thích sống tầng đáy. chúng có thể sống ở độ mặn từ 5 - 50 ‰, thích hợp nhất là 28 - 34‰, pH 7,8 - 8,3, nhiệt độ thích hợp 25 - 32ºC, hàm lượng oxy hòa tan ≥ 6 mg/l, độ kiềm từ 120 -150 mg/l.
PHẦN II. KỸ THUẬT NUÔI TÔM NƯỚC LỢ
1. XÂY DỰNG VÀ XỬ LÝ AO NUÔI
1.1. Vị trí ao nuôi
Vị trí ao nuôi cần đảm bảo có nguồn nước cấp chất lượng tốt và đầy đủ, không bị ảnh hưởng bởi các tác động gây ô nhiễm như nhà vệ sinh, trại chăn nuôi, nguồn thải của khu công nghiệp (hóa chất, thực phẩm,...), bệnh viện. Đồng thời, vị trí ao cần thuận lợi về giao thông; có hệ thống nước cấp, thoát riêng biệt; ao lắng, ao chứa, ao nuôi không bị rò rỉ, thẩm thấu, sạt lở và cần có ao chứa bùn, nhà vệ sinh, nhà ở cho người chăm sóc.
1.2. Xử lý ao nuôi, ao lắng
Quy trình xử lý ao nuôi, ao lắng cần thực hiện qua 4 bước như sau:
- Bước 1: Tháo cạn nước ao nuôi và ao lắng. Loại bỏ các loài địch hại có trong ao như tôm, cua, ốc, côn trùng, cá tạp. Vét bùn đáy ao, tu sửa bờ, các cống cấp nước, thoát nước. San đáy ao dốc về phía cống thoát. Đầm nén kỹ bờ ao hoặc lót bạt để chống xói lở và hạn chế rò rỉ. Rào lưới quanh ao để tránh các loài ký chủ trung gian gây bệnh từ bên ngoài như cua, còng, rắn.
- Bước 2: Rải vôi bột (vôi nung) đều khắp đáy ao với liều lượng 20 - 30 kg/100 m2 nếu pH đất > 4; 30 - 40 kg/100 m2 nếu pH đất ≤ 4.
Rải vôi xử lý nền đáy
- Bước 3: Bừa kỹ đáy ao để vôi ngấm vào đất nhằm diệt triệt để các loại tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp còn sót lại, diệt khuẩn trong bùn, giải độc (kim loại nặng, H2S) và nâng cao độ pH. Nếu lót bạt đáy ao thì chỉ cần vệ sinh khử trùng.
- Bước 4: Phơi đáy ao khoảng 5 - 7 ngày.
1.3. Xử lý nước cho ao lắng, ao nuôi
Quy trình xử lý nước cần thực hiện qua 4 bước như sau:
- Bước 1: Nước lấy vào ao lắng phải qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ rác, ấu trùng, tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp. Sau đó để lắng khoảng 3 - 4 ngày.
- Bước 2: Diệt tạp, diệt khuẩn nước trong ao lắng vào buổi sáng (8 giờ) hoặc buổi chiều (16 giờ) bằng Chlorine với liều lượng 30 kg/1.000 m3 nước hoặc sử dụng các chất diệt tạp, diệt khuẩn khác có trong danh mục hóa chất ngành thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.
- Bước 3: Vận hành quạt nước liên tục trong 10 ngày để phân hủy dư lượng chất sát trùng.
- Bước 4: Cấp nước từ ao lắng vào ao nuôi. Nơi cống cấp nước cần đặt túi lọc bằng vải dày. Mực nước cấp vào ao nuôi thích hợp từ 1,3 - 1,5 m. Sau khi cấp nước, cần để lắng ít nhất là 2 ngày.
Lấy nước vào ao lắng qua lưới lọc
1.4. Gây màu nước
Sau khi lấy nước vào ao nuôi được 2 ngày có thể tiến hành gây màu nước bằng 2 cách sau:
* Cách 1: Sử dụng hỗn hợp cám ủ gồm: cám gạo, bột đậu nành, bột cá phối trộn theo tỷ lệ 2:2:1. Hỗn hợp này được nấu chín rồi ủ trong khoảng 2 - 3 ngày.
Vào khoảng 7 - 8 giờ sáng, bón vôi đen Dolomite (CaMg(CO3)2) hoặc vôi nông nghiệp (CaCO3) với liều lượng 20 kg/1.000 m3 nước, đến khoảng 10 - 12 giờ trưa cùng ngày bón hỗn hợp cám đã ủ với liều lượng 3 - 4 kg/1.000 m3 nước.
Lặp lại công việc bón vôi và làm hỗn hợp cám ủ như trên liên tục trong 3 - 5 ngày đến khi độ trong của nước trong ao đạt 30 - 40 cm.
