Truyện 100 Chữ
Có thể bạn quan tâm
Truyện 100 chữ
Nét Chữ Ngoại Xưa
Dấu Lặng
Một Thời
Nó
Bố Tôi
Luật Lệ
Chị Ơi !
Hoa Nhặt
Nhớ
Bạn Già
Trận Đòn Của Bố
Mẹ Tôi !
Kỷ Vật
In Thơ
Chắt Chiu
Bài Học Đầu Tiên
Nỗi Đau
Vô Tâm
Em Tôi
Con Trai
Cha Và Con
Mồ Côi
Tím Huế
Ba Về
Quyển Sách
Nước Mắt Muộn
Ông Tôi
Tóc Mượn
Chuyện Cũ
Ngày Về
Cánh Đồng Hoang
Cụ Gái
Ước Mơ
Người Cha
Mẹ Ghẻ
Em Gái Tôi
Nhớ Mẹ
Võ Sĩ
Ngày Xưa
Đàn Ông
Lưu Bình - Dương Lễ Truyện Cổ
Aên Cơm
Nội
Người Cháu
Thế Giới Của Trẻ
Cưới Vợ
Vô Tâm
Tình Đầu
Mẹ
Hai Mảnh Đời
Bạn Tôi
Má Tôi
Cái Nhau Mèo
Chuyện Nhỏ
Giàu Đôi Con Mắt...
Bác Ruột
Bố Tôi
Ngơ Ngác
Vào Đời
Nội Tôi
Lời Má Dặn
Ba
Mợ Tôi
Anh Hai
Mẹ Và Con
Nuôi Mẹ
Thất Nghiệp
Mẹ Chồng
Mẹ!
Ngày Sinh Nhật Làm Mẹ
Chung Tình
Mất Ngủ
Ngành Y
Ngậm Ngùi
Dượng Tôi
Hai Bà Vợ
Tivi
Tư Lự
Hương Ngọc Lan
Tiếng Đầu Đời
Con Sáo Đường Về
Thần Dược
Chuyện Rằm Tháng Bảy
Người Cha
Nghĩa Tận
Tình Sử
Chuyện Nhỏ
Nỗi Buồn Tivi
Kỷ Niệm
Nhận Lỗi
Mẹ Xưa
Ông Tôi
Thơ Tặng Mẹ
Mong Chờ
Chữ Ký
Lấy Chồng
Chuyện Đời
Lời Con Trẻ
Ngoài Giờ
Xạo
Ba
Ngoại
Aùo Mới Của Mẹ
Quà Cho Ngoại
Cái Diều
Sanh Con Gái
Dạy
Mùa Hè Của Con An
Cha Tôi
Không Cha
Ngày Giỗ
Cu Lì
Chim Hót... Nghe Buồn
Bên Mình
Tầm Cao
Dì Ghẻ
Tâm Bão
Mùa Cá Linh
Hương Bưởi
Tìm Cha
Nhà Thợ
Chị Và Em
Chuyện Ngôi Nhà Ngập Nước
Chị Hai
Thằng Sứt
Tuổi Dại
Cá Chạy
Thời Gian
Quà Đồng
Chậu Mai Mới
Mẹ Tôi
Khoảng Cách
Cái Được Cái Mất
Aám Tình
Qua Sông
Khờ Quá
Cây Bàng Đến Với Rừng
Đồng Lương Đầu Tiên
Chiếc Đồng Hồ
Nắng Nhảy
Chuyện Người Lớn
Cám Ơn" Ông Xây Dựng
Chị Hai
Mẹ Vợ
Của Em
Vết Chai Tay
Khi Ba Mẹ Run Tay...
Tiết Học Mẫu
Nhớ Ngoại
Gia Đình
Đổ Vỡ
Rượu Cần Mùng 8 Tháng 3
Tiếng Cười
Phận Dâu Con
Bao Dung Mẹ Tứ Hành Xung
Khoảng Trống
Ngây Thơ
Bàn Tay Mẹ
Một Buổi Sáng
Đàn Vỡ
Vì Anh
Bà Gái
Đặc Sản Quê Nhà
Trầu Cho Nội
Lòng Mẹ
Mùa Ô Mai Chín
Cháu Nội Tội Ngoại
Những Chiếc Bao Lì Xì
Hai Lần Chờ
Nhà Lầu, Nhà Tranh
Nghề Nghiệp
Xuôi Ngược
Con Nít Sàigòn
NÉT CHỮ NGOẠI XƯA...
Năm tôi lên sáu, ngoại cầm tay tôi tô những nét chữ đầu tiên, từ cỡ chữ 1 ly đến 4 ly, các kiểu chữ hoa... Từ cái bút chì Gilbert luôn được gọt nhọn, ruột chì vừa đen vừa mềm đến cái bút mực ngòi lá lúa, ngòi rộng nét thanh nét đậm được cắm chặt nơi đầu quản bút bằng giấy do chính tay ngoại xoe rất chặt. Hơi thở của ngoại nhè nhẹ bên tai mỗi lần tôi tập viết. Nhớ một lần đi học về, thấy vở tôi chữ viết không đều, ngoại bắt tôi viết lại ba lần sau khi đã ngửa bàn tay phải lãnh đủ 3 roi đũa cả.
Nghĩ đến lũ trẻ bây giờ mà buồn: bút đủ loại đắt tiền, toàn đồ ngoại. Vậy mà càng lớn, chữ càng xấu.
ĐOÀN NGỌC TOẠI
(42 Mai Hắc Đế, Hà Nội)
NÓ
Ba mất. Mẹ nó sợ tuổi xuân trôi qua uổng phí, đi bước nữa. Nó về ở với Nội. Nội già. Nó làm tất cả. Nó giống người Châu Phi – đen trùi trũi! Có người hỏi: "Mày có buồn không?". Nó yên lặng nhìn xa xăm!
Một chiều, nó dẫn về một con bé, nhỏ hơn. Nội nhìn nó ngạc nhiên. Nó ngậm ngùi: "Con còn có Nội – nó chẳng còn ai!"
TÂM BÌNH
(Lớp 10 chuyên toán Trung Học Quốc Học – Qui Nhơn)
BỐ TÔI
Bố nghiện chè xanh. Mỗi ngày không có một ấm là Bố mất vui. Ăn uống kém ngon.
Hồi tôi còn nhỏ, suy nghĩ chưa thấu đáo. Một lần tôi cùng đứa bạn đi đá bóng về. Mồ hôi nhễ nhại, khát cháy cổ, vội vồ lấy ấm nước của Bố. Hai đứa tu hết veo. Mẹ trông thấy, khẽ cốc đầu tôi bảo: "Sao con hư thế?"
Bố đỡ lời cho tôi: "Cứ để con nó uống. Đói khát thì có ai chịu được đâu?"
Bữa cơm hôm ấy tôi thấy Bố ăn ít, có vẻ kém ngon.
Giờ tôi đã có gia đình, kinh tế khá giả, toàn uống Lipton. Bố thì đã mất, còn nhớ ấm chè xanh khi đó chỉ có 500đ.
NGUYỄN TIẾN THĂNG
(Phân viện Báo chí và tuyên truyền – Hà Nội)
LUẬT LỆ
Bé Vi 3 tuổi. Bé đã nói được rất sõi và rất thích tìm hiểu mọi sự việc xung quanh mình. Ngày ngày đưa đón con đi học, người Mẹ thường giải thích cho con về luật lệ giao thông khi qua ngả tư. Một hôm bé thắc mắc:
Sao chú kia không dừng lại khi đèn đỏ hả Mẹ?
.....
Có khi bé góp ý:
Đèn đỏ mà. Sao Mẹ chạy luôn vậy? Mấy chú công an phạt Mẹ thì sao?
.....
Một hôm, Mẹ dừng lại ngay ngả tư đèn đỏ. Bé giục:
Không có các chú công an. Chạy luôn đi Mẹ!
HOÀI NHƯ (BR – VT)
NHỚ
Ở quê việc học khó khăn nên mới lên lớp Hai, thằng Út đã được gởi ra chị Hai ở phố để theo học.
Lâu lắm Mẹ mới ra thăm. Lần nào chị Hai cũng nhằn Mẹ vì Mẹ cứ nhai trầu bỏm bẻm suốt ngày; lại còn vứt bả trầu lung tung. Lần nào cũng vậy.
Đưa Mẹ ra bến xe về quê xong, chị Hai về thấy nhà vắng ngắt. Tìm mãi mới thấy thằng Út đứng khóc sau kẹt cửa, tay cầm mấy cái bã trầu khô.
AN HẠ (TP.HCM)
IN THƠ
Đọc trang thơ trên một số tạp chí tôi rất buồn cho thơ. Toàn lên tuổi cả. Lũ vô danh chúng tôi kiên trì viết, gửi chỉ nhận được hồi âm: mong sáng tác mới. Lại vắt mình rạo rực trong cõi mù tăm. Chợt nghĩ ra một cách tôi gửi đến tạp chí một chùm ba bài cũ đã gửi. Cả ba bài đều được in ngay vào số đặc biệt giới thiệu chân dung văn học.
Có điều tôi phải trả giá. Đứa con tinh thần không lấy họ tên cha mà thay bằng bút danh của một nhà thơ vang bóng.
NGUYỄN HÀN CHUNG
(Quảng Nam)
EM TÔI
Ba tháng trước ba Mẹ tôi ly thân, thằng Tý mới lớp một, tôi lớp 9. Hôm nay, giờ cơm chiều Ba Mẹ tôi chẳng buồn nói với nhau một tiếng. Thằng Tý đi học về, cả nhà lên bàn cơm dọn sẵn. Chợt thằng Tý nói: Chị ơi, thằng Tân bạn em, không chơi với em nữa vì bọn em đã ly thân. Hôm nay, nhà nó dọn đi, nó chuyển trường, biết vậy em không ly thân với nó, nó sẽ không chuyển đi.
Ba Mẹ tôi nhìn nhau, tôi rơi nước mắt.
HỮU THÀNH
(Long Thành – Đồng Nai)
BẠN GIÀ
Lâu lâu mới gặp nhau, thấy bạn thần sắc kém. Lại nghe tin đám con cháu bỏ mặc. Hai vợ chồng già sống với nhau. Mà gia cảnh có đến nỗi nào. Hưu trí rồi. Con đi đằng con.
Bạn hỏi:
Giờ đứa nào ở với ông?
Thực là, mình sống với con út, con gái luôn về thăm. Thương bạn, đành nói dối:
Thì cũng như ông.
Bạn thở dài:
Giờ vậy!
Đã toan nói: "Không hẳn ai cũng thế". Lại thôi.
Im lặng. Rồi đứng dậy bắt tay nhau.
PHONG THU (Hà Nội)
TRẬN ĐÒN CỦA BỐ
Ngày bé, tôi thường bị bố đánh đòn vì hư, vì học kém. Những lần như thế, tôi thường oán hận ông.
Giờ đây, tôi đã có gia đình, rồi có con. Và đôi lúc chúng hư hỏng, tôi cũng đánh chúng. Nhưng mà, mỗi ngọn roi quất lên người các con tôi là tôi cảm thấy như tim mình đau xé...
Tôi chợt nhớ đến bố và những ngọn roi của bố. Tôi ước được quỳ bên bố để xin lỗi bố. Nhưng người đã không còn nữa. Bố tôi đã đi xa...
NGUYỄN LONG SƠN
(Q 1 TP. HCM)
CHẮT CHIU
Bà ở quê lên chơi.
Chủ Nhật Mẹ dọn các thứ không còn dùng đến, bỏ xe rác cho khỏi chật nhà.
Bà âm thầm nhặt chiếc cặp trong đống đồ bỏ, vuốt ve nó rồi cho vào túi xách của bà. Tôi tò mò đi theo: "Bà, chi vậy bà?" Bà nhìn tôi cười nhẹ: "Bà mang về cho con cô Tư. Tội nghiệp nó, cặp rách hết vẫn còn khâu lại dùng, chiếc cặp này còn nguyên, chỉ hơi cũ, chắc nó mừng lắm!".
Tôi lặng người, trong lòng bao nỗi xốn xang.
NGUYỄN THỊ NHƯ
(Quy Nhơn)
CON TRAI
Bà Nội sanh mỗi mình Bố.
Mẹ cũng chỉ có mỗi Bé thôi. Mẹ sanh phải mổ mà.
Bé đã lên năm, thích em trai lắm. Bố cũng vậy. Bà Nội thì khỏi nói, lúc nào ôm Bé cũng thở dài: Phải chi...
Một hôm Mẹ khóc – Rồi Mẹ nằm vùi, lặng ngắt, xanh xao. Cả nhà tự nhiên im ắng hẳn. Suốt tuần.
Bố với bà Nội đem về cho Mẹ một chú nhóc thật xinh. Bé thì mê mẩn, nhưng Mẹ chẳng khoẻ lên tí nào. Mẹ bảo: Bố đổi em bé bằng trái tim Mẹ đấy!
LINH DIỆU (TP. HCM)
MỘT THỜI
Bước vào năm thứ nhất, lũ con trai xếp hàng làm đuôi của chị. Chị cười bảo: "Một lũ điên".
Bước sang năm thứ hai, một nửa trong số đó ước ao được xách cặp cho chị. Ngó lơ, chị "mím chi cọp".
Bước sang năm thứ ba, chỉ còn duy nhất một người, chị chê hắn cù lần.
Năm cuối cùng, kẻ cù lần ngày ấy trở thành cái đuôi của một nữ sinh viên năm thứ nhất.
Không có ai theo đuổi, chị lại ước mình là sinh viên năm thứ nhất.
HỒ THỤY LIÊN (TP. HCM)
HOA NHẶT
Chiều áp Tết. Chợ hoa vơi dần. Gió lạnh. Thằng Tý mong manh áo, nhưng đôi mắt sáng rực. Nó cứ nhìn. Hình như nó biết chẳng ai cấm nhìn.
Mẹ nó quét rác nuôi nó. Nhờ học lớp Tình Thương nên nó biết thèm hoa. Dù đói...
Tan chợ. Cái im ắng làm lão Tư Say thức dậy. Lão ném tung những giỏ rác. Bó hoa sót trong giỏ rơi xuống rãnh nước đen... gãy nát. Tý nhặt được, mừng húm!
Quét chợ về, chị Hai sững sờ nhìn bình hoa đỏ tươi trong căn lều trống hoác...
NGUYỄN THÁNH NGÃ
(Lâm Đồng)
KỶ VẬT
Ngày sơ tán, tôi chỉ mang theo ruột tượng gạo và chiếc áo blue vải tám. Chiếc áo theo tôi suốt chiều dài đất nước, chia sẻ sự sống cùng cái chết. Sau tiếp quản vài năm, tôi cất kỹ vào đáy tủ.
Hôm qua, phát hiện chiếc áo nằm co ro trong yên xe bẩn thỉu, tôi la toáng lên:
Đứa nào lấy áo bố lau xe?
Tôi đấy, vợ tôi nói vọng ra từ phòng khách, của nợ đó để chi thêm chật!
Bóp chặt chiếc áo trong tay, ngẩn ngơ hoài, không biết cất vào đâu.
PVL (Khánh Hoà)
DẤU LẶNG
Ngoại tẩn mẩn mở bảo-tàng-túi. Trong đó có mấy bức ảnh ố vàng gối đầu lên nhau. Bé Chiều chỉ người đàn bà nhếch nhác ẵm đức trẻ gầy nhom:
Mẹ đây hở bà?
Bà đấy. Mẹ đây nè! Ngoại chỉ con bé trong ảnh.
Mẹ mà nhỏ xíu, không mặc quần!
Lớn mới làm Mẹ. Già thành bà. Rồi cháu cũng thế.
Cháu không làm bà. Lưng gãy xấu lắm lại ăn trầu xay không ăn được kẹo.
Làm Mẹ vậy – Mẹ cười.
Hông... Làm Mẹ khổ lắm! Ngồi may suốt ngày.
Im lặng. rồi tiếng máy may lại rào rào như tiếng mưa rơi.
QUẾ HƯƠNG
(Đà Nẵng)
VÔ TÂM
Ngày còn nhỏ, tôi thường được dì – dượng kể về chuyện tình của họ. Một tình yêu thật đẹp được tô điểm bằng những tình khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà lúc ấy cả hai người đều thích...
Hôm vào nhà sách, thấy tuyển tập nhạc Trịnh Công Sơn, tôi mua ngay gửi tặng dì – dượng. Người bạn gái đi cùng bỗng hỏi: "Ba Mẹ anh thích gì? Sao anh không mua tặng họ?".
Tôi chợt giật mình. Tôi có vô tâm lắm không khi mà tôi cũng chẳng biết được Ba Mẹ tôi thích điều gì nhất!
NGUYỄN NGUYỄN LƯU HUỲNH
(TP. HCM)
CHỊ ƠI !
(Thương tặng chị Hải Yến)
Ngày xưa, bố Mẹ đi là từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Chị phải chăm sóc em thay Mẹ. Trưa, dắt em đi học, trời nắng. Chiều, trời bất chợt đổ mưa. Chị mượn được một cái áo mưa nhường em mặc.
Mẹ về, thấy chị ướt như chuột lột, ngỡ chị tắm mưa, đánh đòn.
Bây giờ, em xa chị. Chiều nay, trời cũng bất chợt đổ mưa, em co ro tránh mưa dưới mái phố, có ai nhường áo cho em mặc như chị ngày xưa không? Chị ơi!
HOÀNG THỊ HẢI ANH (Huế)
BÀI HỌC ĐẦU TIÊN
Sáu tuổi, tôi theo Bố đến trường. Trên bờ đê nhầy nhụa, trơn ướt, bước chân Bố hằn lên mạnh mẽ, vững chãi. Tôi hết sức sải chân dẫm vào, nghĩ: "Mình sẽ không trượt ngã". Bố mỉm cười, nhìn tôi trìu mến: "Con hãy đi với chính bước chân của mình. Đừng đi trên dấu chân có sẵn". Tôi nhìn Bố lắc đầu không hiểu.
