Trường Đại Học Công Nghiệp Thành Phố Hồ Chí Minh - Wikipedia

Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh
Biển tên trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh
Địa chỉ
Map
12 Nguyễn Văn Bảo, Phường 04, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Thông tin
LoạiĐại học đa ngành hệ công lập
Khẩu hiệuĐổi mới tư duy, làm giàu thêm đời sống tri thức và kinh tế
Thành lập11 tháng 11 năm 1956; 68 năm trước (1956-11-11)
Cơ quan quản lýBộ Công Thương
Hiệu trưởngPGS TS. Phan Hồng Hải
Số Sinh viên89.000+
Websitewww.iuh.edu.vn

Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (tiếng Anh: Industrial University of Ho Chi Minh City) là một trường đại học định hướng ứng dụng và thực hành, trực thuộc Bộ Công Thương, chuyên đào tạo nhóm ngành kinh tế công nghiệp và kỹ thuật công nghiệp, được thành lập từ ngày 24 tháng 12 năm 2004.

Ngày 24 tháng 9 năm 2018, trường đã đạt được chứng nhận kiểm định AUN-QA của tổ chức ASEAN University Network, chứng nhận bằng cấp của trường có giá trị sử dụng tại các nước Đông Nam Á.[1]

Lịch sử hình thành và phát triển

[sửa | sửa mã nguồn]
Lối dẫn ra bãi đậu xe mà biểu trưng IUH, viết tắt tiếng Anh của trường.
Lối dẫn ra bãi đậu xe mà biểu trưng IUH, viết tắt tiếng Anh của trường.

Tiền thân của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh là Trường Huấn nghiệp Gò Vấp[2], một trường dạy nghề tư thục do các tu sĩ Dòng Salêdiêng Don Bosco (Việt Nam) thành lập ngày 11 tháng 11 năm 1956 ở xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, Việt Nam Cộng hòa. Đến năm 1968, trường đổi tên thành Trường tư thục Trung học Kỹ thuật Đệ nhất cấp Don Bosco[3]. Điều hành cơ sở do Linh mục Phêrô Cuisset Quý giám đốc Dòng Salêdiêng Don Bosco - Gò Vấp và Linh mục Isiđôrô Lê Hướng hiệu trưởng Trường Huấn nghiệp Gò Vấp (1956 - 1973).

Đầu năm 1970, nhà trường được nâng cấp từ bậc đệ nhất cấp thành bậc đệ nhị cấp, được gọi tắt là Trường Trung học Kỹ thuật Don Bosco[4]. Vào năm 1973 do cơ cấu tổ chức nhà dòng Salêdiêng Don Bosco, linh mục Gioan Nguyễn Văn Ty được tín nhiệm làm Giám đốc dòng Salêdiêng Don Bosco và kiêm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Trung học Kỹ thuật Don Bosco (1973 - 1975).

Cuối 1975, chính quyền Việt Nam trưng dụng trường sở và ngày 19 tháng 12 năm 1975, bàn giao cho Tổng cục Cơ khí Luyện kim và Điện tử. Ngày 1 tháng 1 năm 1976, trường hoạt động trở lại với tên Trường kỹ thuật Don Bosco.[5]. Năm 1978, trường được đổi tên thành Trường Công nhân Kỹ thuật IV, thuộc Bộ Cơ khí và Luyện kim.

Năm 1994, trường hợp nhất với Trường Trung học Hóa chất 2 trú đóng tại Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai thành Trường Trung học Kỹ thuật Công nghiệp IV, thuộc Bộ Công nghiệp. Tháng 3 năm 1999, trường được nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng Công nghiệp IV, vẫn trực thuộc Bộ Công nghiệp.

Ngày 24 tháng 12 năm 2004, trường được nâng cấp thành Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc Bộ Công Thương theo quyết định 214/2004/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ.[6]

Từ năm học 2014 đến nay. Các học sinh / sinh viên học tại cơ sở Biên Hòa được chuyển về cơ sở chính ở TPHCM[7].