* Cách 2: Sử dụng hỗn hợp mật đường + cám gạo + bột đậu nành với tỷ lệ phối trộn 3:1:3, ủ trong khoảng12 giờ.
Vào khoảng lúc 9 - 10 giờ sáng, tạt đều vào ao hỗn hợp mật đường + cám gạo + bột đậu nành đã ủ với liều lượng 2 - 3 kg/1.000 m3 nước, tạt liên tục trong 3 ngày đến khi màu nước trong ao chuyển sang màu của tảo khuê (vàng hay nâu nhạt) hay màu xanh vỏ đậu là đạt yêu cầu thả giống.
Ngoài 2 cách trên, có thể gây màu nước bằng các chế phẩm sinh học có bán sẵn và cần lưu ý thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
2. CHỌN GIỐNG VÀ THẢ GIỐNG
2.1. Chọn giống
Chỉ nên chọn mua tôm giống của các cơ sở cung cấp giống có uy tín. Cỡ giống thích hợp đối với tôm sú tối thiểu Postlarve 15 (P15) tương ứng chiều dài 12 mm, tôm thẻ chân trắng tối thiểu Postlarve 12 (P12) tương ứng chiều dài 9 - 11 mm .
2.2. Thả giống
Đối với tôm sú, nếu nuôi thâm canh có thể thả mật độ > 25 con/m2; nếu nuôi bán thâm canh nên thả mật độ 10 - 25 con/m2, quảng canh cải tiến < 10 con/m2.
Đối với tôm thẻ chân trắng, nếu nuôi thâm canh có thể thả mật độ > 60 con/m2, nếu nuôi bán thâm canh nên thả mật độ thưa khoảng 30 - 60 con/m2, quảng canh cải tiến < 30 con/m2.
Thả giống ra môi trường ao nuôi
Nên thả giống vào sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả giống cần chạy quạt nước từ 8 - 12 giờ để đảm bảo lượng oxy hòa tan trong ao lớn hơn 4 mg/l đối với tôm sú và lớn hơn 6 mg/l đối với tôm thẻ chân trắng. Để tránh cho tôm bị sốc nhiệt (sốc do thay đổi nhiệt độ đột ngột trong bao chứa giống và nhiệt độ nước ao) bằng cách thả nổi bao chứa tôm giống trên mặt ao 15 phút, sau đó mở miệng bao và cho nước từ từ vào đầy bao, từ từ dốc ngược bao để tôm giống theo nước ra ngoài.
3. THỨC ĂN VÀ CÁCH CHO ĂN
3.1. Thức ăn
Thức ăn nuôi tôm rất quan trọng do quyết định đến sự tăng trưởng của tôm và hiệu quả kinh tế. Do đó, cần lựa chọn loại thức ăn công nghiệp có thành phần dinh dưỡng thích hợp, chất lượng tốt, cụ thể cần đảm bảo có hàm lượng protein từ 32 - 38% đối với tôm thẻ chân trắng và từ 38 - 42% đối với tôm sú. Thức ăn tốt sẽ giúp cho hệ số chuyển hóa thức ăn thấp, đối với tôm thẻ chân trắng hệ số chuyển hóa thức ăn là ≤ 1.3 và đối với tôm sú là ≤ 1.5.
Trong quá trình cho ăn, cần thường xuyên theo dõi tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng của tôm trên từng ao nuôi để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, tránh dư thừa vừa làm tăng chi phí, vừa gây nhiễm bẩn môi trường nước.
3.2. Cách cho ăn
Về cơ bản, nên bố trí 3 lần cho ăn trong ngày.
Sàng ăn cần đặt ở nơi bằng phẳng, cách bờ ao từ 1,5 - 2 m và đặt sau cánh quạt nước 12 - 15 m, không nên đặt ở các góc ao, cứ khoảng 1.600 - 2.000 m2 ao đặt 1 sàng.
Đối với tôm sú, ngày đầu tiên sau khi thả giống cho ăn khoảng 1,2 - 1,5 kg thức ăn/100.000 con, sau đó cứ 2 ngày tăng 0,2 - 0,3 kg/100.000 con.
Đối với tôm thẻ chân trắng, ngày đầu tiên cho ăn 2,8 - 3 kg/100.000 con. Trong 10 ngày đầu tiên, cứ 1 ngày tăng 0,4 kg/100.000 con. Từ ngày thứ 10 - 20, cứ 1 ngày tăng 0,5 kg/100.000 con.
Sau 15 ngày kể từ ngày thả giống có thể sử dụng các chế phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất theo hướng dẫn cụ thể của nơi sản xuất để tăng cường sức đề kháng cho tôm.
