Truyền Kỳ Về Cao Hổ Cốt (Phần III) - Công An Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
Khi kinh tế đất nước phát triển, với số đông người, cái thời bươn chải, chạy vạy để lo “ăn no mặc lành” qua từ lâu rồi và giờ là lo “ăn ngon mặc đẹp”, thì việc phải chăm lo cho sức khỏe là lẽ đương nhiên.
Vì thế chưa bao giờ xuất hiện lắm loại thuốc bổ, thuốc “tăng cường sinh lực” như hiện nay và dĩ nhiên, trong đó phải kể đến các loại cao, các loại sâm, nhung, các loại mật...
Nhân đây, cũng phải nói thêm tý chút về cái thú uống rượu mật.
Khoảng hơn chục năm trước, rộ lên phong trào nuôi gấu lấy mật và uống rượu mật gấu. Người ta đua nhau uống rượu mật gấu và coi đó là thứ thuốc ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư, làm tan mỡ trong gan, trong máu. Rồi khi nốc các loại rượu tây, rượu ta say khướt cò bợ thì lại dùng rượu mật gấu để làm thuốc... giải rượu?
Bây giờ sinh ra lắm trọc phú, mà các vị này thì “thực bất tri kỳ vị” - ăn uống mà chẳng biết thế nào cho hợp, cho đúng. Họ không chỉ nốc rượu mật gấu mà còn uống cả rượu mật chó, mật lợn, mật cá trắm đen, mật ba ba và thậm chí cả... mật vịt. Không ít trường hợp đã phải vào A9 Bệnh viện Bạch Mai vì uống rượu mật đấy.
Mật gấu đúng là quý thật. Nó có tác dụng giảm mỡ trong gan, trong máu, làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư... nhưng đó là khi pha mật với nước nguội và uống có liều có lượng. Còn rượu mật gấu thì tác dụng tốt nhất là để xoa bóp vết thương bị tụ máu, bầm dập... Chả thế mà hồi tôi lên ngã ba biên giới, anh Pờ Xì Tài cho tôi một miếng mật gấu khô. Tôi hỏi làm thế nào để biết mật thật? Anh suy nghĩ hồi lâu rồi bảo: “Lấy sống dao ghè... vào ống chân cho sưng vù lên rồi lấy mật gấu bóp. Nếu sáng mai dậy, vết sưng xẹp đi thì đúng là... mật gấu thật”. Uống rượu mật gấu chỉ làm hại gan mà thôi.
Nắm bắt được tâm lý của nhiều người sính dùng cao hổ cốt, các lò nấu cao rởm mọc lên như nấm ở Hà Nội, Hà Tây, Sơn La, Điện Biên, Bình Phước...
Bản đồ về những nơi từng có hổ ở Việt Nam |
Rồi ông chủ sẽ hào hứng chỉ cho khách xem cái xương tay hổ vặn vỏ đỗ như thế nào; lỗ “thông thiên” ở đâu và tất nhiên là cả những vết... đạn xuyên vào xương. Khổ một nỗi, trên đời này, có phải mấy ai biết được tường tận bộ xương hổ nó ra làm sao đâu, cho nên hầu hết là vì tin ông chủ nên cũng tự làm phép thắng lợi tinh thần của AQ để nghiến răng lại mà tự nhủ rằng đó là bộ xương hổ.
Than ôi, với công nghệ làm giả như hiện nay thì việc biến một bộ xương chó, xương bêthành bộ xương hổ là chuyện... thường ngày ở các lò nấu cao hổ “đểu”.Để có một bộ xương hổ “đểu”, thì họ dùng bất cứ loại xương nào, dù đó là chó, là bê hay là... lợn. Các tay thợ có tay nghề khéo léo như thợ kim hoàn sẽ biến tất cả những loại xương đó thành xương hổ với mức độ chính xác gần như tuyệt đối.
Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, xem ra cái trò mua xương nấu cao này không còn an toàn, người ta đặt mua cả con hổ còn nguyên thịt từ Thái Lan, Malaysia, Myanmar... mang về.
Nếu bạn được “tận mục sở thị” thấy một chú hổ đông lạnh nằm sóng xoài trong thùng kẽm với bộ râu còn nguyên vẹn thì liệu bạn còn dám nghi ngờ đấy là hổ giả không? Đúng là có những con hổ thật được bọn săn trộm bắn ở Myanmar, Lào... và bán qua nhiều cầu với sự điều hành của những băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia, nhưng số này rất ít, vô cùng ít, cực kỳ ít. Một chủ lò nấu cao hổ nói với tôi rằng đã 3 năm nay, anh phải giải nghệ vì không thể nào mua được hổ thật, còn nấu cao chó thành cao hổ thì kiếm được tiền đấy, nhưng thấy... “áy náy” với người tiêu dùng lắm?
