Trung-tướng Lữ Lan - Lê Xuân Nhuận

TRUNG-TƯỚNG LỮ LAN

TÔI

Trung-Tướng Lữ Lan đến thay Trung-Tướng Vĩnh Lộc làm Tư-Lệnh Quân-Đoàn II & Vùng II Chiến-Thuật vào cuối tháng 2-1968, sau khi Vùng này cùng các Vùng khác vừa mới trải qua cuộc “Tổng Công Kích” của CSVN vào dịp Tết Mậu-Thân.

Ngoài những lần dự các cuộc họp chung do ông chủ-tọa, có ít nhất là hai lần tôi được Trung-Tướng Lữ Lan giao-phó riêng một công-tác đặc-biệt, liên-quan đến trách-vụ “Đại-Biểu Chính-Phủ” của ông tại Vùng 2 Chiến-Thuật. (Xem “Biến-Loạn Miền Trung”, trang 31-32.)

I

Tỉnh-Ủy Quảng-Đức và Thị-Ủy Gia-Nghĩa

Sau khi Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa phản-công tiêu-diệt các đơn-vị CSVN “Tổng Công Kích” Tết Mậu-Thân 1968, cơ-quan Cảnh-Sát Quốc-Gia (Ngành Cảnh-Sát Đặc-Biệt) kiểm-điểm lại tình-hình chính-trị và dân-sự liên-quan, cập-nhật-hóa tài-liệu trận-liệt, truy-tầm các phần-tử nội-tuyến hoặc có dính-dáng với địch trong biến-cố này.

Tại Tỉnh Quảng-Đức, Phòng CSĐB của Ty CSQG sở-tại đã bắt giữ một số thường-dân, trực-tiếp hoạt-động hoặc gián-tiếp liên-can đến các hoạt-động của Việt-Cộng, trong đó có một số nghi-can là “cơ-sở Việt-Cộng nội-thành”.

Khi CSQG/CSĐB lập hồ-sơ truy-tố các đương-nhân ra trước Ủy-Ban An-Ninh Tỉnh*, hồ-sơ phải thông-qua Phó Tỉnh-Trưởng Nội-An, mà Phó Tỉnh-Trưởng Nội-An lại cũng là Chỉ-Huy-Phó Bộ Chỉ-Huy Tiểu-Khu địa-phương.

______

*Tổ-chức liên-quyền (hành-pháp [hành-chánh, an-ninh, quân-sự]; tư-pháp; lập-quy...) ở cấp Tỉnh/Thị, do Tỉnh/Thị-Trưởng chủ-tọa), xét xử VC.

Tiểu-Khu-Phó hỏi thêm tin-tức từ Phòng 2, thì Trưởng Phòng 2 không đồng ý với Trưởng Phòng Cảnh-Sát Đặc-Biệt, nên sự-việc biến thành một vụ bất-đồng quan-điểm giữa Ty CSQG Tỉnh và Bộ Chỉ-Huy Tiểu-Khu Quảng-Đứcvề nhận-xét và kết-luận đối với một số nghi-can.

Nội-vụ không chỉ gây sự mâu-thuẫn giữa hai cơ-quan trong một địa-phương, khó xử cho viên Tỉnh-Trưởng kiêm Tiểu-Khu-Trưởng (hồi đó là Đại-Tá Nguyễn Mộng Hùng) khiến ông phải trình lên Tư-Lệnh Quân-Đoàn và Vùng Chiến-Thuật sở-quan, mà còn được một số tướng-lãnh khác can-thiệp thẳng với Trung-Tướng Lữ Lan, nên Trung-Tướng Lữ Lan giao cho tôi, thay mặt Trung-Tá Giám-Đốc CSQG Cao Văn Khanh, về tận nơi nghiên-cứu làm sáng tỏ vụ này.

Tôi liền dùng phi-cơ “Air America” của Người Bạn Đồng-Minh bay từ Pleiku đến Gia-Nghĩa, bắt tay ngay vào việc, cho đến khuya, vì sáng hôm sau thì Trung-Tướng Lữ Lan sẽ đích-thân đến tận nơi giải-quyết vấn-đề.

Theo hồ-sơ tại Ủy-Ban An-Ninh Tỉnh, do Ty Cảnh-Sát Quốc-Gia trình lên thì, căn-cứ vào cung-xuất của một số can-nhân, Việt-Cộng đã tổ-chức được một Tỉnh-Ủy cho Tỉnh Quảng-Đức, và một Thị-Ủy cho Thị-Xã Gia-Nghĩa, trong đó có một số cư-dân sở-tại là Ủy-Viên.

Một trong số nghi-can này là Ông Hoàng Trọng Pha, một nhà buôn lớn, mà gia-đình quen biết với các tướng-lãnh nói trên. Pha bị quy tội là Ủy-Viên Kinh-Tài của Tỉnh-Ủy kiêm Thị-Ủy-Viên.

Phòng 2 Tiểu-Khu, mà bản-thân Trưởng Phòng có quen biết với Pha, đứng ra cãi lại sự hình-thành của Tỉnh-Ủy cũng như Thị-Ủy nầy, căn-cứ vào tài-liệu “Trận-Liệt Việt-Cộng” mà cả Cảnh-Sát Đặc-Biệt lẫn Phòng 2 đều tin dùng.