Lớn lên. Vào đời. Tôi khao khát khẳng định mình, nhưng lại tự đánh mất chính mình. Thất bại, tôi gục khóc. Nhớ lời Bố xưa. Hiểu ra, nhưng Bố đã không còn.
NGUYỄN THỊ HOA HIÊN
(V348 Phố Vườn Cam, Phường Hợp Giang, Cao Bằng)
MẸ TÔI !
Học sinh trường làng học yếu, tôi bảo về nhà kèm thêm. Những lúc ấy, Mẹ chống gậy ra hiên lắng nghe, nhìn tôi và học trò ánh mắt trìu mến.
Hôm tôi sốt dặn Mẹ cho các em về. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe tiếng Mẹ đọc bài rồi gõ từng nhịp thước xuống bàn. Tiếng diễn vần "Bài quả cam" vang lên, lần bước ra tôi thấy Mẹ cầm nhành cam giảng say sưa... "ăn quả nhớ kẻ trồng cây"... Tôi sực nhớ Mẹ từng là giáo viên trong chiến khu và những năm sau hoà bình.
NGUYỄN BÍCH PHỤNG
(Hẻm 18B Cù Chính Lan, Pleiku)
NỖI ĐAU
Giờ chấm bài, cả lớp im thinh thít. Tôi gọi:
Dũng, lên đây!
Dạ!...
Không như những em trước, Dũng chỉ nhăn mặt, mỗi khi chiếc thước kẻ tôi quất lên mu bàn tay. Tôi càng giận cứ thế vụt cho chừa cái tính viết ẩu. Mu bàn tay của Dũng rớm máu...
Gần 30 năm sau, từ chiến trường, Dũng trở về thăm tôi. Em ôm chầm lấy tôi bằng cái cẳng tay còn lại:
Thầy! Thầy!...
Em! Dũng!...
Tôi thảng thốt như vẫn thấy cái bàn tay non nớt, rớm máu của em ấm ở sau lưng.
VŨ THOẢNG
(Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Tây)
CHA và CON
Hắn hục hặc với Cha từ nhỏ. Ông từ bỏ hắn từ khi hắn bắt đầu nghiện ngập, thề không bao giờ thèm đoái hoài đến hắn nữa. Trong những lần tù tội, chỉ có Mẹ hắn lụi đụi đi thăm. Lần trốn trại vừa rồi, hắn càng thêm căm thù cha khi Mẹ đang nuôi giấu hắn thì ông ta đi tố cáo công an để hắn bị bắt trở lại.
Có đợt thăm nuôi, người ta gọi tên hắn. Bàng hoàng, hắn nhận ra người đến thăm là Cha hắn, một người đàn ông có gương mặt khắc khổ và tóc lốm đốm nhiều sợi bạc. Cha hắn nói: "Mẹ mày đau, tao đi thế đây. Gắng cải tạo tốt để về sớm nhé...".
NGUYỄN MẠNH BÍCH NGỌC
(8/6 Thống Nhất, P.16, Q. Gò Vấp)
MỒ CÔI
Đêm đông nằm cạnh Bố, Tý co ro thì thầm: -Giá như Mẹ đừng "đi xa" nhỉ, thì bây giờ con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ... bây giờ hai Bố con mình thì ai cũng lạnh.
Bố cu Tý vỗ về con rồi nói: -Con đừng lo, Mẹ xa rồi có dì thay Mẹ chăm con. Cu Tý chẳng hiểu nhưng cũng thấy mừng vì nhà lại có thêm người đỡ vắng lạnh.
Mùa đông sau, Tý nằm co ro một mình, lại nghĩ: -Giá như đừng có dì nhỉ, thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên...
NGUYỄN VĂN HÙNG
(Lớp Văn B – K20 ĐHSP Q.Nhơn)
TÍM HUẾ
Sàigòn bốn mùa ấm nhưng ở quê Mẹ, những cơn mưa mùa, những cơn bão cứ thường xuyên thấm đẫm trên báo, vào thơ, vào nhạc nên trong góc phòng lưu niệm của gia đình anh – ở chính điện – là một chiếc áo len màu tím.
Hôm nay đi làm về sớm, trên vách tường tươm những giọt sương móc: đang bão rớt ở thành phố. Cắm nén nhang lên bàn thờ Mẹ, lòng anh chợt rưng rưng.
NAM THIÊN (TP. HCM)
QUYỂN SÁCH
Tôi là giáo viên Tiếng Anh. Đến lớp, dặn các em không ghi lời giải vào sách trước. Hôm qua, phát hiện một quyển sách đầy nét bút, tôi quát: "Sao em gian dối với thầy?" Nó không nói, oà khóc. Đứa bạn bảo: "Mẹ nó nghèo, nó mua sách cũ đó thầy".
Tim tôi như rạn nứt: ba năm sư phạm tôi đâu có học điều này!
TĂNG KHẮC HIỂN
(114A KTXBK, 497 Hoà Hảo, Q. 10)
BA VỀ
Ba bỏ nhà, bỏ Mẹ và năm con theo vợ bé lúc Út mười ba tuổi. Tối nào Mẹ cũng dấm dúi khóc. Năm đứa thù, ghét Ba, thề với nhau không nhìn mặt Ba nữa.
Mười năm, Ba vẫn nghèo, long đong. Thỉnh thoảng, năm đứa lại lén Mẹ thăm Ba. Đứa dúi cho Ba mấy trăm, đứa mua đồ ăn. Út lãnh lương tháng đầu mua cho Ba đôi Biti’s và gói ba số... mà giấu Mẹ. Sợ Mẹ buồn. Ba có lỗi với Mẹ quá mà.
Rồi Ba "lãng tử hồi đầu". Kể cho Mẹ nghe. Mẹ oà khóc. Mừng. Thương năm con quá!
TRẦN LÊ HOA TRANH
(242/6T Điện Biên Phủ, Bình Thạnh)
ÔNG TÔI
Trong chiến tranh, một quả trái phá đã giết chết cha Mẹ tôi, khi tôi còn ẵm ngửa. Ông nội phải nuôi tôi. Ngày ngày, ông cần mẫn bón từng thìa nước cơm, nước cháo nuôi tôi. Mỗi khi tôi khóc đòi Mẹ, ông ẵm lên cho tôi bú vào đôi vú khô đét của ông. Mỗi tiếng khóc nấc lên là mỗi cái nhai kéo vú ông để tìm sữa...
Ngày tôi bỏ bú, đôi vú ông đã thành hai túm da bùng nhùng, chảy dài.
LƯƠNG TRỌNG TUẤT
(Trường THCS Tân Châu, Di Linh, Lâm Đồng)
TÓC MƯỢN
Thuở trước mỗi khi bới đầu bà thường dùng một lọn tóc nhỏ thêm vào búi tóc. Bà bảo đó là "tóc mượn" – Tôi hỏi: -Mượn của ai? Bà cười.
Bà bệnh nhiều không bới tóc nữa, thỉnh thoảng bà thoa dầu dừa tay run run chải lọn tóc mượn. Tôi hỏi: -Bà chải tóc làm gì?
Để dành cho Mẹ con.
Bà mất, Mẹ không bới đầu, lọn tóc mượn không ai nhớ tới. Một lần dọn dẹp, chợt thấy lọn tóc, Mẹ dửng dưng: -Ngoại mầy thiệt...
Tôi thấy nhớ bà, thương bà tay run run chải tóc.
MINH TÂM
(ChợÏ Xã Tân Hưng, Tân Châu, Tây Ninh)
CHUYỆN CŨ
Tặng những ai còn trên bục giảng
Ngày 20 – 11, tôi gặp lại một học trò cũ, em kể:
Hồi học với cô, Mẹ em bị bệnh nan y, em phải lo cho sáu em nhỏ, đêm đi học, ngày đi làm, chiều nào cũng "chạy" đến trường, có nhiều hôm phải mặc áo lót còn ướt, lạnh mà vẫn mong gió nhiều, muộn mà vẫn muốn đường dài, để đến lớp áo kịp khô...
Nhớ những lúc bị tôi nêu tên trước lớp vì "quá lười", em chỉ cúi đầu, nước mắt rơi lã chã xuống bàn... Lòng tôi tràn đầy hối hận. Tôi muốn hỏi: -"Sao ngày xưa em không nói?". Nhưng tôi chợt nhớ: ngày xưa tôi chưa bao giờ hỏi...
B.P.M (TP. HCM)
NGÀY VỀ
Ngày con đi, tóc Mẹ còn xanh. Ra sân bay tiễn con, Mẹ nghẹn ngào an ủi: Thôi bốn năm như một giấc chiêm bao. Giờ nhận thư và hình của Mẹ tóc bạc nhiều, nét mặt Bố hằn dấu thời gian. Mẹ hỏi gần 15 năm rồi, bao giờ con về? Chợt giật mình, một quãng đời đánh mất. Không trả lời nổi, bởi con không quyết định được điều gì... Tặc lưỡi đành chờ đợi thời gian và số phận. Mẹ đừng mong con vì ngày về không trong tầm tay.
HÀN NY
(Bach Street 54 56727 Mayen, CHLB Đức)
NƯỚC MẮT MUỘN
Xong đám cưới mới biết con dâu đã có bầu, tôi bảo con trai:
Đứa nào ăn ốc, mày đổ vỏ rồi con ạ!
Nó nói:
Bố chỉ nghĩ quẩn!
... Năm cu Tý bốn tuổi, bệnh nặng phải tiếp máu. Tôi hỏi:
Máu của ai?
Con dâu tôi đáp:
Của nhà con!
Hôm xuất viện, đón cháu từ tay con dâu, tôi ôm chặt cháu vào lòng:
Ông có lỗi với Mẹ cháu, với cháu!
Cu Tý ngây thơ:
Cháu khoẻ rồi, sao ông còn khóc?
Con dâu tôi nghẹn ngào nói với con:
Ngoan nào! Rồi ông thương!
NGUYỄN HUY CƯƠNG
(Thôn Trại Do, Tuyết Nghĩa, Quốc Oai, Hà Tây)
CỤ GÁI
Các ông đi vận động ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt?
Vâng!
Vậy tôi có 107 ngàn đồng, nhờ các ông chuyển giúp!
Thưa, cụ tên gì?
Lê Thị Gái.
Mặt hàng của cụ?
Các ông cứ ghi là buôn bán vặt!
Chúng tôi nhìn nhau, bởi cụ là người có số tiền ủng hộ cao nhất so với các hộ tiểu thương trong khu vực chợ.
Cho đến một hôm:
"Trong tôi mất mùa, xin ông dón tay làm phúc...".
Chiếc nón mê chìa ra. Tôi sửng sốt. Người đang đứng trước mặt tôi là cụ Gái...
PHÙNG THÀNH CHỦNG
(Thôn Ru Nghệ, Quốc Oai, Hà Tây)
ƯỚC MƠ
Chị mua dùm thằng bé mấy tờ vé số. Sau một hồi chọn lựa, chị hỏi nó:
Nếu cô trúng số con chịu cô mua cho con cái gì?
Nó nhìn chị, xoay qua xoay lại rồi nói:
Cho con một chiếc xe đạp, có xe đi bán xong con chạy tới trường liền không bị trễ học nữa.
Di di những ngón chân xuống đất, nó hạ giọng:
Cho con đôi dép nữa nghe cô, để con đi học.
Dĩ nhiên là chị không trúng số. Tôi lại thấy nó mỗi ngày đi qua nhà với chân trần, đầu không nón...
PHƯƠNG ANH (Vĩnh Long)
MẸ GHẺ
Cô tôi muộn chồng vì quá dữ tánh, ruột thịt cũng chẳng ai muốn gần, đành lấy dượng, đã goá vợ.
Sáu tuổi, Lộc về với Mẹ ghẻ, làm đủ việc mà lằn roi mới vẫn chồng lên dấu đòn cũ...
Lộc 15 tuổi, dượng chết. Đinh ninh Lộc bỏ đi nên ngày mở cửa mả, cô đuổi khéo:
Có muốn về với bà ngoại mày không?
Lộc cúi đầu, nói trong nước mắt:
Con đi rồi, Mẹ ở với ai?
Sau câu đó, dường như bà Mẹ ghẻ ở lại với nấm mồ, cô tôi về, đi chùa, ăn chay. Lộc trở thành cậu ấm – rồi trở thành thạc sĩ, Mẹ con thân thương như một phép màu...
B. P. M (TP. HCM)
NGƯỜI CHA
Hừng đông, bến tất bật thuyền ra khơi. Cũng như những lần rời bến trước, chị ở lại cùng con. Cầm tay anh mà không đưa tiễn.
Anh đi nhanh, bóng vạm vỡ, rắn rỏi...
Đã đủ cả: Lưới, dây, lửa, đèn, dầu, muối...
Thuyền khởi động. Bỗng anh dừng máy, xuống thuyền quay trở lại nhà. Chị hỏi. Anh cười với chị và con.
"Anh quên thuốc?" Nhưng anh mở tủ, lấy bút.
Hôn vợ và con. Anh vội vã rời nhà.
Bão số 5. Anh không về nữa. Nhưng sổ liên lạc của con anh đã nhớ ký...
Đ. DŨNG (Daklak)
NHỚ MẸ
Mẹ người miền Nam, quê mùa, không biết chữ. Thằng nhỏ được cưng, nhõng nhẽo, bướng.
Mẹ thường mắng: "Bộ mày là ông Quành, ông Chấm sao mà ngang tàng, hành hạ tao quá".
Nó không hiểu, quậy thêm.
***
Ông ngưng đọc "Sàigòn năm xưa" của cụ Vương Hồng Sển, thắp nhang vái bàn thờ Mẹ: "Mẹ ơi! Con đã hiểu: ông Hoành, ông Trấm là phó tướng ngang tàng của ông Lê Văn Khôi. Nhưng con đâu có ngang tàng hành hạ Mẹ, con chỉ làm nũng với Mẹ thôi mà".
Hôm qua, ông vừa đúng 70 tuổi.
HÀ GIAO (Đà Lạt)
EM GÁI TÔI
Tôi vào đại học. Em gái tôi bỏ học, tảo tần nương rẫy nuôi tôi, bỏ quên mơ mộng thời con gái.
Em đi làm hãng chuối. Lương tháng 120.000 đồng. Tôi về thăm, em cho 60.000 đồng. Một nửa. Thầm nhủ sẽ đền đáp thiệt thòi cho em.
Em lấy chồng, sinh con, nghèo. Tôi lận đận, chải bươn. Chưa kịp đỡ đần cho em, em đổ bệnh: u não. Bác sĩ lắc đầu, em tôi nằm chờ chết.
Muốn đổi lại "một nửa" đời mình cho em. Nhưng không được. Thương quá!
NGUYỄN TRƯỜNG HẢI (Biên Hoà)
CÁNH ĐỒNG HOANG
Hắn đã đi rồi!
Cô Ú t nằm đong đưa trên võng. Mắt dõi nhìn theo hướng con đê xa tít chân trời. Mới ngày nào nó còn nhộn nhịp bóng người, giờ đã hoang tàn như hồi năm nẫm.
Sông rạch giờ đã sâu, rộng hơn ngày trước. Cô Út nghĩ sự đời buồn biết bao nhiêu!
Năm trước, có đoàn khảo sát đế. Rồi đi. Nhưng giờ đây ba cô Út thôi không cho ở nhờ nhà ông nữa, ông nói:
Tao đâu hẹp hòi gì. Nhưng ngó bộ đào bới, xăm soi của tụi nó, tao phát ghét.
LÊ VĂN QUANG (Cần Giờ)
VÕ SĨ
Thầy dạy kèm Anh Văn của tôi là anh hàng xóm. Khi thi lên đai Thái cực đạo rớt, anh kể cho tôi nghe. Lúc được tuyển vào đội tuyển quốc gia, anh lại giấu. Hát cho Phường bị chê: kể, đoạt giải nhất karaoke: lại giấu... Có bạn trai, tôi kể, anh lặng thinh. Chia tay với bạn trai, tôi kể, anh cũng làm thinh... Khi nghe tôi nói đã từ hôn với gã Việt kiều, anh không làm thinh nữa: -Tại sao vậy? -Vì... em... yêu anh. Thầy dạy, ca sĩ, võ sĩ của tôi như bị knock-out, khuỵu chân xuống... rồi khóc.
DUYÊN (TP. HCM)
NGÀY XƯA
Thuở nhỏ, nhà tôi nghèo lắm. Mỗi chiều, anh em tôi thường tụ lại bên nồi cơm độn khoai sắn, ríu rít như đàn chim về tổ. Thiếu thốn nhưng chúng tôi luôn nhường nhau phần thức ăn ngon nhất, Mẹ tôi rất vui lòng.
Khi chúng tôi khôn lớn, có gia đình riêng, ai cũng khá giả. Hôm giỗ ba, có mặt đông đủ, anh Hai tôi phàn nàn với Mẹ cây xoài của anh Ba mọc chồm qua sân nhà anh. Chị Ba trách anh Tư đào ao lấn qua phần đất của chị hai tấc. Mẹ tôi trầm ngâm: "Mẹ ước gì được trở lại thời nghèo khó ngày xưa".
HUỲNH VĂN DÂN (TP. HCM)
LƯU BÌNH - DƯƠNG LỄ THỜI NAY
"Lễ và Bình đôi bạn chí cốt, thuở hàn vi cùng mài đũng quần trên giảng đường. Lễ đắc chí làm quan to, Bình vẫn lận đận kiếp thứ dân". Một hôm Bình đến nhà thăm Lễ, người bảo vệ khinh khỉnh nhìn chiếc "Su 100 năm" của Bình rồi hất hàm:
Ông gặp ai?
Tôi là Bình, bạn học cũ, đến thăm ông Lễ.