Anh cũng tiết lộ cho tôi biết về công nghệ biến chó thành hổ của một vài chủ lò cao ở Hà Nội, Hà Tây. Đầu tiên là phải đi mua được con chó mõm ngắn, đầu tròn, có cái mặt ngắn tũn và nhăn nhúm lúc nào cũng như cáu giận. Giống chó này nổi tiếng hung dữ và có vóc to lớn. Loại trung bình là 50-60kg, còn những con to có thể nặng tới gần 100 kg.
Việc “mông má” cho chó thành hổ phải được tiến hành khi nó còn đang sống nguây nguẩy. Đầu tiên là dùng thuốc nhuộm tóc biến nó từ màu đen thành màu vàng cơm cháy. Cho nó đi tắm nước ao vài lần để màu vàng đó bớt “tươi mới” rồi lại vẽ những vằn đen lên. Cái ức hổ và quanh mắt hổ màu trắng thì lại phải tô màu sau cùng. Công việc này đòi hỏi phải khéo tay và có con mắt mỹ thuật, tuy vậy, cũng vẫn là rất đơn giản.
Để một cô gái có mái tóc ngắn tun ngủn bỗng trở nên dài, óng mượt như quảng cáo dầu gội đầu Rejoice còn được và cũng chỉ mất vài ba triệu thì vẽ chó thành hổ có là cái gì? “Công nghệ” biến chó nhôm nhoam thành chó bạch tuyết, kể cả biến ngựa vàng, ngựa nâu thành... bạch mã có từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước và đã khối người bị mắc lừa.
Sau khi con chó trở thành... hổ, người ta hóa kiếp cho nó. Rồi người ta bắt đầu chế tạo cho nó bộ răng nanh cọp và gắn vào cái mõm đầy vẻ cục cằn của con chó. Những nếp nhăn trên mặt chó được cắt đi và khâu lại khéo léo nhờ bàn tay của bác sĩ thẩm mỹ. Bàn chân chó thì không thể to như bàn chân hổ, nhưng chỉ vài vết rạch và độn thêm thịt vào trong, con chó đã có bàn chân hổ to gần như miệng bát ăn cơm tất nhiên đầy đủ móng vuốt. Rồi họ mổ con chó, lấy những xương cần thiếtra mài, giũa, uốn... Các ông thợ “kỹ xảo” sẽ mài, giũa cái đầu chó thành đầu hổ, sẽ biến cái răng hàm chó thành răng hàm hổ với lờ mờ hai chữ “tam sơn”...
Còn việc uốn xương sườn và xương chân trước chó cho vặn vỏ đỗ thì lại là chuyện quá đơn giản: dấm chua và nhiệt độ cộng với sự khéo léo, kiên nhẫn là sẽ “mềm hóa” được bất cứ loại xương động vật gì. Sau khi đã biến xương chó thành xương hổ, các “bác sĩ thẩm mỹ”lại đưa từng đoạn xương về vị trí cũ với những đường khâu tuyệt mỹ mà người không am hiểu khó có thể phát hiện được. Tất nhiên là không bao giờ được quên chế tạo những chiếc xương bánh chè “vô giá” của hổ để gắn vào.
Rồi con hổ rởm đó được cho vào thùng kẽm, đổ nước lã vào và đưa làm lạnh ở nhiệt độ âm 10 - 20oC. Những công việc tiếp theo đơn giản hơn nhưng mất thời gian là phải làm sao tổ chức một chuyến... vượt biên cho cho cái xác “hổ" đó rồi nếu cần thiết, chủ lò cao sẽ đưa người mua lên tận cửa khẩu biên giới “đón” về. Nhưng cũng rất hiếm khi có hổ nguyên con mà thường là hổ đã xẻ làm ba, làm tư, hoặc để riêng đầu đi đằng đầu, chân đi đằng chân. Các ông chủ lò cao sẽ rất dẻo mồm và giải thích rằng phải xẻ ra từng mảnh như vậy là để dễ vận chuyển.
Hiện nay, tại Thái Lan cũng đã xuất hiện công nghệ “cải chó thành... hùm” nhằm đáp ứng phong trào nấu cao hổ cốt rởm ở Việt Nam.