Theo lập-luận của Phòng 2 sở-tại thì, dựa vào “Trận-Liệt” hiện có lúc đó, Việt-Cộng chỉ có Tỉnh-Ủy Darlac, còn Tỉnh Quảng-Đức của Việt-Nam Cộng-Hòa thì thuộc lãnh-thổ của một số Huyện-Ủy thuộc Tỉnh Darlac của Việt-Cộng mà thôi.

Do đó, không có các chức-vụ của Việt-Cộng mà Pha bị quy cho; thế thì tội của Pha là tội bị gán oan.

Theo lập-luận của Phòng Cảnh-Sát Đặc-Biệt sở-tại thì “Trận-Liệt” chỉ là tài-liệu đã cũ, vì mọi cơ-quan tình-báo dân-sự và quân-sự của Việt-Nam Cộng-Hòa phải đợi một thời-gian dài đối-chiếu với tình-hình thực-tế mà đa-số cơ-quan chuyên-trách phía Quốc-Gia và cả phía Đồng-Minh nắm được rồi mới khẳng-định đưa vào “Trận-Liệt”—vốn chỉ được cập-nhật-hóa mỗi năm một lần—trong lúc đó, đối-phương đã tổ-chức được những cơ-cấu mới, và những nhân-sự mới, nhất là trong vụ “Tổng-Công-Kích Tết Mậu-Thân. Huống gì đã có lời khai xác-nhận của các cơ-sở VC bị bắt trong vụ này.

Như thế thì Pha và đồng-bọn đã phạm tội, chứ không bị oan.

Tôi rất ngần-ngại trong vụ này. Tôi tự hỏi mình, tại sao Trung-Tướng Tư-Lệnh không giao cho cả hai bên (Quân-Báo cấp Quân-Đoàn cùng với Cảnh-Sát Đặc-Biệt cấp Vùng Chiến-Thuật) phối-hợp điều-tra, mà lại chỉ phái riêng tôi, Trưởng Ngành CSĐB cấp Vùng. Trong vụ này, tôi ở cương-vị cao hơn Tỉnh/Tiểu-Khu, nếu tôi mà kết-luận bên nào đúng thì hẳn bên đó có thể sẽ “thắng” dễ-dàng. Ông không nghĩ là Cảnh-Sát Đặc-Biệt có thể bênh nhau, và như thế thì phía Quân-Báo ở Tiểu-Khu có thể sẽ bị “lép vế” chăng.

Rốt cuộc, tôi thấy rõ là phía Quân-Đoàn, Trung-Tướng Lữ Lan đã tin vào tính trung-thực của tôi, nên tôi càng cẩn-trọng hơn, quyết không thiên-vị bên nào.

Tôi đích-thân hỏi chuyện riêng từng nghi-can, từ phía tố-cáo lẫn phía bị tố-cáo.

Rốt cuộc, qua cuộc tìm hiểu, tôi thấy cả hai bên, Phòng Cảnh-Sát Đặc-Biệt lẫn Phòng 2 sở-tại, đều có lý, nhưng đều không hoàn-toàn vì Sự Thật, mà vì lý-do cá-nhân.

Bên Đặc-Cảnh thì vì muốn tăng thêm phần quan-trọng cho thành-tích công-tác của mình, bên Quân-Báo thì vì muốn giúp-đỡ người mình quen thân.

Xét kỹ nội-vụ, tôi thấy Ông Hoàng Trọng Pha (thuộc thành-phần tiểu-tư-sản, chưa hề có quá-trình hoạt-động lâu dài và đắc-lực cho Việt-Cộng) khó lòng mà được đối-phương cử vào chức-vụ nói trên.

Pha (cũng như nhiều nhà-buôn khác) phải đóng thuế, báo-cáo tin-tức cho địch, để các chuyến hàng chở từ ngoại-tỉnh vào cho mình được suôn-sẻ trên các trục lộ xuyên rừng, khỏi bị cướp-đoạt hoặc thiêu-hủy dọc đường.

Pha không phải là chỉ ở lì một nơi, nên những khi lên/về Ban-Mê-Thuột thì đã gặp VC dọc đường. Và địch đã giao công-tác cho anh móc-nối với các thương-gia khác, và “động viên” anh bằng những lời-lẽ chung-chung, đại-loại: “Giải Phóng” hay “Cách Mạng” trông-cậy hoàn-toàn nơi anh về mặt kinh-tài trong Tỉnh này, cũng như ủy-thác cho anh cầm nắm mọi hoạt-động của “Mặt Trận” trong Thị-Xã này, v.v... VC mà nói như thế thì cũng là để khuyến-khích các người làm công cho Pha, vì “ông chủ” mà đã cộng-tác với địch thì các phần-tử dưới quyền anh hẳn sẽ yên tâm hơn.

Tài-xế, lơ xe, và các cơ-sở khác, nghe được như thế thì suy-diễn theo ý nghĩ của mình, nên khi bị bắt thì khai một cách rõ-ràng chắc nịch hơn.

*

Tôi xuống Quảng-Đức hôm trước thì sáng hôm sau Trung-Tướng Lữ Lan đã xuống tận nơi để xem kết-quả thế nào.

Tôi trình với ông ý-kiến của tôi, cho rằng cả hai bên đều đúng; Phòng 2 sở-tại thì đúng theo nguyên-tắc, Đặc-Cảnh địa-phương thì đúng theo lời cung của một số cơ-sở Việt-Cộng nội-thành.