Người bảo vệ biến vào trong rồi trở ra:
Chắc ông lầm? Ông Giám đốc nói không nhớ có quen ai tên Bình cả!
Bình trở ra, tai ù ù nghe văng vẳng tiếng cười nhạo của nàng Châu Long: "... xưa rồi Diễm ơi!".
LÊ KHẮC VIỆT (Lâm Đồng)
ĐÀN ÔNG
Tôi và anh đều có máu văn chương. Anh bảo tôi viết bài dự thi kể chuyện mối tình đầu của mình đi. Tôi hỏi anh:
Viết thật hay hư cấu?
Viết thật thì chỉ hay với mình thôi, phải thêm một xíu ngọt ngào và thơ mộng nữa chứ...
Ngày hôm sau tôi đưa anh bản nháp. Anh đọc xong... lặng yên, không bình phẩm gì như mọi lần. Anh ghen!
NGỌC BÍCH HẠNH (Daklak)
NGƯỜI CHÁU
Ông Hảo chết.
Trong đám ma, khói nhang nghi ngút. Khách đến viếng ra vào. Con cháu tập trung trước quan tài kêu gào thảm thiết.
Có một người phụ nữ cứ thì thục khóc trong góc buồng.
Đến trưa, mọi người kéo nhau đi ăn cơm. Trong nhà chỉ còn lại người chết.
Chị bước ra, quanh quẩn bên quan tài. Rồi thụp xuống, đôi vai gầy rung lên.
Chị là cháu, gọi ông Hảo bằng cậu. Chị mồ côi cha Mẹ từ nhỏ. Ông Hảo đem về nuôi cho đến lúc gả chồng.
ĐỖ HƯƠNG GIANG (Cần Thơ)
NỘI
Nội lên thành phố ở với chú Út. Nội già nên đêm khó ngủ, cứ lục đục suốt đêm. Phòng trong mợ Út cũng trằn trọc vì không ngủ được. Tuổi già hay quên. Có cái vòi nước mở ra mà nội cũng quên vặn lại, bật quạt quên tắt. Mợ Út cứ cằn nhằn, ca cẩm suốt ngày vì nội. Nội ngồi nghe, rơm rớm nước mắt. Hôm sau nội nằng nặc đòi về quê. Nội bảo sống ở thành phố không quen.
QUÁCH CHÍ DŨNG
(11/4 Nguyễn Thị Minh Khai, Q. I)
TRUYỆN CỔ
Năm hai mươi tuổi, Hứa Hầu có hơn trăm bạn hữu, tiệc tùng, bù khú thâu đêm.
Năm ba mươi tuổi, chàng lựa được hai chục tráng sĩ, họ thề nguyền sinh tử có nhau.
Năm năm mươi tuổi, chàng trà dư tửu hậu với hai người, vốn là kẻ tay hữu, tay tả của chàng.
Năm sáu mươi tuổi, ông lão âu yếm vuốt mái tóc của bà vợ già móm mém. "Nàng là bạn tri âm duy nhất của đời ta".
ĐÀO VÂN ANH
(Đại Học KHXH&NV TP. HCM)
ĂN CƠM
Thằng tèo ngồi tiu nghỉu. Tựa lưng vào cây trứng cá bên hông nhà. Thỉnh thoảng nó giơ tay gạt nước mắt.
Không biết chuyện gì? Cả buổi sáng nay ba má nó liên hồi ẩu đả. Bỏ ông Táo lạnh tanh. Giờ mỗi người mỗi góc.
Rồi cuộc chiến lại tiếp tục. Từ võ ba càng chuyển sang võ miệng. Bỗng má nó lớn giọng:
Ông ăn chả, tôi ăn nem. Mặc xác ông!
Đến đây, cái bao tử thúc giục, Tèo tham chiến:
Con không thèm ăn thứ đó, con chỉ muốn ăn cơm thôi!
NGUYỄN THANH BÌNH
(Thị trấn Phú Lộc, Thạnh Trị, Sóc Trăng)
CƯỚI VỢ
Mẹ mất, trối lại: "Ông phải cưới vợ cho con, nhớ chọn người cùng làng".
Mình đi làm xa, ông cụ sống một mình. Thật tội.
Nhờ mai mối, năm nào mình cũng về làng "coi mắt", nhưng chưa ưng ý đám nào. Ông cụ có vẻ buồn.
Công việc bề bộn, ít có dịp về thăm. Bỗng nhận được điện tín: "Về gấp, đã tìm được nơi ưng ý". Bỏ hết công việc vội vã về để làm vui lòng ông cụ.
Tháng sau đám cưới được tổ chức, cô dâu là bà mai và chú rễ là ông cụ.
HOÀNG XUÂN THẾ VINH
(Tp. Hồ Chí Minh)
VÔ TÂM
Tháng đầu tiên lãnh lương dạy kèm. Nó hí hửng rủ nhỏ Tâm đi chợ. Loanh quanh một hồi, nó sắm đủ cả: quần jeans, áo pull, kẹp, nơ... Trâm đắn đo mãi, chẳng chịu mua gì. Ngang hàng vải, nhỏ kéo nó vào, chọn mua một sấp vải lụa sẫm màu. Nó nhăn mặt:
Màu này già lắm!
Trâm rụt rè:
Tao mua cho Mẹ tao đó. Lần đầu làm ra tiền mới hiểu cái vất vả của Mẹ bao nhiêu năm qua.
Nó giật mình, lặng thinh. Giỏ đồ trên tay bỗng dưng nặng trịch.
VĂN THỊ HỒNG HÀ (TP. HCM)
TÌNH ĐẦU
Về quê, lần nào cũng vậy, hễ chạy qua ngả ba An Lạc là tôi cho xe chạy chậm hẳn lại, mắt nhìn vào ngôi nhà khuất sau vườn lá. Một lần, đứa con trai mười tuổi của tôi hỏi:
Ba tìm gì vậy?
Tìm tuổi thơ của ba.
Chưa tới nhà Nội mà?
Ba tìm thời học sinh...
Nội nói, lớn ba học ở Sàigòn mà?
À! Ba tìm người... ba thương.
Ủa! Không phải ba thương Mẹ sao?
Ừ! Thì cũng... thương.
Ba nói nghe lộn xộn qúa. Con không biết gì cả.
Ba cũng không biết.
Chỉ có Hồng Hạ biết. Mà Hạ thì hai mươi năm rồi tôi không gặp.
HỨA VĨNH LỘC (TP. HCM)
MẸ
Chồng tôi từ sơ sinh đã ở trại mồ côi. Nghe kể, khi mới vào khóc nhiều nhất phòng trẻ.
Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được Mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc tự tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh đã khóc rất nhiều.
Hôm nay, anh 50 tuổi. Được tin Mẹ từ Pháp về đăng báo tìm con. Anh lại khóc. Hỏi: Tại sao khóc? Anh nói: -Tội nghiệp Mẹ, 50 năm qua, chắc Mẹ còn khổ tâm hơn anh...
BÙI PHƯƠNG MAI (TP. HCM)
THẾ GIỚI CỦA TRẺ
Vợ mất sớm. Để xoa dịu nỗi buồn, anh thường ru con ngủ bằng những câu chuyện cổ tích. Hơn nữa, qua những câu chuyện kể anh muốn gián tiếp giáo dục con bé bằng những bài học thấm đượm tình người. Hình ảnh các bà tiên nhân ái, cô Tấm hiền lành, bà mẹ kế độc ác... đi dần vào tâm hồn con bé như là một hướng dẫn sinh động về cách sống.
Ngày nọ, anh thấy đã đến lúc con bé cần một bà mẹ để chăm sóc. Nói với nó, nó oà khóc. Thuyết phục sẽ tìm cho nó một bà mẹ hiền lành, nó vẫn lắc đầu nguầy nguậy. Nó nói nó chưa từng nghe kể có một bà mẹ kế hiền lành.
HẢI ÂU 99
(281/66/1 Lê Văn Sĩ, P. 1, Q. Tân Bình)
BẠN TÔI
Dạo ấy. Thắm má lúm đồng tiền, nó thường mặc bộ bà ba, sau những buổi học hai đứa tôi hay bơi thuyền hái bông súng, bóc cho nhau những đòng lúa non. Thơm như tuổi thơ.
Từ khi có người dẫn Thắm lên phố, Thắm thay da đổi thịt!
Dạo về. Thắm không ở nhà lâu, và cười mỉm khi thấy tôi. Chỉ có cái lúm đồng tiền là không thay đổi.
Rồi mẹ Thắm cho tôi gói qùa...
Bên trong chỉ gồm những bộ bà ba cũ của Thắm!
Chợt hai má tôi ran ran... Ôi! Má lúm đồng tiền!
NGUYỄN THỊ QUỲNH TRÂM
(Lớp 10A 8 trường PTTH Đơn Dương,
thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương, Lâm Đồng)
MÁ TÔI
Chuông cửa reng, tôi vừa đi vừa nghĩ: "Đã 10 giờ đêm rồi mà ai còn gọi cửa".
Trời đất, Má! –Má đi đâu giờ này?
Má đem mãng cầu lên cho hai anh em con. Gần hết mùa rồi, đợi hoài mà không thấy bây về, tranh thủ Má đi, để mai về sớm phụ Ba mầy xuống giống.
Tôi thấy Má già hơn với đoạn đường 103km từ Gò Công lên Sàigòn để sáng mai từ Sàigòn về lại Gò Công.
Hai anh em tôi lặng lẽ nhìn nhau: Má là như vậy đó!
NGUYỄN THỊ DIỄM
(phường 18, Quận Tân Bình, TP. HCM)
CÁI NHAU MÈO
Khi mấy anh em tôi, đứa lớn nhất mới học trường làng thì Ba, Mẹ chia tay nhau: Ông yêu người đàn bà khác.
Hồi ấy, đêm mẹ hay mặc quần đùi, không phải như cách mặc của người thành phố cho thoáng mát, mà là do nhà nghèo quá...!
Bà ngoại cho mẹ một cái nhau mèo: "Điềm lành đó, sẽ đỡ khổ thôi con!"
Nhà vẫn thiếu ăn, anh em tha phương kiếm sống. Lúc đi, mẹ chia cho mỗi đứa một phần nhỏ nhau mèo.
Một ngày cuối năm, em trai về với nước da vàng nghệ. Bệnh nặng lắm – vô phương cứu chữa.
Lúc sắp trút hơi thở cuối cùng, em nhìn tôi hồi lâu rồi đặt vào tay tôi một vật nhỏ. Thì ra, em cho tôi phần nhau của em.
NGUYỄN ĐỨC HÙNG
(Trường PTTH Nguyễn Chí Thanh, Q. TB)
HAI MẢNH ĐỜI
Mưa bất chợt, tôi tấp vội vào hiên nhà bên đường, nép sát cửa để trốn những giọt mưa đang hối hả tìm mình.
Con ngoan nè, ùm miếng nữa nào, đi con...
Tôi tò mò nhìn qua khe cửa: một bé gái tròn trĩnh, chắc nịch, đang khóc rưng rức vì Mẹ nó ép ăn cơm.
Ngoài hiên, một con bé hành khất gầy còm, yếu ớt, đang đói.. Tôi cúi xuống bỏ vào nón nó tờ hai nghìn.
Hai mảnh đời chênh vênh, đối lập. Tôi vội rời chỗ đứng, đội mưa đi về.
NGUYỄN THỊ NHƯ (Quy Nhơn)
MẸ
Con trai trưởng tôi đã ngoài 30, tuổi mẹ gấp đôi tuổi con. Tôi có năm con: bốn trai + một gái, sinh năm một. Khi chúng còn đi học, tôi buôn bán cực khổ, vất vả, tất bật từ sáng đến tối, giờ chúng đã thành nhân và thành danh.
Hiện nay, ngoài việc nội trợ, trông cháu, tôi còn phải lo buôn bán để lo sự sống cho riêng mình.
Bây giờ tôi cũng cực khổ, vất vả, tất bật từ sáng đến tối.
PHAN THỊ TÝ (Gò Vấp)
BÁC RUỘT
Nó lên Hà Nội trước gần một tháng để chuẩn bị thi Đại Học. Nó ở nhờ nhà bác ruột. Mấy ngày đầu bình yên, mấy ngày sau bữa cơm nào bác cũng mang chuyện: hao cơm, tốn nước, tốn điện... ra chửi con cái. Nó dè dặt mọi điều, tính thời gian bằng giây. Viết thư cho Bố Mẹ nó bảo: "Bác hết lòng vì con". Thi xong, nó về. Bác bảo: "Chỉ ăn không béo trắng ra đấy". Về nhà nhìn thấy mẹ, nó khóc nức nở, mẹ hoảng hốt: "Con ốm à, sao xanh xao thế này hả con? Khổ thân con tôi".
LAM CHÂU (TP. HCM)
"GIÀU ĐÔI CON MẮT, KHÓ ĐÔI BÀN TAY"
Người ta nói: "Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay", vậy mà trong một lần rủi ro, con chị bị tai nạn dập nát cả hai bàn tay, phải tháo khớp...
Chiều nay, thấy con từ ngoài cổng chạy về, đôi mắt đỏ hoe, chị hỏi: "Sao con khóc?" Nó không trả lời, mà chỉ nghẹn ngào, tức tưởi như có điều gì oan ức! Nghĩ con bị đứa nào đó bắt nạt, chị vội vàng chạy ra, chợt chị sững lại: mấy đứa trẻ bạn nó đang chơi "oẳn tù tì...".
PHÙNG THÀNH CHỦNG
(Thị trấn Quốc Oai, Huyện Quốc Oai, Hà Tây)
BỐ CỦA TÔI
Bố tôi mất đã lâu, nhưng không lúc nào, tôi quên được.
Bấy giờ cuộc sống khó khăn, mẹ mất sớm. Có lần, thấy nước mắt nhoà qua làn kính ông đeo. Tôi hỏi, Bố chỉ cười. Lững thững ra vườn, chân bước xiêu xiêu. Chỉ an tâm, khi nhìn Bố ngồi đọc báo, bên gốc bàng.
Nghĩ Bố không khoẻ, tôi đến gần ông, nhìn tờ báo ông xem...
Đau xé lòng! Bố để tờ báo ngược, mà xem chăm chú... Tôi bật khóc!
Thì ra, Bố giấu, sợ gia đình lo. Đôi mắt Bố bị cườm, nhìn không rõ nữa!
HOÀNG HUYỀN TRANG
(Biên Hoà, Đồng Nai)
VÀO ĐỜI
Em bán thuốc lá lẻ nhưng luôn mơ ước có một công việc ổn định để không phải nhục nhằn kiếp bán rong.
Tôi thương em nên bảo em kiên nhẫn chờ; và vì em tôi cố làm ngày làm đêm.
Thời gian vô tình trôi.
Cầm số tiền kha khá tôi náo nức tìm em để vẽ chuyện tương lai. Tim tôi đau buốt khi thấy móng tay em được sơn màu đỏ tím, còn kịp nghe tiếng em hân hoan:
Ngày mai nhỏ bạn dẫn em đi làm nhà hàng tận trên thành phố. Anh mừng không??...
ĐINH THỊ XUÂN LAN (Bến Tre)
NGƠ NGÁC
Cánh cửa cổng đóng tạm bằng ván cốp-pha hé mở. Một thằng bé, mình trần đen nhẻm, tóc cháy nắng, lấm lét chui vào.
Người bảo vệ choàng tỉnh. Anh định quát lên nhưng nỗi bực bội, chán chường giữa trưa nắng gắt khiến anh trở nên nham hiểm. "Ừ, chui vào đi. Tao sẽ tóm cổ mày..."
Chẳng màng đến đống sắt vụn, thằng bé đứng đó, ngơ ngẩn nhìn lên trời: cây dầu khốn khổ còn sót trong công trường đang theo gió hào phóng tung những cánh hoa xoay tít, xoay tít giữa trời đổ lửa.
AN HẠ (TP. HCM)
CHUYỆN NHỎ
Xóm chài nhỏ trong vịnh bỗng sục sôi khi một công ty nước ngoài đến khai đá, phá núi. Trời sôi khói, đất sôi mìn. Biển sôi vì rác, người sôi vì tiền. Con trai bỏ biển, đập đá. Con gái bỏ cá, bán bia. Chỉ còn ông già bủa lưới, bà goá giăng câu. Nhưng cá cũng đã bỏ biển, ra khơi.
Lão Hoà chặc lưỡi:
Thì được nọ, phải mất kia.
Mụ Hận gào lên:
Được chi? Mất, mất hết!
Chẳng là con gái của mụ đã chửa hoang sau mấy tháng che lều, bán quán.
NGUYỄN VĂN PHÚC (Lâm Đồng)
NỘI TÔI
Ba rước Nội lên Sàigòn để phụng dưỡng. Nội tôi vui lắm. Ba làm ở Bạch Hổ, tháng về một lần. Mẹ dạy ở Cần Giờ, tuần về một bữa. Tôi học sáng, chiều Anh Văn, tối vi tính. Bà chèo queo một mình. Thức ăn đầy tủ lạnh, kể cả trầu cau.
Một hôm Nội xoa đầu tôi và bảo: "Trên này ăn lạnh, uống lạnh, ngủ lạnh, trầu cau cũng lạnh. Nội nhớ cái nóng dưới quê lắm. Bà phải về thôi!".
Tôi năn nỉ Nội hết lời nhưng vô hiệu.
DIỆU QUANG (TP. HCM)
BA
Chị Hai về nhà chồng được mấy ngày Ba đã đòi đi thăm. Anh Ba càu nhàu, nhà người ta xa lắm chứ có gần đâu mà muốn đi thì đi. Ba vẫn đi. Ba sợ con gái mình khi rời khỏi nhà sẽ bị người khác bắt nạt.
Mấy hôm, đã thấy Ba về. Anh Ba lại cằn nhằn, đi đi lại lại mãi, ốm rồi khổ. Ba cười, tao sợ con Út không ai gọi dậy đi học nên phải về sớm.
