Trường Nghĩa ẩm Thực Trong Các Tác Phẩm Báo Chí Viết Về Bóng đá

Trường nghĩa ẩm thực trong các tác phẩm báo chí viết về bóng đá

(31/08/2009 15:15:08)

Hiện nay, trong các tác phẩm báo chí viết về thể thao nói chung và về bóng đá nói riêng, để tăng thêm sự sinh động, hấp dẫn nhằm thu hút sự chú ý của công chúng, các tác giả thường sử dụng nhiều thủ pháp ngôn từ khác nhau, trong đó nổi bật là việc chuyển trường nghĩa.

Trước hết, cần tìm hiểu, thế nào là "trường nghĩa". Chúng ta đều biết, mỗi từ trong ngôn ngữ đều có quan hệ mật thiết về ngữ nghĩa với một nhóm các từ khác. Tập hợp những từ đồng nhất với nhau về ngữ nghĩa như vậy tạo nên một tiểu hệ thống ngữ nghĩa. Và mỗi tiểu hệ thống ngữ nghĩa ấy được gọi là một trường nghĩa. Chẳng hạn, nhắc đến chiến tranh người ta nghĩ ngay đến súng, đạn, xe tăng, máy bay, bắn, nổ, cháy, binh lính, sĩ quan, chết, bị thương,...; nhắc đến mùi vị người ta nghĩ ngay đến ngọt, bùi, cay, đắng, chát, thơm,...

Còn "chuyển trường nghĩa" là hiện tượng "một từ ngữ thuộc trường ý niệm này được chuyển sang dùng cho các sự vật thuộc một trường ý niệm khác". Nói rõ hơn, đó là dùng từ ngữ của trường nghĩa này để thay thế cho các từ ngữ vốn được xem là đặc trưng của một trường nghĩa khác.

Trong báo chí viết về bóng đá, các tác giả sử dụng khá nhiều trường nghĩa khác nhau. Tiêu biểu là: 1, Trường nghĩa quân sự - chiến tranh; 2, Trường nghĩa kinh tế - thương mại; 3, Trường nghĩa chính trị - xã hội; 4, Trường nghĩa địa lý; 5, Trường nghĩa ẩm thực; 6, Trường nghĩa sự vật trong trạng thái tiêu cực; 7, Trường nghĩa y học.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập trường nghĩa ẩm thực.

Nếu đặt hai từ "ẩm thực" và "bóng đá" cạnh nhau thì thật khó để tìm được mối liên hệ nào giữa chúng. Nhưng khi viết về bóng đá, các nhà báo lại sử dụng khá phổ biến từ ngữ thuộc trường nghĩa ẩm thực. Sự phong phú trong sử dụng từ ngữ thuộc trường nghĩa này được thể hiện từ việc nhắc đến "bữa tiệc bóng đá, bữa tiệc tấn công... cho tới các món ăn như món chính, món phụ, món đặc sản, món khoái khẩu...; và cả tâm lý của người thưởng thức như no, đói, khát... Tác giả những bài báo đã có sự liên tưởng phong phú, coi bóng đá như một món ăn của con người. Điều này có thể gắn với những lý do sau:

Công chúng của báo chí luôn quan tâm tới những thông tin có liên quan trực tiếp tới họ. Dù ở thời đại nào thì một trong những nhu cầu hàng đầu mỗi ngày của con người chính là việc ăn uống, rồi đến chỗ ở, mặc, đi lại..., rồi sau đó mới nghĩ đến việc làm chính trị, khoa học, nghệ thuật... Có lẽ vì thế mà các nhà báo thường sử dụng từ ngữ thuộc trường ẩm thực để thông tin dễ đi vào tâm trí và để lại ấn tượngđối với bạn đọc yêu bóng đá.