Từ tháng nuôi thứ hai đến khi thu hoạch, lượng thức ăn trong ngày được điều chỉnh qua theo dõi lượng thức ăn trên sàng ăn. Trong quá trình nuôi có sự chuyển đổi loại thức ăn phù hợp theo giai đoạn phát triển, cỡ miệng tôm; tuy nhiên cần lưu ý khi đổi thức ăn, nên trộn 2 loại thức ăn cũ và mới chung với nhau cho ăn ít nhất trong 3 ngày rồi mới chuyển hẳn sang thức ăn mới.
Thực hiện kiểm tra thức ăn hằng ngày, cụ thể: Giai đoạn tôm 21 - 60 ngày tuổi, cách khoảng 2 - 2,5 giờ cần kiểm tra sàng ăn; giai đoạn 61 - 90 ngày, cách khoảng 1,5 - 2 giờ kiểm tra sàng; giai đoạn trên 90 ngày tuổi, cách khoảng 1 - 1,5 giờ kiểm tra sàng. Nếu tôm ăn hết thì tăng 5% lượng thức ăn ở lần cho ăn kế tiếp; nếu thức ăn dư khoảng 10% so với tổng lượng thức ăn đã cho ăn thì vẫn giữ nguyên số lượng thức ăn ở lần cho ăn kế tiếp; nếu dư từ 11 - 25% thì giảm 10% lượng thức ăn ở lần sau; nếu dư khoảng 26 - 50% thì giảm 30% và nếu thức ăn dư quá nhiều trên 50% thì ngưng cho ăn lần sau.
Giá trị của một số chất dinh dưỡng phổ biến dùng bổ sung trong thức ăn
Chế phẩm | Thành phần | Công dụng | Liều dùng |
Vitamin C | Vitamin C | Tăng sức đề kháng, ngăn ngừa hiện tượng tôm bị sốc khi các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột | Trộn 3 - 5 gram vitamin C/kg thức ăn, cho ăn liên tục từ khi thả nuôi cho đến thu hoạch |
C-E Cream | Hỗn hợp vitamin E và C | Tăng sức đề kháng, ngăn ngừa hiện tượng tôm bị sốc khi các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột | Trộn 5 - 10 gram/kg thức ăn |
Betamin | Tổng hợp nhiều loại vitamin và khoáng chất | Giúp tôm lột xác và tăng sức đề kháng | Trộn 15 - 20 gram/kg thức ăn |
Canxiphos | Tổng hợp các loại khoáng chất (Ca, P, Na, Mn, Mg, Cu, Co, Zn...) | Trộn 5 ml/kg thức ăn | |
Mutant-P | Tổng hợp nhiều loại khoáng và vitamin | Ổn định tiêu hóa, tăng sức đề kháng, giúp tôm lột xác | Trộn 5 - 10 gram/kg thức ăn |
Dầu mực | Tổng hợp nhiều loại vitamin và một số chất có lợi | Bổ sung Cholesterol, các acid béo và các loại vitamin thiết yếu giúp tăng sức đề kháng, kích thích tiêu hóa, lột xác. | Trộn 10 - 15 ml/kg thức ăn |
Kiểm tra thức ăn dư tại sàng ăn
4. Kiểm soát các yếu tố môi trường ao nuôi
Các yếu tố môi trường nước nuôi cần kiểm tra và có biện pháp xử lý như sau:
4.1. Độ pH
Hàng ngày, kiểm tra pH nếu thấp hơn 7,5 cần bón vôi (CaCO3, Dolomite) với lượng 10 - 20 kg/1.000 m3 nước, gây tảo để giữ màu nước thích hợp và có độ trong đạt từ 30 - 40 cm; nếu pH cao hơn 8,5 cần sử dụng mật đường với liều lượng 3 kg/1.000 m3 nước kết hợp với sử dụng vi sinh hoặc dùng acid acetic 3 lít/1.000 m3 ao. Nên định kỳ bón vôi nông nghiệp CaCO3 10 ngày/lần vào lúc 8 - 9 giờ tối với liều lượng 10 - 20 kg/1.000 m3.
4.2. Độ kiềm
Định kỳ 3 - 5 ngày tiến hành đo độ kiềm 1 lần. Nếu độ kiềm thấp dưới 80 mg/lít, sử dụng Dolomite với liều lượng 15 - 20 kg/1.000 m3 nước ao tạt vào ban đêm cho đến khi độ kiềm đạt yêu cầu thích hợp đối với từng loại tôm. Nếu độ kiềm cao trên 180 mg/lít, sử dụng EDTA 2 - 3 kg/1.000 m3 nước ao tạt vào ban đêm.