TRẦN THỊ MAI TRANG (TP. HCM)
THẤT NGHIỆP
Công ty làm ăn thua lỗ, sa thải nhân viên. Sau mấy tháng vác đơn xin việc khắp nơi, tôi chán nản quay về. Thất nghiệp!
Vợ tôi cũng quay về với hàng café cóc, tảo tần nuôi chồng con.
Sáng nay tôi dậy trễ. Nhà vắng tanh, mọi người đi cả rồi. Cầm tờ 5.000đ được để sẵn trên bàn – tiền sáng – vụt nhớ lại ánh mắt tủi tủi của vợ lúc cúi nhặt mấy tờ giấy bạc gọi là tiền chợ tôi vứt đại xuống giừơng mỗi lần vội đi làm.
BẢO NGỌC (TP. HCM)
LỜI MÁ DẶN
Năm đầu lên thành phố học đại học, bạn rủ đi uống café, nhớ lời má:
Nhà nghèo, lên trển học, đừng mê chơi, ráng học thành tài nhe con!
Tôi từ chối lời mời của bạn.
Được một năm, lời Má dặn tôi dần quên bởi những lời gọi ngọt tai của đám bạn, cứ một - hai đêm, tôi cùng chúng đi ngồi quán, thả hồn theo điệu nhạc.
Hôm nghỉ hè, về quê, ngồi ăn cơm, Má nói:
Ăn nhiều vô! Trông con ốm qúa! Dưới này, mỗi lần tới tháng, gửi tiền không kịp. Má sợ con ở trển đói.
Nghe Má nói, tôi nhói ở tim.
TẤN TRUNG (TP. HCM)
NGÀY SINH NHẬT
ĐẦU TIÊN & CUỐI CÙNG
Chưa đến ngày sinh nhật, còn đến khoảng hai, ba tháng, vợ đã lo nghĩ đến sinh nhật của chồng, con. Rồi chồng lo sinh nhật của vợ con, và con lo ngày mừng tuổi cho Ba Mẹ.
Duy chỉ một người, không ai lo đến – ông nội già yếu. Và cho đến một ngày – ngày ông nội mất.
Chồng hỏi vợ: Sinh nhật ông ngày nào?
Vợ hỏi lại chồng: Ngày nào là ngày sinh của ông?
Con cái hỏi cha mẹ: Ông sinh ngày tháng nào?
Vậy là cả con, dâu, cháu, chắt phải đi tìm ngày sinh của ông trong chứng minh nhân dân để làm bia mộ cho ông.
Đó là ngày sinh nhật đầu tiên và cuối cùng của ông.
DIỆU AN (Đồng Tháp)
NUÔI MẸ
Con ở Đức về, giàu có, đón Mẹ ra nuôi. Con dâu hồ hởi, cơm quà cho Mẹ chu đáo. Giường mẹ màn mới, quạt riêng.
Mẹ như vàng.
Chồng biếu mẹ mọi thứ. Thương mẹ, anh hay gần, trò chuyện, lại gửi quà về quê. Vợ nhìn xoi mói. Bữa ăn thiếu đậm đà. Tối đến màn chẳng mắc. Lạnh nhạt...
Mẹ thành bạc.
Mẹ ốm, nằm một chỗ, khó ăn, khó ngủ, ho... Chồng chăm mẹ. Một mình vất vả mọi việc, vợ bực bội và lạnh lùng: "Xem thế nào, đưa mẹ về quê..."
Mẹ thành rác vứt bờ tre! (*)
NGUYỄN THỊ THAO
(TP. HCM)
.........................
(*) Dân gian có câu: Ngày thứ nhất mẹ là vàng
Ngày thứ hai mẹ là bạc
Ngày thứ ba mẹ là rác vứt bờ tre"
MẸ VÀ CON
Con học xa về thăm nhà, mẹ cho thúng khoai lang và 50.000đ, dặn: "Gắng bồi dưỡng để có sức học".
Con đi rồi, mẹ khóc: "Tội nghiệp, tiền đâu mà bảo bồi dưỡng".
Vội mượn 20.000đ gửi thêm cho con.
Thanh toán xong "nợ nần", con nghĩ: "Nhà hết gạo, sao mình không để bớt tiền cho mẹ". Liền ra bưu điện: "Con đã tìm được chỗ dạy... Gửi mẹ..." Về phòng, anh nhận được thư mẹ. "Còn tiền bán gà để dành cho con. Mẹ quên mất...".
Nhìn tờ bạc rất nhỏ bỏ trong thư, nước mắt anh chảy dài.
TRẦN MAI NHÂN (TP. HCM)
CHUNG TÌNH
Mặt hồ lung linh. Nhìn xuống. Anh thấy bóng mình chìm trong đáy nước. Khi anh quay đi. Hình anh tan biến.
Mắt em cũng lung linh ánh biếc như mặt nước hồ thu. Nhìn em. Bóng anh cũng chìm trong đáy mắt. Khi anh quay đi. Hình ảnh anh đã bị cầm tù.
Thời gian trôi qua. Mọi sự đổi thay. Nước hồ không còn trong vắt. Mắt em cũng đã sậm màu, nhưng một vóc dáng cao gầy vẫn còn nguyên trong đáy mắt em như những ngày xưa cũ.
HẢI ÂU 99 (TP. HCM)
MẤT NGỦ
Nhà chật, chỉ có một cái giường duy nhất, con tôi lại có thói quen chòi, đạp lung tung khi ngủ nên vợ chồng tôi ít khi nào được yên giấc. Nửa đêm, thường phải dậy ẵm con nằm cho ngay ngắn lại. Nhưng sau đó tôi chẳng thể nào ngủ lại được nữa. Vì mất giấc. Tôi thường ước ao một cái giường rộng hơn để dễ ngủ.
Một ngày, cơ quan cử tôi đi công tác xa. Ở lại một mình trong nhà nghỉ với chiếc giường to, nệm êm, ra sạch. Tôi cũng không ngủ được, vì nhớ những cái đạp, chòi của con.
NGUYỄN THỊ MAI THU
(TP. Hồ Chí Minh)
LÀM MẸ
Ba mẹ cho em tôi về Sàigòn học. Còn nhỏ, chưa sống xa gia đình bao giờ, nhìn mặt nai hoảng sợ tôi thương nó lắm, hứa thay ba mẹ dạy dỗ săn sóc em.
Tuần đầu qua mau, tôi thở phào nhẹ nhõm. Mấy tuần sau nó ăn ít chê nấu không bằng mẹ. Lác đác có điểm kém, tôi mất nhiều thời gian nấu ăn, kèm cặp sát sao hơn. nó vẫn bị điểm xấu và biếng ăn. Tôi la, hét, thậm chí bợp tai... Hai chị em cùng khóc. Thế mới biết làm mẹ khó thật.
THU HƯƠNG (TP. HCM)
MẸ CHỒNG
Tôi và anh đều là con một. Cưới nhau đã 5 năm mà nhà vẫn quạnh tiếng trẻ. Mẹ anh rất quý dâu – con. Nhưng bị họ hàng tác động, thường khóc lóc, than thân trách phận. Chạy chữa – khổ tâm mãi, chúng tôi đành xa nhau. Mẹ cưới ngay vợ khác cho anh, nhưng nhà vẫn quạnh tiếng trẻ...
Hai năm sau, tôi đi bước nữa... Ngày sinh cháu trai đầu lòng, mẹ đến thăm, ngượng ngùng, tủi thân. Tôi nói:
Mẹ vui lên, chưa có cháu nội thì có cháu ngoại đây...
Mẹ ôm cháu rồi oà khóc. Đến giờ, tôi vẫn coi bà như mẹ đẻ...
BÙI PHƯƠNG MAI (TP. HCM)
MỢ TÔI
Đám hỏi xong, cậu sang Pháp du học, hẹn ngày về sẽ làm đám cưới. Nhưng cậu không về, và lập gia đình bên đó. Được tin, Bà nói: "Nó không xem con là vợ, nhưng lúc nào mẹ cũng coi con là dâu".
Mợ giờ đã ngoài sáu mươi, ăn chay trường, đi lễ chùa, thường ghé ở nhà tôi. Mãi Tết rồi cậu mới về nước, đến nhà tôi chơi. Mợ vội lánh ra sau, dặn mọi người không cho cậu biết.
Nhà trên, cậu kể chuyện bên Tây.
Nhà dưới, mợ ngồi lần tràng hạt.
LÊ XÃ THIỆP (TP. HCM)
ANH HAI
Căn nhà tranh đổ sập cuốn theo dòng lũ. Tý một tay ôm Tèo một tay bấu vào miệng chum chòng chành. Cái chum bé quá. Cánh tay mỏi nhừ. Nếu chết cả hai mẹ buồn biết mấy. Thôi đi em, trời cho sống nhớ lo tuổi già của mẹ. Nước mắt nước mũi ràn rụa, Tý rướn người bỏ Tèo vào chum. Em còn quờ quạng một lúc nữa đến khi cái chum chỉ còn là một chấm mờ mờ mới chìm sâu vào cơn hung bạo của nước trời.
Tèo không chết nhưng em mất trí, ai hỏi gì cũng chỉ nói: Anh Hai.
NGUYỄN HÀN CHUNG
(Hội VHNT Quảng Nam)
MẸ!
Con hai mươi tuổi. Mẹ hai mươi lăm năm xa quê. Ngày mẹ bỏ quê để lánh nạn, chiến tranh bom đạn cày xéo làng quê.
Chiều – khi hoàng hôn, mẹ thường đứng lặng, đau đáu nhìn về miền xa xăm.
"Tội, không biết mộ ông ngoại con giờ sao". Mẹ nói: "Chừng nào mẹ để dành đủ tiền mẹ sẽ về quê xây lại mộ cho ông ngoại".
Mẹ để dành đủ tiền. Con vào đại học. Mẹ dốc hết tiền lo cho con...
Chiều.
Chiều... lại chiều!
PHÙNG HIẾU (TP. HCM)
NGÀNH Y
Anh là bác sĩ của bệnh viện lớn nhất tỉnh, quê ở rất xa. Sau một đêm trực, nhận được điện mẹ ốm nặng, anh vội ra tàu về quê, đến nhà gặp mẹ nhưng chẳng nói được gì, mẹ anh hôn mê đã mấy ngày, không có thuốc men, phương tiện gì chữa chạy, năm ngày ở nhà, chỉ làm một việc duy nhất là bón cháo. Rồi mẹ chẳng đỡ, đành trở lại đi làm. Ở khoa anh cũng có một bệnh nhân mang bệnh giống y như mẹ anh, anh thường đến ngồi bên cụ và thở dài...
HOÀNG THẢO (Yên Bái)
NGẬM NGÙI
Ba mất nửa năm, má dẫn hai con nhỏ về quê. Xin được mảnh đất hoang, cùng mần cỏ, dọn nền, lối xóm lạ hoắc đến tiếp dựng mái lá ở tạm. Tối, má gói bánh – nấu. Sáng, hai nhỏ út bưng bán.
Má mượn xuồng đi chợ, áo thâm kim, nón lá rách. Anh Hai ở Sàigòn, thành đạt, giàu. Hôm về quê, anh đi dọc bờ sông, má thấy, bơi xuồng riết theo, gọi tên con hụt hưởi. Anh ngoái nhìn rồi quay mặt đi tiếp. Má tuổi, gát dầm, cúi mặt khóc.
Nước mắt má làm xuồng quay ngang!
B. X. Đ (An Giang)
DƯỢNG TÔI
Cô tôi mất. Dượng tôi, ngày xưa vốn là tá điền của ông bà tôi, không biết chữ, vẫn cắm cúi làm công việc hàng ngày: lui cui dọn dẹp trong bếp, quét sân, mắt ráo hoảnh. Bác Hai và ba tôi chủ trì đám tang. Nghi lễ đầy đủ. Chẳng ai buồn ngó đến ông dượng xưa nay chỉ biết vâng lời cô tôi răm rắp và làm tất cả mọi việc tay chân trong nhà. Tôi có việc xuống bếp, trông thấy dượng đang ngồi ở một xó nhà, bờ vai rung rung. Dượng tôi đang khóc, lặng lẽ, âm thầm...
BÍCH NGỌC (TP. HCM)
HAI BÀ VỢ
Xóm tôi có ông Hai lấy hai bà vợ, ở chung nhà. Những cuộc "nội chiến" triền miên thường đẩy ông Hai vào tình thế khó xử...
Tôi đi xa nhiều năm về ghé thăm. Ông Hai già đã chết. Các con đứa theo chồng, đứa đi xa. Chỉ còn hai bà vợ nương tựa nhau trong cảnh nghèo khó và bệnh tật.
Mẹ tôi nói rằng hai bà sống lặng thầm không một tiếng cãi nhau.
NGUYỄN MINH PHÚC
(Lâm Đồng)
HƯƠNG NGỌC LAN
Hai đứa thương nhau đâu hồi mười lăm mười sáu.
Tình học trò trong trắng, ngây thơ. Tặng phẩm lớn nhất anh dành cho em là những trang thư, những kết quả học tập xuất sắc và những đoá ngọc lan thơm ngát. Em hồn nhiên, tươi vui, sôi nổi. Và ngốc nghếch đến nhiều lần làm tim anh se thắt.
Xa nhau. Mỗi đứa một con đường. Mỗi đứa đều tìm được một nửa khác. Để rồi không bao giờ quên được, mối tình ngày xưa cứ vương vấn mãi như hương ngọc lan thơm ngát thuở ban đầu.
NGUYỄN THỊ KIỀU TRINH
(Tp. Hồ Chí Minh)
TIẾNG ĐẦU ĐỜI
Vì hoàn cảnh, bé bị mẹ bỏ từ lúc mới sinh. Thương cháu, bà chuộc về nuôi.
Đêm bé khóc, bà dậy pha sữa chờ nguội. Sáng bé ngủ, bà ru bằng lời của mẹ: dí dầu mẹ bỏ con đi...
Ngày bé bập bẹ nói, gọi nội bằng má. Nội rầy: "Cha mầy! Nội chớ sao má? Gọi "nội" đi con!" Bé sửa theo: "Nh... ôi... Nhội...".
Nhớ con, người mẹ lén thăm, thèm bé gọi một tiếng "má", bé khóc bỏ chạy. Khi ở nhà với nội, nó vẫn hồn nhiên kêu bà bằng "má".
NGUYỄN XUÂN DINH (TP. HCM)
CON SÁO
Ông già rồi, vui với cháu và chăm mấy con chim cảnh. Sáng nằm lim dim lắng nghe chim chích choè, khướu, chào mào hót, ông thả tâm hồn về một nơi xa xăm nào đó...
Ông dạy con sáo nói: Bà ơi, có khách, xin ấm trà.
Tiếng nó trầm đục. Ông quý nó lắm.
Ông ốm đi viện, bà theo chăm ông, sợ bọn trẻ phá, lũ chim được treo sau chuồng gà. Ông khoẻ, lại treo chim trước nhà. Suốt ngày sáo gọi: cục, cục, cục tác.
TRẦN HUY (Khánh Hoà)
TIVI
Tối nay, VTV3 phát bộ phim "Của để dành" làm tôi bồi hồi.
Ngày mẹ còn, hai mẹ con xem tivi với chiếc máy trắng đen cũ kỹ. Mẹ thích chèo, tôi thì ưa bóng đá. Nhiều lúc đang xem chèo, tôi lại vặn sang bóng đá. Mẹ chỉ lẳng lặng qua bên hàng xóm xem nhờ.
Giờ mẹ mất, tôi và con xem tivi với chiếc máy màu rực rỡ. Con chuộng hoạt hình nên nhiều khi đang xem bóng đá nó lại vặn sang hoạt hình. Và tôi cũng lặng lẽ sang nhà hàng xóm xem nhờ.
Đêm nhớ mẹ cuối năm 1998.
ĐỖ NGỌC TRÂN (TP. HCM)
TƯ LỰ
Mai, bà sẽ cho hai anh em cùng đi thăm bà dì!
Hai anh em nhảy cỡn lên reo hò. Thích lắm nhé: đi thăm bà dì với bà tức là được ngồi xích lô mà ngắm thoả thuê xe và người với quần áo đủ sắc màu đi lại trên những con đường mang những tên gọi khác nhau...
Vậy mà sau chuyến đi thăm bà dì về, cu anh lại ỉu xìu với vẻ tư lự khác thường. Mẹ hỏi, nó thẽ thọt giải thích:
Con không thích đi xính lô nữa đâu. Tội nghiệp bác xích lô. Bác ấy chắc là thầy giáo!
Sao con biết?
Con thấy bác ấy hớt tóc ngắn và đeo kính trắng.
Nhưng nếu ai cũng không đi xích lô nữa như con thì làm sao bác ấy có tiền?
Nhưng nếu sáng nay không có thêm con thì bác ấy đỡ nặng!
TỊNH THỦY (TP. HCM)
ĐƯỜNG VỀ
Người bỏ quê mà đi, đến chốn sơn cùng thủy tận, ngửng đầu hỏi núi đường lên trời, núi im lặng. Quay sang hỏi rừng, rừng nổi trận cười nghiệng ngả
Muốn đi tiếp nhưng dòng sông đã chặn lối, khản tiếng gọi đò không lời đáp, người đành nhờ sông chỉ chỗ nông sâu.
Sông thương tình:
Nâng cao đất, sẽ cạn, hạ thấp đáy, tất sâu.
Lại hỏi:
Vậy nước chảy về đâu?
Về chỗ sinh ra nước.
Đoạn kết 1:
Người kêu lên:
Vậy hãy đưa ta về chốn sinh ra ta!
Rồi nhảy xuống nước.
Đoạn kết 2:
Người bèn ném hành trang trĩu nặng, quay về.
Đoạn kết 3:
Người ngồi khóc mãi bên sông.
