Truyền Thống Hải Thương Của Việt Nam - Từ Thực Tế Lịch Sử đến Thực ...
Có thể bạn quan tâm
Là một quốc gia ven biển, vừa gắn liền với lục địa, vừa thông rộng với đại dương, Việt Nam đã sớm có tư duy hướng biển. Những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, từ rất sớm, người Việt đã hết sức quan tâm khai thác kinh tế biển, phát triển hải thương.
Trong tiến trình lịch sử dân tộc, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong tâm thức của người Việt1, quê hương, đất nước luôn bao hàm khái niệm “Nước”2. Nước không chỉ là nguồn gốc của sự sống mà còn là cảm thức của người Việt về cội nguồn. “Hồn nước” linh thiêng, là tâm thức cố kết, dẫn dắt sự kết tụ cộng đồng. Nhà Việt Nam học nổi tiếng Keith W.Taylor đã phát hiện ra đặc tính này và từng đưa ra nhận xét: “Ý tưởng về một thủy thần từng là ngọn nguồn của quyền lực chính trị và tính chính thống, đã góp phần tạo dựng cơ sở cho sự hình thành dân tộc Việt Nam vào thời tiền sử, chính là chỉ dẫn sớm nhất về ý niệm của người Việt như một dân tộc riêng biệt và tự ý thức được mình...”3. Từ các huyền thoại, truyền thuyết và tập tính trên, chúng ta thấy: Thứ nhất, hầu hết các địa danh cổ, thậm chí những tên gọi hiện nay đều gắn với yếu tố sông nước, với hồn biển. Địa bàn cư trú của người Việt cổ chằng chịt với những ao, hồ, đầm lầy... Thứ hai, là chiến địa của những trận hải chiến, gắn liền (và phản ánh) quá trình đấu tranh, khai phá hết sức bền bỉ, gian khổ của tổ tiên ta thời lập quốc. Thứ ba, đường biển và vùng duyên hải cũng là sự lựa chọn của những dòng thiên di để hình thành nên những cụm cư trú trên đảo và ven biển. Do đặc tính mở, biến đổi và năng động, biển cả là môi trường sống, mạch nguồn giao lưu kinh tế - văn hóa và cư dân ven biển thường xuyên phải đương đầu với những thách thức chính trị, quân sự đồng thời chính họ cũng thể hiện năng lực thích ứng, đối ứng sớm và cao nhất với môi trường văn hóa bên ngoài4. Thực tiễn nghiên cứu trước nay cho thấy, khác với các quan điểm sử học truyền thống vốn có xu hướng hạ thấp vị trí của Việt Nam trong hệ thống hải thương khu vực thời kỳ cổ, trung đại, những nghiên cứu gần đây đã cho thấy vị trí quan trọng của Việt Nam trong các tuyến hải thương khu vực và chuỗi phân phối giá trị hàng hóa khu vực và thế giới. Trong công trình nghiên cứu nổi tiếng của mình5, ở thời kỳ hải thương sớm, tác giả Wang Gungwu là người sớm mô tả khá đầy đủ về những hoạt động hàng hải trước nhà Tống (thế kỷ X), về vai trò thương mại của người Việt trong việc tiếp tục chi phối con đường biển các nước Đông Nam Á và Ấn Độ như đã từng nắm giữ trước kia. Về các thương cảng, tác giả cũng cho rằng từ thời cổ xưa cho đến đời Tống, cảng sầm uất hàng đầu vùng Đông Á và Đông Nam Á đều ở miền Bắc với vai trò của Long Biên với vùng hậu cảng trù phú. Các nguồn sử liệu Hán văn giai đoạn sớm đồng thời cho thấy dưới thời kỳ Bắc thuộc, Giao Chỉ trong một thời gian dài đóng vai trò như một trung tâm điều phối của nền hải thương Trung Quốc ở khu vực Biển Đông; lỵ sở Long Biên từng