Các thế hệ Hiệu trưởng

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Giai đoạn 1956 - 1973: Linh mục Isiđôrô Lê Hướng (đã mất);
  • Giai đoạn 1973 - 1975: Linh mục Gioan Nguyễn Văn Ty (đã mất)
  • Giai đoạn 1975 - 1991: Kỹ sư Lâm Ngọc Anh (đã mất);
  • Giai đoạn 1991 - 1996: Kỹ sư Mai Văn Hợi (đã mất);
  • Giai đoạn 1996 - 2011: Anh hùng Lao động, Tiến sĩ Tạ Xuân Tề;
  • Giai đoạn 15/8/2011 - 11/9/2013: Tiến sĩ Trần Tuấn Anh (Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm nhiệm).
  • Giai đoạn 11/9/2013 - 14/2/2015: Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thiên Tuế được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ Phụ trách trường;
  • Giai đoạn 14/2/2015 đến 27/2/2020: Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tuế được bổ nhiệm chính thức chức vụ Hiệu trường, công bố vào ngày 14/2/2015 tại Trường ĐHCN TP.HCM;
  • Giai đoạn từ 28/2/2020 đến nay: Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bổ nhiệm Tiến sĩ Phan Hồng Hải nắm giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, công bố chính thức vào ngày 9/3/2020 tại cơ sở chính của trường;

Thành tích Trường

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Huân chương Lao động hạng ba năm 1995.[8]
  • Huân chương Lao động hạng nhì năm 1999.[9]
  • Huân chương Lao động hạng nhất năm 2004.[10]
  • Huân chương Độc lập hạng ba năm 2016.
  • Trường Đại học đầu tiên khu vực phía Nam đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp Quốc gia năm 2016.
  • Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam nhận được chứng chỉ chất lượng ISO 9001:2000 do tổ chức chứng nhận Quốc tế TÜV Rheinland - Cộng hòa Liên bang Đức.[11]

Cơ cấu tổ chức Trường

[sửa | sửa mã nguồn]

Phòng chức năng

[sửa | sửa mã nguồn]

Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Đào tạo; Phòng Tài chính - Kế toán; Phòng Công tác chính trị và Công tác sinh viên; Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế; Phòng Quản lý Sau Đại học; Phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng; Phòng Quản trị; Phòng Dịch vụ, Phòng Kế hoạch - Vật tư; Ban Tạp chí Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm Quản lý - Ký túc xá.[6]

Các đơn vị đào tạo

[sửa | sửa mã nguồn]

Các đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đào tạo bao gồm các khoa (viện) và bộ môn trực thuộc:

  • Các Khoa(viện) đào tạo chuyên ngành: Khoa Công nghệ Thông tin, Khoa Công nghệ Cơ khí, Khoa Xây dựng, Khoa Công nghệ Điện, Khoa Công nghệ Điện tử, Khoa Công nghệ May Thời trang, Khoa Công nghệ Hóa học, Khoa Công nghệ Động lực, Khoa Công nghệ Nhiệt lạnh, Khoa Ngoại ngữ, Khoa Quản trị Kinh doanh, Khoa Tài chính Ngân hàng, Khoa Kế toán Kiểm toán, Khoa Thương mại Du lịch, Viện Công nghệ Sinh học & Thực phẩm, Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Luật.[6]
  • Các đơn vị đào tạo không chuyên ngành: Khoa Lý luận chính trị, Khoa Khoa học Cơ bản, Khoa Giáo dục Quốc phòng và Thể chất.[6]

Các đơn vị phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Các đơn vị hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ: Nhà Xuất Bản Đại học Công nghiệp; Trạm Y tế; Nhà ăn; Trung tâm Thông tin - Thư viện.
  • Các đơn vị đào tạo đặc thù trực thuộc trường: Trung tâm đào tạo bồi dưỡng.