4.3. Độ trong
Khi tảo trong ao phát triển mạnh, màu nước thay đổi, pH dao động trong ngày lớn hơn 0,5 nên thực hiện các biện pháp: Thay tối thiểu 30% lượng nước trong ao; hòa tan 2 - 3 kg đường cát/1.000 m2 mặt nước và tạt đều vào lúc 9 - 10 giờ sáng; chạy cánh quạt, sục khí liên tục trong vài giờ.
4.4. Nhiệt độ
- Khi nhiệt độ nước ao tăng trên 34oC cần áp dụng các biện pháp sau: Giảm thức ăn, bổ sung vitamin C (trộn vào thức ăn), tăng thời gian chạy quạt nước, sục khí.
- Khi nhiệt độ nước ao giảm xuống dưới 24oC, có hiện tượng tôm vùi đầu, phải giảm thức ăn; bổ sung các chế phẩm giúp tôm tăng sức đề kháng; hạn chế lấy nước vào ao, khi cần thiết thì lấy nước vào ao lắng rồi xử lý Chlorine với liều 30 kg/1.000 m3, chạy quạt liên tục cho đến khi hết dư lượng Chlorine thì bơm nước vào ao nuôi qua túi lọc.
6. Quản lý sức khỏe tôm
Cần thường xuyên kiểm tra tình hình sức khỏe và các dấu hiệu bệnh trong suốt quá trình nuôi. Ngoài quan sát, cần lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán chính xác. Trong đó cần tuân thủ các yêu cầu sau:
Kiểm tra tôm hằng ngày
- Tuân thủ quy trình xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi.
- Loại bỏ triệt để tôm chết, tôm bệnh và cách ly ao có tôm bệnh.
- Thực hiện đúng và đầy đủ các hướng dẫn của nhân viên quản lý và kỹ thuật chuyên ngành thú y thủy sản.
7. THU HOẠCH
- Thời điểm thu hoạch thích hợp đối với tôm thẻ chân trắng là sau 90 ngày thả nuôi, cỡ tôm đạt dưới 60 con/kg; với tôm sú là 100 - 120 ngày, đạt dưới 40 con/kg. Cách thu hoạch tùy thuộc vào điều kiện từng vùng, có thể thu trực tiếp qua cống hay bơm hoặc xả cạn bớt nước và kéo lưới, tuy nhiên nguyên tắc chung là thời gian thu hoạch tôm cần tập trung càng ngắn càng tốt.
Kéo lưới để thu hoạch tôm
- Cần xác định ngày thu hoạch để thực hiện yêu cầu ngưng sử dụng thuốc, hóa chất theo quy định để đảm bảo không tồn dư chất kháng sinh, hóa chất gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuyệt đối không dùng kháng sinh, hóa chất để bảo quản tôm sau khi thu hoạch.
- Địa điểm thu tôm, dụng cụ chứa, phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh. Nước đá bảo quản tôm được mua tại cơ sở có chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiệt độ trong quá trình vận chuyển và bảo quản phải thấp hơn 4oC.
- Sau khi thu hoạch phải thực hiện nghiêm ngặt quá trình sát trùng ao nuôi và tạm ngừng nuôi giữa hai vụ nuôi ít nhất 30 ngày.
(Còn tiếp)
Từ khóa » Tôm Sú 40 Ngày Tuổi
-
TÔM SÚ MONA 30 NGÀY TUỔI TẠI FARM OPS TIỀN GIANG I Trần ...
-
MÔ HÌNH KIN 68 - Tôm 40 Ngày Tuổi, Size 160 Con, ăn 185 Kg Ngày
-
Cách Khắc Phục Tôm Sú 40 Ngày Tuổi Bị đứt Râu, Lớn Không đồng đều?
-
Quy Trình Kỹ Thuật Nuôi Tôm Sú Cải Tiến đem đến Thành Công Cho Các ...
-
KỶ THUẬT NUÔI TÔM SÚ THƯƠNG PHẨM
-
KỸ THUẬT NUÔI TÔM SÚ CÔNG NGHIỆP | Hoạt động
-
Kỹ Thuật Nuôi Tôm Sú Thương Phẩm đạt Chuẩn VietGAP (Phần 2)
-
Kỹ Thuật Nuôi Ghép Tôm Sú Với Cá Dìa Trong Ao
-
Một Số Bệnh ở Tôm Sú Và Phương Pháp Xử Lý (Phần 2)
-
MỘT SỐ BỆNH PHỔ BIẾN TRÊN TÔM NUÔI - Viện LOCI
-
[DOC] 139. KỸ THUẬT NUÔI TÔM THẺ CHÂN TRẮNG 139.1. ĐIỀU KIỆN ...
-
[DOC] Kỹ Thuật Nuôi Tôm Sú - Sở Khoa Học Và Công Nghệ
-
Thời Tiết Bất Lợi Gây Thiệt Hại Hơn 1.000 Ha Tôm Nuôi