Và, để giúp cho Đại-Tá Nguyễn Mộng Hùng, Chủ-Tịch Ủy-Ban An-Ninh Tỉnh sở-tại, tránh được khó-khăn khi phải cân-nhắc áp-dụng biện-pháp gì đối với các nghi-can, cũng như để tránh cho tôi khỏi bị trách-cứ bởi cả Cảnh-Sát Đặc-Biệt lẫn Quân-Báo địa-phương, mà cấp chỉ-huy của cả hai bên (Phó Tỉnh-Trưởng Nội-an, Trưởng-Ty CSQG, Trưởng Phòng 2) đều là chỗ quen thân với tôi từ lâu, nhất là để Trung-Tướng Lữ Lan đích-thân nhận trách-nhiệm giải-quyết vấn-đề đối với các vị Tướng bạn, nên tôi đề-nghị, và đã được Trung-Tương Lữ Lan chấp-thuận, chuyển hết hồ-sơ và nội-bọn qua Quân-Cảnh Tư-Pháp để nơi đây tùy-quyền lập lại hồ-sơ đưa ra xét xử trước Tòa Án Quân-Sự Tại Mặt-TrậnNha-Trang.

Qua vụ đó, Đại-Tá Nguyễn Mộng Hùng rất thích tôi, nên khi ông được thuyên-chuyển về làm Tỉnh-Trưởng Tỉnh Bình-Định ông muốn có tôi cho riêng Tỉnh của ông nên đã xin tôi về làm Trưởng Ty Cảnh-Sát Quốc-Gia cho Tỉnh này.

Nhưng vì Cấp Trên bên phía Cảnh-Sát Quốc-Gia cần tôi trong công-vụ chung cho toàn Vùng nên đã giữ tôi lại, tiếp-tục trông coi Ngành Đặc-Cảnh Vùng II.

II

Một Tân Nội-Các Đến Ra Mắt tại Vùng II

Sau Tết Mậu-Thân, Đại-Tướng Thủ-Tướng Trần Thiện Khiêm đã dẫn các thành-viên của tân nội-các từ Sài-Gòn đến ra mắt và làm việc tại chỗ với Chính-Quyền địa-phương Vùng II Chiến-Thuật ở Pleiku.

Cuộc họp được tổ-chức trong “Thành Pleime”, tại phòng hội của Bộ Tư-Lệnh Quân-Đoàn II mà Tư-Lệnh hồi đó là Trung-Tướng Lữ-Lan. Phía sở-tại có mặt các Giám-Đốc Nha cấp Vùng, các Tỉnh-Trưởng và Thị-Trưởng, cùng một số Trưởng-Ty nội+ngoại-thuộc của mình.

Đặc-điểm của Thủ-Tướng Trần ThiệnKhiêm là, một đại-tướng kiêm chính-khách, mà không nói-năng hấp-dẫn như ý nhiều người đã lắng chờ nghe.

Nổi bật nhất trong cuộc họp này là phần phát-biểu ý-kiến, đề-nghị, và giải-đáp thắc-mắc chung.

Tôi thật ngạc-nhiên khi nghe những lời đối-đáp giữa các Phái-Đoàn, trung-ương và địa-phương.

Đại-loại như sau:

Ông Tổng-Trưởng Bộ Tài-Chánh yêu-cầu Tỉnh Ninh-Thuận trình-bày kết-quả việc giải-quyết số tài-sản tịch-thu của chế-độ cũ (Đệ-Nhất Cộng-Hòa) tại Tỉnh này đã đến đâu rồi.

Đại-tá Trần Văn Tự, Tỉnh-Trưởng sở-quan, trả lời:

– Tất cả hồ-sơ tài-liệu liên-hệ đều được tập-trung tại quý Bộ để quý Bộ trực-tiếp quản-lý; Tỉnh tôi chưa hỏi quý Bộ, tại sao quý Bộ lại hỏi Tỉnh tôi.

Ông Tổng-Trưởng Bộ Kinh-Tế hỏi Tỉnh Pleiku tại sao Tỉnh này thiếu gạo.

Đại-tá Trương Sơn Bá, gốc Thượng, tên cũ là Ya Ba, trả lời:

– Tỉnh tôi thiếu gạo, đã gửi công-văn & công-điện về xin Quý Bộ cấp thêm; quý Bộ không cấp đủ số cho nên mới thiếu; lý-do là thế, tại sao quý Bộ lại hỏi Tỉnh tôi...

Ông Tổng-Trưởng Bộ Chiêu-Hồi hỏi Vùng II xem Vùng này đã có những biện-pháp gì đối với các phần-tử Việt-Cộng hồi-chánh mà ta nghi là cán-bộ trá-hồi.

Tôi giật mình, vì Ngành Cảnh-Sát Đặc-Biệt (hồi đó do Trung-Tá Nguyễn Mâu cầm đầu ở Trung-Ương, mà ở Vùng này thì do tôi đảm-trách) và Bộ Chiêu-Hồi đã có thỏa-thuận riêng với nhau về vấn-đề này rồi.

May quá, Trung-Tướng Lữ Lan liền trả lời:

– Vùng tôi tuân-hành nghiêm-chỉnh huấn-thị của Tổng-Thống. Tổng-Thống dạy rằng chúng ta mở rộng vòng tay đón tiếp anh+em bên kia trở về với tất cả tấm lòng cởi-mở bao-dung, không kỳ-thị, không hận-thù.