Nghiệm thu “con hổ” bằng mắt xong, người ta bắt đầu hạch toán tài chính và cùng nhau đóng góp tiền. Nồi cao hổ trị giá hàng trăm triệu, cho nên chả mấy ai dám nấu một mình nên thường rủ dăm ba người chung nhau. Để giữ chữ tín và tránh mọi sự hiểu nhầm, những thành viên tham gia sẽ cắt cử nhau... canh nồi cao cho đến khi mâm cao được cắt ra thành miếng.
Gần đây, để tăng số lượng cao, người ta không ngần ngại pha thêm rất nhiều xương dê (mà họ bảo là xương sơn dương), xương khỉ, xương mèo, xương chó mua từ các quán“tiểu hổ” ở Thái Bình. Nhưng dù có pha với tỉ lệ 1 hổ với 2 thậm chí 3 dê thì giá thành vẫn còn... cao. Và thế là người ta nghĩ ra cách nấu cao hổ... nhục? - Nghĩa là nấu toàn tính cả xương lẫn thịt. Nấu loại cao hổ... nhục này, tất nhiên nếu có được là hổ thật thì chất lượng cũng chẳng đáng là gì.
Chuyện biến chó, biến con bê thành hổ đã được đồn đại từ lâu nhưng chưa có vụ nào được phơi ra ánh sáng cho nên vẫn rất nhiều người không tin là có thể làm giả được. Cũng có người đã trót bị lừa nhưng không dám nói vì... ngượng.--PageBreak--
Có một thực tế là khi nhìn thấy con hổ đông lạnh đó, không ai có đủ kiên nhẫn và “chắc lép” đến mức tự mình... xẻ thịt con hổ đó để xem từng đường gân thớ thịt nó ra sao. Việc mổ thịt, róc xương đã có đội quân thợ lành nghề đảm nhiệm, còn những người góp tiền mua thì ung dung ngồi uống rượu cao hổ cốt với ông chủ và tất nhiên là có món... lẩu thịt hổ (?!). Trên đời này, mấy ai đã được ăn thịt hổ và cũng chẳng có sách vở nào nói về những món ăn chế biến từ thịt hổ cho nên... phải tin thôi.
Khi tôi lên xã Xín Thầu, ông Pờ Xì Tài ở bản Tả Kho Khừ xã ngã ba biên giới Xín Thầu, người đã ăn thịt ít nhất là gần... chục chú hổ kể cho tôi nghe cách ăn thịt hổ. Ông cho biết thịt hổ nếu còn tươi rất khó ăn vì nó tanh, hôi. Người không quen có khi ngửi mùi thịt đã muốn ói rồi. Thịt hổ rất đỏ lại dai và không chế biến được nhiều món, ngoài nướng chả và sào lăn. Nhưng dù làm kiểu gì thì cũng phải ướp rất nhiều gừng, củ sả và khi ăn phải... chiêu thêm rượu.
Công nghệ nấu cao giả bây giờ ngày càng “hoàn thiện” bởi sự giúp sức của nhiều thoại thuốc tây.
Một ông chủ lò cao nghe khách tâm sự muốn có cao hổ loại tốt để “tìm lại chính mình” đã hào phóng cắt cho khách một miếng cao to bằng 1/4 bao diêm và dặn ngâm rượu uống rồi quảng cáo nếu đích thực là cao hổ cốt thì sẽ thấy “hiệu nghiệm” ngay sau vài giờ? Quả nhiên, khi uống xong, khách thấy “có khác”, và thế là hôm sau sẽ không còn ngần ngại gì mà mua vài lạng... phòng thân.
Nhưng vị khách nọ không biết rằng để chế thứ “thần dược” này, người ta chỉ cần mua mươi viên Viagra, tán thành bột và trộn vào khoảng 500gr cao cô vừa xong và quấy thật kỹ. Tỉ lệ trộn phải làm sao để cho khi uống cao, thấy “sức khỏe” tăng hết sức... tự nhiên.
Cũng tương tự như vậy, người ta pha thuốc phiện vào một thứ cao“phải gió” nào đó và bán cho người đang đau đớn vì bệnh thấp khớp hành hạ. Uống loại cao này, người bệnh sẽ thấy giảm đau ngay, và thế là không còn gì có thể ngăn cản họ không tin rằng đó là cao hổ thứ thiệt.
Thị trường cao hổ cốt hiện nay khá phong phú và giá cả cũng thật là mịt mùng. Có loại chỉ 3 triệu đồng một lạng, có loại 6, 7 triệu; lại có loại 12 thậm chí 14 triệu đồng một lạng...
