Trường Hợp Nào Thoả Thuận Tài Sản Chung Vợ Chồng Bị Vô Hiệu?

Thoả thuận tài sản chung vợ chồng là hợp đồng tiền hôn nhân?

Trong quá trình chung sống, nhiều cặp vợ chồng đã tạo lập được các khối tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Để tránh xảy ra các tranh chấp không đáng có, không ít người lựa chọn lập thoả thuận tài sản chung vợ chồng.

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, có hai loại thoả thuận:

- Thoả thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng: Đây là hình thức vợ chồng lập thoả thuận về tài sản chung trước khi kết hôn bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Hình thức này thường được gọi là hợp đồng tiền hồn nhân (Căn cứ Điều 47 Luật Hôn nhân và Gia đình).

- Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân: Đây là hình thức vợ chồng thoả thuận và ghi lại việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Việc chia tài sản chung có thể được thực hiện trước khi vợ chồng ly hôn hoặc để vợ hoặc chồng thực hiện quyền, nghĩa vụ riêng mà không muốn xảy ra tranh chấp sau này.

Như vậy, hợp đồng tiền hôn nhân không phải là một thuật ngữ được nêu tại các văn bản pháp luật nhưng đây được xem là hình thức của thoả thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng. Hợp đồng tiền hôn nhân được lập bằng văn bản, có công chứng hoặc chứng thực và phải lập trước khi kết hôn.

Chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận được xác lập kể từ ngày hai vợ, chồng đăng ký kết hôn.

Ví dụ:

Trước khi đăng ký kết hôn, hai người nam và nữ đều có tài sản riêng. Hai người này muốn sau khi kết hôn sẽ nhập một số tài sản riêng vào tài sản chung vợ chồng và cùng sử dụng cho mục đích chung cho gia đình còn một số loại tài sản khác thì không nhập.

Khi đó, trước khi đăng ký kết hôn, hai người lập thoả thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng, trong đó có các nội dung:

- Nhà, đất đứng tên riêng của hai người sẽ nhập vào tài sản chung vợ chồng.

- Ô tô đứng tên người nào vẫn là tài sản riêng của người đó và người còn lại chỉ được sử dụng mà không được sở hữu. Việc chuyển quyền (bán, tặng cho...) hoàn toàn do quyền của người chủ sở hữu tài sản này...

thoa thuan tai san chung vo chong bi vo hieu

Trường hợp nào thoả thuận tài sản chung vợ chồng bị vô hiệu?

Như phân tích ở trên, thoả thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng hay thoả thuận tài sản chung vợ chồng hay hợp đồng tiền hôn nhân là thoả thuận vợ chồng lập trước khi kết hôn. Theo Điều 50 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, thoả thuận về chế độ tài sản vợ chồng bị vô hiệu nếu đáp ứng các điều kiện:

- Bị Toà án tuyên bố vô hiệu.

- Thuộc một trong các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 50 Luật Hôn nhân và Gia đình.

Cụ thể:

Trường hợp 1: Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch

Căn cứ Điều 117 Bộ luật Dân sự, thoả thuận tài sản chung vợ chồng phải đáp ứng các điều kiện về hiệu lực như sau:

- Vợ, chồng phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp.

- Hai vợ chồng phải hoàn toàn tự nguyện lập thoả thuận tài sản chung vợ chồng.

- Mục đích, nội dung của thoả thuận chế độ tài sản vợ chồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Như vậy, nếu thoả thuận về tài sản chung vợ chồng không đáp ứng một trong các điều kiện nêu trên thì sẽ bị vô hiệu.

Trường hợp 2: Vi phạm các quy định tại Điều 29, 30, 31 và 32 Luật Hôn nhân và Gia đình

Điều 29, 30, 31, 32 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về nguyên tắc về chế độ tài sản chung vợ chồng; quyền, nghĩa vụ vợ chồng trong việc thực hiện nhu cầu thiết yếu gia đình; giao dịch liên quan đến nhà ở duy nhất của vợ chồng và giao dịch dân sự giữa vợ chồng với người thứ ba về tài sản ngân hàng, chứng khoán...

Theo đó, nếu việc thoả thuận tài sản chung vợ chồng vi phạm một trong các quy định sau đây thì sẽ trở nên vô hiệu:

- Vợ chồng bình đẳng về việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt lao động trong gia đình và có thu nhập...

- Vợ, chồng thực hiện giao dịch đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; nếu tài sản chung không đủ hoặc không có tài sản chung thì có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng vào việc thực hiện nhu cầu thiết yếu của gia đình.

- Nhà ở là nơi ở duy nhất của vợ chồng thì khi xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan phải có sự thoả thuận của vợ chồng.

- Người đứng tên trên tài khoản ngân hàng, chứng khoán được xem là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó nếu giao dịch với người thứ ba ngay tình...

Trường hợp 3: Nội dung vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, thừa kế và quyền khác giữa cha, mẹ, con và thành viên khác trong gia đình

Nội dung này được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP. Theo đó, giữa cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình có quyền được cấp dưỡng, được thừa kế và các lợi ích khác.

Nếu thoả thuận tài sản chung vợ chồng được vợ chồng xác lập nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc để tước bỏ quyền thừa kế của những người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc hoặc vi phạm các quyền, lợi ích khác của cha, mẹ, con và các thành viên khác trong gia đình.

Thông tư liên tịch số 01/2016 cũng đưa ra hai ví dụ như sau:

Ví dụ 1: Ông A đang có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh B. Sau đó ông A kết hôn với bà C và thỏa thuận chuyển giao toàn bộ tài sản của mình cho bà C, do đó, không còn tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh B. Trong trường hợp này thỏa thuận về tài sản giữa ông A và bà C bị vô hiệu.

Ví dụ 2:

Anh A có con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Sau đó, anh A kết hôn với chị B. Anh A và chị B đã thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng, trong đó có nội dung toàn bộ tài sản của anh A sẽ do chị B thừa hưởng khi anh A chết.

Trong trường hợp này, nội dung thỏa thuận về chế độ tài sản giữa anh A và chị B bị vô hiệu đối với phần tài sản của anh A mà người con bị mất năng lực hành vi dân sự được thừa kế theo quy định của pháp luật.

Trên đây là 03 trường hợp thoả thuận tài sản chung vợ chồng bị vô hiệu theo quy định mới nhất của Luật Hôn nhân và Gia đình. Nếu còn vướng mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Thỏa thuận tài sản trước khi cưới: Thiệt hay lợi?

Từ khóa » Ví Dụ Về Tài Sản Chung Của Vợ Chồng