“Họ đã hồi-chánh tức là họ đã trở thành anh+em một nhà với chúng ta, cho nên Vùng tôi, và tôi tin là cả các Vùng khác cũng thế, hoàn-toàn tin họ chứ không nghi-ngờ gì ai.”

Riêng về điểm này, trong buổi ăn trưa, ở bàn quan-khách phía trên, tôi đứng gần họ nên nghe Trung-Tướng Lữ Lan đã nhắc lại với ông Tổng-Trưởng Bộ Chiêu-Hồi, đại-ý:

– Ông Tổng-Trưởng sơ-ý quá. Trá-hồi là mánh của bọn Việt-Cộng, ai mà không biết. Nhưng trước mặt các Phái-Đoàn, trong đó có Ty Chiêu-Hồi tức là có hồi-chánh-viên, nếu chúng ta nêu vấn-đề đó ra thì thế nào rồi cũng lọt tới tai đối-phương, chẳng hóa ra là chúng ta làm hại chính-sách Chiêu-Hồi của Chính-Phủ mà ông Tổng-Trưởng là người chấp-hành ở cấp Trung-Ương hay sao?

III

Dự Án “Edăp Enăng”

Cũng sau Tết Mậu-Thân, các mục-tiêu “thành-lập Ấp Đời Mới” và “đoàn-ngũ-hóa nhân-dân” của Chương-Trình “Xây-Dựng Nông-Thôn” lâu nay chậm-chạp thì nay đã được đẩy mạnh thực-hiện.

Mất bò mới lo làm chuồng”, kể từ tháng 4-1968, Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu đã cho thành-lập khắp nước một tổ-chức mới, là “Nhân-Dân Tự-Vệ”, được vũ-trang để góp phần canh-gác xóm phường.

Riêng tại Thị-Xã Pleiku, ngay cả trước khi có “Nhân-Dân Tự-Vệ”, các hàng rào kẽm gai chận ngang nhiều con đường chính ra/vào và đi/lại trong thị-xã đã được giăng lên, để kiểm-soát, phòng-ngừa địch di-chuyển trong đêm hôm.

Đặc-biệt là cơ-quan Viện-Trợ Kinh-Tế Hoa-Kỳ đã yểm-trợ toàn-diện cho một dự-án gọi là “Edăp Enăng”, tiếng Thượng Djarai có nghĩa tương-tự như là “khai-hoang lập-ấp” hoặc “xây-dựng nông-thôn”.

Có lẽ là mới thí-nghiệm nên Dự-Án này chỉ được áp-dụng cho Quận Thanh-An thuộc Tỉnh Pleiku, và cho người Thượng mà thôi.

Đại-khái, tất cả người Thượng sinh sống rải-rác các nơi, nhất là các Ấp, các Xã thuộc Quận Thanh-An, đều được tập-trung lại tại một chỗ, như một trung-tâm định-cư, trên một ngọn đồi, có rào thép gai xung quanh; bên trong có nhiều dãy nhà khung gỗ mái tôn, có một Văn-Phòng điều-hành, có Phòng Thông-Tin, có lớp dạy chữ, có lớp dạy nghề, có Trạm Y-Tế, có chòi an-ninh, có bồn trồng hoa, có vườn trồng chuối, có lồng nuôi gà, có chuồng nuôi heo, có giếng, có kho, v.v... tương-tự một Ấp Chiến-Lược dưới thời Đệ-Nhất Cộng-Hòa.

Phụ-trách Dự-Án “Edap Enăng” là một Hội-Đồng, gồm có Tỉnh-Trưởng Tỉnh Pleiku, Quận-Trưởng Quận Thanh-An (tên cũ là Lệ Thanh), và các Trưởng Ty liên-hệ (Hành-Chánh, Tài-Chánh, Kinh-Tế, Xã-Hội, Thông-Tin, Giáo-Dục, Y-Tế, Canh-Nông, Cảnh-Sát Quốc-Gia, v.v...) do Ty Xã-Hội (Trưởng Ty là Nguyễn Văn Tham) cùng Ban Điều-Hành Trung-Tâm mà Ty ấy thụ-ủy, đứng ra tiếp-nhận các thứ của Mỹ cấp-phát, và của các nhà-thầu giao hàng.

Dự-án mới được thực-hiện một thời-gian ngắn thì bị phát-hiện là có trục-trặc trong việc điều-hành, không đem lại những kết-quả như đã dự-trù.

Trung-Ương ra lệnh điều-tra. Trung-tướng Lữ Lan, Tư-Lệnh Quân-Đoàn II và Vùng II Chiến-Thuật, ủy cho Phụ-Tá Hành-Chánh của mình lập một Ủy-Ban đi soát xét tình-hình.

Hồi đó chức-vụ Đại-Biểu Chính-Phủ cấp Vùng không còn, và chính viên Tư-Lệnh Vùng mặc-nhiêm kiêm-nhiệm; nhưng vì Tư-Lệnh nặng về quân-vụ nên có một viên Phụ-Tá giúp về Hành-Chánh tức là coi ngó các ngành dân-sự trong Vùng.

Phụ-Tá Hành-Chánh của Trung-Tướng Lữ Lan hồi đó là Ông Cao Xuân Thiệu, một công-chức cao-cấp thâm-niên, một trong số ít nhân-vật tên-tuổi và uy-tín của Bộ Nội-Vụ bấy giờ.

Ông Cao Xuân Thiệu đề-nghị, và Trung-Tướng Lữ Lan chấp-thuận, chọn tôi làm ủy-viên kiểm-tra, đến tận nơi tìm hiểu ngọn-ngành.

