Truyền Máu Song Thai - VnExpress Sức Khỏe

Truyền máu song thai (tiếng Anh là Twin-twin Transfusion Syndrome - TTTS) là hội chứng xảy ra trong thai kỳ, khi người mẹ đang mang bầu một cặp song sinh cùng trứng, chung bánh nhau, nhưng lại khác túi ối. Đây là một tai biến trước sinh vô cùng nghiêm trọng. Theo hiệp hội Truyền máu song thai Mỹ, hội chứng này xảy ra với khoảng 15% trường hợp mang song thai có chung một bánh nhau.

ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê - bác sĩ cao cấp khoa Phụ sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết, 85% các trường hợp song thai một bánh nhau có sự thông nối giữa mạch máu của hai thai nhi ở trong bánh nhau. Chính sự thông nối này được xem là tiền đề cho sự phát triển của hội chứng truyền máu song thai. Từ đó khiến thai chậm tăng trưởng trong tử cung, hậu quả là tử vong thai nhi và sinh non. Hội chứng này chiếm tỷ lệ 0,1 - 1,9/1000 trẻ sinh ra. Tỷ lệ tử vong chiếm 80-100% trước 26 tuần nếu không điều trị.

Sự thông nối trong bánh nhau giữa các mạch máu của hai thai nhi khiến máu từ một thai nhi được bơm vào thai nhi còn lại với tốc độ chậm nhưng liên tục. Do đó, đây là một bệnh lý diễn tiến chậm. Theo y khoa, trường hợp được phát hiện sớm nhất là khi thai được 13 tuần tuổi. Hội chứng này thường xảy ra trong ba tháng giữa của thai kỳ.

Nguyên nhân

ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê giải thích, nhau thai là một cơ quan hoạt động rất tích cực nhằm cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi và nó phát triển cùng với sự lớn lên của em bé. Đôi khi, vì những lý do chưa được lý giải, lưu lượng máu bình thường trong các mạch máu của nhau thai phát triển một mô hình bất thường. Khi hai thai nhi dùng chung bánh nhau sẽ dẫn đến mất cân bằng lưu thông máu. Cụ thể, sẽ có một em bé nhận quá nhiều máu qua dây rốn và em bé kia nhận quá ít. Chính sự mất cân đối này đã gây ra hiện tượng truyền máu song thai.

Bệnh xảy ra do có sự nối động mạch - tĩnh mạch dẫn đến tình trạng mất cân bằng huyết động giữa thai cho và thai nhận. Hội chứng này còn được biết đến bởi sự chênh lệch thể tích giữa hai buồng ối.

Thai nhi cho máu bị giảm thể tích tuần hoàn, dẫn tới tình trạng thiểu niệu, thiểu ối và chậm tăng trưởng. Lượng nước ối giảm dần theo thời gian khiến cho thai nhi bị bó chặt bên trong màng ối, quan sát trên siêu âm có thể thấy thai nhi bị "dính" vào thành tử cung và không cử động cũng như thay đổi tư thế. Nếu không được điều trị kịp thời, 90-100% sẽ bị thai lưu.

Thai nhi được nhận nhiều máu nuôi sẽ có biểu hiện tình trạng đa niệu, bàng quang căng to, đa ối, phù nề, suy tim do sự tăng thể tích tuần hoàn quá mức. Nếu không điều trị, hầu hết các trường hợp đều bị sinh cực non. Ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong thai nhi là 40% và tỷ lệ tử vong sơ sinh lên đến 60%. Nếu một trong hai thai chết, 25% thai còn lại bị di chứng thần kinh nặng nề.

"Trong trường hợp hiện tượng truyền máu thai đôi xuất hiện trước tuần thứ 20 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi tử vong gần như 100% nếu không được can thiệp kịp thời và đúng kỹ thuật", ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê cho biết.

Hội chứng truyền máu song thai là biến chứng thường gặp nhất trong song thai hai buồng ối chung bánh nhau. Vì vậy, những sản phụ mang đa thai có một bánh nhau là đối tượng dễ mắc phải hội chứng này. Tuy nhiên, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê cũng nhấn mạnh, bệnh có thể được phát hiện sớm nhờ siêu âm nên thai phụ mang song thai cần khám thai định kỳ đúng hẹn để kiểm soát kích thước và tình trạng sức khỏe của thai nhi.

ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê cùng cộng sự đã mang lại cơ hội chào đời cho thai nhi và thiên chức làm mẹ cho hàng trăm thai phụ không may gặp các biến chứng nguy hiểm. Ảnh: BVĐK Tâm Anh.

ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê cùng cộng sự đã mang lại cơ hội chào đời cho thai nhi và thiên chức làm mẹ cho hàng trăm thai phụ không may gặp các biến chứng nguy hiểm. Ảnh: BVĐK Tâm Anh.

Triệu chứng

Theo bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê, người mẹ thường nhận ra triệu chứng đầu tiên của truyền máu song thai sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Đó là các dấu hiệu như bụng lớn nhanh, quần áo chật nhanh trong một thời gian ngắn, có thể khó thở. Tuy nhiên, hội chứng này thường được phát hiện bằng siêu âm thai định kỳ trong giai đoạn từ 16 đến 22 tuần.

Hội chứng truyền máu song thai không có triệu chứng rõ rệt, khi thai phụ cảm thấy tức bụng là đã ở vào giai đoạn cuối, khả năng thai nhi tử vong trong bụng mẹ rất cao. Bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê chia sẻ, có trường hợp các thai phụ nhận biết hội chứng truyền máu song thai khi thai nhi đã 27 tuần, tức ở giai đoạn nguy hiểm vì vượt ngưỡng cho phép can thiệp (từ 16-26 tuần). Ở giai đoạn này, việc tìm được các mạch máu nối rất khó khăn do nước ối không còn trong suốt, thai nhi quá to che lấp phẫu trường. Khi đó, chỉ cần một cử động nhẹ của thai cũng đã làm nên một cơn ‘sóng thần’ trong buồng tử cung khiến tia laser bị đẩy đi xa vạn dặm so với đích đến... Vì thế, thai phụ mang song thai cần khám thai đúng lịch tại các cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện chẩn đoán hiện đại để phát hiện và xử trí kịp thời, tránh được các rủi ro cho em bé.

Chẩn đoán

Bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê cho biết, phương pháp siêu âm sẽ giúp chẩn đoán sự tồn tại và giai đoạn của bệnh truyền máu song nhi. Tiêu chuẩn chẩn đoán song thai một trứng một bánh nhau là hình ảnh song thai cùng giới tính, màng ối giữa hai thai nhi mỏng và chỉ có một bánh nhau. Hội chứng được chia thành 5 giai đoạn. Theo thời gian, nếu truyền máu song thai diễn tiến lên giai đoạn cao hơn thì khả năng sống sót của thai nhi càng giảm đi.

Các nhà khoa học đã thống kê có 50% các trường hợp sẽ tăng giai đoạn, 30% vẫn giữ nguyên giai đoạn và có khoảng 20% trường hợp diễn tiến tích cực bằng cách giảm giai đoạn:

Giai đoạn 1: Siêu âm cho thấy sự mất cân bằng nước ối xung quanh song thai, với một lượng nhỏ (<2cm) xung quanh thai nhi cho và một lượng lớn xung quanh thai nhi nhận (> 8cm). Các thai nhi có sự chênh lệch hơn 20% về kích thước.

Giai đoạn 2: Không nhìn thấy bàng quang của cặp song sinh hiến tặng hoặc không chứa đầy nước tiểu khi siêu âm. Phát hiện này cho thấy bàng quang trống rỗng – một dấu hiệu cho thấy em bé đã ngừng tạo nước tiểu.

Giai đoạn 3: Sự mất cân bằng lưu lượng máu bắt đầu ảnh hưởng đến chức năng tim ở một hoặc cả hai em bé. Điều này được thấy trong lưu lượng máu bất thường trong dây rốn hoặc tim của các cặp song thai. Động mạch rốn bị mất sóng cuối tâm trương hoặc sóng cuối tâm trương đảo ngược (thai cho). Ống tĩnh mạch: có sóng đảo ngược (ở thai nhận). Tĩnh mạch rốn có dạng sóng kiểu mạch đập (ở thai nhận).