Bóng đá là môn thể thao được ưa chuộng nhất hành tinh. Hàng ngày có rất nhiều trận đấu bóng đá được diễn ra và thu hút hàng triệu người hâm mộ. Thưởng thức một trận đấu bóng đá cũng giống như thưởng thức một bản nhạc hay thưởng thức một bài thơ-những "món ăn tinh thần truyền thống" của nhân loại. Từ đó các nhà báo liên tưởng việc xem bóng đá cũng là chuyện ăn uống về mặt tinh thần - món ăn hấp dẫn nhất trong các môn thể thao. Sự liên tưởng còn mở rộng hơn: ở đây không chỉ có người nấu ăn, chế biến... (thường là các huấn luyện viên hay cầu thủ giỏi); mà còn có các món ăn ưa thích như: món đặc sản, món khoái khẩu... ; rồi có cả tâm lý của người thưởng thức như : no, đói, khát,...

Bên cạnh đó, việc sử dụng rộng rãi các từ ngữ thuộc trường nghĩa ẩm thực còn có thể tìm được nguyên nhân từ trong văn hoá của người Việt. Với người Việt, chuyện ăn uống là việc rất quan trọng: Có thực mới vực được đạo. Người Việt Nam có "tâm hồn ăn uống", thích ăn nhậu tiệc tùng, ăn uống lai rai, thích khao và thích được khao bất cứ sự việc lớn nhỏ nào". Trong giao tiếp hằng ngày, thay cho lời chào, người ta thường dùng các câu hỏi về ăn uống: "Anh (cô, dì, chú, bác) đã ăn cơm chưa?". Các từ ghép của ta cũng có rất nhiều từ bắt đầu bằng yếu tố "ăn" như: ăn uống, ăn mặc, ăn chơi, ăn cắp, ăn hiếp...

Những từ ngữ thuộc trường nghĩa ẩm thực có thể chia thành các nhóm chính sau đây: 1, Từ ngữ gọi tên món ăn; 2, Từ ngữ gọi tên bữa ăn; 3, Từ ngữ gọi tên hành động ăn uống; 4, Từ ngữ gọi tên trạng thái tâm lý của người ăn.

Các món ăn

Món ăn: Một đối thủ đồng hạng đấu Premiership nhưng lại là một "món ăn" ưa thích của Chelsea. (Wembley thẳng tiến, Bóng đá, 26/1/2008).

Miếng bánh: Miếng bánh V-Leugue đã bị chia năm xẻ bảy mà không phải cứ giàu có là được phần hơn. (Ai giành phần hơn?, Bóng đá, 7/3/2008).

Món đặc sản: Xem ra món "đặc sản" phòng ngự của Mourinho vẫn được lưu truyền ở Chelsea thời Avram Grant. (Con số 60, Bóng đá, 7/3/2008).

Món khoái khẩu: Thế nhưng, với Eduardo, đó là một phong cách "khoái khẩu". (Đúng lúc, Thể thao & Văn hoá, 31/12/2007).

Món chính: Và bữa tiệc ấy còn thiếu cả món chính: bàn thắng. (Bữa tiệc không món chính, Bóng đá, 24/4/2008).

Món tráng miệng: "Món tráng miệng" hoàn hảo vào phút 90, khi Muntari tung ra cú nã pháo từ khoảng cách trên 20 m, đã làm rung chuyển toàn bộ khán đàivới gần 5 vạn người trên sân Ohene Djan. (Khai hội, Bóng đá, 21/1/2008).

Bữa ăn nói chung

Thực đơn: Thế nên khi không có "món khoái khẩu" Thái Lan, lại chưa được một "thực đơn" đủ hấp dẫn thì ban tổ chức Agribank Cup có cớ để mà lo lắng về khả năng thu hút khán giả. (Thuốc thử tâm lí, Bóng đá, 31/10/2007).

Bữa tiệc: Đội chủ nhà đã giành 3 điểm một cách đầy kịch tính trong bữa tiệc có tới 7 bàn thắng. (Kịch tính La Bombonera, Thể thao & Văn hoá, 29/3/2008).

Bữa cỗ: Cỗ ngon đã được dọn! Vấn đề chỉ là đội chủ nhà nào có đủ lực để không biếu cho khách bữa cỗ thịnh soạn trong ngày khai mạc. (Cỗ ngon không dọn cho khách!, Bóng đá, 12-3-2008).