Bây giờ, cảnh cũ cũng lại tái-diễn đối với đồng-bào sơn-lâm ở đây.

Đàn-bà trẻ-con đều có ký nhận mỗi người một món:cuốc, xẻng, thuổng, cào, dao, rựa, mác, liềm, búa, kìm, xoong, chảo, nồi, niêu, bát, đĩa, nĩa, thìa, v.v... có món gồm nhiều cỡ loại khác nhau (thí-dụ: cuốc bàn, cuốc chim, cuốc chĩa; bát lớn, tô vừa, chén con), nhưng rồi hầu hết đã bị lấy đi; thực-phẩm cân ky, tính lon hay chai, người Thượng không biết cách đếm, không hưởng đúng mức khẩu-phần; đồ hộp, sữa bột, thuốc tây, v.v... không dùng mà hao quá nhiều.Xi-măng và tôn không biết dùng vào việc gì mà vẫn xuất-kho, mặc dù nền+mái đều đã hoàn-thành...

Quan-trọng hơn hết là cách phối-hợp giữa các cơ-quan: lỗ chưa đào xong thì đợt chuối-giống đã được đưa đến, nằm phơi bên rào; chuồng chưa cất xong thì lứa heo-giống đã được đưa đến, thả chạy quanh sân; và cây chuối-giống trở thành thức ăn cho heo.

Nhân+quả cứ thế mà gây dây chuyền trong nhiều lãnh-vực khác nhau.

Trách-nhiệm lớn nhất hiển-nhiên thuộc về Trưởng Ban Điều-Hành Trung-Tâm, là Nguyễn Văn Tham.

Ông Cao-Xuân-Thiệu triệu-tập một cuộc họp liên-Ngành, để tôi đúc-kết kết-quả điều-tra, rồi nghe Ông Tham tự biện-hộ, xong lấy biểu-quyết đề-nghị biện-pháp trình lên Tư-Lệnh Vùng II.

Cuộc họp diễn ra tại phòng-khách “Khu Vãng-Lai” của Tòa Hành-Chánh Tỉnh Pleiku.

Sau khi nghe bản báo-cáo, Ông Tham được yêu-cầu phát-biểu ý-kiến của mình. Và, như một nhà hùng-biện, anh đã dõng-dạc trả lời, đại-khái như sau:

– Kính thưa Quý Vị, chúng ta đi làm, cấp trên cũng như cấp dưới mà thôi, ai cũng mong có đủ tiền để lo cho cuộc sống mình. Vì lương không đủ nên phải kiếm-chác ngoài lề. Bây giờ thì có thể nói, nếu không tất cả thì cũng là một số đông, phải làm thế nào để có thêm tiền. Khác nhau ở chỗ: người thì qua truông, kẻ thì bị lộ mà thôi!

Riêng tôi, quyết chí học-hành là để làm gì, đậu bằng-cấp cao là để làm gì, lặn-lội từ Huế vào trong các Tỉnh miền Nam là để làm gì? Phải đâu chỉ để trông mong vào số tiền lương khiêm-tốn của một công-chức an-phận thủ-thường!...

Ông Thiệu phải vội cắt ngang, hỏi Tham có nhận trách-nhiệm về những sai-khuyết xảy ra hay không.

Anh gật đầu ngay.

Các thành-viên khác xin nhường để ông Phụ-Tá Hành-Chánh toàn-quyền tường-trình và đề-nghị lên Trên.

Sau đó, ông Cao Xuân Thiệu dò ý tôi:

– Thôi thì mình chỉ gợi ý cách chức, khiển-trách có ghi hồ-sơ, thuyên-chuyển ra khỏi Vùng này cho yên; có được không, anh?

Tôi còn biết nói gì hơn.

Khi ông Phụ-Tá Hành-Chánh Cao Xuân Thiệu vào tường-trình kết-quả cuộc điều-tra lên Trung-Tướng Lữ Lan, tôi chờ sẵn ở phía ngoài, phòng khi Tư-Lệnh có muốn hỏi thêm chi-tiết gì chăng.

Thế là chấm dứt Dự Án “Edăp Enăng”, một nỗ-lực thực-hiện “Ấp Đời Mới” cho đồng-bào Thượng Djarai [Gia-Lai] ở Tỉnh Pleiku.

LÊ XUÂN NHUẬN

GHI THÊM:

IV

Trụ-Sở Nha Cảnh-Sát Quốc-Gia Vùng II

Dưới thời Trung-Tướng Vĩnh Lộc, Nha Cảnh-Sát Quốc-Gia Vùng II Chiến-Thuật dời trụ-sở từ Ban Mê Thuột lên Pleiku.

Nguyên Nha CSQG Cao-Nguyên Trung-Phần từ Đà-Lạt dời đến Ban Mê Thuột, rồi Nha CSQG Miền Nam Trung-Nguyên Trung-Phần tại Nha-Trang sáp-nhập với Nha CSQG Cao-Nguyên Trung-Phần thành Nha CSQG Vùng II Chiến-Thuật tại Ban Mê Thuột, rồi Nha này chuyển lên Pleiku, nên hầu hết viên-chức Nha này đều có gia-đình và nhà-cửa tại Đà-Lạt, Ban Mê Thuột, và Nha-Trang (chưa kể một số mới được thuyên-chuyển đến từ Sài-Gòn); mà vì Pleiku ngược đường đi/lại nên đa-số không đem gia-đình đi theo. Tình-trạng ấy đã có phần nào ảnh-hưởng tiêu-cực đến hoạt-động của cơ-quan.

