Truyện "Ông Bình Vôi" - TRE Magazine

Như chúng ta đã biết, Phan Khôi là một học giả, nhà báo nhà văn xuất sắc. Sở học của cụ rất rộng và cụ đã đóng góp nhiều bài viết giá trị. Hôm nay, chúng tôi xin bàn đến văn chương của cụ, trước hết là truyện Ông Bình Vôi. Bài viết dựa theo một tiểu luận của Đào Ngọc Phong trên Việt Báo Online. NGUYỄN & BẠN HỮU

Nói tới cái bình vôi, nhiều bạn trẻ bây giờ sẽ không thể nào hình dung ra được. Giữa thế giới kỹ thuật hiện đại, cái bình vôi đúng là một cổ tích, nhưng trong cả ngàn năm nó gắn liền với đời sống của người dân Việt từ nhà nghèo đến nhà giầu. Nó dùng để đựng vôi ăn kèm với trầu cau. Nó hợp với cái bình bằng đồng đựng lá trầu, quả cau gọi là cái cơi trầu, và cái ống nhổ thành một bộ đồ trầu.

Cụ Phan Khôi mở đầu bài viết như sau “Khắp nước Việt Nam có tục ăn trầu, cho nên ở đâu cũng có bình vôi”. Bài viết chỉ dài có gần ba trang sách, và cụ gọi là một bài khảo cứu nhỏ, đăng trong Giai Phẩm Mùa Thu tập II xuất bản ngày 30 tháng 9 năm 1956.

Theo tác giả, bình vôi làm bằng đất nung, có hai loại, một cho nhà hạng sang, một cho nhà hạng trung. Loại trung có cổ eo và miệng loa, không có quai. Nhà cụ Phan Khôi là nhà quan nên thuộc hạng sang, dùng loại bình có quai và thân bình được tô màu lục hay hồng. Cả hai đều có một cái chìa vôi dùng để lấy vôi từ trong bình ra quệt vào lá trầu. Loại trung dùng chìa bằng tre, loại sang dùng chìa bằng sắt.

Thái độ của người ăn trầu đối với bình vôi như thế nào? Sau mỗi lần quệt vôi vào lá trầu xong, người ăn trầu quệt chìa vào miệng bình cho sạch. Lâu năm, miệng bình càng ngày càng dầy lên cho đến khi kín mít thì bỏ bình mua cái khác. Bà nội của tác giả gọi việc quệt ấy là “cho Ông Bình ăn”. Ban đêm, bà rút cái chìa vôi ra khỏi miệng bình vì bà nghĩ rằng  “Ông Bình linh lắm, đêm hôm có kẻ trộm kẻ đạo, Ông sẽ mách cho mình, mà nếu để cái chìa lấp cái miệng thì không mách được”.

Ai ăn trầu cũng đều có thái độ kính ngưỡng như vậy đối với cái bình vôi. Khi miệng bình bị kín mít rồi, coi như vô dụng, người ta không vứt bỏ vào thùng rác mà coi như một vật thiêng liêng để thờ. Hoặc người ta thờ trong sân nhà chung trên một bàn thờ với các thần Ðất (Thổ công), thần Bếp (Táo công), và thần Phúc Ðức -gọi là Tam Vị. Hoặc người ta đem ra thờ trên những bức tường thành của đình hay chùa. Năm này qua năm khác, trên những bức tường thành này có một dãy cả chục, cả trăm những bình vôi vô dụng như thế được tôn thờ như những linh vật.

Xem thêm: Vài nét về văn chương Phùng Nguyễn

Tại sao dân gian từ giầu tới nghèo lại có cái tín ngưỡng kỳ lạ như vậy? Kính ngưỡng với thần Ðất, thần Bếp, thần Phúc Ðức, còn có thể hiểu được vì liên quan đến cái ăn, cái ở, cái họa cái phúc trong đời sống cụ thể. Ðối với giới trẻ trong thời đại mới, tín ngưỡng đó đúng là lòng mê tín, hoàn toàn thiếu tinh thần khoa học.

Cụ Phan đã thử phân tích tâm lý thứ tín ngưỡng đó. Thứ nhất là tâm lý sợ hãi trước những vật gì có thể làm tổn hại đến đời sống; thứ hai là tâm lý nể trọng, sùng bái những vật gì sống lâu năm. Tâm lý sợ hãi đưa đến việc con hổ được tôn xưng là Ông Cọp; con chuột là Ông Tý; con khỉ là Ông Trưởng. Tâm lý nể trọng, sùng bái đưa đến việc ba cái đầu rau nấu bếp được gọi là Ông Núc; cái bình vôi được gọi là Ông Bình Vôi….

Cụ Phan nhớ lại năm 18 tuổi (1905), cụ không tin như mọi dân làng nữa về sự linh thiêng của những Ông Bình Vôi. Vào một đêm tối trời, chàng trai trẻ Phan Khôi và một nhóm thiếu niên tinh nghịch đi dọc theo những bức tường thành của đình chùa gạt hết những bình vôi vô dụng cho đổ xuống đất. Nhưng sáng hôm sau như có bàn tay vô hình chúng được xếp lên trở lại. Câu hỏi quan trọng: Ðộng lực nào trong tâm khiến lũ thiếu niên làm như thế?. “Chúng tôi cứ làm như thế, không có lý luận”.

Ðoạn văn kế tiếp làm cho người đọc khó hiểu: “Tuy vậy, đó không phải cái tội riêng một mình tôi. Bấy giờ bọn thiếu niên chúng tôi hầu như đứa nào cũng làm như thế được cả. Nếu ngày nay tôi phải tự kiểm thảo, thì lũ thiếu niên ấy, bạc đầu rồi, cũng phải tự kiểm thảo như tôi”.

