Trưởng ấp, Trưởng Khu Phố Và Những điều Băn Khoăn - Báo Tây Ninh

CT.UBND xã Long Thành Trung Phạm Văn Búp (thứ 3 từ trái sang) trao quyết định công nhận kết quả bầu cử trưởng ấp.

nhiệm vụ nặng nề

Theo Quyết định số 63/2013/QĐ-UBND, ngày 23.12.2013 của UBND tỉnh Tây Ninh, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nêu rõ nhiệm vụ của trưởng ấp, trưởng khu phố là triệu tập và chủ trì hội nghị ở ấp, khu phố; đề nghị các tổ dân cư tự quản trên địa bàn tổ chức họp cử tri của tổ tự quản để trao đổi thông tin, cung cấp thông tin, bàn bạc giải quyết những việc thuộc phạm vi ấp, khu phố hoặc thuộc phạm vi cấp xã để bảo đảm phát huy tốt nhất những nội dung “dân bàn, dân quyết và dân bàn, dân góp ý kiến, chính quyền quyết”;

Triển khai thực hiện những nội dung do cộng đồng dân cư của ấp, khu phố bàn và quyết định trực tiếp; tổ chức nhân dân trong ấp thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những nhiệm vụ cấp trên giao.

Phối hợp với Ban công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội của ấp, khu phố, tổ chức nhân dân tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phong trào “Dân vận khéo”; tổ chức vận động nhân dân giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội trong ấp, khu phố, không để xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp phức tạp trong nội bộ nhân dân;

Tập hợp, phản ánh, đề nghị chính quyền cấp xã giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong ấp, khu phố; phối hợp với Trưởng Ban công tác Mặt trận và Trưởng các chi hội của các tổ chức chính trị xã hội ở ấp, khu phố trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội trong cộng đồng dân cư...

Như vậy, trưởng ấp, trưởng khu phố là người đại diện cho cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong xã, là cầu nối giữa chính quyền cấp xã và nhân dân trong ấp, khu phố trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội tại địa phương. Nhiệm vụ giao cho trưởng ấp, trưởng khu phố rất nặng nề nhưng người ra ứng cử trưởng ấp, trưởng khu phố chỉ cần có trình độ văn hoá từ lớp 6 trở lên là được. Đây là mặt hạn chế mà các địa phương thấy được từ rất lâu, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục.

trình độ chưa cao và chế độ đãi ngộ thấp

Trong xã hội ta, người đại diện cho dòng tộc, cộng đồng dân cư, làng xóm thường là các bậc cao niên. Trưởng ấp, trưởng khu phố cũng không ngoại lệ. Cuộc bầu cử trưởng ấp, trưởng khu phố mới đây tại ba huyện Tân Châu, Châu Thành và Hoà Thành cho thấy, số tái cử trúng cử có độ tuổi từ 50 trở lên chiếm hơn 60%, số ứng cử lần đầu trúng cử dưới 30 tuổi rất ít, mặc dù những người trẻ có trình độ văn hoá cao hơn. Cá biệt có những xã tất cả trường hợp tái cử đều trúng cử.

Trao đổi về việc này, Chủ tịch UBND xã Long Thành Trung Phạm Văn Búp cho biết, do trưởng ấp đương nhiệm làm việc tốt nên được người dân tiếp tục tín nhiệm, có những trưởng ấp làm việc liên tục hơn 20 năm rồi nhưng đợt này vẫn tiếp tục trúng cử.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều người làm được việc thì không muốn ra ứng cử vì công việc thì nhiều nhưng chẳng có quyền lợi gì cả ngoài khoản phụ cấp trưởng ấp bằng 1,2 lần lương tối thiểu; người dân thật thà, chơn chất, tâm lý chung là không muốn xáo trộn, ông trưởng ấp đương nhiệm mặc dù làm việc chưa hết chức năng nhưng bầu ông khác lên biết có tốt hơn không?

Vả lại, ở hầu hết các ấp, thường chỉ có có hai người ứng cử, một người tái cử thì lớn tuổi, người ứng cử lần đầu thì nhỏ tuổi, thôi thì bỏ phiếu cho người lớn tuổi “chắc ăn” hơn, không lẽ để “thằng nhỏ” làm trưởng ấp nghe không thuận chút nào. Ngoài ra còn một điều khá tế nhị nữa, đó là UBND xã nào cũng muốn trưởng ấp, trưởng khu phố trong địa bàn mình quản lý phải là những người từng làm việc chung, hiểu ý nhau, tạo điều kiện cho UBND xã hoạt động dễ dàng chứ chưa vì lợi ích của cộng đồng dân cư.

Bầu cử trưởng ấp trong xã Hiệp Tân.

Ấp, khu phố không phải là một cấp hành chính nhưng là nơi cộng đồng dân cư sinh sống. Để chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống đòi hỏi trưởng ấp, trưởng khu phố phải có trình độ nhất định để hiểu được những chủ trương, chính sách ấy.

Với trình độ cấp 2 phổ thông (cá biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, trưởng ấp chỉ học hết cấp 1), đa số trưởng ấp, trưởng khu phố chỉ có thể giải quyết vụ, việc theo chỉ đạo của UBND xã là chính. Mỗi năm, tại địa bàn khu dân cư người dân đóng góp khá nhiều loại quỹ, nào là Quỹ an ninh quốc phòng, Quỹ vì người nghèo, Quỹ phòng chống lụt bão, Quỹ xây dựng nông thôn mới... nhưng người dân nào có biết được quyền lợi và nghĩa vụ của mình cũng như ý nghĩa, tác dụng khi tham gia đóng góp các quỹ.

Thông thường khi ông tổ trưởng tổ tự quản mang sổ đến nhà, thông báo đóng quỹ này, quỹ nọ, người dân chỉ biết chấp hành vì nếu có thắc mắc cũng không biết hỏi ai, ông tổ trưởng tổ tự quản cũng như mọi người dân, nghĩa là cũng không hiểu rõ gì hơn, chẳng qua nhận sự phân công từ trưởng ấp, còn trưởng ấp nhận chỉ đạo từ UBND xã.

Ai có dịp gặp được trưởng ấp để thắc mắc thì nhận được câu trả lời: “Mấy ổng ở trển biểu làm sao thì tui làm vậy, chứ tui có biết gì đâu, tiền bạc dân đóng góp tui nộp về xã hết, ấp đâu có giữ đồng nào...”. Mà công việc ở ấp, khu phố đâu chỉ có chuyện quyên góp, còn biết bao việc khác ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân như chuyện tổ chức quán triệt, chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; bạo hành gia đình; tệ nạn xã hội; các tiêu chí xây dựng nông thôn mới...

HỆ QUẢ KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI

Theo quy chế hoạt động của trưởng ấp, tất cả mọi việc lớn nhỏ có ảnh hưởng đến người dân trưởng ấp phải họp dân lại để bàn, quyết định, hoặc bàn rồi báo cáo, đề xuất lên cấp trên quyết định. Nhưng thực tế có mấy việc được bàn bạc sâu rộng với dân đâu.

Người đi dự các cuộc họp triển khai công tác địa phương thường là tổ trưởng, tổ phó tổ tự quản; đi dự tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp cũng là tổ trưởng, tổ phó. Và các vị đi họp về rồi việc nào phải làm, khoản nào phải thu thì cứ “theo lịch” mà làm, mà thu, chứ có mấy ai trình bày, báo cáo lại với dân.

Trong khi đó, về phía người dân, không thiếu những người không hề biết vừa chạy xe vừa nghe điện thoại là sẽ bị công an phạt; hay những người thường đánh đập con cái trong nhà, hoặc hất hủi mẹ cha cũng không hề biết là họ đang vi phạm pháp luật Nhà nước. Thử hỏi, ở địa phương việc làm cho người dân hiểu biết chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là trách nhiệm của ai? Trong khi trực tiếp “cọ xát” với người dân chính là trưởng ấp, nếu trưởng ấp trình độ hạn chế, bản thân trưởng ấp còn chưa hiểu hết thì làm sao truyền đạt ra dân?

Rõ ràng, tình trạng bất cập về nhiệm vụ và trình độ của trưởng ấp là một nghịch lý ai cũng thấy nhưng không dễ khắc phục. Thực tế cộng đồng dân cư là do ấp, khu phố quản lý, cấp xã có đạt chỉ tiêu cấp trên giao hay không là do trình độ, năng lực của trưởng ấp, trưởng khu phố trong xã.

Phải chăng, chúng ta đang tự coi thường nơi rất quan trọng khi để người có trình độ không tương xứng với nhiệm vụ làm việc trong thời gian dài, dẫn đến việc thực hiện nghị quyết chưa đạt yêu cầu, việc thực thi pháp luật còn kém, tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra, tai nạn giao thông không giảm, tệ nạn xã hội vẫn tồn tại...

Việc tuyên truyền, vận động người dân là cả một quá trình không kém khó khăn, phức tạp, phải có nghệ thuật, có sức thuyết phục khi tiếp xúc với dân, vì thế đòi hỏi người trưởng ấp phải có tâm huyết, có trình độ ngang tầm nhiệm vụ thì mới có thể tạo động lực cho khu dân cư phát triển đồng bộ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

DUY ĐỨC

Từ khóa » Trưởng ấp Là Gì