Dưới thời Trung-Tướng Lữ Lan, Giám-Đốc Nha CSQG Vùng II Chiến-Thuật, là Kiểm-Tra Cao Xuân Hồng, đã bày-tỏ nguyện-vọng của nhân-viên lên Tư-Lệnh Vùng để xin cho Nha được dời trụ-sở về Nha-Trang.

Về mặt công-vụ thì vì CSQG là cơ-quan dân-sự, đi sát với Quân-Khu (lãnh-thổ) hơn là Quân-Đoàn (lực-lượng); mà Pleiku thì là cứ-điểm của Bộ Tư-Lệnh Quân-Đoàn II, trong lúc Nha-Trang mới là trú-sở của Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu II. Hơn nữa, các Nha cấp Vùng thuộc các Bộ khác cũng đều đặt trụ-sở tại Nha-Trang.

Về mặt gia-cảnh thì Nha-Trang thuận đường liên-lạc với các nơi khác hơn là Pleiku, nhiều người muốn về định-cư, và cả lập-nghiệp, tại Nha-Trang.

Trung-Tướng Lữ Lan đã thông-cảm, chấp-thuận việc đó.

Nha CSQG Vùng II Chiến-Thuật (sau này là Bộ Chỉ-Huy CSQG Khu II), nhờ đó đã dời cơ-quan về thành-phố biển của Miền Trung vào năm 1969. Viên-chức các cấp và cả gia-đình đều thầm cám ơn Trung-Tướng Lữ Mộng Lan.

V

Việt-Nam-Hóa... Cảnh-Sát-Hóa

Phía Hoa-Kỳ có giúp cho Việt-Nam Cộng-Hòa một Kế-Hoach Quốc-Gia mệnh-danh là The Police Planmà phiên-dịch-viên (tôi đoán là người Mỹ thành-thạo tiếng Việt và am-hiểu tường-tận vấn-đề) đã dịch ra là Kế-Hoạch Cảnh-Sát-Hóa.

Sau khi đã Việt-Nam-Hóa Chiến-Tranh Việt-Nam, thì là... Cảnh-Sát-Hóa Chiến-Tranh Việt-Nam.

Kế-Hoạch Phụng-Hoàng là bước chuyển-tiếp giữa hai giai-đoạn đó.

Từ Phụng-Hoàng tiến lên Cảnh-Sát-Hóa, Việt-Nam Cộng-Hòa đã đạt được kết-quả mỹ-mãn với thí-điểm Gò Công:

Tỉnh Gò Công được dùng làm nơi thực-thi Kế-Hoạch Cảnh-Sát-Hóa ở cấp Tỉnh. Đó là bước đầu.

Tỉnh-Trưởng (với tư-cách là Tỉnh-Trưởng, chứ không phải là Tiểu-Khu-Trưởng) làm Chủ-Tịch Ủy-Ban Phụng-Hoàng cấp Tỉnh.

Ủy-Ban này được gọi là PIOCC (Provincial Intelligence and Operations Coordination Committee= Ủy-Ban Phối-Hợp Tình-Báo và Hành-Quân Tỉnh).

Các Trưởng cơ-quan tình-báo và đơn-vị hành-quân võ-trang cấp Tỉnh đều là Ủy-Viên:

Cảnh-Sát Quốc-Gia (Cảnh-Sát Đặc-Biệt, Cảnh-Sát Dã-Chiến, Cảnh-Sát Sắc-Phục, sau này có thêm Thám-Sát Đặc-Biệt tức là Thám-Sát Tỉnh [PRU= Provincial Reconnaissance Unit] cũ, ...);

Quân-Lực (Phòng 2, Phòng 3, Phòng 5, ...);

Các cơ-quan dân-sự khác: Dân-Ý-Vụ, Thông-Tin, Chiêu-Hồi, Diệt-Trừ Sốt Rét, Xây-Dựng Nông-Thôn, ...);

Các đơn-vị quân-lực đồng-minh tại Tỉnh (Hoa-Kỳ, và nếu có, Đại-Hàn, Thái-Lan, Úc-Đại-Lợi, Tân-Tây-Lan, Phi-Luật-Tân, ...);...

Trong Ủy-Ban Phụng-Hoàng Tỉnh, Trưởng-Ty (sau này là Chỉ-Huy-Trưởng) CSQG Tỉnh, đảm-nhiệm trách-vụ Tổng-Thư-Ký. Tổng-Thư-Ký điều-khiển Trung-Tâm Thường-Trực, mà Trung-Tâm-Trưởng của “Trung-Tâm Thường-Trực Ủy-Ban Phụng-Hoàng Tỉnh là một Phụ-Tá hoặc Đại-Diện của Trưởng-Ty/CHT CSQG.

Trưởng-Phòng (sau này là Chánh Sở) Cảnh-Sát Đặc-Biệt Tỉnh là Ủy-Viên hoạt-động nòng-cốt.

Các phần-hành khác trong Trung-Tâm Thường-Trực Ủy-Ban Phụng-Hoàng Tỉnh đều là viên-chức CSQG.

Văn-Phòng của TTTT/UBPH Tỉnh đặt tại trụ-sở Ty/BCH CSQG Tỉnh.