là trung tâm của các hoạt động giao lưu thương mại, nơi đón tiếp các phái đoàn thương nhân nước ngoài đến buôn bán với Trung Quốc. Những tài liệu này khẳng định sự tồn tại của một tuyến buôn bán thường xuyên kết nối Quảng Châu với các trung tâm buôn bán trong khu vực tây bắc vịnh Bắc Bộ6. Hai cảng Hợp Phố và Tư Văn, nơi nghề đánh bắt và buôn bán ngọc trai đã rất phát triển, được ghi nhận là điểm xuất phát của người Trung Quốc đi buôn bán ven bờ xuống phía nam. Không lâu sau đó, hai thương cảng này đánh mất dần vị trí trung tâm điều phối của mình và thương nhân phương Nam thường xuyên ghé vào vùng hạ châu thổ sông Hồng. Đại Việt thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XIV) cũng đã chủ động dự nhập mạnh mẽ vào hệ thống thương mại khu vực. Vân Đồn trở thành một thương cảng quan trọng, một đầu mối tập kết hàng hóa từ các trung tâm sản xuất, làng nghề thủ công để đưa ra trao đổi, buôn bán với thị trường nước ngoài, đồng thời đón nhận nguồn hàng hóa từ bên ngoài vào thị trường nội địa. Thương cảng Vân Đồn trở thành cầu nối, trục kinh tế chủ đạo giữa trung tâm kinh tế đối ngoại vùng hải đảo với Kinh đô Thăng Long, một trong những cửa ngõ trọng yếu vươn ra thế giới của Đại Việt. Sứ mệnh đó của Vân Đồn và một số cảng thị vùng Thanh - Nghệ Tĩnh, về cơ bản chỉ được thay thế khi hệ thống thương mại châu Á có sự thay đổi và trung tâm kinh tế đối ngoại chuyển dịch vào sâu hơn trong nội địa với sự xuất hiện của hệ thống cảng sông như Domea, Phố Hiến, Thanh Hà, Hội An... Tiềm năng kinh tế, chính trị, văn hóa trong nước luôn gắn với hoạt động giao thương quốc tế là thế mạnh, sức sống của Đại Việt. Viết về thời Lê Sơ (1428 - 1527), nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chính quyền nhà Lê mà tiêu biểu là Lê Thánh Tông, do theo đuổi tư tưởng trọng nông và tôn vinh Nho giáo, đã thực thi nhiều biện pháp nhằm hạn chế hoạt động của các ngành kinh tế phi nông nghiệp. Thực ra, trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, là một thể chế chính trị mạnh, tập quyền cao, chính quyền trung ương cũng rất coi trọng vấn đề kinh tế công - thương và có nhiều chính sách nhằm bảo đảm cho các ngành kinh tế này phát triển. Về chiến lược, nhà Lê vừa mở mang bờ cõi vừa muốn thâu tóm, nắm độc quyền quản lý nhiều hoạt động kinh tế của đất nước. Trước áp lực mạnh mẽ của chính quyền phong kiến phương Bắc, lại phải thường xuyên đối phó với tình trạng gây hấn của các quốc gia láng giềng ở phía Tây - Nam, nên chính sách kinh tế của chính quyền Lê Sơ luôn gắn liền việc bảo vệ an ninh, sự toàn vẹn lãnh thổ với việc thực thi nhiều biện pháp để bảo vệ chủ quyền kinh tế của đất nước. Các nguồn sử liệu cho thấy, bên cạnh chính sách trọng nông, chính quyền Đại Việt cũng rất chú tâm đến việc củng cố, thiết lập các mối bang giao quốc tế và phát huy vai trò của các ngành kinh tế công - thương nghiệp nhằm bảo đảm nhu cầu, nhịp sống cân bằng và ổn định thường xuyên cho một đất nước đang ở vào giai đoạn phát triển cường thịnh. “Đó là một chính sách phù hợp với quảng