Mâm cỗ: Nhưng khi cả một mâm cỗ chiến thắng đã phơi bày, không thể "đánh chén" thì quả tiếc. (Thể Công nhút nhát, Thể thao & Văn hoá, 25/2/2008).

Đủ mâm: Hai gương mặt lạ, Olympiakos (lần đầu vượt qua vòng bảng sau 9 năm) và Fenerbache (lần đầu qua vòng bảng) thì cũng chỉ góp mặt cho "đủ mâm" như trường hợp của Lille cách đây 1 năm. (Có 4 đội Anh, nhưng... Thể thao & Văn hoá, 14/12/2007).

Hành động ăn uống

Nấu ăn: Ông Calisto có chừng ấy "món" nhưng do nấu ăn ngon nên người ta vẫn "xài" được. (Một dáng vẻ khác, Bóng đá,19/3/2008).

Chế biến: Cách bày binh múa trận này đôi lúc cũng được Hitzfeld "chế biến" thêm: đẩy Ribery lên đá hộ công và Altintop bó vào trong hợp với Van Bommel, Ze Roberto thành ba tiền vệ trung tâm. (Ổn định và phá cách, Bóng đá, 6/12/2007).

Làm gỏi: "Bà đầm" chỉ phải có chuyến hành quân không mấy khó khăn tới Reggina, đội bóng mà ở lượt đi đã bị họ "làm gỏi" bằng tỷ số 4-0. (Tạm biệt châu Âu, Thể thao & Văn hoá, 22/2/2008).

Dọn cỗ: Đáng chú ý hơn cả, cái chân trái khá điêu luyện của Leandro đã không ít lần khiến đối thủ lúng túng bởi khả năng điều khiển bóng khéo léo của tiền vệ số 18 và những pha tỉa bóng như dọn cỗ cho đồng đội. (Leandro & chiếc chân trái "ma thuật", Thể thao & Văn hoá, 14/1/2008).

Ăn: Tevez lúc đó mới 18 tuổi đã không chỉ làm lu mờ học trò cưng Paul Scholes của Fergie, mà còn tinh quái đến mức bắt bậc đàn anh "ăn" thẻ đỏ. (Phá lệ Latin, Bóng đá, 1/2/2008)

Ăn gỏi: Họ không giấu giếm ý định "ăn gỏi"những đội bóng được đánh giá thấp hơn nhằm tạo lợi thế trước ƯCV số 1 Kashima Athlers, bất kể đó là sân nhà hay sân khách. (Đến miền đất mới, Bóng đá, 12/3/2008.)

Đánh chén: Nhưng khi cả một mâm cỗ chiến thắng đã phơi bày, không thể "đánh chén" thì quả tiếc. (Thể Công nhút nhát, Thể thao & Văn hoá, 25/2/2008).

Trạng thái tâm lý của người ăn

No: Nhưng 2 đội bóng nhỏ bé kia đã có màn trình diễn tuyệt đỉnh với no nê bàn thắng còn Bayern chỉ là con số 0 tẻ nhạt. (Tính hiệu quả, Bóng đá,6/11/2007).

Đói: Nỗi buồn, là khi họ 3 lần liên tiếp bị Juve vượt mặt ở Serie A những năm 1930; là khi họ chứng kiến lần lượt Milan rồi Juve thay nhau thống trị Serie A trong khoảng thời gian "đói vinh quang" kéo dài nhất trong lịch sử. (Inter & một thế kỷ cảm xúc, Thể thao & Văn hoá, 29/3/2008).

Khát: Nhưng lời hứa ấy xem ra rất khó thực hiện bởi Atletico cũng đang rất "khát" chiến thắng sau khi để thua Villarreal một cách đáng tiếc ở vòng trước. (Lời hứa của Emery, Thể thao & Văn hoá, 11/11/2007).

