Truyền Tiểu Cầu Khi Nào? - Viện Huyết Học

Trước đây, chị Hoàng Thanh N. (công nhân ở Bắc Ninh) sức khỏe hoàn toàn bình thường. Đến tháng 7/2020, chị thường xuyên bị chảy máu chân răng và kinh nguyệt kéo dài. Chị đi khám và uống thuốc nhưng sau cả tháng không hết biểu hiện này. Bác sĩ cho đi viện làm xét nghiệm, kết quả cho thấy tiểu cầu giảm sâu. Chị phải nhập viện và truyền tiểu cầu gấp.

Vậy tiểu cầu có vai trò như thế nào mà khi thiếu có thể gây chảy máu chân răng, kinh nguyệt kéo dài? Nguyên nhân giảm tiểu cầu là gì? Khi nào cần truyền tiểu cầu? Mời các bạn theo dõi giải đáp của chuyên gia trong bài viết dưới đây.

Truyền tiểu cầu khi nào

Vai trò của tiểu cầu?

Máu là tổ chức lỏng, lưu thông trong hệ thống tuần hoàn của cơ thể. Máu gồm nhiều thành phần với các chức năng khác nhau và liên quan mật thiết đến chức năng sống của cơ thể. Máu gồm hai phần chính: các tế bào máu và huyết tương. Các tế bào máu bao gồm: hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

Trong đó, tiểu cầu là những mảnh tế bào rất nhỏ tham gia vào chức năng cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu. Ngoài ra, tiểu cầu còn làm cho thành mạch mềm mại, dẻo dai nhờ chức năng tiểu cầu làm “trẻ hóa” tế bào nội mạc. Đời sống của tiểu cầu khoảng 7 – 10 ngày. Cũng giống như hồng cầu và bạch cầu, tủy xương là nơi sinh ra tiểu cầu.

Nguyên nhân của tình trạng giảm tiểu cầu?

Chỉ số tiểu cầu bình thường trong 1 lít máu từ 150 – 450 Giga (Một G (Giga) tương đương 1 tỷ tế bào). Nếu tiểu cầu dưới 100 G/l được gọi là giảm tiểu cầu.

Các nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu là:

  • Giảm tiểu cầu ở máu ngoại vi do tiểu cầu bị tăng tiêu thụ và phá hủy ở máu ngoại vi. Với nhóm nguyên nhân này có các bệnh như giảm tiều cầu miễn dịch nguyên phát. Ngoài ra còn có các giảm tiểu cầu thứ phát khác sau nhiễm virus như: sốt xuất huyết, thủy đậu, zona; sau tiêm chủng hoặc các bệnh như xơ gan, rối loạn đông máu DIC, hoặc các bệnh tự miễn khác như lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Evans…

Sốt xuất huyết là một trong những bệnh rất phổ biến dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu. Nguyên nhân là do trong quá trình nhiễm virus, cơ thể sinh ra các kháng thể chống lại virus, vô tình các kháng thể đó phá hủy tiểu cầu qua cơ chế miễn dịch. Thứ hai, virus nhiễm có thể gây ức chế tủy gây giảm tiểu cầu tạm thời.

  • Tiểu cầu giảm sinh ra tại tủy xương có thể gặp trong những bệnh máu có tổn thương tủy như: rối loạn sinh tủy, suy tủy xương, ung thư máu hoặc các bệnh ung thư khác di căn đến tủy xương.

Mời xem thêm:

Hướng dẫn đặt lịch khám theo yêu cầu

Chi phí dịch vụ y tế theo yêu cầu

Triệu chứng, dấu hiệu chính của tình trạng giảm tiểu cầu

Chức năng cơ bản của tiểu cầu là tham gia quá trình cầm máu, đông máu nhằm bảo vệ cơ thể khỏi sự mất máu. Vì vậy, khi tiểu cầu giảm, triệu chứng, dấu hiệu chính là gây xuất huyết. Biểu hiện của xuất huyết rất đa dạng:

  • Xuất huyết dưới da: biểu hiện là các chấm, nốt nhỏ bầm tím hoặc các mảng bầm tím…;
  • Xuất huyết niêm mạc mắt, mũi, chảy máu răng miệng;
  • Xuất huyết tiêu hóa: biểu hiện là bệnh nhân tiểu ra máu, đi ngoài ra máu, nôn ra máu….
  • Ở phụ nữ có thể kinh nguyệt nhiều, kéo dài, băng kinh.
  • Triệu chứng nặng nhất của xuất huyết là xuất huyết não (bệnh nhân đau đầu, buồn nôn hoặc có các triệu chứng thần kinh khu trú).

Dấu hiệu thường gặp nhất là người bệnh là bị xuất hiện xuất huyết dưới da, niêm mạc, và lúc đó người bệnh cần đi khám, làm các xét nghiệm máu.