đại quần chúng nhân dân, đảm bảo chức năng kinh tế riêng cả về lĩnh vực buôn bán cũng như nông nghiệp. Về cơ bản, có thể suy luận rằng nhà nước quan liêu ổn định và thịnh vượng của Đại Việt trong thế kỷ XV đã kích thích và hậu thuẫn cho sản xuất thủ công nghiệp và hệ thống thương mại như một bộ phận của mạng lưới Giao Chỉ Dương... Chừng nào cấu trúc quan liêu còn vận hành trơn tru, tôi đồ rằng chừng đó cả nội thương và ngoại thương còn tiếp tục phát triển”7. Như vậy, sau khi khôi phục được quốc thống vào thế kỷ X, các bộ sử đều ghi nhận những hoạt động hải thương tích cực của quốc gia Đại Việt thông qua các thương cảng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ... Và cùng với các cảng biển, hoạt động qua hệ thống trao đổi đường sông và đường biên (biên giới) đã diễn ra liên tục qua các thời kỳ Lý - Trần - Lê Sơ. Mặc dù đề cao kinh tế nông nghiệp nhưng chính quyền Lê Sơ vẫn rất coi trọng vai trò của kinh tế công - thương, trong đó có ngoại thương. Lực hút và sức mạnh của kinh tế tiền tệ vẫn ngầm chảy và phần nào đã phá bỏ những rào cản, định chế của thể chế quân chủ quan liêu Lê Sơ để rồi đến thời Mạc (1527 - 1592) và thời Lê Trung Hưng (1583 - 1788), kinh tế Đại Việt trong đó có hoạt động ngoại thương đã có sự phát triển trội vượt, hội nhập tương đối mau chóng với môi trường chung và sự hưng khởi của kinh tế khu vực, thế giới. Trên cơ sở tiềm lực kinh tế trong nước, kinh tế đối ngoại của quốc gia Đại Việt đã góp phần tạo nên một thời kỳ phát triển huy hoàng của kỷ nguyên Đại thương (Great Age of Commerce) châu Á thế kỷ XVI - XVII. Dựa vào tiềm năng và truyền thống vốn có, sự tham gia một cách tích cực của người Việt vào nền thương mại khu vực đã thúc đẩy sự hưng thịnh của nhiều ngành kinh tế trong nước, tạo dựng vị thế đáng kể của Đại Việt trong các mối quan hệ quốc tế. Khác với cái nhìn từ biển (view from the sea)8, viết về giai đoạn đầu Nguyễn (thời vua Gia Long, Minh Mạng), các nhà nghiên cứu thường phê phán chính sách hạn chế ngoại thương, “bế quan tỏa cảng” sai lầm của họ Nguyễn hay hoài nghi khả năng hải thương mà thay vào đó chỉ là sức mạnh thủy quân mà thôi. Cũng chính giới nghiên cứu quốc tế lại sớm chỉ ra vị thế cường quốc hàng hải và khả năng hoạt động thương mại chủ động của nhà Nguyễn trong khu vực. Với việc tiếp tục quan tâm tới thành lũy, duy trì sức mạnh hải thuyền, nghiên cứu cho thấy các vị hoàng đế triều Nguyễn đã tỏ rõ một sự quan tâm thường trực đến việc thụ đắc kỹ thuật châu Âu. Hơn nữa, nhà Nguyễn đã tiến hành cải tiến kỹ thuật và đã sớm thích ứng các sự cải tiến này, bất luận là cho việc tu bổ các thành lũy hay để sửa sang đội hải thuyền. Các nhân chứng phương Tây có mặt ở Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX đánh giá cao sức sáng tạo của người Việt trên cơ sở du nhập kỹ thuật châu Âu trước đây. Không chỉ các kỹ thuật ngoại quốc đã không bị khước từ, mà trong thực tế chúng đã được chấp nhận một cách rộng rãi ở Việt Nam đương thời (ít nhất là nửa đầu thế kỷ XIX). Thực tế là, các vua nhà Nguyễn