Ở Trung-Ương thì Thủ-Tướng Chính-Phủ là Chủ-Tịch Ủy-Ban Phụng-Hoàng toàn-quốc; Tổng-Giám-Đốc (sau này là Tư-Lệnh) Cảnh-Sát Quốc-Gia là Tổng-Thư-Ký; Trung-Tâm-Trưởng Trung-Tâm Thường-Trực là Phụ-Tá TGĐ/TL CSQG (sau cùng là Chuẩn-Tướng Nguyễn Văn Giàu). Các phần-hành khác đều là viên-chức CSQG. Văn-Phòng của TTTT/UBPH Trung-Ương đặt trong khuôn-viên Tổng-Nha/BTL CSQG.

Cứ thế mà ở cấp Vùng/Quân-Khu, cũng như ở các cấp Quận và Xã đều có Ủy-Ban và Trung-Tâm Thường-Trực Phụng-Hoàng của mình.

Ở Tỉnh Gò-Công, mọi cuộc hành-quân Phụng-Hoàng, với mục-đích vô-hiệu-hóa mọi hoạt-động của hạ-tầng cơ-sở Việt-Cộng, đều do Trung-Tâm Phụng-Hoàng đảm-trách; tức là do CSQG chủ-trì. Hạ-tầng cơ-sở VC nằm trong hàng-ngũ cán-bộ/đảng-viên/bộ-đội/cơ-sở..., nên hành-quân Phụng-Hoàng tức là hành-quân lùng+diệt cộng-sản nói chung, vốn là nhiệm-vụ hằng ngày của các đơn-vị quân-sự và dân-sự bán võ-trang. Như thế, các đon-vị quân-sự địa-phương không hành-quân với tư-cách quân-lực, mà là với tư-cách thành-viên của Phụng-Hoàng, do Cảnh-Sát Quốc-Gia điều-hành. Vắn-tắt, Cảnh-Sát-Hóa là thế.

(Nếu muốn biết thêm, xin mời đọc Chương liên-hê trong cuốn sách hồi-ký Cảnh-Sát-Hóa của tôi, tuy chưa hoàn-chỉnh nhưng có khá nhiều chi-tiết rõ-ràng hơn. Tham-chiếu)

*

Hoa-Kỳ căn-cứ vào thành-quả của thí-điểm Gò-Công mà thúc-đẩy Việt-Nam Cộng-Hòa thực-thi Kế-Hoạch (với tầm-vóc Quốc-Sách) Phụng-Hoàng tại hầu hết các Tỉnh lớn khắp Miền Nam.

Riêng tại Vùng II Chiến-Thuật/Quân-Khu II, Hoa-Kỳ đã đi bước đầu làm gương.

MAC-V là cơ-quan Viện-Trợ của Hoa-Kỳ cho Việt-Nam về mặt Quân-Sự. CORDS là cơ-quan Viện-Trợ của Hoa-Kỳ cho Việt-Nam về mặt Dân-Sự. Hai cơ-quan khác nhau.

Sau biến-cố Tết Mậu-Thân 1968 là “Chương-Trình Việt-Nam-Hóa.

Đến thời-điểm thi-hành Cảnh-Sát-Hóa, riêng tại Vùng II Chiến-Thuật/Quân-Khu II, bắt đầu hạ-bán-niên 1970, Hoa-Kỳ kết-hợp CORDS (dân-sự) với MAC-V (quân-sự) làm thành Bộ Tư-Lệnh MAC-CORDS. Phối-hợp quân-sự với dân-sự. Phối-hợp tình-báo với hành-quân giữa các cơ-quan tình-báo và đơn-vị hành-quân vũ-trang và bán vũ-trang. Ấy là Phụng-Hoàng.

Hoa-Kỳ còn đi một bước ngoạn-mục: Đưa một viên-chức dân-sự lên làm Tư-Lệnh MAC-CORDS Vùng IICT/Quân-Khu II.

Đó là Ông John Paul Vann.

(Nhân-vật huyền-thoại này đã tử-nạn phi-cơ trong đêm 06-9-1972, trên đường KontumPleiku [gần khu-vực mà VC phục-kích xe Jeep của tôi, bắn chết Biên-Tập-Viên Huỳnh Văn Nơm thuộc-viên của tôi.] Neil Sheehan đã viết về ông trong cuốn sách A Bright Shining Lie: John Paul Vann and America in Vietnam [nhưng thiếu chi-tiết về thời-gian ở Quân-Khu II] mà VC biên-dịch ra là Một Sự Lừa Dối Hào Nhoáng.)

Ông chỉ là một trung-tá hồi-hưu của Quân-Lực Hoa-Kỳ. Nhưng nay, chỉ với tư-cách tư-lệnh của một nửa MAC-CORDS mà thôi, tức là Tư-Lệnh MAC-V Quân-Khu II, ông cũng đã chỉ-huy tất cả các lực-lượng quân-đội Mỹ tại Quân-Khu II, mà nguyên quân-số là Sư-Đoàn 4 Bộ-Binh Hoa-Kỳ đóng tại Pleiku, Sư-Đoàn 101 Không-Kỵ Hoa-Kỳ đóng tại Bình-Định, các lực-lượng Tiếp-Vận Hoa-Kỳ đóng tại Qui-Nhơn và Cam-Ranh, v.v..., mà tư-lệnh các đơn-vị này đều là thiếu-tướng hoặc chuẩn-tướng. Ông còn là cố-vấn của các Sư-Đoàn Bộ-Binh Bạch-Mã và Mãnh-Hổ và một lữ-đoàn thuộc Sư-Đoàn TQLC Thanh-Long của Đại-Hàn tại Khánh-Hòa, và Bình-Định & Phú-Yên, mà các tư-lệnh liên-hệ cũng là thiếu-tướng hay chuẩn-tướng. (Mỹ đã rút bớt một phần, nhưng phần còn lại thì cùng với Đại-Hàn mãi đến hai tháng sau Hiệp-Định Paris 27-1-1973 mới rút.)