NGUYỄN VĂN PHÚC
THẦN DƯỢC
Mẹ bệnh. Mọi người trong nhà cũng thay đổi. Con lớn tự giác thay mẹ đi chợ búa, cơm nước. Con nhỏ tự giác phục vụ mình. Ba tự giác giặt giũ, lau dọn nhà cửa. Mẹ như em bé được cả nhà chăm sóc, chiều chuộng. Ba bàn tay khác nhau: một to bè, thô ráp; một thon nhỏ, mịn màng và một bé xíu, mũm mĩm thay nhau đặt trên trán mẹ, vuốt ve khuôn mặt mẹ. Mẹ thấy khoẻ rất nhanh, như được dùng thần dược.
LAN HƯƠNG
CHUYỆN RẰM THÁNG BẢY
Mẹ mất, Bố lao đầu vào những cơn say vô tận, rồi bỏ đi. Chị em tôi quanh quất qua ngày.
Rằm Tháng Bảy, tôi làm mâm cơm cúng, lệnh cho mỗi đứa em thắp nén nhang cúng mẹ. Dĩ nhiên, tôi cầu cho chị em chúng tôi không phải đi ăn mày. Con Hà cầu được đi học. Con Thúy cầu có tiền chữa bệnh viêm xoang. Cố gặng hỏi, thằng Út mới mở miệng:
Em cầu được ngủ với bố một đêm thôi.
NGUYỄN THỤY MINH HIỀN
NGƯỜI CHA
Trước hôm chị tôi về nhà chồng, mẹ lo lắng đủ điều. Ba ra vào ít nói chuyện với ai. Lễ đón dâu Ba không vui cũng chẳng buồn. Chị đi nhà trống vắng. Mẹ tảo tần ở chợ, ba loay hoay công việc đồng áng.
Hôm ấy ba kéo từ ngăn tủ chiếc áo cũ khâu lại đường rách. Cũng may chị về, giật áo trên tay ba khâu hộ. Ba cười (rất ít khi) vỗ đầu:
Con gái...
Chị đi mẹ múm víu, ba ra vào im lặng. Chị đi rồi mẹ trách ba vô tâm không thương con gái.
VÕ THÀNH AN
NGHĨA TẬN
Nhà văn K. sống cô độc cùng một con chó.
Trong quán cầy, đồng nghiệp của ông thường bươi móc nghiệp văn là chuyện đời ông làm món nhậu. Nhà văn K. đột ngột qua đời. Ngài bộ trưởng ngành chủ quản long trọng đến viếng. Họ là đôi bạn chí thân ít người biết. Cánh đồng nghiệp té ngửa, xanh mặt, cắp tập viết bài ca ngợi ông. Được nhuận bút họ kéo ra quán cầy sụt sùi trong rượu thương tiếc một tài năng.
Còn con chó ra nằm cạnh mộ ông, bỏ ăn rồi chết.
NHƯ TUYẾT
NỖI BUỒN TIVI
Thuở hàn vi, ở dưới quê cả nhà thường quây quần quanh chiếc tivi.
Ba thăng chức, đưa cả nhà lên thành phố. Nhà mới, nhiều phòng, mỗi phòng một tivi. Ba đi tối ngày, chỉ hoạ hoằn mới thấy ở nhà. Mẹ miệt mài với cải lương và phim Hồng Kông bộ. Chẳng có ai cùng xem hoạt hình với em nữa. Nhiều tivi, nhưng mà ít vui.
THU HỒNG
KỶ NIỆM
Lúc anh làm nghề "gõ đầu trẻ" được 10 năm thì nghề lái "xe vua" ban đêm cũng vừa tròn một tuổi. Có một kỷ niệm khiến anh nhớ hoài. Bữa đó xe thành phố về chuyến cuối, anh vừa tấp vô thì gặp cô gái kêu xe về Mã Tộc. Giá cả chưa xong bỗng có giọng gắt: "Ê! Muốn "sương sương" hay "te tua bầm dập?" Một tay bự con đứng vịn kèo mui. Anh thầm kêu khổ. Đột nhiên nghe giọng nói rất mềm: "Má trông em dữ hả? Thôi mình về đi anh Tư!". Nhờ vậy thoát nạn.
NGUYỄN HỮU BÉ
NHẬN LỖI
Huế mùa mưa lạnh da diết. Năm đó tôi dành dụm mua hơn ký len. Sau khi cân nhắc tôi quyết định nhờ Diệu đan giùm chiếc áo. Nàng vui vẻ nhận lời. Nhưng ba mùa mưa vẫn chưa có áo mặc. Tôi kiên nhẫn chờ đợi.
Sau đó mỗi đứa đi một nơi. Hơn 30 năm về thăm Huế, gặp lại nhau, Diệu chủ động nói:
Em còn nợ anh chiếc áo len.
Tôi cười, Diệu tiếp:
Răng lúc nớ anh không than lạnh. Anh không lạnh hỉ?
Tôi thấy buồn và lí nhí nhận lỗi với Diệu.
LÊ TÀI HOÁ
LỜI CON TRẺ
"Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng.
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày".
Bà nằm nghĩ, lòng oặn thắt. Ông mất, bà nuôi bầy con, giờ 6 đứa không nuôi nổi mẹ. Mấy tháng nay ở nhà thằng Út, tưởng ổn, giờ nó gởi bà vào trại xã hội, còn may nó cho được cái mền. Lúc lên xe cu Thảo nói: "Nội ơi! Con cắt đôi cái mền rồi". "Chi vậy cháu?". "Một nửa của ba cho nội, còn một nửa con dành cho ba!".
Biết thằng Út có nghe được lời con nó nói không?
NGUYỄN HỮU BÉ
CHỮ KÝ
Năm thứ ba trường Điện Ảnh, anh được mời đi đóng phim vai quần chúng. Ra trường, anh vẫn chung thủy với vai quần chúng. Hầu hết các bạn đồng khoá đã bỏ nghề vì hai chữ áo cơm!
Hoá trang xong, anh đi đi lại lại để chuẩn bị vào vai (quần chúng – dĩ nhiên), chợt một cô bé lại gần xin chữ ký. Cảm động, anh nắn nót đề tựa hai câu thơ và ký.
Cả ngày hôm sau, hôm sau nữa, anh vẫn còn lâng lâng.
Còn cô bé, sau khi xin chữ ký, chạy ù đến đám bạn gần đó, cười: "Tao có biết chả là ai đâu, xin đại để có chữ ký mà bói".
TRẦN THỊ MAI TRANG
THƠ TẶNG MẸ
Thuở còn tập tễnh "đặt vần", con làm nhiều thơ tặng mẹ. Mẹ khen thơ hay. Con gởi đi nhưng chẳng báo nào chịu đăng cả.
Con lớn vào đại học. Vẫn say mê thơ phú. Người ta bảo con là cây bút trẻ có lối viết mới lạ, đầy triển vọng... con đã đi qua bảy tầng không gian thơ. Thơ con viết tặng mẹ được đăng tải trên nhiều tờ báo trung ương – những tờ báo "khó tính nhất"...
Tết. Con đem xấp báo về khoe mẹ. Mẹ đọc rồi bảo :
Mi viết thơ mẹ chẳng hiểu chi cả !
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
(Văn K21, Đại Học ĐÀ LẠT)
TÌNH SỬ
Nước sông chảy xiết, không thấy thuyền ghe nào qua lại. Quân địch đang đuổi gấp sau lưng. Thôi, số kiếp ta đành kết thúc nơi đây. Nào ái khanh! hãy nắm chặt tay ta, chúng ta sẽ cùng nhau tuẩn tiết cho vẹn mối tình chung...
Không được, chàng ơi! thiếp rất mong được đi theo chàng, nhưng còn... còn giọt máu của chàng thì sao? Còn giống nòi của chàng thì sao? Còn giang sơn xã tắc thì sao?
Thở dài, chàng gieo mình xuống nước...
BÍCH NGỌC
(Gò Vấp, TP. HCM)
CHUYỆN NHỎ
Dì tôi theo chồng định cư ở nước ngoài. Vừa về thăm nhà dắt theo thằng con trai. Lúc đi cháu còn bế trên tay, nay đã 3 tuổi. Cháu rất ngoan, lễ phép, cả nhà cười vui theo từng câu hỏi của cháu.
Hôm nay, hai cậu cháu đứng truớc nhà ngắm ông đi qua bà đi lại, tôi cho cháu quả ô mai mơ là món cháu rất thích. Nhấp nháp xong, cháu cầm cái hột bé tí hỏi tôi: "Vất đi đâu hở cậu?".
Tôi vô tư chỉ ra đường. Cháu ngần ngừ giây lát rồi hỏi lại tôi: "Thế nhà cậu không có giỏ rác hở cậu?".
Tôi nhìn ra đường. Bao nhiêu là rác đang "cuốn theo chiều gió". Trong tay cháu chỉ là cái hột ô mai bé tí. Ôi! Cháu tôi...
VÕ THANH SỬ
(Lớp 11A 1 Trường dân lập NGUYỄN KHUYẾN)
MÙA HÈ CỦA CON AN
Thế là hết mùa hè, mùa hè của con An suốt ngày ở trong nhà với cửa khóa bên ngoài, làm bạn với cái Tivi, cái máy tính, và... uống sữa...
Chiều nay mẹ chở hai chị em con An đi chơi lòng vòng, mẹ giảng giải cho nó thế nào là màu hoa phượng và mùa hè, con An nghe mẹ kể mọi điều sao lạ quá: mùa hè của mẹ có hoa phượng, có trò chơi rải gianh, có tắm sông, có hái hoa, bắt bướm, mùa hè của ba còn lạ hơn: suốt ngày chạy nhảy trong rừng hái sim, bắt chim, đào dế, thả diều, đạp xe đạp...
Con An ngơ ngác nghe mẹ kể chuyện mùa hè của mẹ và của ba nghe như kể một câu chuyện cổ tích nào đó.
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN (Nha Trang)
MẸ XƯA
Cô rời quán lên xe. Phở ngon... cô ăn không hết nửa.
Xe mới: nệm êm, máy lạnh. Đường không một gợn sóng. Chân sao vẫn tê cứng, mỏi rã hai tay ôm con. 15 năm trước. Cũng đường này, mẹ đưa cô lên tỉnh học. Xe cũ, đường giằn xóc. Mẹ tay bám chặt hàng chân ghế, tay ôm cô chen chút dưới sàn. Định hỏi "sao tay, chân mẹ run?" Lại thôi, cô cũng mỏi và đói...!
Giờ đường về không mẹ. Không ngồi chen chúc, không đói. Nhưng những nước mắt cô vỡ òa theo gió...
ĐỖ THÀNH DŨNG (Daklak)
ÔÂNG TÔI
Hôm lên đường vào Sàigòn nội dúi vào tay tôi tờ 50.000 đầy mủ, dặn: ráng học. Tết về nhìn ảnh nội trên bàn thờ lòng tôi đứt từng mảnh. Mẹ bảo: ông mất tháng 10, bố sợ ảnh hưởng đến học tập nên không tin cho con hay. Rồi thở dài: tội nghiệp, hôm mày đi ông bán vội mấy buồng chuối xanh...
Bình sinh, chưa bao giờ ông bán choai bất cứ một quả gì chưa chín trong vườn trái, vậy mà... tôi quệt nước mắt, rủa mình "mày là thằng cháu vô tâm".
LÊ NGUYỆN VŨ
(7 THU AN – BÌNH THẠNH)
MONG CHỜ
Nhà có năm đứa con: ba trai, hai gái ngày lũ nhóc còn nhỏ, nghịch phá như qủy sứ và hay giành đồ nhau, lên ăn cơm giành chén, đũa, tối ngủ giành gối, mền. Nhà nghèo vách lá, bọn chúng đi từ trước ra sau đều có thói quen dí tay vào vách kêu xào xào, chẳng bao lâu tấm vách tả tơi. Cha mẹ nhìn nhau ngao ngán, mong tụi nó lớn.
Giờ giàu, nhà xây bằng tường, tuị nó tứ tán lo xây sự nghiệp, một thằng vừa chết. Nhà vắng thêng thang. Cha mẹ nhìn nhau ngao ngán, mong tụi nó về.
NGUYỄN HỒNG XUYẾN (Bạc Liêu)
LẤY CHỒNG
Năm 19 tuổi, cái Hà đi lấy chồng. Cả làng xôn xao: Thiếu gì mà phải vội vàng. Nó chẳng nói chẳng rằng, chỉ hơi buồn. Năm sau, cái Huệ, cái Liên, cái Diễm xa quê lấy chồng. Cả làng lại xôn xao: -Thiếu gì mà phải vội vàng. Tụi nó cũng chẳng nói chẳng rằng, chỉ buồn trách người đời không hiểu.
Sang năm nữa, đội công nhân khai thác rừng chuyển đi. Bao nhiêu người con gái lỡ thì cũng bắt đầu từ đó. Cả làng lại thêm lần nữa xôn xao: Thiếu gì con gái lỡ thì…
NGUYỄN VĂN HÙNG
(Qui Nhơn Bình Định )
ÁO MỚI CỦA MẸ
Hôm nay đám giỗ ông cố. Từ sáng sớm, mẹ đã chuẩn bị về nội. Ra tới ngõ, con chợt để ý thấy mẹ mặc chiếc áo đã cũ. Con hỏi mẹ:
Mẹ ơi! Cái áo trắng mới dì ba mới may cho mẹ đâu?
Mẹ lúng túng:
À, mẹ để đâu mẹ quên, vội qúa, mẹ mặc đỡ áo này vậy.
Con ngước nhìn mẹ. Chợt hiểu. Hèn chi hôm học thêu, nhỏ Hương nó hỏi, sao vải của con có những lổ nhỏ như đường may tháo ra. Hai mẹ con ôm nhau thổn thức.
LÊ THỊ CHUNG (TP. HCM)
BA
Truyện ba trong một tuyển tập. Nhưng ba không được lãnh nhuận bút cũng chẳng có sách biếu. Lãnh học bổng, nó dành hơn môït nửa để mua sách tặng ba.
Vừa thấy bộ sách, mặt ba thoáng vui nhưng lại buồn ngay: "Nhà mình năm nay kẹt lắm, con mua làm gì. Cất đi, mẹ con thấy là có chuyện đó".
Buồn quá, nó lẳng lặng cất sách vào tủ. Nửa đêm thức giấc thấy đèn sáng ở nhà ngoài, nó đi ra. Ba đang ngồi lật giở từng trang sách. Tay ba run run.
QUÝ NHI (TP. HCM)
QÙA CHO NGOẠI
Trước khi lên thành phố nhập học, tôi ghé thăm ngoại. Qùa của ngoại là vô vàn dặn dò và 20.000đ tiền lẻ nhào nát "cho con ăn qùa". Cảm động, tôi hứa: "Mốt con làm có tiền sẽ may cho ngoại bộ đồ bà ba mới, đồ ngoại cũ hết rồi".
Giờ, cầm mảnh bằng đại học chạy vạy mãi, tôi mới xin được vào một công ty tư nhân. Lương 500.000đ, trả xong tiền nhà chỉ tạm đủ tiền ăn. Ngoại tôi ngày mỗi già, quần áo vẫn cũ như ngày nào.
BẢO NGỌC
(Bà Rịa – Vũng Tàu)
CHUYỆN ĐỜI
Ở nhà, mẹ bảo tôi kèm thằng em. Mẹ cho thêm tiền. Nó lười, tôi quát:
Mày học hành thế hả, nghỉ quách đi!
Nó khóc. Tôi dạy kèm bé Mi. tôi bảo:
Con làm sai nữa rồi.
Mi thích làm thế. Nó trả lời giật giọng.
Tôi nín lặng. Tội nghiệp cho thằng em. Tôi nghĩ tiền mẹ dễ lấy hơn tiền người.
TĂNG KHẮC HIỂN
(PHÒNG 114 A KTXBK)
NGOÀI GIỜ
Chị bước vào quán, kín đáo nhìn quanh như tìm người quen… rồi chị lấy xấp vé số trong giỏ ra, nhẫn nại rảo khắp bàn… Chị nhỏ nhẹ mời, lặng lẽ rút khi khách lảng đi.
Tôi gục mặt trên bàn bia… muốn mua nhiều vé số mà không ngẩng lên được! …Chị là bạn vợ tôi, trước dạy cùng trường…
ĐỨC NAM (TP. HCM)
XẠO
Nhà thằng Bòng giàu có. Bữa nào cũng thịt, cũng cá, nhưng chẳng mấy ai chạm đũa.
Thằng Còm nhà nghèo. Không muốn để con phải khổ, bữa nào bố mẹ nó cũng lo cho nó hoặc quả trứng, hoặc lạng thịt. Vô tình không biết đó là tiêu chuẩn dành riêng cho mình, thằng Còm chỉ thấy bố mẹ nó chỉ ăn rau. Nó ăn không hết, mẹ nó lại cất đi.
Một bữa, thằng Bòng bảo:
Nhà tao, thịt cá chẳng ai ăn…
Thằng Còm buột miệng:
Nhà tao cũng thế.
Thằng Bòng nhìn thằng Còm: "Xạo!"
PHÙNG THANH CHỦNG (Hà Tây)
CHA TÔI
Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh hai đều có gia đình. Ngoài 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói.
Tôi tìm đến bệnh viện, quyết tâm cho người tình cha tôi một trận. Chợt tôi lặng người đi vì người cha chăm sóc là mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói: "Ba sợ các con còn giận mẹ…".
NGUYỄN MINH HIẾU (Tây Ninh)
CÁI DIỀU
Cu Tí mới lên bốn tuổi. Một hôm Tí hư, chú tư doạ sẽ thả Tí xuống cống cho trôi ra sông. Tí sợ lắm. Nó mếu máo trông thật tội. Chú Tư buồn cười lắm nhưng vẫn cố nén, giả lãng làm động tác thả cu Tí xuống cống. Vừa xắn tay áo chú vừa dóng dả:
Chiều bố mẹ đi làm về có nhắn gì không ?