đều nhận thức rất rõ về mối đe dọa của phương Tây nên đã cố gắng loại bỏ các ảnh hưởng chính trị của họ. Tuy vậy, họ Nguyễn cũng rất cởi mở đối với các khía cạnh khác của thế giới bên ngoài, cố gắng duy trì sự độc lập của mình trong một thế giới Á châu đang biến động trước sự bành trướng của Âu châu hơn là nghiêng về việc bế quan tỏa cảng đối với thế giới bên ngoài. “Sự chấp nhận và thích ứng không ngừng các kỹ thuật của châu Âu cung cấp bằng chứng rõ rệt cho sự kiện này”9. Từ ý nghĩa đó, hoạt động đối ngoại trên thực tế vẫn được duy trì trong nửa sau thế kỷ XIX, triều đình phong kiến đã tìm cách thực thi những phương cách, “bền bỉ tham khảo phương án cải cách của Nguyễn Trường Tộ”10 để hòng phú quốc, cường binh. Tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn chế trong lịch sử hải thương nói chung của Việt Nam, có thể nêu ra một vài dẫn chứng, chẳng hạn như do đặc tính tiểu nông, tâm lý tự thỏa mãn với môi trường sống dưới những ảnh hưởng của đạo đức; định chế, ý thức hệ Nho giáo cũng là nguyên nhân chính yếu kiềm tỏa sức phát triển của các ngành kinh tế phi nông nghiệp, đồng thời hạn chế năng lực sản xuất các nguồn thương phẩm có giá trị cao trên thương trường quốc tế. Bên cạnh đó, việc chưa có sự xuất hiện của các thành thị tự do cũng khiến cho ngoại thương Việt Nam thiếu những phát triển mạnh mẽ, vượt trội và có thể tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội... Dưới góc độ tư tưởng kinh tế, dường như chúng ta cũng chưa thực sự có được những tư duy, triết lý sâu sắc và hệ thống về nghề nghiệp, về lý tưởng, đạo đức của nghề buôn hay “Thương đạo” như ở Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy nhiên, theo chúng tôi, lý do lớn nhất có thể là do liên tục phải chịu áp lực chính trị từ phương Bắc và tình trạng mất an ninh từ phương Nam nên các triều đại phong kiến Việt Nam đều phải thực thi nhiều biện pháp chặt chẽ nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh kinh tế đối ngoại và nền kinh tế trong nước. Hệ quả là, các bộ sử Việt Nam được biên soạn dưới sự chi phối mạnh mẽ của tư tưởng ức thương, trọng nông. Từ những lý giải trên, rõ ràng trong thực tiễn nghiên cứu hiện nay cần thiết phải có sự nhận thức lại, bóc tách các sự kiện đã bị che lấp nhằm làm rõ hơn diện mạo chân thực về lịch sử thương mại của người Việt. Một quá khứ hải thương khác cần được diễn giải mới, nhất là sự tích hợp của nhiều truyền thống thương mại. Điều này gắn liền với quá trình khai phá, bảo vệ quyền và lợi ích kinh tế, từ đó xác lập chủ quyền và thực thi chủ quyền lãnh thổ trong lịch sử. Nếu chỉ là truyền thống “nội vực”, “lục địa”, hay “cận duyên” thì không thể hình dung được biết bao thế hệ đã nỗ lực bảo vệ chủ quyền, khai thác kinh tế biển, đảo xa xôi của dân tộc ta. Để hợp thành truyền thống đó hẳn phải là sự kết tụ, hợp luyện từ chính quá khứ hào hùng, từ sức mạnh dân tộc, giá trị khu vực và thời đại. Đó chính là giá trị được tích hợp và nâng lên tầm cao của bao thế hệ cùng sẻ chia, chung sức vun đắp trên dải đất Việt Nam.