Chưa kể ông còn là Cố-Vấn của Quân-Đoàn II & Quân-Khu II của VNCH.

Và công-việc quan-trọng đầu tiên của John Paul Vann đối với đồng-minh Việt-Nam Cộng-Hòa tại Quân-Khu II là mở một cuộc họp các cấp lãnh-đạo các cơ-quan & đơn-vị cấp Vùng/QK, do ông cùng với Trung-Tướng Lữ-Lan, Tư-Lệnh Quân-Đoàn II & Vùng II CT/QK II, đồng chủ-tọa, tại trụ-sở của Bộ Tư-Lệnh MAC-CORDS ở Nha-Trang, về đề-tài Phụng-Hoàng, nhịp cầu bắc qua Cảnh-Sát-Hóa”.

Đó là lần cuối-cùng Trung-Tướng Lữ Lan từ Pleiku xuống Nha-Trang, với tự-cách Tư-Lênh QĐII & QKII, trước khi chuyển-giao chức-vụ này cho Thiếu- (về sau là Trung-) Tướng Ngô Dzu.

Lúc ấy, tôi đã mất chức Trưởng E (Giám-Đốc một Nha có nhiều Sở) Cảnh-Sát Đặc-Biệt Vùng II, xuống làm Phụ-Tá, nhưng Ông John Paul Vann vẫn cho mời tôi tham-dự cuộc họp này (cũng như sau đó đã cho mời tôi đến gặp riêng ông)...

*

Tôi dùng tính-từ yểu-tửđể đặt nhan-đề cho cuốn sách hồi-ký của tôi, là Cảnh-Sát-Hóa: Quốc-Sách Yểu-Tử của Việt-Nam Cộng-Hòa, vì hai lý-do:

Tại trung-ương, tức Nha Tổng-Giám-Đốc (sau này là Bộ Tư-Lệnh) Cảnh-Sát Quốc-Gia, có rất ít người nghe/biết về Kế-Hoạch Cảnh-Sát-Hóa nói trên.

Tại địa-phương, cách đây mươi năm, tôi đã có hỏi cựu Trung-Tướng Lữ Lan; nhưng ông trả lời là ông không hề hội-họp lần nào với nhân-vật John Paul Vann.

VI

Hai Trung-Tướng: Lữ Lan và Ngô Dzu

Trong một buổi chiều chuẩn-bị cho Đại-Hội Bình-Định và Phát-Triển Liên Quân-Khu I và II sẽ được tổ-chức vào sáng hôm sau, do Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu chủ-tọa, tại Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân ở Nha-Trang, vào khoảng tháng 9 hoặc 10 năm 1970, tôi đến kiểm-soát các bản sơ-đồ thuyết-trình của mình vì tôi phụ-trách đề-mục “Tình-Báo Nhân-Dân vàCông-Tác Vãn-Hồi An-Ninh cho Xã Thôn tại Vùng II.

Các Giám-Đốc Nha dân-sự thì xúm nhau ở cuối phòng, còn tôi thì vì quen-biết các sĩ-quan cao-cấp liên-hệ tại Bộ Tư-Lệnh Quân-Đoàn và Quân-Khu cũng như tại Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân nên tôi có mặt trong nhóm quân-nhân ở sát bục thuyết-trình. Ở đây có Trung-Tá Nguyễn Thanh Văn là Trung-Tâm-Trưởng Trung-Tâm Bình-Định & Phát-Triển Vùng II Chiến-Thuật dưới thời Trung-Tướng Lữ Lan, vừa bị thay-thế, và Trung-Tá Phan Viết Ba, tân Trung-Tâm-Trưởng TTBĐ&PT Quân-Khu II mới được Thiếu-Tướng Ngô Dzu bổ-nhiệm; cả hai đều cùng góp phần vào công-tác chung này.

Lúc gần hết giờ thì Thiếu-Tướng Ngô Dzu đến.

Ông lật lui lật tới các tấm biểu-đồ, dò lại thứ-tự các mục, rồi vừa tự mình thực-hiện vừa bảo Trung-Tá Phan Viết Ba:

Đảo lại như thế này, đổi lại như thế này...

Xong ông ngắm-nghía tất cả tài-liệu, liếc về Trung-Tá Nguyễn Thanh Văn mà lẩm-bẩm:

Làm Tư-Lệnh một Quân-Đoàn/Quân-Khu mà không biết sắp-xếp một chương-trình thuyết-trình trước Tổng-Thống cho ra hồn, mặc cho cấp dưới làm ăn luộm-thuộm thế nào cũng được hay sao?

Trung-Tướng Ngô Dzu hẳn đã có thấy là đang có tôi ở gần chỗ đó, nổi bật hơn các vị khác đều mặc treillis, vì tôi mặc bộ sắc-phục quần xanh-xám và áo sơ-mi màu trắng ngắn tay.

LÊ XUÂN NHUẬN

Từ khóa » Trung Tướng Lữ Mộng Lan