Giai đoạn 4: Sự mất cân bằng của lưu lượng máu gây ra dấu hiệu suy tim ở một trong hai song thai. Bên cạnh đó, 1 hoặc 2 thai nhi có dấu hiệu phù thai (ở thai nhi nhận máu và là bằng chứng của suy tim): phù ở da đầu, báng bụng, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng ngoài tim Giai đoạn 5: Bệnh trở nặng, một hoặc cả hai song thai sẽ chết.

ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê cho biết, khi truyền máu song nhi tiến triển đến giai đoạn 5 là thai đã chết; giai đoạn 4 là giai đoạn nặng nhất và là giai đoạn cuối cùng có thể can thiệp được. Vì thế, thai phụ mang song thai nên được thăm khám ở các cơ sở uy tín để phát hiện và can thiệp ngay từ sớm các dấu hiệu của bệnh.

Siêu âm hình thái học có thể cung cấp cho các thai phụ hầu hết các tình trạng bất thường về hình thái của thai nhi. Ảnh: Phong Lan.

Siêu âm hình thái học có thể cung cấp cho các thai phụ hầu hết các tình trạng bất thường về hình thái của thai nhi. Ảnh: Phong Lan.

Phương pháp điều trị

Bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê nhấn mạnh, chìa khóa để điều trị hội chứng truyền máu song thai là chẩn đoán và can thiệp sớm. Lựa chọn điều trị nào là tốt nhất cho thai nhi sẽ phụ thuộc vào giai đoạn và tuổi thai của thai nhi khi được chẩn đoán. Một số phương pháp điều trị hiện tượng thai đôi truyền chung máu được áp dụng như:

- Dùng thuốc chống viêm cho mẹ.

- Giảm thể tích nước ối.

- Hủy thai có chọn lọc.

- Truyền máu cho thai trong buồng tử cung.

- Mở thông giữa hai buồng ối.

- Phẫu thuật Laser đốt mạch máu thông nối giữa hai thai.

- Hủy một thai bằng cắt dây rốn hoặc bằng laser.

Theo ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, hiện nay, giải pháp hiệu quả nhất điều trị Hội chứng truyền máu song thai là phẫu phẫu thuật nội soi thai nhi hay phẫu thuật laser trong buồng tử cung - dùng tia laser cắt đứt các mạch máu thông nối giúp mỗi thai phát triển riêng lẻ, không phụ thuộc vào thai kia. Để thực hiện thành công kỹ thuật này, bác sĩ không chỉ cần kinh nghiệm, sự quyết đoán, mạo hiểm mà phương tiện máy móc hỗ trợ cũng là điều kiện tiên quyết để có thể thao tác dễ dàng và chính xác ngay trong tử cung của người mẹ.

Phòng ngừa

Truyền máu song thai là một hội chứng nguy hiểm. Do đó, các thai phụ cần thăm khám sớm và theo dõi thường xuyên tại cơ sở sản khoa đủ năng lực chuyên môn. Đặc biệt, thai phụ mang song thai cần được theo dõi sát sao, nếu thấy bụng to nhanh phải được kiểm tra ngay và xử trí kịp thời.

Các bà mẹ mang song thai cùng trứng phải được theo dõi chặt chẽ từ tuần thứ 16 đến khi sinh bằng siêu âm màu Doppler ít nhất 2 tuần một lần. Bởi nếu phát hiện trước 20 tuần thai, khả năng chữa trị sẽ cao hơn. Sau 24 tuần, khả năng can thiệp rất khó khăn và ít thành công. Truyền máu cho cặp thai nhi được xác định khi siêu âm Doppler thấy đường kính hai túi ối và trọng lượng hai thai chênh lệch quá lớn; một thai không thấy hình ảnh bàng quang; có những sóng bất thường ở động mạch, tĩnh mạch rốn, ống tĩnh mạch...

Quỳnh Châu

Từ khóa » Chẩn đoán Hội Chứng Truyền Máu Song Thai