TS. Nguyễn Mạnh Dũng Trường Đại học KH-XH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội Nguồn: Nhịp cầu Tri thức
**********
1. Khái niệm “người Việt” được hiểu theo nghĩa rộng, chỉ một cộng đồng quốc gia đa dân tộc, thống nhất; biểu đạt quá trình hòa nhập của các dân tộc anh em và không ngừng mở rộng theo thời gian. 2. Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Mạnh Dũng: Truyền thống và hoạt động thương mại của người Việt - Thực tế lịch sử và nhận thức, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 8 (376) và số 9 (377), 2007. 3. Keith Weller Taylor: The Birth of Vietnam, University of California Press, 1983, p.7. 4. Nguyễn Văn Kim: Từ huyền thoại về biển đến cơ tầng văn hóa biển - Nhận thức về biển, đảo trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9 (425), 2011. 5, 6. Wang Gungwu: The Nanhai Trade - A Study of the Early History of the Chinese Trade in the South China Sea, Journal of the Malayan Branch Royal Asiatic Society, 1956. 7. John K.Whitmore: The Disappearance of Van-don: Trade and State in Fifteenth Century Dai Viet: A Changing Regime?. 8. Li Tana: “A View from the Sea: Perspective on the Northern and Central Vietnamese Coast”, Journal of Southeast Asia studies, 37 (1), 2006. 9. Xem Youn Dae-yeong: “Tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ và triều Nguyễn ở hậu bán thế kỷ XIX”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc trong lịch sử: Hậu Choson và triều Nguyễn Việt Nam: Thách thức, chuyển biến và các mối quan hệ khu vực, Hội thảo lần thứ ba, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23-11-2009, tr.81. 10. Quan điểm này đã được nghiên cứu kỹ trong F.Mantienne, “The Transfer of Western Military Technology to Vietnam in the Late Eighteenth and Early Nineteenth Centuries: The Case of the Nguyên”. Journal of Southeast Asia Studies, 34 (3), 2003, tr. 519-534. Li Tana, “Vietnam’s Overseas Trade in the 19th Century: The Singapore Connection”, paper presented at the International Conference on Vietnamese Studies, Hanoi, 1998...
Từ khóa » Chủ Trương Trọng Nông ức Thương
-
Chủ Nghĩa Trọng Nông – Wikipedia Tiếng Việt
-
Chủ Nghĩa Trọng Nông Là Gì? Phái Trọng Nông Và Thuyết Trọng Nông?
-
Trọng Nông ức Thương Là Gì - Hàng Hiệu Giá Tốt
-
Đại Việt Sử Quán - Nguyên Nhân Của Chính Sách “bế Quan Tỏa Cảng ...
-
Chính Sách Trọng Nông, ức Thương Của Nhà Nguyễn - LuTrader
-
Nhận Xét Chính Sách Kinh Tế Nhà Nguyễn? - Hoc247
-
Chính Sách Trọng Nông Và Một Vài Quan điểm Phê Bình Phái Trọng ...
-
Sự Ra đời Của Phái Trọng Nông Và Thuyết Trọng Nông - Luật Minh Khuê
-
Tin Tức đặc Biệt ấn Tượng Về Chủ đề Trọng Nông ức Thương - Reatimes
-
Về Tổng Thể Chính Sách Của Nhà Nguyễn Về Kinh Tế Là A. Trọng Nông ...
-
Ra Mắt Bộ Sách Sử đồ Sộ “Đại Nam Thực Lục” - Thành ủy TPHCM
-
Về Tổng Thể Chính Sách Của Nhà Nguyễn Về Kinh Tế Là
-
Chính Sách Trọng Nông ức Thương, Chủ Yếu Dưới Triều Nguyễn, Khiến ...
-
Từ Tư Tưởng đến Nếp Làm ăn Của Làng Xã Xưa