Phần kết
Tôi tin chắc rằng đọc xong phóng sự này, vẫn có nhiều bạn đọc bán tin bán nghi về công nghệ “cải chó thành... hùm”. Vâng, không phải con hổ đông lạnh nào đưa từ bên kia biên giới về cũng là có vỏ hổ cốt chó, nhưng tôi cam đoan rằng nếu bạn đòi ông chủ cho bạn tự tay làm thịt hổ thì khối ông chủ sẽ giật mình?
Còn về giống hổ, theo báo cáo của Hiệp hội Bảo vệ rừng Việt Nam tại Hội nghị Hổ toàn cầu lần thứ 3 vào cuối tháng 11-2004 thì ước tính hổ Việt Nam còn không quá 150 con và phân bố như sau:
- Khu rừng khô Thế Trị tại vùng ngã ba biên giới Việt - Lào - Campuchia có khoảng 50 con.
- Dọc trên các cánh rừng Trường Sơn từ Quảng Trị vào đến Quảng Nam còn khoảng 40 con.
- Phía bắc Trường Sơn tiếp giáp với Lào còn khoảng 20 con.
- Phía nam Trường Sơn bao gồm rừng cận nhiệt đới và rừng nhiệt đới còn khoảng 20 con.
Và ở các vùng khác còn khoảng hơn chục con.
Người ta cũng đã phát hiệncó hổ ở rừng quốc gia Pù Mát, Cát Tiên và Chư Mom Ray. Cũng trong các năm 2002, phát hiện một xác hổ ở rừng tỉnh Quảng Nam; năm 2003, một con hổ nặng 140kg bị bắn chết ở Sơn La và một con 64kg bị giết ở Đắk Lắk...
Đó là con số ước tính đầy sự lạc quan về loài hổ ở Việt Nam vào năm 2004. Tuy nhiên, với những người am hiểu về thực trạng các loài thú hoang dã của rừng Việt Nam thì con số này là... quá nhiều?
Còn tại các nước Đông Nam Á như Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, thì số lượng hổ cũng chẳng hơn Việt Nam là bao nhiêu.
Còn trên toàn thế giới, số lượng hổ cũng chỉ còn chưa đầy 6.000 con.
Giống hổ chỉ còn như vậy mặc dù một số quốc gia cũng đang có những chương trình nhằm bảo vệ chúng. Việt Nam ta cũng nằm trong số đó, nhưng với sự “tỏa khói” của hàng chục lò nấu cao hổ cốt rải khắp từ Nam chí Bắc, và “phong trào” dùng cao hổ đang phát triển cả “bề rộng lẫn chiều sâu” như hiện nay thì hình như... hổ đang được nuôi như chó (?!).
Cung cấp thêm những thông tin sơ lược về hổ như vậy, xin bạn đọc hãy tự cân nhắc trước khi nộp tiền cho những ông chủ lò cao để mua "cao... cẩu cốt"
Từ khóa » Cách Làm Mềm Cao Hổ Cốt
-
Cao Hổ Cốt | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Những Lưu ý Khi Dùng Cao Hổ Cốt - Hướng Dẫn Sử Dụng Thuốc
-
Cách Bảo Quản Cao Hổ Cốt Trong Tủ Lạnh
-
Cao Hổ Cốt: Thần Dược Quý Báu Cho Sức Khỏe Từ Loài Hổ
-
Cách Sử Dụng Cao Hổ Cốt Tốt Nhất - Wiki Phununet
-
Cách Phân Biệt Cao Hổ Cốt Thật Giả - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Cách Ngâm Cách Sử Dụng Và Tác Dụng Của Cao Hổ Ngâm Rượu
-
Hướng Dẫn Cách Bảo Quản Và Sử Dụng Cao Hổ Cốt Tốt Nhất
-
Cao Hổ Cốt Là Gì? Tác Dụng, Cách Dùng Và Lưu ý Quan Trọng - WikiOhana
-
CAO HỔ CỐT +8 Mẹo Chữa Bệnh Y HỌC CỔ TRUYỀN - Thuốc Hay
-
Cách Nấu Cao Hổ Cốt, Công Dụng, Cách Dùng Và Phân Biệt Thật Giả
-
Hướng Dẫn Sử Dụng Cao Hổ Cốt Hoàng Gia Thái Lan đúng Cách!
-
Những Lưu Ý Khi Sử Dụng Cao Hổ Cốt
-
Bị Bệnh Gút Có Dùng Cao Hổ Cốt được Không? Chuyên Gia Giải đáp