Cu Tí nức nở:
Nhờ chú nhắn hộ bố cháu làm cho cháu con diều.
XUÂN HOA(Hà Nội)
SANH CON GÁI
Em dâu tôi có thai. Cả nhà đều mừng… hy vọng lần này cả nhà sẽ có cháu trai.
Sáu tháng, em dâu tôi đi siêu âm – bác sĩ chưa định rõ con trai hay gái. Đi siêu âm thêm lần nữa, cũng chẳng biết gì hơn. Đành chờ. Rồi ngày sanh cũng đến. "Con gái 3 ký 500gr". Mọi người có nét buồn trên mắt, nhưng vẫn ùa vào phòng xoay quanh cô công chúa bé nhỏ với những nụ cười thân thương.
Mẹ cầm tay cô con dâu út âu yếm: - Con gái đầu lòng dễ nuôi, mau nhờ, con ạ. Côâ con dâu rơm rướm nước mắt
quay đi, không dám nhìn mẹ chồng, thấy mình có lỗi.
DUNG (TP. HCM)
NGOẠI
Lúc nhỏ, ở quê đi học. Ngoại thường cắt dây chuối thắt quai chèo cho anh chèo ghe đến trường.
Đến khi lên thành phố học đại học, ba mua cho anh chiếc xe đạp để đến trường. Ra trường rồi anh làm giám đốc một công ty, đi làm có xe đưa đón. Bận công chuyện anh chưa một lần về thăm ngoại.
Ngoại bệnh, nhận được điện tín anh về. Giọng yếu ớt ngoại nói: "Ngoại đã thắt quai chèo cho cháu, sao lâu quá… không thấy… cháu về".
Anh cúi mặt lặng thinh, dòng lệ tuôn trào.
ĐINH VĂN HỒNG
(Kế Sách – Sóc Trăng)
NGÀY GIỖ
Còn một tuần là giỗ ba, anh Hai họp anh em lại: "Coi khách mời gồm những ai, làm gì cúng, đãi khách cho tươm tất".
Cả tám anh em ai cũng đi làm, cũng có bạn bè, cấp trện, cần phải ngoại giao, trả ơn. Sau cùng thống nhất 10 bàn.
…Ngày giỗ, sau khi khách về hết, bữa cơm gia đình dọn ra, nhìn thức ăn toàn ngon và nhiều, cu Hưng lếu láo: "Tội ông ngoại hả mẹ, giỗ ngoại mà ngoại chẳng ăn gì, chỉ nhìn cười, còn ai cũng được ăn ngon, lại vui nữa…".
CAO THỊ THANH VÂN (Vũng Tàu)
KHÔNG CHA
Cha mất, mẹ lấy chồng bỏ Tí sống côi cút với nội. Năm học lớp 8, ông bệnh nặng, phút cuối đời dặn Tí: "Con không cha như nhà không nóc, con ráng học đặng sau này nhờ cái thân". Thương nhớ ông Tí khóc nhiều. Xong tang lễ, bác về ở chung nhà lo hương khói.
Hôm có người dạm mua bộ ghế gõ ông ngồi uống trà ngày xưa giá cao, bác đồng ý. Tí cản. Bác lớn tiếng: "Tao có dỡ nhà bán cũng không ai làm gì !".
Đêm Tí khóc tủi phận mình không cha.
LÊ NGỌC HÂN
(Ban tuyên giáo tỉnh ủy Bến Tre)
CHIM HÓT... NGHE BUỒN
Nhà bên cạnh nuôi con khướu hay hót. Buổi sáng, tiếng hót lảnh lót của nó đánh thức cả xóm dậy.
Thằng cu con ngó sang dịch:
Ngộ không! Ngộ không!
Má nó nhìn con chim xơ xác, cô đơn trong lồng, thở dài:
Khổ chưa! Khổ chưa!
Bà Tư bán xôi nước ở cổng lại nghe:
Chi khổ! Chi khổ!... Không đầu tắt mặt tối mà có ăn như mày tao cũng hót!
Con chim vẫn ra rả hót. Nó muốn nói gì trong chuỗi âm thanh trong ngần khắc khoải kia?
Có điều... cứ nghe nó hót tôi buồn!
QUẾ HƯƠNG
CU LÌ
Cu Lì năm nay lên ba. Nó đang nói bập bẹ một vài tiếng. Tính nó ngang bướng và hay khóc khi gây lộn với chị. Mỗi lần như thế, mẹ nó quát: "Im đi, nhịn nhau không được hả?".
Hôm nọ, bố mẹ cu Lì cãi nhau. Mẹ nó khóc sụt sùi. Cu Lì hét lên với giọng ngọng nghịu: "Im... i, nhịn nhau... ông... ược hả?".
NGUYỄN HỶ
DẠY
Cô chủ nhiệm bảo: "Thằng bé lại trốn học". Tôi choáng váng: "Mình cho con mọi thứ. Vậy mà...". Tôi muốn chạy về "dần" cho nó một trận nhưng sợ vợ xót nên bỏ đến nhà một người quen.
Ông ta làm thợ nề, có con trai là học sinh giỏi cấp quốc gia. Ông bố đang tắm cho con, ông cẩn thận kỳ cọ, vui vẻ cười đùa.
Tôi kể hết về con mình rồi xin một lời góp ý. Ông lơ đãng hỏi:
"Này, đã bao giờ cậu tắm cho nó chưa?"
Tôi im lặng lủi thủi ra về...
NGUYỄN CHÍNH
BÊN MÌNH
Bà không ngủ nổi! Chúng nó mới phone về xong "Đã tới Úc bình an, nhưng chà bông họ quẳng rồi!" Nhói cả tim già! Bà không tiếc của, chỉ tiếc công. Tám mươi tuổi rồi, lọm khọm ngồi xé được cả ký như thế, vậy mà... Thương hai đứa cháu nhỏ, chả nhận được quà. Giọng con dâu còn nhấm nhẳn: "Con bảo rồi! Đồ ăn bên mình mất vệ sinh lắm! Ai họ nhận!" Thế đấy! Mà bà nuôi sáu đứa thành tài cũng bên mình chứ đâu!
TRUNG THU
TẦM CAO
Nhờ quen biết cùng nói năng lưu loát, ba tôi được mời làm hội thẩm nhân dân toà án Huyện.
Cứ một phiên toà lãnh hai chục ngàn, dự bữa cơm trưa.
Năm đó xét xử anh học trò can tội trộm, án ba năm tù. Người quen trách ba tôi khắc nghiệt, tra vấn bị can quá mức.
Bạn bé xa lánh dần, ông bệnh suốt năm chẳng ai ghé thăm.
Mãn hạn tù, anh học trò bị tù năm xưa ghé thăm ba tôi đều đặn. Sau đó hỏi cưới chị tôi.
LÊ TÒNG BÁ
DÌ GHẺ
Chị lấy chồng. Chưa kịp có con thì chồng mất. Ba năm sau chị đi bước nữa. Người chồng mới goá vợ, có hai con nhỏ. Yêu chồng, yêu luôn cả con chồng. Chị quyết định không sinh con để lo cho gia đình. Lớn lên, người con trai có vợ. Sau tuần trăng mật anh ta về nhà. Chị vui mừng ra đón. Chưa đến phòng khách, chị nghe tiếng cô con gái:
Còn xấp vải hoa?
Cho mẹ.
Hoài của! Em lấy nốt, nào phải mẹ mình.
Chị càng buốt tim hơn khi người con trai im lặng.
NGUYỄN THỊ KIM ANH
TÂM BÃO
Bao đời nay bão vẫn say sưa du hý, du thực trên quê tôi, nghèo và xót xa lắm! Nhưng người vẫn sống, lúa vẫn xanh, khoai vẫn ngọt, vậy mà em lại bỏ lên thành phố. Em nói: "Tui đi mấy năm, kiếm chút đỉnh rồi tui dìa, tụi mình mần đám cưới". Ngày tôi lên thành phố tìm thì em đã biết mặc củng, biết chở Tây bằng Honda. Tôi về mà nẫu ruột!
Bên sông, hàng điên điển vẫn vàng rực, gió mát, cá vẫn tung tăng, chỉ có em là... Xa xa có tiếng ai văng vẳng hò: "... Gió đưa bông lách, bông lau. Gió đưa em bậu (ơ)... xuống tàu Ăng-lê...".
VĂN LIÊM
CHỊ VÀ EM
Nhi, giơ chân lên cho chị kỳ nào.
Bé Nhi đưa một chân, còn một chân mất thăng bằng, người nó cứ nghiêng qua ngả lại. Chị gắt:
Phải vịn vào vai chị mới khỏi ngã. Nhớ chưa?
Ba năm sau, chị không may bị tai nạn cướp mất một chân... Chiều nay tập đi, nhìn em Nhi một mình tắm, nước mắt trào ra.
Lần đầu tiên sử dụng nạng, do chưa quen chị nhiều phen suýt ngã. Em Nhi đến bên chị:
Chị ơi. Vịn vào vai em mới khỏi ngã!
Chị gục đầu vào vai em khóc nức nở.
TÔ THẢO MY
CHUYỆN NGÔI NHÀ NGẬP NƯỚC
Anh lại lẳng lặng dắt xe ra. "Trời sắp mưa, lại đi đâu?", chị muốn hỏi nhưng không mở lời. Tiếng xe xa dần.
Trời mưa ngày càng to. Nước đã mấp mé ngoài hiên. Chị vội vàng khiêng các thứ để lên giường. Chiếc áo mưa trên nóc tủ bỗng làm chị khựng lại, bồn chồn: anh để quên.
Nước trào vào chỉ còn chiếc tủ nặng nề cần được nâng lên. Giá mà có anh.
Có tiếng xe lịch xịch đầu hẻm. Cửa xịch mở: anh đứng đó. Chị nhìn anh, trên tay còn cầm chiếc áo mưa. Còn anh đang nhìn chiếc tủ. Ngoài trời vẫn mưa.
MQ
TÌM CHA
Mẹ tìm được chồng – Toàn vẫn chưa tìm được cha. Cha nằm ở góc rừng nào của Cao Nguyên? Các chú đã âm thầm cùng bố dượng Toàn đào bới từng tấc đất khi nghe nói về chuyện chôn cất cha Toàn ngày ấy.
Toàn thương mẹ cơ cực quá nhiều. Rồi bố dượng gặp vợ chồng Toàn... và hai bố con đi tìm được hài cốt cha Toàn.
Nghĩa trang chiều mưa sùi sụt. Trong lễ truy điệu cha Toàn, mẹ Toàn nức nở, bố dượng lặng yên một góc. Toàn nao nao thương cả hai người.
NGUYỄN MINH
HƯƠNG BƯỞI
Ngoại mất, lo hậu sự xong, mẹ ngồi tóc rối khóc thương ngoại, vun lại gốc bưởi trước sân ngả rạp vì mấy ngày tang.
Giỗ đầu ngoại, tôi theo mẹ về ngôi nhà mái ngói âm dương cũ kỹ. Mộ ngoại phủ kín cỏ xanh giữa bông bưởi trắng ngần.
Đêm trăng, bên thềm mẹ gói bánh cúng ngoại, kể chuyện ngày con gái vẫn hái bông bưởi gội thơm tóc dài óng mượt.
Cay mắt tôi nhớ, sinh thời ngoại cứ bền lòng không chịu theo mẹ về ở bên chợ.
Hương bưởi đã giữ ngoại mãi với đất quê.
NGUYỄN GIA KHANH
CHỊ HAI
Sáng nay đám cưới chị Hai không phải với anh Nhân mà với ông nào lạ hoắc, già gần bằng tuổi ba. Lạy bàn thờ ba, chị Hai bước lên xe hoa sang trọng mà nước mắt tuôn như mưa. Anh Nhân đứng bên bờ rào thập thò ngó qua, mắt đỏ hoe. Má nhìn theo chị Hai, hai hàng nước mắt chạy dài trên gò má hóp. Bé Út tự hỏi: "Sao đám cưới mà ai cũng khóc?’ Đêm, bé Út mơ chị Hai đang la rầy mình. Giật mình tỉnh dậy, thấy chỗ nằm bên cạnh trống không.
ĐINH VŨ NGỌC MINH
THẰNG SỨT
Sứt học giỏi nhất lớp, vậy mà đột nhiên nó bỏ học. Hỏi, đám học trò trả lời:
Nhà nó nghèo.
Ba lần tôi lội qua một quãng đồng, đến nhà nó, tìm mà không gặp.
Lần thứ tư, tôi gặp nó dưới một con rạch giữa đồng. Hỏi:
Sao em nghỉ học?
Nó đáp:
Nhà em nghèo.
Cô có giúp em được không?
Nó nhoẻn miệng cười:
Cô mua cho em cái móc cua bằng inox.
"Sứt ơi! Có cái móc thần nào móc em lên khỏi những con rạch này không?" – Tôi thầm nghĩ, mắt cay cay...
NGUYỄN THỤY MINH HIỀN
MÙA CÁ LINH
Tháng 6 đến mùa cá linh; trùng với mùa bông điên điển. Mẹ hay nấu cho anh em tôi ăn món canh chua cá linh bông điên điển, cá linh kho sả, kho tiêu...
Anh chị đỗ đạt thành danh ra thị xã sống hết. Mấy dịp về quê, mẹ lại nấu món ăn từ cá linh. Anh chị ăn cơm ít, mẹ trách:
Mồ tổ tụi bây, xa quê rồi quên món ăn dân dã.
Chị khẽ:
Tanh không chịu được!
Mẹ tôi buông đũa, mắt nhìn xa xăm.
Tôi thương mẹ tôi quá.
VÕ THÀNH AN
NHÀ THỢ
Cha tôi là thợ mộc. Trại mộc là một chái rộng bên nhà. Có ba học trò làm thợ phụ. Sản phẩm thường là bàn, ghế, tủ, giường nhưng nổi tiếng nhất là tủ thờ. Trong nhà tôi cũng có một chiếc tủ thờ mới. Gặp khi hàng nhiều đóng không kịp, để giữ uy tín đối với khách, người lại cho họ vào khiêng tủ thờ trong nhà. Người an ủi mẹ con tôi: "Rồi sau này đóng lại". Người quen đến nhà, thấy không có tủ, hỏi, cha tôi thường cười nói: "Thợ rèn ăn dao lụt" mà!
LƯƠNG TRỌNG TUẤT
TUỔI DẠI
Anh ngồi im lặng hút thuốc, suy nghĩ miên man. Những tình cảm lộn xộn tràn ngập hồn anh lúc này. Cú "sốc" đã qua nhưng anh vẫn chưa nguôi. Vợ anh im lặng khó hiểu.
Giờ đây chị đang thu xếp đồ dùng vào chiếc vali. Cạnh chị, bé Minh đang đùa nghịch với con Mino và Toto. Bé trói hai con lại với nhau, chúng gầm gừ. Anh mắng con. Bé con: "Ba ơi! Ngày mai con Mino theo chị Ánh đi với ba, con Toto theo con đi với mẹ, chúng có buồn không ba?’.
LÊ XUÂN ĐỊNH
CÁ CHẠY
Bên ngoài trời vẫn rên rỉ mưa. Từ căn hộ chung cư cao thấp, bà nhìn xuống con đường nước ngập, như con mương cái mà bơi trong đó là những chiếc xe tắt máy. Bà nhớ đến ông, lúc chưa lên ở với thằng Hai, hễ mỗi lần mưa lớn là ông vác thời ra ruộng đặt cá chạy, thứ cá tạp nhạp, nào lòng tong, tép riu, cá cấn, điên điển... kho muối hột, lá gừng, ăn với cơm gạo mới, vậy mà thiệt ngon! Giờ ông đâu còn...
Bữa cơm chiều đầy ắp thức ăn: bò bíp-tết, paté, gà rán, rượu đỏ...
Người con trai miệng ngồm ngoàm hỏi:
Sao ăn ít vậy má?
VĂN LIÊM
THỜI GIAN
Hai đứa chung phòng trọ.
Năm nhất, mấy đêm liền, nhớ nhà, cứ nằm ôm nhau khóc rưng rức. Mấy lần nhỏ bạn đòi về:
Không học cao cũng chẳng sao. Sống ở đây thấy người ta đối đãi với mình quá lạnh lùng. Không ai quan tâm đến ai, tao không chịu nổi.
Nó an ủi. Nhỏ bạn vẫn khóc.
Năm cuối.
Nhỏ bạn bảo:
Ráng tranh thủ kiếm việc làm để lúc ra trường được ở lại thành phố. Bị đẩy về quê là chết!
Nó nghe miếng cơm trong miệng lạt hẳn.
TUỲ NGHI
QUÀ ĐỒNG
Một buổi sáng tháng 6, lão Hoành ra đồng. Trời trong. Tiếng cu gù xao xuyến. Lão vung cuốc, và nhớ về tuổi thơ xa xôi...
Chợt nhớ ra điều gì, lão dừng cuốc, rón rén đi về phía phát ra tiếng dế gáy. Lão bắt được hai con dế than.
Trời vẫn cứ trong ngần. Tới một quãng vắng, bất chợt lão nhảy chân sáo. Phía đầu làng, bọn trẻ đang đánh nhau vì giành chơi trò chơi điện tử. Lão gọi thằng cháu nội tới, chìa ra hai con dế. Nó nhăn nhó:
Tưởng tiền.
Rồi nó giận dỗi đạp nát món quà đồng.
TRẦN LÂM HOA VINH
CÁI ĐƯỢC CÁI MẤT
Năm 1985, mẹ sanh con đầu. Không có quạt máy, mẹ vừa quạt vừa ru con suốt: "Gió mùa thu mẹ ru con ngủ...".
Năm 1991, mẹ sanh con thứ nhì. Nhà có quạt máy, mẹ chỉ ru: "Gió mùa thu...".