Xem thêm: Nhớ lần gặp nhà văn Mai Thảo ở Quy Nhơn

Tại sao hất đổ những bình vôi vô dụng lại mang tội? Mang tội với ai? Ai có quyền kết tội? Mà kiểm thảo là cái gì? Kiểm thảo trước mặt ai? Lũ thiếu niên cùng thời với cụ hồi 1905 tới nay -1956- đều đã già rồi cũng phải bị kiểm thảo, họ là những ai?

Ðể có cái nhìn sơ khởi về ông bình vôi, xin đọc trước hết những câu thơ của Lê Ðạt. Những câu thơ này được trích từ một bài thơ đăng trong Giai Phẩm Mùa Xuân tháng 1-1956: Ông Bình Vôi

Tôi mới hai mươi lăm tuổi

Chung quanh tôi bao cuộc đời mệt mỏi

Thất bại cúi đầu

Công thức xỏ dây vào mũi

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

Y như một cái bình vôi

Càng sống càng tồi

Càng sống càng bé lại

    (trích Thụy Khuê)

Ông Bình Vôi chỉ hai hạng người :

– Thứ nhất là những văn thi sĩ tiền chiến vốn đầy cảm xúc sáng tạo bây giờ đã xơ cứng tình cảm nhân bản (lòng nó đã đặc), ngậm miệng làm quan văn nghệ viết khẩu hiệu ( miệng nó bít lại, ngồi cú rũ trên tường thành như những pho tượng…). Họ đã trở thành những “Con Ngựa Già của Chúa Trịnh” như nhà văn Phùng Cung mô tả  trong truyện ngắn đăng trong Nhân Văn số 4 ( ra ngày mùng 5 tháng 11 năm 1956).

Như thi sĩ của tình yêu lãng mạn ngày xưa, Xuân Diệu (1916-1985) đã trở thành một tên phường tuồng hò hét cổ vũ cho thảm kịch Cải Cách Ruộng Ðất:

Thắp đuốc cho sáng khắp đường

Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay

Lôi cổ bọn nó ra đây

Bắt quỳ gục xuống, đọa đày chết thôi

(xem Hoàng Văn Chí-sđd )

Thi nhân trở thành sát nhân như Tố Hữu:

Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ

Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong

Cho đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng

Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít ta lin… bất diệt

(xem Hoàng Văn Chí-sđd )

Thi sĩ không còn là hoàng tử của chữ nghĩa quê hương dân tộc mà trở thành kẻ cuồng tín mù lòa thờ những bạo chúa ngoại tộc.

– Thứ hai là những lãnh tụ gọi là cách mạng. Họ đã trở thành những bù nhìn nhận chỉ thị từ những thế lực ngoại bang. Khuôn mẫu xô viết, phong trào tam phản, cải cách ruộng đất từ đâu mà có? Trong bối cảnh xã hội như vậy, nhà thơ Lê Ðạt đã phải chấp nhận thái độ sống “Khôn ngoan không dám làm người”.

Xem thêm: Một vài khuôn mặt văn chương

Trong truyện kể, Phan Khôi có nói tới những người thời trẻ đã cùng mình đứng lên đập đổ những ông bình vôi. Vậy những nhân vật đương thời với cụ Phan Khôi là ai?

Năm 1905, cụ Phan 18 tuổi; năm 1906 đỗ tú tài Hán học. Nhưng từ đó trở đi chàng trai trẻ Phan Khôi từ bỏ Hán học mà quay sang học Quốc ngữ và Pháp ngữ. Có thể từ hồi đó chàng đã thấy cái học khoa cử từ chương của Hán học là vô dụng trước tình hình đất nước. Có thể chàng đã coi những cậu tú, cậu cử, những ông nghè ông cống, những ông quan trong triều đình nhà Nguyễn là những Ông Bình Vôi. Dân trí thì thấp, sùng bái họ. Ðúng là chàng trai Phan  Khôi và bằng hữu tỉnh thức đương thời muốn đập bỏ những bình vôi đó, tức là theo tư tưởng dẹp bỏ nền quân chủ, muốn mở mang dân trí về hướng dân chủ phương Tây. Vì thế chàng Phan mới bỏ quan trường mà lao vào nghiệp làm báo. Trong những năm từ 1904 đến 1909, Phong trào Ðông Du do nhà cách mạng Phan Bội Châu đề xướng khắp nước, cũng như Phong trào Duy Tân do nhà cách mạng Phan Châu Trinh phát động ở Trung kỳ đã tác động rất mạnh đến tâm hồn những chàng trai thế hệ Phan Khôi. Ðập bỏ những bình vôi vô dụng có ý nghĩa tượng trưng là thanh niên Việt Nam phải mạnh dạn bỏ cái học từ chương để tiếp nhận khoa học kỹ thuật tân tiến mà nước Nhật là gương sáng. Việc chọn hướng đi cho mình với lý tưởng đưa đất nước thoát vòng phong kiến thực dân đâu có phải là một tội mà phải xưng tội, phải tự kiểm thảo? Lòng yêu nước thương nòi vốn là hồn dân tộc nằm sâu trong mọi tầng lớp dân gian, không cần ai phải giảng dạy mới có. Cái gọi là chủ nghĩa yêu nước chỉ là một lý thuyết đến sau.

Như vậy đã rõ: Thời thanh niên, chàng trai trẻ Phan Khôi đập bỏ những bình vôi hủ nho; thời lão niên, cụ Phan đập những bình vôi hủ mác-xít. Ðó là ý nghĩa truyện Ông Bình Vôi nổi tiếng một thời.

NGUYỄN & BẠN HỮU

theo Đào Ngọc Phong

- Nguyễn & Bạn Hữu- Nguyễn & Bạn Hữu

Từ khóa » Câu Chuyện Về ông Bình Vôi