Truy Tố Là Gì? Bản Chất, ý Nghĩa Của Truy Tố Trong Tố Tụng Hình Sự?

Mục lục bài viết

  • 1 1. Truy tố là gì?
  • 2 2. Bản chất pháp lý của truy tố trong tố tụng hình sự:
  • 3 3. Vị trí, vai trò và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền truy tố:
  • 4 4. Thời hạn quyết định truy tố:

1. Truy tố là gì?

Truy tố là việc đưa người phạm tội ra trước tòa án để xét xử, ở một số quốc gia trên thế giới việc truy tố sẽ được thực hiện bởi Viện công tố, tại Việt Nam truy tố người phạm tội ra trước tòa thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân.

Sau khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố rồi gửi cùng hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát cùng cấp thực hiện thẩm quyền truy tố.

Quyết định việc truy tố là giai đoạn thứ ba của hoạt động tố tụng hình sự, mà trong đó Viện kiểm sát căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách qua các tài liệu của vụ án hình sự (bao gồm cả kết luận điều tra và quyết định đề nghị truy tố) do Cơ quan điều tra chuyển đến và trên cơ sở đó Viện kiểm sát ra quyết định: Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng (kết luận về tội trạng); Trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc là đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án hình sự.

Truy tố là một giai đoạn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Giai đoạn truy tố được bắt đầu từ khi Viện kiểm sát nhận được các tài liệu của vụ án hình sự (bao gồm cả kết luận điều tra và đề nghị truy tố) do Cơ quan điều tra chuyển đến và kết thúc bằng việc Viện kiểm sát ra một trong ba loại quyết định sau: Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng (kết luận về tội trạng), trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án hình sự.

2. Bản chất pháp lý của truy tố trong tố tụng hình sự:

Với tính chất là một giai đoạn độc lập của hoạt động tố tụng hình sự, giai đoạn truy tố về hình sự có chức năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể do luật định kiểm tra lại tính hợp pháp và có căn cứ của toàn bộ các hành vi tố tụng mà cơ quan Điều tra có thẩm quyền đã áp dụng để bảo đảm cho các quyết định của Viện kiểm sát được chính xác và khách quan góp phần truy cứu trách nhiệm hình sự đúng tội, đúng người và đúng pháp luật. Thời điểm của giai đoạn này được bắt đầu từ khi Viện kiểm sát nhận được các tài liệu của vụ án hình sự (bao gồm cả kết luận điều tra và đề nghị truy tố) do Cơ quan điều tra chuyển đến và kết thúc bằng việc Viện kiểm sát ra một trong ba loại quyết định sau:

1) Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng (kết luận về tội trạng),

2) Trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc là

3) Đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án hình sự tương ứng.

Vai trò (ý nghĩa) của giai đoạn này được thể hiện trên các bình diện chủ yếu như sau:

– Một mặt, truy tố là chức năng quan trọng của Viện kiểm sát nhằm áp dụng các biện pháp cần thiết do luật định để kiểm tra lại tính hợp pháp và có căn cứ của toàn bộ các hành vi tố tụng mà cơ quan Điều tra có thẩm quyền đã áp dụng; để loại trừ những hậu quả tiêu cực của các sai lầm hoặc sự lạm dụng đã bị bỏ lọt trong hai giai đoạn tố tụng hình sự trước đó;

– Mặt khác, quyết định truy tố của Viện kiểm sát thông qua bản cáo trạng thể hiện hoạt động chứng minh trên cơ sở các tài liệu của hồ sơ của vụ án (nhất là kết luận điều tra) tính chất lỗi của hành vi phạm tội, lỗi của bị cáo trong việc thực hiện tội phạm để góp phần có hiệu quả trong việc chuẩn bị cho giai đoạn xét xử của Tòa án, loại trừ những thiếu sót hoặc hậu quả tiêu cực tiếp theo có thể xảy ra do việc xét xử thiếu công minh, vô căn cứ và không đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan những người vô tội;

– Và cuối cùng, chính vì vậy, truy tố là một giai đoạn tố tụng hình sự quan trọng để cường pháp chế, bảo vệ các quyền và tự do của công dân trong các giai đoạn trước khi xét xử tại Tòa án.

3. Vị trí, vai trò và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền truy tố:

Mối quan hệ giữa Nhà nước với cá nhân người phạm tội do chính hành vi phạm tội làm phát sinh ra, theo đó bất kỳ Nhà nước nào cũng sử dụng quyền công tố để chống lại những hành vi gây nguy hại đến nền thống trị và những lợi ích căn bản của giai cấp đang cầm quyền, đồng thời cũng là để nhân danh xã hội duy trì trật tự công cộng. Là một trong những nội dung của quyền tư pháp, quyền công tố luôn luôn gắn liền với bản chất chính trị của từng kiểu Nhà nước và được tổ chức thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau trong lịch sử.

Trong xã hội phong kiến, lúc đầu nhà Vua hoặc các quan chức hành chính đảm nhiệm luôn cả quyền tư pháp; về sau quyền tư pháp được giao cho Tòa án, những quan toà thời đó tượng trưng cho công lý vừa có quyền điều tra, quyền truy tố và quyền xét xử người phạm tội. Đến xã hội hiện đại, quyền tư pháp không còn tập trung vào quan toà mà được phân công cho các cơ quan, trong đó quyền công tố nhân danh Nhà nước đưa vụ án ra toà và buộc tội bị cáo ở các nước được giao cho Viện công tố, ở nước ta và các nước XHCN giao cho Viện kiểm sát vừa làm chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật vừa thực hành quyền công tố.

