Trung Tâm Văn Hóa Nghệ Thuật Tỉnh

I. Vị trí, chức năng của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật

1. Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật có tư cách pháp nhân, có trụ sở riêng, có con dấu và tài khoản riêng. Chịu sự chỉ đạo, quản lý của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (sau đây gọi tắt là Giám đốc Sở), đồng thời chịu sự chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị chuyên môn nghiệp vụ thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật có chức năng nghiên cứu, thể nghiệm các mẫu hình, phương pháp và hình thức hoạt động văn hóa ở cơ sở; tổ chức hoạt động văn hóa tổng hợp phục vụ các sự kiện, kinh tế, văn hóa, xã hội; tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, giải trí, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của quần chúng nhân dân; xây dựng và thực hiện các chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp thể loại dân gian, dân tộc và đương đại nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân phù hợp với đặc điểm, yêu cầu xây dựng và phát triển của địa phương về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, công tác đối ngoại và phù hợp với quy hoạch của ngành, phối hợp với các thành phần kinh tế thực hiện công tác xã hội hóa trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp…

II. Nhiệm vụ và quyền hạn của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật

1. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị trình Giám đốc Sở phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình kế hoạch.

2. Tổ chức các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị thông qua các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan, hoạt động văn hóa nghệ thuật và điện ảnh.

3. Cụ thể hóa các tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Cục Văn hóa cơ sở phù hợp với tình hình địa phương. Biên soạn các chương trình, tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về nội dung tuyên truyền cổ động, triển lãm và các chương trình văn hóa - nghệ thuật, các câu lạc bộ, nhóm sở thích.

4. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa các cấp trên địa bàn của tỉnh; thực hiện liên kết với các cơ sở đào tạo để tổ chức các khóa đào tạo chuyên ngành theo nhu cầu thực tế tại địa phương.

5. Khai thác, kế thừa phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tổ chức các lễ hội truyền thống và hiện đại; Tổ chức hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, hội thi hoạt động tuyên truyền cổ động, thi sáng tác tranh cổ động, cụm pano cổ động; phát hành tài liệu tuyên truyền, tranh cổ động, tin ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn tỉnh.

6. Tổ chức khảo sát, tham quan, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, giao lưu văn hóa, văn nghệ quần chúng với các đơn vị có liên quan trong và ngoài tỉnh.

7. Thực hiện một số dịch vụ văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền, triển lãm, quảng cáo, vui chơi giải trí nhằm khai thác cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng của đơn vị. Liên kết với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của đơn vị. Từng bước thực hiện cơ chế tự chủ theo qui định.

8. Xây dựng, hướng dẫn, duy trì hoạt động của Đội tuyên truyền lưu động của tỉnh, các đội văn nghệ quần chúng, nhóm sở thích, câu lạc bộ và các hình thức hoạt động văn hóa, dịch vụ tại chỗ hoặc lưu động để trực tiếp tuyên truyền đến quần chúng ở cơ sở nhằm định hướng nâng cao trình độ cảm thụ văn hóa nghệ thuật và đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

9. Xây dựng và lưu trữ các hình ảnh, phim tư liệu về hoạt động của ngành; tổ chức chiếu phim lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ các đối tượng chính sách, xã hội và nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định; quay phim thu thập tư liệu, thực hiện phóng sự phục vụ công tác chuyên môn của ngành và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương; thực hiện in sang các loại băng, đĩa và phát hành theo quy định của pháp luật.

10. Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm hình ảnh chuyên đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, ảnh nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân.

11. Tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn quần chúng và chuyên nghiệp cấp khu vực và toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

12. Tổ chức sáng tác, dàn dựng, các chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ các đoàn khách đến thăm và làm việc tại các địa phương trong tỉnh.

13. Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định; thực hiện báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất về tình hình hoạt động của đơn vị theo quy định.

14. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, thực hiện chính sách, chế độ đối với viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và các nguồn lực khác được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý.

15. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở phân công theo quy định.

III. Tổ chức và biên chế của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật

1. Cơ cấu tổ chức

a) Lãnh đạo đơn vị:

- Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc;

- Giám đốc là người đứng đầu Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, làm việc theo chế độ thủ trưởng, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của đơn vị. Giám đốc có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chế làm việc của đơn vị; phân công nhiệm vụ, bố trí viên chức theo cơ cấu, chức danh, vị trí việc làm và tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định;

- Phó Giám đốc là người giúp Giám đốc, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc vắng mặt, một Phó Giám đốc được Giám đốc ủy nhiệm điều hành các hoạt động của đơn vị.

b) Các tổ chức tham mưu, tổng hợp và chuyên môn, nghiệp vụ (sau đây gọi tắt là Phòng chuyên môn):

- Phòng Hành chính và Dịch vụ;

- Phòng Văn hóa cơ sở;

- Phòng Phát hành phim và chiếu bóng;

- Phòng Kỹ thuật;

- Đoàn Ca múa nhạc dân tộc;

- Đội Tuyên truyền lưu động.

Mỗi Phòng chuyên môn có cấp Trưởng phòng, cấp Phó Trưởng phòng. Số lượng cấp Phó Trưởng phòng thực hiện theo Đề án thành lập Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật và các quy định khác của pháp luật.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh Trưởng phòng (và tương đương), Phó Trưởng phòng (và tương đương) trên cơ sở các quy định của cấp có thẩm quyền.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật có trách nhiệm quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng Phòng chuyên môn; phân công, sắp xếp vị trí việc làm cho từng viên chức và người lao động theo đúng cơ cấu chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ và danh mục vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Viên chức

Viên chức của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật bao gồm viên chức hoạt động nghề nghiệp và viên chức hỗ trợ phục vụ. Viên chức có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo chức danh nghề nghiệp gắn với vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Về biên chế

Biên chế Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật là biên chế sự nghiệp do Giám đốc Sở phân bổ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và Đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Từ khóa » Tổ Chức Văn Hoá Nghệ Thuật