Ngon ăn: Song sự xuất sắc của thủ thành Matsubara cũng như sự thiếu chuẩn xác trong những tình huống ngon ăn của các chân sút đã không giúp đội bóng của Việt Nam kết thúc trận đấu trong 90 phút chính thức. (Khách ngoại ẵm Cúp, Bóng đá, 25/11/2007)

Tham ăn: Chỉ mỗi tội lần này chiếc "bánh mới" là đội tung ra 3 cú đánh choáng váng vào miệng "kẻ tham ăn" (Kinh hoàng màn đấu súng, Bóng đá, 1/2/2008)

Bội thực: Các cầu thủ không tự tin vào chính kĩ thuật của mình chứ không hẳn là do "bội thực" các trận đấu quốc tế. (SEA Games 24 là một cú vấp ngã quá lớn, Bóng đá, 23/12/2007)

Trong những từ thuộc trường nghĩa ẩm thực được dùng trong các tác phẩm báo chí viết về bóng đá, ba từ "khát", "bữa tiệc", "đặc sản" xuất hiện với tần số cao hơn cả. Chúng ta thử tìm hiểu lý do của hiện tượng này.

- "Khát": 1, Có cảm giác cần uống nước. Khát khô cổ. Uống cho đỡ khát. 2, Ở trong tình trạng quá thiếu nên đòi hỏi cấp thiết, thiết tha muốn có. Khát tin tức. Khát tình thương.

Từ "khát" trong các tác phẩm báo chí viết về bóng đã được dùng với ý nghĩa thứ hai. Nó thể hiện sự khao khát, nguyện vọng của các đối tượng có liên quan đạt được những điều gì đó tích cực (bàn thắng, được ra sân, vào sâu hơn trong các giải đấu, v.v). Đây là trạng thái tâm lý phổ biến nhất và cũng hoàn toàn chính đáng của các cầu thủ, do vậy từ trên xuất hiện với tần số cao hơn cả.

- "Tiệc": bữa ăn đặc biệt có nhiều món ngon và có đông người dự, nhân một dịp vui mừng. "Bữa tiệc" trong bóng đá chính là trận đấu hấp dẫn, đẹp mắt, giàu kịch tính, để lại nhiều cảm xúc cho công chúng. Việc từ này xuất hiện với tần số đặc biệt cao ở các tác phẩm viết về bóng đá gắn với nhiều lý do: thứ nhất, do đời sống kinh tế ngày càng nâng cao, chuyện "tiệc tùng" trở thành quen thuộc với nhiều người trong xã hội, dẫn đến từ "bữa tiệc" được sử dụng rộng rãi ở nhiều phạm vi giao tiếp (không chỉ riêng lĩnh vực ăn uống); thứ hai, với sự phát triển mạnh mẽ của bóng đá thế giới và sự bùng nổ của truyền thông, người ta có điều kiện được thưởng thức ngày càng nhiều trận bóng đá hay- thứ có thể xem là "bữa tiệc"; thứ ba, đó còn là sự thể hiện khát vọng của mọi người: cả người trong cuộc, trực tiếp quan hệ với bóng đá lẫn công chúng.

- "Đặc sản": sản phẩm đặc biệt của một địa phương. "Món đặc sản" trong các tác phẩm viết về bóng đá chính là những nét riêng có thể hiện phong cách của một đội bóng, một huấn luyện viên hay một cầu thủ. Sự xuất hiện dày đặc từ "đặc sản" ở các nhà hàng, cửa hiệu, trong thời buổi kinh tế thị trường với sự phát triển ngày càng mạnh và mang tính cạnh tranh cao của ngành du lịch đã khiến cho nó trở thành mốt. Và có thể xem đây là lý do chính yếu để nó gặp khá nhiều trong báo chí viết về bóng đá.

Tóm lại, bằng việc sử dụng từ ngữ thuộc trường nghĩa ẩm thực, các tác giả viết về bóng đá đã khiến cho những trận đấu của môn thể thao này mang hương vị, màu sắc, kiểu dáng của những thứ liên quan tới nghệ thuật làm bếp và ăn uống. Điều đó cho thấy sự linh hoạt, uyển chuyển kỳ diệu của ngôn ngữ và khả năng sáng tạo vô tận của con người trong phản ánh thế giới khách quan.

TS. Hoàng Anh-Nguyễn Thị Yến Theo NSTT số 8/2009

Từ khóa » Trường Nghĩa Liên Tưởng