Sự phân định chức năng chuyên biệt như thế được xem là bước tiến quan trọng trong lịch sử tư pháp nhân loại, tạo ra cơ chế giám sát, chế ước nhau trong việc trừng phạt người phạm tội để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Cũng từ đây, vai trò của cơ quan công tố trở nên rất quan trọng ở hầu hết các nước trên thế giới. Khi tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án hình sự, Kiểm sát viên (Công tố viên) là người đại diện cho công quyền truy tố tội phạm để bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích cá nhân, lợi ích của cộng đồng xã hội. Tùy theo truyền thống pháp luật và đặc điểm của từng quốc gia mà thủ tục truy tố có những nét chung giống nhau đồng thời cũng mang những nét đặc thù riêng. Những nét chung giống nhau là đều nhân danh Nhà nước, nhân danh lợi ích công để truy tố người phạm tội ra tòa.

Trong chế độ XHCN xác định thực chất trách nhiệm của Viện trưởng và các Kiểm sát viên khi truy tố tội phạm chính là làm sao thực hiện cho được nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật để bất cứ ai, dù người đó đang giữ bất kỳ cương vị công tác nào, nếu đã có hành vi phạm tội, tất yếu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự; ngược lại nếu có công dân nào đó bị khởi tố, bị bắt, bị giam giữ không có căn cứ và trái pháp luật, thì Viện trưởng và Kiểm sát viên phải can thiệp ngay để chấm dứt sai phạm. Thông qua đó, gắn yêu cầu bảo vệ các nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến pháp và các đạo luật với phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước trong từng thời gian; bảo đảm việc trừng trị gắn với giáo dục, cải tạo người phạm tội trở thành người lương thiện; đấu tranh chống tội phạm đi đôi với phòng ngừa tội phạm.

Nguyên tắc khi truy tố tội phạm, Viện kiểm sát các cấp và các Kiểm sát viên quán triệt quan điểm giai cấp, quan điểm quần chúng trong hoạt động nghiệp vụ, thực hiện quyền hạn đấu tranh chống tội phạm gắn với nghĩa vụ bảo vệ quyền và các lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm dân chủ đi đôi với giữ gìn kỷ cương phép nước. Do đó, khi truy tố tội phạm, Viện kiểm sát các địa phương chỉ tuân theo pháp luật và chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao mà không chịu sự can thiệp của bất cứ cơ quan hành chính nhà nước nào ở địa phương.

Có như vậy, việc truy tố mới mang đầy đủ ý nghĩa nhân danh lợi ích chung, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và yêu cầu tăng cường pháp chế XHCN. Đồng thời, cần tiếp tục duy trì nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành kiểm sát như quy định hiện hành. VKSND tối cao có trách nhiệm thực hành quyền công tố trên phạm vi cả nước, có quyền truy tố tội phạm ra bất cứ Tòa án cấp dưới nào. Viện kiểm sát các địa phương có thẩm quyền truy tố các tội phạm theo thẩm quyền xét xử của Tòa án địa phương cùng cấp.

4. Thời hạn quyết định truy tố:

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định khá rõ ràng về thời hạn quyết định việc truy tố, cụ thể tại khoản 1 Điều 240.

Như vậy, tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà thời hạn để quyết định việc truy tố có thể khác nhau: tính từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng thì thời hạn lên tới 30 ngày (20 ngày với trường hợp thông thường + 10 ngày nếu gia hạn), với tội phạm rất nghiêm trọng thì thời hạn có thể lên tới 45 ngày (30 ngày với trường hợp thông thường + 14 ngày nếu gia hạn), với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thời hạn này có thể lên tới 60 ngày (30 ngày với trường hợp thông thường + 30 ngày nếu gia hạn).

Vì bạn chưa cung cấp các thông tin cụ thể về tội phạm của anh trai bạn là tội ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng theo Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội đánh bạc, do đó, chúng tôi chưa thể xác định rõ về thời hạn quyết định việc truy tố trong trường hợp của anh trai bạn. Bạn có thể cung cấp thêm các thông tin để chúng tôi xác định rõ hơn hoặc dựa vào quy định trên để tự xác định.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý: Thời hạn quyết định việc truy tố theo điều luật được trích dẫn trên đây là khoảng thời gian để ra một trong các quyết định về truy tố bị can trước Tòa (ra bản cáo trạng), trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án/ bị can, không phải là khoảng thời gian từ khi viện kiểm sát nhận được hồ sơ vụ án, kết luận điều tra cho đến khi vụ án được đưa ra xét xử tại Tòa. Bởi trên thực tế, không ít trường hợp viện kiểm sát ra quyết đình trả hồ sơ để điều tra bổ sung do thiếu chứng cứ để chứng minh hoặc tạm đình chỉ vụ án khi xét thấy cần thiết. Do đó, thời gian để đưa vụ án ra xét xử có thể kéo dài hơn.

Để việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Tòa án đưa vụ án ra xét xử, bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội, tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, cần đổi mới các thủ tục truy tố hiện hành.

Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết: Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Từ khóa » Hình Sự Nghĩa Là Gì