Năm 1998, mẹ sanh con thứ ba. Hai mẹ con nằm phòng máy lạnh. Đồ chơi treo quanh nôi, có cả nhạc điện tử. Sáng nay đứa con thứ nhì vào lay:
Mẹ giảng bài cho con "...lời ru có gió mùa thu" là sao hở mẹ?
Giảng bài, mẹ say sưa hát: "Gió mùa thu...". Bé nằm bên nhoẻn miệng cười.
NGUYỄN THỊ KIỀU TRINH
ĐẾN VỚI RỪNG
Quê tôi là vùng bán sơn địa, đất ruộng ít. Ông nội tôi thường mang rựa vào rừng đốn củi gánh ra chợ bán.
Đến thời cha tôi, người lại cùng bạn thợ vác rìu vào rừng sâu, hạ cây xẻ gỗ bán cho hàng mộc.
Còn tôi nay vào Tây Nguyên sinh sống, lại cũng đến với rừng! Tôi làm ở xí nghiệp khai thác gỗ. Không còn phải dùng rìu rựa, mà hạ cây đã có cưa máy, vận chuyển có xe be.
Không biết đến đời con tôi có còn rừng để nối nghiệp cha ông không nữa...
LƯƠNG TRỌNG TUẤT
ẤM TÌNH
Ngày nào, ông già sửa giày vẫn ngồi trên vỉa phố. Mùa này trời lạnh căm. Chỉ một tấm áo mỏng che thân. Bạn tôi se lòng: "Nhìn ông già lạnh, mình cũng lạnh".
Tìm được chiếc áo len cũ, bạn tôi tặng ông. Ông mừng rối rít, cám ơn....
Mấy ngày sau. Ông già vẫn gnồi đó run rẩy, co ro... Bạn tôi nghĩ: "Có lẽ ông nghèo quá, nên bán áo ấm để mua gạo chăng?’.
Hỏi thăm ông, ông trả lời: "Cô ơi, vợ tôi không có áo ấm, nên tôi đã nhường cho bà ấy mặc rồi!"
ĐẶNG QUANG TIẾN
QUA SÔNG
Ngày cuối cùng của cuộc hành hương. Thầy trò Huyền Chân dừng lại nơi đò qua sông. Bỗng một vị pháp sư bất thần xuất hiện. Đệ tử của Thầy Huyền Chân ngạc nhiên hỏi:
Không đò sao ngài qua được sông?
Vị pháp sư cười:
Đó là kết quả của 40 năm khổ luyện.
Huyền diệu. Thật huyền diệu! Xin ngài cho tôi được theo hầu!
Thầy Huyền Chân quay lại nói với đệ tử mình:
Chỉ cần một đồng là qua được sông, liệu có đáng để con hoài phí một thời gian dài như thế không?...
BÙI ĐÌNH ĐỊNH
ĐỒNG LƯƠNG ĐẦU TIÊN
Hai năm trước, người yêu của bạn gái tôi tốt nghiệp Đại Học Bách Khoa. Tháng lương đầu tiên anh ấy dồn hết mua tặng bạn tôi chiếc nhẫn mặt ngọc tuyệt đẹp. Bạn tôi rất hạnh phúc và hãnh diện với bạn bè. Năm nay, người yêu tôi cũng ra trường. Tháng lương đầu tiên anh ấy chẳng mua tặng tôi gì cả, mà tranh thủ về quê, đưa hết cho má. Sợ tôi không vui, anh an ủi: "Má vất vả nhiều nên rất cần những món quà tinh thần, những niềm vui như thế từ con cái". Lúc đầu tôi hơi giận và buồn, nhưng hiểu ra tôi càng quý anh hơn.
THU HÀ
CHẬU MAI MỚI
Trên 10 năm chăm sóc, cây mai mọi đã nên dáng rồng bay, sai nụ.
"Quà cuối năm này nên dành cho ai nhỉ... giám đốc? Trưởng phòng?..." Trọn một ngày phân vân – Phong quyết định: "Thôi thì trưởng phòng. Sếp gần vẫn hơn sếp xa...".
Một tuần sau, Giám đốc gọi anh đến nhà riêng:
Nghe cậu sành chơi bonsai, hãy giúp tôi sắp xếp lại sân kiểng này. Số kiểng dạt ra kia tôi biếu cậu.
Bắt gặp chậu mai mọi thân quen nằm trong đám kiểng bị loại. Phong vừa mừng vừa tuổi.
BẢO HÂN
CHIẾC ĐỒNG HỒ
Anh con trai đi làm được vài tháng, có dịp ghé thăm nhà. Bữa cơm chiều anh cứ nhìn chòng chọc vào chiếc đồng hồ của cha. Người cha thầm nghĩ: "Chắc là con nó cần...?"
Ăn cơm xong, người cha gọi con trai ra bàn uống nước, ông bảo: "Con mới đi làm, cũng cần biết giờ biết giấc". Rồi ông tháo đồng hồ đưa cho con.
Người con trai cầm đồng hồ, bấm lại hai nấc rồi đeo vào tay cha, rươm rướm nước mắt:
Dạo này ba gầy quá, dây đồng hồ tuột cả xuống bàn tay.
VŨ ĐỨC NGHĨA
MẸ TÔI
Ba mất, mẹ tảo tần lam lũ, cóp nhặt từng đồng cho chúng tôi ăn học. Xóm giềng gièm pha nghèo không lo, học đi mai mốt bán chữ mà ăn.
Mẹ ngậm ngùi bảo ba mẹ không còn gì để lại, các con ráng học sau này mưu sinh.
Anh em tôi đã đứng được trong đời.
Xóm giềng khen bà ấy giỏi thật, một mình nuôi bốn đứa con ăn học thành tài.
Mẹ mỉm cười, hằn sâu những vết nhăn.
CHÍ HƯƠNG
KHI BA MẸ RUN TAY...
Bàn ăn trải khăn trắng. Mẹ gắp cho cu King cái đùi gà. Ông nội không còn răng, chỉ muốn ăn canh nhưng canh để xa ông.
Để cháu chan cho!
Cu King đứng dậy chan canh cho ông và làm đổ canh ra bàn. Mẹ mắng:
Cứ đành hanh!
Ông rối tay chân. Lóng ngóng, run run. Canh lại đổ ra ngoài...
Mẹ nhăn mặt, ba xoa bụng còn cu King nhìn hai người:
Khi ba mẹ run tay như ông, con sẽ chan canh cho ba mẹ.
Bữa ăn tiếp tục nhưng chỉ còn tiếp nhai.
QUẾ HƯƠNG
KHỜ QUÁ
Buổi hẹn đầu tiên. Ngồi bên nhau chẳng biết nói gì. Bao nhiêu ý tứ trong đầu bỗng bay đi đâu mất. Thu hết can đảm, tôi nắm lấy tay nàng, nàng rụt tay lại và đứng dậy đi.
Tôi thơ thẩn nhìn theo nàng rồi ngồi phịch xuống.
Hôm đưa nàng về quê, tôi đánh liều hỏi:
Sao bữa đó...
Nàng mỉm cười:
Ai biểu hỏng... khờ qúa!...
TRẦN THÁI PHONG
KHOẢNG CÁCH
Cậu đi học tập. Mợ chật vật nuôi bầy con. Nhà Nhiên đủ ba mẹ cùng chạy gạo, tạm đủ sống. Mẹ chia sớt cho mợ bát canh, lon gạo... Mợ và các em thường ở chơi nhà Nhiên, đầm ấm tiếng cười.
Cậu về, cả nhà xuất cảnh. Nhiên mừng cho các em được học hành ở đất nước mình từng mơ du học.
Mợ và các em về thăm quê, chỉ hỏi thăm nhà Nhiên qua điện thoại.
Nhiên tần ngần mở tấm bản đồ thế giới. Nước Mỹ rộng, xa; và hình như xa hơn mình tưởng.
TỈ NHIÊN
CÂY BÀNG
Nhà ngoại nắng lắm, sân rộng, chẳng có cây cối gì cả, các cậu đi làm xa, ông bà ngoại già rồi lại hay bệnh nữa. Ngoại thích cây bàng toả bóng mát trong sân.
Tôi đi Bạc Liêu, lượm hột bàng ở sân bưu điện, về ươm. Hết mưa rồi nắng, cây bàng lên cao, ngoại nằm xe lăn, ước ao lành bệnh, đặt ghế đá dưới gốc bàng hóng mát.
Ngoại ơi. Bàng giờ đã cao, toả bóng mát nhà ngoại những trưa đứng bóng. Nhưng ngoại không còn để ngồi gốc bàng hóng mát với con.
NGUYỄN THỊ KIM OANH
NẮNG NHẢY
Tôi là nhà văn, còn vợ tôi, hoạ sĩ. Cả hai đều đầy cá tính và lãng mạn, do vậy lục đục mãi. Ai cũng có lý.
Bố làm trọng tài, yêu cầu chúng tôi ghi ra những khuyết điểm của nhau. Thấy nàng nhoang nhoáng bút, tôi nặn óc, cố moi thật nhiều vấp váp của nàng, rồi... chuyển bản "cáo trạng" cho nhau.
Đập vào mắt tôi là hàng chữ: "Em Mãi Yêu Anh". Tôi thảng thốt nhìn lên: nàng gục đầu, bờ vai khẽ rung...
Sau lưng nàng, những vạt nắng điên cuồng nhảy nhót...
Nắng nhảy!
NGUYỄN NGỌC HOÀN
"CÁM ƠN" ÔNG XÂY DỰNG
Khuya, đường vắng. Hai tên cướp chận một người đi đường. Chúng móc dao, anh hoảng hồn quay đầu chạy thục mạng, chúng đuổi theo ráo riết. Anh nhảy qua hàng rào của một công trình đang xây dựng, mất đà, đầu anh va vào một bức tường, nguyên một mảng tường rơi đánh "rầm"! Hai tên cướp sững sờ nhìn nhau rồi hoảng hồn quay đầu chạy. Anh lồm cồm ngồi dậy. Chợt hiểu, anh quỳ xuống xá ba xá và nói: "Cám ơn ông xây dựng Huyện nhà, nhờ ông mà con mới thoát chết!".
NGUYỄN HỮU BÉ
CHUYỆN NGƯỜI LỚN
Bữa hổm mẹ đi vắng, ba lại quên không rước, Thảo về nhà vừa buồn vừa giận, bất chợt vô nhà bếp thấy ba với dì út "thơm" nhau. Thảo thắc mắc, ba nói: "Chuyện người lớn, con không hiểu đâu".
Hôm nay tình cờ Thảo thấy bác Hai với cô X. ở công ty cũng vậy. Cô bảo: "Chuyện người lớn, mai mốt cô giải thích". Thảo nghĩ: "Người lớn khó hiểu quá, không giống như búp bê, con gấu, con miêu trên kệ, đã là của Thảo thì chỉ có mình Thảo "thơm" thôi.
NGUYỄN HỮU BÉ
TIẾT HỌC MẪU
Chuẩn bị cho tiết học mẫu, cô giáo dặn: trò nào cũng phải giơ tay phat biểu khi cô ra câu hỏi. Một trò hỏi: "Nhưng con không biết trả lời?" Cô cười "thông cảm": "Biết thì giơ tay trái. Không biết thì giơ tay phải!". Hôm sau, cô hỏi câu gì cũng toàn những cánh tay phải giơ lên!?
Con bé kể xong chuyện lớp, cười tít mắt.
QUỐC VINH (TP. HCM)
CHỊ HAI
Thuở đôi mươi, tôi hay theo bạn bè la cà nhậu nhẹt, đánh nhau. Khuya, chị Hai ra đường kiếm, năn nỉ bạn bè kéo tôi về, tôi gắt ầm ĩ. Bao giờ trên bàn cũng còn mâm cơm tươm tất, bên giường sẵn ly nước chanh.
Sáng dậy, tôi lủi lẹ ra quán café, tránh nghe bài đạo đức và nước mắt của chị.
Chị mất. Tôi tự do. Đêm về khuya, anh và chị dâu ngon giấc. Bàn ăn trống trơn. Bàn thờ lạnh ngắt. Thắp nén nhang cho chị, tôi chợt thèm nghe giọng cằn nhằn quen thuộc.
N. T. R (Quy Nhơn)
MẸ VỢ
Cậu em vợ tôi điện thoại báo cho tôi bà mẹ vợ tôi bị trượt chân té gãy tay. Thế là cuống lên, tôi phóng xe từ cơ quan về đưa bà đi bó bột.
Sau khi xong mọi việc và chở cụ về nhà, tôi mệt nhọc quay về ghé thăm mẹ tôi. Lúc đó tôi mới chưng hửng là mẹ tôi cũng vừa mới té và đã được cậu em rễ chở vào bệnh viện.
TRẦN MINH SƠN
(112 Huỳnh Thúc Kháng, Tam Kỳ, Quảng Nam)
CỦA EM
Đi ruộng về, chú trố mắt nhìn vào khoảng vách trống. Hỏi ra mới biết bé Thảo nướng cua làm cháy. Giận. Chú đánh nó túi bụi. Thiếm can ngăn, chú quát: "Tắm xong rồi tính". Sợ lắm, nó trốn.
Đến giờ cơm chiều, cả nhà tìm kiếm, gặp ở kẹt tủ... Nó ngủ quên! Chú kéo dậy. Mơ màng tưởng chị, nó nắm chặt tay ghịt lại, cằn nhằn: "Ư... con cà cuống của em nướng để dành cho ba ngâm rượu chứ bộ".
Chú thấy khóe mắt cay cay.
HUỲNH VĂN VĨ
(Ấp 3, Tân Thạnh, Long An)
RƯỢU CẦN MÙNG 8 THÁNG 3
Nơi tôi dạy học là một bản làng xa thị trấn. Ngày 8 tháng 3, nhà trường tổ chức tọa đàm. Trên đường về, tôi bắt gặp từng đoàn học sinh đi thăm cô giáo rất đông. Chẳng có gương mặt nào dành cho tôi cả. Tôi thoáng buồn. Bước chân vào nhà, tôi thấy trên bàn là một bó hoa rừng được buộc bằng vỏ cây bên cạnh một ghè rượu cần. Tôi chợt hiểu: học trò của tôi đã đi bộ hơn 10 cây số. Tôi vít cong cần và uống một hơi say. Say tình học trò người Jarai.
NGUYỄN THỊ CHUNG
(Trường PTCS Lakênh, Lagrai, Giarai)
NHỚ NGOẠI
Những ngày sắp nhập học, ngoại cặm cụi sơn lại cái rương đã cũ cho tôi. Ngoại bảo: Nó được làm bằng gỗ tốt, của ông anh ngoại để lại đó! Tôi đùa: đồ cổ hả ông? –Ngoại cười: cha mày!
Những năm tháng đại học, nó vừa là bàn học, tủ đựng quần áo và là kệ chứa sách vở. Rồi tôi học xong và đi làm, nó bị bỏ quên.
Hôm nghỉ thứ bảy đầu tiên, tôi dọn dẹp gác, lôi nó xuống và lau chùi sạch sẽ, vợ tôi dửng dưng: Anh thiệt... bây giờ còn ai xài, để chi chật nhà!
Tôi bỗng thấy nhớ ngoại vô cùng.
PHẠM HUỲNH ANH VŨ (TP. HCM)
TIẾNG CƯỜI
Mẹ mất hồi con biết đi chập chững. Chơi ở nhà, cha làm ôtô, con làm khách, khách bắt ôtô chở loanh quanh nền gạch, ôtô cố tình bị ngã để hai cha con lăn ra ôm nhau cười sung sướng.
Gà trống nuôi con nhiều năm dài đăng đẳng, con nên người, tóc cha bạc trắng. Vợ chồng con đi suốt. Cháu chơi với đủ thứ ôtô, máy bấm điện tử. Ông ngồi buồn nghe tiếng tít tít, tiếng kèn tạo do pin và không nghe tiếng cười hồn nhiên của trẻ.
NGUYỄN HỮU BÉ
(Trường VHNT Sóc Trăng)
PHẬN DÂU CON
Ngày đám cưới, ồn ào và vui vẻ, mọi người đều thật lòng chúc mừng hai đứa đẹp đôi. Có một người đàn ông lặng lẽ, suốt buổi tiệc chỉ cạn vài ngụm rượu. Lan vẫn giữ thắc mắc ấy trong lòng để cuối buổi nghe chồng nói:
Người ấy là cha ruột anh, mẹ bảo phải mời ông kẻo người đời chê trách.
.....
Năm anh lên mười thì ông bỏ nhà đi. Đã bao năm rồi mấy mẹ con đâu cần ông nữa.
Có thể anh không cần cha, nhưng mai này con chúng ta sẽ cần có ông nội! Ngày mai mình phải đến thăm ông anh ạ!
NGỌC BÍCH HẠNH
(Kho Bạc Nhà Nước Đăk-Nông, Daklak)
BAO DUNG MẸ
Mẹ lấy chồng rồi theo bố đi hoài.
Bố thường chuyển công tác, nay lên núi, về xuôi, mai vô Nam, ra Bắc. Nơi nào, mẹ cũng cùng đến với bố.
Ngày bố đột ngột ra đi, mẹ dừng bước. Một mình chống chèo, gánh vác. Bảy tổ ấm lần lượt thành hình.
Mẹ lại đi.
Ở đứa này dăm ba tuần, đứa kia vài tháng, một năm. Có người chép miệng trách: -Rõ khổ, chẳng đứa nào chịu nuôi hẳn bà. Mẹ vội chữa: -Đứa nào mình cũng nhớ, cũng thương như nhau...
KHÁNH LINH (Huế)
GIA ĐÌNH
Nhà có tất cả sáu người. Cha mẹ và các con.
Buổi sáng, cha tất bật đi làm. Mẹ bận rộn lo cho các con. Chúng cãi nhau, giành đồ chơi với nhau rồi khóc ầm ĩ.