Các hội đồng

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Hội đồng Khoa học và Đào tạo: chức năng, nhiệm vụ và thành phần của Hội đồng thực hiện theo Điều lệ trường Đại học và Quyết định thành lập của Hiệu trưởng trường. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn cho Hiệu trưởng về một số công việc như: mục tiêu, chương trình đào tạo; kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ của trường; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên.
  • Các hội đồng khác: tùy theo vào tình hình nhiệm vụ công tác cụ thể của nhà trường, Hiệu trưởng có thể quyết định thành lập một số hội đồng tư vấn như: Hội đồng tuyển sinh, Hội đồng xét nâng ngạch, Hội đồng lương, Hội đồng tuyển dụng, Hội đồng thi đua - khen thưởng, Hội đồng kỷ luật, Hội đồng thanh lý tài sản và các hội đồng khác khi cần thiết để giúp Hiệu trưởng quyết định những vấn đề cơ bản, những nội dung công tác quan trọng về đào tạo, tổ chức – nhân sự, các hoạt động nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thành phần của các Hội đồng do Hiệu trưởng quyết định thành lập theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Các trụ sở đào tạo hiện nay

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Trụ sở chính: 12 Nguyễn Văn Bảo, phường 04, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Diện tích sử dụng là 19.540m2 (gần 2ha)  ;
  • Cơ sở Phạm Văn Chiêu: 20 Đường 53 Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Phân hiệu Quảng Ngãi: 938 Quang Trung, phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi [12];
  • Phân hiệu Thanh Hóa: Phố Quang Trung, phường Quảng Tâm, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Sinh viên & cựu sinh viên nổi tiếng

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Đoàn Thiên Ân - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022, Top 20 Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Đại học đầu tiên thuộc Bộ Công Thương đạt chuẩn kiểm định chất lượng khu vực AUN-QA”.
  2. ^ Lịch sử hình thành và phát triển nhà trường
  3. ^ Công văn số 6224 GD/TT/2D Đổng Lý Văn phòng Bộ Giáo dục, cho phép Linh mục Geronimo Lê Hướng được mở thêm bậc Trung học Đệ nhất và Đệ nhị cấp phổ thông (Việt Nam) tại Tư thục Trung học Kỹ thuật Don Bosco, Saigon, ngày 24 tháng 8 năm 1967, Đổng Lý Văn phòng Bộ Giáo dục, Huỳnh Ngọc Anh (đã ký)
  4. ^ Quyết định số 48/GD/KTHV/QĐ. Trần Lưu Cung và Lê Đình Toán (đã ký). Ngày 31 và ngày 2 tháng 1 năm 1970, số 0086/KTNV/T.TH/M.
  5. ^ Quyết định tiếp nhận Trường Kỹ thuật Don Bosco. TM/Tổng cục trưởng, Tổng cục phó Lê Thành Phụng (đã ký). Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14/01/1977. Công văn số 032/LĐTL-ĐT.
  6. ^ a b c d Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, ngày 1/2005/QĐ-BCN, số công báo: từ số 25 đến số 26, trình trạng văn bản còn hiệu lực - Thứ trưởng Nguyễn Xuân Thúy (đã ký).
  7. ^ “Thông báo về việc chuyển sinh viên từ Cơ sở Biên Hòa về Cơ sở chính”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 11 năm 2018. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2018.
  8. ^ Quyết định số 534 KT/CT. Chủ tịch nước Lê Đức Anh (đã ký). Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 1995 (Đã ghi sổ 26).
  9. ^ Quyết định số 168 KT/CT. Chủ tịch nước Trần Đức Lương (đã ký). Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2001 (Đã ghi sổ 1).
  10. ^ Quyết định số 123 QĐ/CTN. Chủ tịch nước Trần Đức Lương (đã ký). Hà Nội, ngày 5 tháng 2 năm 2005 (Vào sổ vàng số 1).
  11. ^ “Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đón nhận Chứng chỉ chất lượng quốc tế ISO 9001:2000 của Tổ chức TUV Rheinland tại Việt Nam”. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2013.
  12. ^ Diễn văn khai mạc đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010-2015 Lưu trữ 2013-07-02 tại Wayback Machine, Thành phố Quảng Ngãi.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Dữ liệu liên quan tới Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tại Wikispecies

Từ khóa » Trường đại Học Hui