Khi nào cần truyền tiểu cầu?

Bác sĩ chỉ định khối tiểu cầu cần căn cứ vào số lượng tiểu cầu và tình trạng lâm sàng của bệnh nhân như:

  • Có tình trạng chảy máu đang diễn biến, mức độ chảy máu, vị trí chảy máu.
  • Loại bệnh đang mắc và mức độ đáp ứng với truyền tiểu cầu dự kiến.
  • Có nguy cơ chảy máu trong giai đoạn tiếp theo hay không (chuẩn bị can thiệp phẫu thuật/thủ thuật, chuẩn bị dùng thuốc gây giảm số lượng/chức năng tiểu cầu, thuốc ảnh hưởng đến đông cầm máu…).
  • Các dấu hiệu sinh tồn (ý thức, mạch, huyết áp…),
  • Yếu tố nguyên nhân của giảm tiểu cầu đã và đang giải quyết hay chưa, đã hay đang ở giai đoạn phục hồi…
  • Lợi ích so với nguy cơ của việc truyền khối tiểu cầu.

truyền tiểu cầu khi nào

Người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu cần truyền hàng chục đơn vị khối tiểu cầu trong quá trình mang thai và sinh con

Chỉ định truyền tiểu cầu theo từng tình huống và mức tiểu cầu (TC) tương ứng

Tình trạng lâm sàng Chỉ định truyền TC
Giảm số lượng TC –  Dự phòng nếu TC < 10 G/l dù không có yếu tố nguy cơ.

–  Dự phòng nếu TC < 20 G/l và kèm theo các yếu tố nguy cơ như sốt, chảy máu mức độ nhẹ.

–  Bệnh nhân mắc bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao, dù không có dấu hiệu chảy máu vẫn phải truyền dự phòng nếu TC < 20 G/l.

Có phẫu thuật/thủ thuật –  Duy trì mức TC ≥ 50 G/l nếu thực hiện các thủ thuật nhẹ ít xâm nhập.

–  Duy trì TC ≥ 100 G/l nếu thực hiện phẫu thuật nguy cơ chảy máu cao (mắt, thần kinh…).

Rối loạn chức năng TC –  Không chỉ định truyền KTC nếu bệnh nhân không có triệu chứng chảy máu.

–  Chỉ truyền KTC tùy vào tình trạng lâm sàng, mức độ chảy máu, mất máu. Duy trì TC > 100 G/l.

–  Ngừng truyền khi nguy cơ và triệu chứng ổn định.

Chảy máu –  Chỉ truyền TC khi xác định rõ việc giảm số lượng TC là yếu tố có liên quan trực tiếp hoặc có thể làm nặng tình trạng chảy máu, bất kể số lượng TC.
Chảy máu khối lượng lớn –  Có thể truyền KTC sớm ở mức số lượng TC < 75 G/l, duy trì TC tối thiểu 50 G/l.

–  Duy trì TC > 100 G/l nếu có chảy máu lớn, đa chấn thương hoặc chấn thương sọ não.

Truyền máu khối lượng lớn –  Bổ sung TC khi mức TC < 50 G/l sau khi truyền 2 lần thể tích cơ thể.

–  Kết hợp các kỹ thuật xét nghiệm đông máu toàn thể (ROTEM/TEG…) để xác định nhu cầu TC cần truyền theo động học.

ĐỊA ĐIỂM HIẾN MÁU – XÉT NGHIỆM:

1. Viện Huyết học – Truyền máu TW

  • Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
  • Thời gian hiến máu, hiến tiểu cầu: Tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày Lễ, Tết (Từ 8h00 – 20h00).
  • Thời gian khám bệnh:

Từ thứ 2- thứ 6: 6h30 – 17h00 (khám theo bảo hiểm y tế, khám thu phí và khám theo yêu cầu);

Thứ 7: 7h30 – 17h00 (khám theo yêu cầu).

HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ KHÁM THEO YÊU CẦU TẠI VIỆN:

Để xét nghiệm máu nhanh chóng, rút ngắn thời gian chờ đợi, bạn có thể đăng ký khám theo yêu cầu thông qua:

  • Tổng đài: 1900 96 96 70 
  • Website: vienhuyethoc.vn/

Mời xem thêm: Hướng dẫn đặt lịch khám và chi phí dịch vụ y tế theo yêu cầu

2. Các điểm hiến máu và xét nghiệm ngoại Viện: Từ thứ 2 – thứ 7: 8h00 – 12h00 và 13h30 – 17h00.

  • Số 26 Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Số 132 Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
  • Số 10, ngõ 122 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội.

NIHBT

Từ khóa » Tốc độ Truyền Khối Tiểu Cầu