Buổi chiều, cả nhà quây quần bên mâm cơm giải dị. Ti61ng ru con của mẹ rơi vào đêm tĩnh lặng.
Lớn.
Anh công tác xa. Chị còn có gia đình riêng để lo lắng. Em học ở thành phố. Chỉ còn thằng Út ở nhà với cha mẹ. Sáng nay, nó lên đường nhập ngũ. Buổi cơm chiều chỉ còn lại mẹ và cha...
KIM NGÂN
(ĐHKHXH & NV TP. HCM)
VẾT CHAI TAY
Ông ngả người vào lưng ghế, để cho cô bé lau mặt, lau cổ, lau ngực cho ông bằng chiếc khăn mát lạnh.
Cô nâng ly bia lên, ông uống cạn một hơi. Đầu óc bồng bềnh, ông nắm lấy bàn tay cô bé.
Bỗng ông giật thót người. Bàn tay của cô nham nháp, đầy vết chai. Hẳn là bàn tay của người chuyên đi làm cỏ mướn.
Ông kín đáo rờ vào bàn tay mình. Nó mềm nhũn.
Những vết chai tay cứng như đá của ông xưa kia, không biết đã biến mất tự bao giờ.
TRẦN QUANG MÙI
(T. C. Thất Sơn, An Giang)
TỨ HÀNH XUNG
Tôi tuổi rồng. Em tuổi dê. Yêu nhau hai năm. Trước ngày cưới, em rủ tôi đi xem bói. Tôi ngần ngừ. Em nói: Xem cho biết! Ông thầy gật gù phán: cô cậu "tứ hành xung", lấy nhau tử biệt sinh ly. Tin lời thầy, em chia tay tôi. Em khóc rất nhiều. Tôi lặng im, trở nên lầm lì.
Sau 3 năm xa cách. Giờ gặp lại, biết em đã có gia đình. Kinh tế dư dật. Hỏi em hạnh phúc. Em cúi đầu. Nước mắt chảy dài trên gò má. Em lấy chồng "tam hợp", sao lại ra cơ sự?
NGUYỄN TIẾN THĂNG
(NXB Thanh Niên 62 – Bà Triệu – Hà Nội)
ĐỔ VỠ
Tuổi bốn mươi, cô tôi lấy chồng. Phố xá buồn tênh. Căn gác bà "ra riêng" từ năm cô lên mười vắng lặng.
Hè. Cô về thăm. Con mèo mướp chui vào lòng cô. Tôi giật mình, bàn tay cô chai nhám. Nụ cười gầy đi.
Năm sau cô về căn gác cũ, mang theo thằng bé như viên chocolate. Tháng năm, bầu trời ngấn lệ. Cô lại làm cô giáo. Sáng, chiều, thằng bé ngồi trong lòng mẹ như chú chuột túi.
Cô xuôi, ngược giữa dòng người. Nụ cười vui tươi rớt lại nơi nào?
NGỌC LỆ
(Phòng VHTT Chợ Gạo, Tiền Giang)
KHOẢNG TRỐNG
Xóm hẻm.
Hai nhà cách nhau một khoảng đất trống. Bác Hai mua gạch xây tường, nới rộng căn nhà. Dì Chín chanh chua: đất chung, không ai có quyền xây. Hai gia đình hì hục nhau ba ngày. Bức tường bị đập bỏ. Khoảng trống càng thêm trống.
NGUYÊN DUY (TP. HCM)
VÌ ANH
Bố, mẹ không còn. Anh em tôi sống dựa nhau. Là em nhưng em gái tôi trở thành chị. Bởi giống mẹ, nó biết chăm sóc hơn cho anh trai, vất vả chịu đựng nhưng nông nổi.
Ngày sắp lấy chồng. Nó thường ngủ trễ. Quanh quẩn dọn dẹp, sắp xếp, rồi nhìn, nghĩ đâu xa lắm?!! Tôi cũng buồn.
Ngày đăng ký kết hôn. Tôi làm về muộn. Em tôi vẫn chờ cơm. Tôi hỏi: "Suôn sẻ chứ em?" Nó lắc đầu cười: "Xã bảo, anh phải lấy vợ trước để lo cho em..."
Xong, nắm tay tôi, trìu mến...
ĐỖ THÀNH DŨNG
(392/1 Tấn Hải, Tâm Thắng, Cưjút, Daklak)
MÙA Ô MA CHÍN
Lúc còn sống, những khi đến mùa ô ma (quả trứng gà), bà thường hái xuống đem dú. Ô ma chí, vàng tươi, ngọt lự, bột như trứng gà. Bà đem cả thúng ra chợ bán, lấy tiền đưa mẹ mua thức ăn.
Bà mất, ô ma chín rụng đầy sân. Tiếc, nó cũng khoèo xuống dú rồi đem ra chợ. Đứng từ sáng đến trưa, chào mời mỏi cả miệng, khô cả cổ mà ai cũng lắc đầu. Nó đành đem về, chọn những quả ngon nhất đặt lên bàn thờ bà rồi khấn: Bà ơi! Chẳng ai chịu mua ô ma, bà chịu khó ăn dùm con bà nhé!
PHƯƠNG NGA
(78A, Hùng Vương, Nha Trang)
NGÂY THƠ
Cả nhà rộn ràng chuẩn bị đưa dâu.
Bé Na hí hửng, mừng. Mỗi mẹ Na là không vui, chị cứ bần thần: Không biết ngày mai con mình ra sao? Từ lúc lọt lòng tới giờ, nó chưa rời chị đêm nào, đêm nay...
Chị giấu giọt nước mắt sau chiếc khăn voan.
Mọi người giục chị: "Xe nhà trai tới!". Chị ôm Na: "Tối nay con ngủ với bà, ngoan nhé!". Na nũng nịu: "Không, con ngủ với mẹ à... làm cô dâu xong, tối mẹ về với con..."
Chị nát cả ruột gan, bước lên xe hoa.
NGUYỄN THỊ NHƯ (Quy Nhơn)
BÀ GÁI
Bà Gái là hàng xóm của tôi. Bà sống lầm lũi như một cái bóng và chẳng bao giờ trò chuyện cùng ai. Những vất vả của cuộc đời hằn sâu trên khuôn mặt khắc khổ của bà. Xung quanh chẳng ai để ý đến người đàn bà nghèo ấy.
Sáng nay bà Gái đứng chờ tôi ở cửa. Bà nhờ tôi mang giúp quà tới điểm quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt. Mắt tôi nhoà đi: trong chiếc mùi xoa cũ kỹ của bà, vài đồng tiền lẻ được xếp gọn gàng bên cạnh một hộp dầu con hổ.
HOA XUÂN
(10 Bùi Thị Xuân, Hà Nội)
BÀN TAY MẸ
Một tai nạn làm hỏng đôi mắt mẹ. Hàng ngày mẹ ôm con sờ nắn.
Những lúc ấy con thấy mẹ cười.
Ba bỏ mẹ lấy người khác. Con nhớ mẹ, chạy về thăm mẹ. Mẹ ôm lấy và bàn tay mẹ lại sờ nắn khắp cả người con. Mẹ khóc: "Sao con gầy quá...!?" Con oà lên khóc: "Mẹ ơi, vì da thịt con nhớ hơi bàn tay mẹ...!"
LÊ THỊ MINH NGHĨA
(15, đường số 2, phường 13, Tân Bình, TP. HCM)
CHÁU NỘI TỘI NGOẠI
Chị tôi nở. "Nhóc tì" khóc suốt đêm. Tôi rất "dị ứng" tiếng trẻ. Ngoại ẵm thâu đêm. Chị ngủ như chết. Thương mẹ, lại mất giấc, tôi bẵng tính: "Cháu nội tọâi ngoại" Chị rớt nước mắt.
Tôi có vợ và sinh con. Vợ bị khâu nhiều mũi, mất sữa hẳn. Thiếu sữa mẹ, "cục cưng" quấy hết cỡ. Nội ốm, nằm viện lâu dài. Bế một chốc, tôi gắt ầm ĩ. Bà ngoại sang, bồng thâu đêm suốt sáng. Vợ tôi ngủ li bì. Chị nhìn tôi, tôi nhìn chị, ân hận.
DIỆP QUANG
(Thích Quảng Đức, Phú Nhuận)
ĐẶC SẢN QUÊ NHÀ
"Món này ngon không con?", "Còn món này, món này nữa", đó là những câu hỏi mà dì Tư luôn miệng dành cho chúng tôi và cũng làm cho bụng chúng tôi luôn căng cứng. Chả là dì Tư đang nâng cao tay nghề bếp núc của mình để chuẩn bị đón ông bà ngoại là Việt kiều về thăm quê. Nhưng từ ngày ông bà ngoại trở về, trên mâm ăn của ông bà chỉ độc có một món là mít non luộc chấm mắm cái. Ông bà nói là phải ăn cho bõ thèm cái món mà mỗi khi ở bên ấy nhớ về bên này luôn ao ước được nếm.
TRẦU CHO NỘI
Mỗi khi đi chợ, mẹ thường hay nấn ná thật lâu bên hàng trầu, cố chọn cho được những lá trầu thật ngon mang về làm quà cho bà nội. Nhưng lần nào ăn trầu, bà cũng chép mịêng chê trầu không được ngon bằng trầu do chính tay ông nội ngày còn sống trồng dưới gốc mít nơi góc vườn. Từ ngày hồ tiêu lên giá, cha đã nhổ bỏ trầu đi trồng thay vào đó mấy gốc hồ tiêu.
NGUYỄN PHÚ CÁT
(An Điềm, Bình Chương, Bình Sơn, Quảng Ngãi)
LÒNG MẸ
Hết thôi nôi, mẹ tập cho con biết ăn, biết nói, biết đi.
Bố mất sớm, mẹ đành ở vậy nuôi con.
Lên ba tuổi, con lười ăn, mẹ còn lo từng bữa, doạ có ông địa "to thù lù" để ép con ăn.
Lên mười tuổi, con mãi chơi bạn bè cùng lứa, mẹ lại cầm roi "doạ" tìm con về ăn đúng bữa.
Mười lăm tuổi, con đi học xa, bữa cơm nào mẹ cũng dọn sẵn, chờ con.
Hai mươi mốt tuổi, con lấy vợ, ra riêng!
Mẹ già sáng, trưa thui thủi một mình, nhớ con.
Bữa cơm, không quên kèm thêm đôi đũa để cạnh mâm...
TRẦN THẠNH (Cần Thơ)
MỘT BUỔI SÁNG
Thằng bé mặc bộ áo quần rách phong phanh bước chân sáo trên đường, mặc gió lạnh. Nó ghé vào một hàng phở nhỏ, nghèo nàn bên góc phố, đường hoàng nói lớn:
Dì bán cho con tô phở ba ngàn đem về.
Bà hàng phở nhìn nó nhưng rồi lại cụp đầu xuống. Tưởng bà không nghe, nó nói càng to hơn. Nào ngờ, bà mắng xối xả:
Tao không bán. Mới sáng mà mày dám tới ám tao hả thằng ăn mày! Mua ít vậy sao tao bán?
Nó cúi gầm mặt, mắm chặt mấy tờ bạc lẻ nhàu nát trong tay rồi lầm lũi bước đi. Nó chỉ muốn mua cho mẹ nó một tô phở nóng, nên để dành mãi từ số tiền ít ỏi bán vé số hàng ngày. Mẹ nó đau.
HOA PHƯỢNG
(135A Cao Bá Quát, Pleiku, Gialai)
HAI LẦN CHỜ
Mẹ trách: "Con trai lớn chẳng chịu lấy vợ, đến bao giờ mẹ mới có dâu?".
Hai đứa học chung ngành sư phạm, tôi ra trường trước. Tiễn tôi về quê công tác, em khóc bảo tôi hứa phải chờ nhau.
Ngày em ra trường, niềm vui không kể xiết. Lần gặp ấy em nói: "Chi mà vội".
Hai năm sau em báo lấy chồng, khuyên tôi đừng buồn.
... Mẹ đâu biết đã hai lần tôi tin một người con gái.
VÕ THÀNH AN (An Giang)
ĐÀN VỠ
Chị tôi lấy chồng – một Việt kiều ở Mỹ. Chị bảo:
Chị muốn làm một việc gì giúp ba mẹ và các em.
Chị đi.
Đêm. Tiếng đàn ghita vọng sang buồn khôn tả.
Thư chị vơi dần. Chỉ thi thoảng mới nghe giọng chị với những tiếng "OK" lạ lẫm.
Chị biết không – thư tôi viết – hôm qua em ra vườn, thấy bên hàng rào chiếc đàn vỡ nằm trơ trọi, toang hoác...
PHƯỢNG CẦM
(Văn 4B-ĐHSP TP. HCM)
NHỮNG CHIẾC BAO LÌ XÌ
Ba mẹ làm lớn, tết đến tôi được nhận nhiều bao lì xì đỏ thật đẹp với lời chúc cháu học thật giỏi và chóng lớn. Những bao lì xì xé ra tôi mua nhiều đồ chơi đắt tiền và bỏ đầy một con heo đất. Chiều. Thấy thằng con nhà dì Ba nhôm nhựa cầm thật nhiều bao lì xì màu đỏ xếp phẳng phiu trên tay, tôi liền hỏi "mày được bao nhiêu". Nó đáp "em nhặt ở sọt rác nhà anh năm mươi cái".
NGUYỄN BÍCH PHỤNG
NHÀ LẦU, NHÀ TRANH
70 tuổi, cậu tôi mới đi chơi Sàigòn lần đầu. Cậu bảo: "Hết chuyện để lo rồi. Cậu mới xây nhà, 3 tầng".
Hơn 60, cô tôi mới có dịp về thăm bà con họ hàng. Cô nói: "Nhớ lắm nhưng kẹt chuyện làm ăn". Tính cô ít khoe nhưng tôi biết nhờ mấy năm nay làm ăn khá, mấy em thoải mái nên cô tậu được cái vườn ở ngoại ô thành phố. Cô dựng một căn nhà tranh. Có cây cau, dây trầu, ao cá. Hệt căn nhà của nội ngày xưa.
HUỲNH AN
NGHỀ NGHIỆP
Anh là phóng viên trẻ đang tập sự tại một toà báo. Công việc được giao là viết về số phận long đong của những người mới tốt nghiệp trên con đường tìm việc. Bao nhiêu mảnh đời vất vưởng của các ông, bà cử thất nghiệp, bao nhiêu mặt trái khổ sở của các bác sĩ không lương... được anh thể hiện sinh động trên mặt báo. Nhiều người ngợi khen.
Nhưng chẳng bao giờ anh dám viết về anh, một người đang cộng tác không lương cho toà soạn. Thu nhập chỉ là khoản nhuận bút ít ỏi của các bài báo, mà trầy trật, vất vả lắm mới được chọn đăng.
TRẦN THANH LIÊM
(281/66/1 Lê Văn Sĩ, Tân Bình)
XUÔI NGƯỢC
Cu Tèo trèo trứng cá, té gãy tay. Ba thấy vậy, chặt sát gốc. Ba nhìn nó, thương thương: "Tại con mình nghịch mà nó phải chịu". Cây trứng cá lại đâm lên nhánh khác rồi ngày tháng lớn ồ. Cu Tý lại leo, ba kêu xuống dần một trận. Ba nhìn Cu Tý, thương thương: "Tại cây trứng cá mà con mình phải chịu". Rồi ba phá gốc.
NGUYỄN THÁI SƠN (Ninh Thuận)
CON NÍT SÀIGÒN
Trời trưa Sàigòn. Nắng như đổ lửa. Thằng bé hàng xóm đi học về, không ai đi đón, mồ hôi nhễ nhại. Thấy tội, tôi ngoắc nó lên xe. Nó lắc đầu, cười: "Mẹ em dặn không được đi với ai, sợ người ta bắt cóc".
Trên đường Hai Bà Trưng. Mỗi bữa trưa, có một nhóm em nhỏ đứng chờ tại trụ đèn đỏ. Thấy ai đi xe một mình, bọn chúng xin đi nhờ. Có em được, có em bị lắc đầu. Có lẽ do người ta cảnh giác...
MAI VINH
Từ khóa » Bố Lên Núi đốn Củi Con ở Nhà Hốt Dì Ghẻ
-
Bố Lên Núi đốn Củi, Thanh Niên Mới Lớn ở Nhà Hốt Luôn Dì Ghẻ_R
-
Bố Lên Núi đốn Củi, Thanh Niên Mới Lớn ở Nhà Hốt Luôn Dì Ghẻ
-
Bố Lên Núi đốn Củi, Thanh Niên Mới Lớn ở Nhà Hốt Luôn Dì Ghẻ_R
-
Bùm - Bố Lên Núi đốn Củi Thanh Niên ở Nhà đốn Gì Ghẻ - Facebook
-
Bố Lên Núi đốn Củi, Thanh Niên Mới Lớn ở Nhà Hốt Luôn Dì Ghẻ_R
-
Gạ Xoạc Em Gái Xinh đẹp 18+ Bố Lên Núi đốn Củi, Thanh Niên Mới Lớn ...
-
Bố Lên Núi đốn Củi Chàng Trai Mới Lớn ở Nhà Hốt Luôn Gì Ghẻ - Facebook
-
Review Phim: Chàng Trai Hốt Luôn Gì Ghẻ Khi Bố Lên Rừng đốn Củi
-
Chàng đốn Củi Và Con Tinh | Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam
-
Bố Lên Núi Kiếm Củi, đốt Than, Thương Con Thơ Rụng Dần Từng Mảng Tóc
-
Tấm Cám | Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam | Nguyễn Đổng Chi
-
Top 6 Truyện Cổ Tích Thần Kỳ Hay Và ý Nghĩa Nhất - Vozz
-
Bài Viết Số 2 Lớp 10 đề 3: Kể Lại Một Truyện Cổ ... - Ha Tien Venice Villas
-
Chuyện Tấm Cám Trong Con Mắt Thiền
-
Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh